545 E. Saint John St.
San Jose, CA 95112
USA

Tel: 408.998.0508

Fax: 408.993.0527


Email:

saigonusanews
@yahoo.com



HÌNH ẢNH ĐẶC BIỆT
VIỆT NAM

 

 

 

B Ì N H   L U Ậ N

Chế độ Củ Khoai
Tòa án Củ Khoai

NGÔ NHÂN DỤNG

Ngày 13 Tháng Mười Hai năm 1981, chính phủ cộng sản ở Ba Lan tuyên bố tình trạng thiết quân luật, đặt phong trào Công Ðoàn Ðoàn Kết ra ngoài vòng pháp luật để ngăn chặn không cho phát triển. Cuộc thí nghiệm cởi mở, đối thoại và tự do ở Ba Lan chấm dứt. Xe tăng kéo ra đầu đường với họng súng đe dọa. Báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình lại trở về lề thói làm việc cũ. Các bản tin không còn quan tâm đến những tin tức có thật nữa, những tin bất lợi bị bỏ qua, công tác thông tin chỉ nhằm mục đích tuyên truyền cho chế độ.

Người dân Ba Lan đã phản ứng như thế nào?

Ở nhiều làng nhỏ người dân bảo nhau cứ đúng 7 giờ 30 tối, là lúc bắt đầu bản tin chính trong ngày, mọi người khoác áo lạnh ra khỏi nhà. Những người nuôi chó thì dẫn chó đi dạo trong công viên giữa làng. Ðó là một phương pháp phản đối bằng im lặng: Chúng tôi không tin các ông, chúng tôi đòi được thông tin trung thực, khách quan.

Ở thành phố cảng Gdansk, nơi phát sinh phong trào Ðoàn Kết, người dân không những từ chối không coi tin tức trên ti vi, cứ đến giờ có bản tin là họ đem máy truyền hình đặt trên bệ cửa sổ, quay ra đường, và máy tắt ngấm, màn ảnh tối đen. Tất cả mọi nhà đều như vậy! Họ cũng gửi một thông điệp cho nhau, và cho đảng Cộng Sản Ba Lan: Chúng tôi không tin các ông. Chúng tôi đòi tự do thông tin, tự do ngôn luận! Và chúng tôi đoàn kết với nhau trong cuộc phản kháng tập thể này.

Trên đây là một hiện tượng hy hữu, độc nhất vô nhị, chỉ diễn ra ở Ba Lan, 8 năm trước khi chế độ cộng sản ở đó tự lùi bước, nhường lại chính quyền cho phe đối lập để tổ chức bầu cử tự do. Ở Việt Nam không thể diễn ra một phong trào phản kháng tập thể như vậy, ở Trung Quốc cũng không.

Nhưng chúng ta không thể kết luận rằng dân Ba Lan mới là một dân tộc anh hùng, dũng cảm, còn dân Việt Nam hoặc Trung Hoa không có ý thức tự do hoặc đều hèn yếu không dám tỏ ý muốn đòi tự do.

Ðiều khiến dân Ba Lan bỗng dưng đoàn kết với nhau trong phong trào phản đối kịch liệt dù trong im lặng, là vì họ đã trải qua một khoảng thời gian ngắn được thí nghiệm với lối sống tự do, lúc chính quyền cộng sản còn chịu thương thuyết với Công Ðoàn Ðoàn Kết. Trong thời gian đó, ngay giới truyền thông do nhà nước nuôi nấng và kiểm soát hộ khẩu cũng chứng tỏ đức can đảm của họ. Có những chương trình phát thanh như “60 phút mỗi giờ” mời các giới trí thức tới thảo luận, đặt những vấn đề thời sự sôi bỏng, với các ý kiến thẳng thắn. Sau ngày 13 Tháng Mười Hai 1981, chương trình đó im bặt. Nhưng một khi đã được nếm mùi tự do, người ta rất khó quên. Nhiều người sinh ghiền, muốn được tự do nghe, tự do nói nhiều hơn. Và người ta thường đòi hỏi thêm những quyền tự do khác: Tự do hội họp, tự do ứng cử và bỏ phiếu.

Các chế độ độc tài biết như vậy. Cho nên họ thường bóp nghẹt các phong trào đòi tự do ngay từ trong trứng nước. Thiên An Môn ngày 4 Tháng Sáu năm 1989 là một thí dụ. Những cuộc biểu tình của nông dân Việt Nam ở Thái Bình, ở Thọ Ðà, các vụ dân kéo tới ăn vạ ở Ba Ðình cũng bị dẹp tắt vừa bằng thương thuyết, mua chuộc, vừa bằng võ lực, đàn áp.

Ở nước ta hiện nay có một phong trào đòi dân chủ. Các nhà trí thức ở Hà Nội, Sài Gòn, Ðà Lạt, vân vân, lên tiếng đòi phải được bầu cử tự do, thông tin tự do, lập hội tự do, và ngay cả một cái quyền tự do đặc biệt là tự do “giúp đảng và nhà nước chống tham nhũng.” Khi những ông Trần Khuê và Phạm Quế Dương khởi xướng lập ra cái hội mang tên này, họ muốn thử thách chế độ về một quyền tự do cơ bản, là quyền tự do lập hội, tự do hội họp. Họ nêu lên một mục tiêu rất rõ ràng, minh bạch, lành mạnh và hữu ích cho quốc gia. Không những thế, họ còn tỏ ý muốn cộng tác, giúp đỡ đảng cầm quyền. Nhưng những người cầm quyền ở Việt Nam đã bất chấp bản hiến pháp của họ, trong đó các quyền tự do được đề cao. Không những cấm đoán người ta lập hội, chế độ cộng sản còn truy tố các ông Trần Khuê và Phạm Quế Dương ra tòa, lúc đầu vu cho tội gián điệp, rồi rút lại, kết tội “lợi dụng các quyền dân chủ tự do.” Kết án như vậy cũng không khác gì kết án những người dân đói khát ở Bắc Hàn cái tội ăn nhiều quá sinh bệnh mập phì!

Nhưng chế độ cộng sản đã mạnh tay với các ông Trần Khuê và Phạm Quế Dương, cũng như đối với Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn, Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ, Mục Sư Phạm Hồng Quang, vân vân. Vì họ không muốn ai được nếm thử một chút tự do nào! Coi chừng, “tự do” có một thứ vi trùng hay lây!

Bây giờ quý ông Trần Khuê và Phạm Quế Dương lại đặt chế độ cộng sản ở nước ta trước một thử thách mới. Họ đệ đơn kiện tờ báo của những người làm công tác tư tưởng, văn hóa của đảng Cộng Sản. Họ kiện cả cái ban tư tưởng, văn hóa về việc kết tội họ làm gián điệp, trước khi họ bị đưa ra tòa, mà khi ra tòa thì chính tòa án cũng không bỏ xét đến cái tội đó!

Phải biết Ban Tư Tưởng Văn Hóa là thành trì biểu tượng cho trình độ văn minh của chế độ. Muốn biết chế độ đạt tới trình độ nào, cứ coi Ban Tư Tưởng Văn Hóa hành xử ra sao. Trong thế giới loài người văn minh, những người chưa bị tòa kết án thì được coi là không có tội. Người làm báo ở các xứ văn minh cũng phải tôn trọng quy tắc đó. Người ta không được gọi tên “thủ phạm vụ đặt bom ở xe điện ngầm London,” mà luôn luôn gọi “người bị tình nghi đặt bom...” Cũng không nói đến “hung thủ ám sát hụt ông Xe đò Hoàng” mà phải gọi là “kẻ tình nghi ám sát hụt...” Ðó là dấu hiệu của trình độ văn minh, không cứ trình độ một người làm báo, mà trình độ văn minh của cả nghề truyền thông, cả xã hội chung quanh.

Còn ở Việt Nam, hai nhà trí thức chỉ xin lập hội giúp đảng và nhà nước chống tham nhũng, mà cũng bị Ban Tư Tưởng Văn Hóa bêu riếu cái tội làm gián điệp. Ðó là một tội có thể kết án tử hình. Không những thế, người bị ghép tội sẽ bị mọi người chung quanh chê cười, khinh bỉ. Nếu văn minh thì khi tòa án chưa tuyên bố, không được ghép ai vào cái tội đó. Nếu Ban Tư Tưởng Văn Hóa của một đảng cầm quyền không biết tới cái quy tắc sơ đẳng về luật pháp văn minh này, thì nó cũng phô bày luôn cái khuôn mặt của cả chế độ. Cho nên nộp đơn kiện là một cách vạch rõ trình độ văn minh của những kẻ cầm quyền, xem họ làm đẹp hay chỉ làm xấu mặt của cả dân tộc.

Nhiều người sẽ nói đây là một vụ “kiện củ khoai.” Cái kiến mày kiện củ khoai, kiện vô ích, sẽ chẳng đi đến đâu cả.

Nhưng khi cái củ khoai đó lại là cả một cái đảng cầm quyền, nắm toàn quyền sinh sát trên 80 triệu con người Việt Nam, thì dù mình là thân phận con ong cái kiến, cũng nên đi kiện. Kiện, không cốt để thắng và được bồi thường, mà cốt để đặt một câu hỏi mới trước mặt cả cái Ðảng Củ Khoai và đồng bào trong nước. Câu hỏi là: Nền tư pháp của chế độ các ông các bà nó như thế nào, hãy phơi bày hết coi! Nếu đây là một tòa án văn minh, thì hệ thống tư pháp sẽ phải thụ lý, sẽ điều tra, sẽ đem ra xử, gọi nhân chứng, có luật sư hai bên tự do biện hộ, và xử theo pháp luật. Ngược lại, một chế độ củ khoai sẽ chỉ có những tòa án củ khoai, hệ thống tư pháp củ khoai sẽ ỉm đi không xét tới đơn kiện của hai nhà trí thức.

Hai ông Trần Khuê và Phạm Quế Dương chứng tỏ đức can đảm không thua những người dân Ba Lan phản kháng chế độ bóp nghẹt tự do. Các ông đã thử thách chế độ coi họ có tôn trọng quyền tự do lập hội hay không. Cũng thử thách coi chế độ có thực tâm chống tham nhũng hay không. Bây giờ hai cụ già trên 70 tuổi này lại tự đem thân làm vật thí nghiệm, coi cái hệ thống luật pháp và tòa án của chế độ ra sao, sau 20 năm “đổi mới.”

Một thước đo của trình độ văn minh một chế độ là cách nó đối xử với người dân bị trị. Người cầm quyền một nước văn minh có lòng tôn trọng người dân, ít nhất, coi mỗi người dân đều có phẩm giá, mỗi người đều có những quyền tự do tối thiểu. Còn một chế độ củ khoai thì cũng coi những người dân bị trị như những con củ khoai, không có giá trị nào cả. Không những họ đối xử như vậy với người dân trong nước, mà ngay cả khi người dân ra khỏi nước, cũng không thay đổi. Hãy coi thí dụ các người Việt sống ở Ðài Loan.

Chế độ này ở Việt Nam đang hội thảo về thành tích 20 năm đổi mới kinh tế. Một thành tích rõ rệt nhất là nhờ Ðảng Củ Khoai đổi mới cho nên mới có hàng trăm ngàn phụ nữ Việt Nam được xuất khẩu đi làm vợ người ta ở Ðài Loan, ở Trung Quốc, Hàn Quốc, và cả bên Cam Bốt nữa.

Gần đây có vụ những phụ nữ Việt Nam bị bán sang Ðài Loan đã bị cưỡng hiếp tàn bạo. Khi một tổ chức thiện nguyện của người Việt Nam sống ở Ðài Loan tìm cách cứu giúp các phụ nữ này, thì họ bị các người đại diện của chế độ củ khoai ngăn cản một cách công khai. Trong khi các nạn nhân được giúp đỡ mời các nhà báo địa phương tới nghe thảm cảnh của họ, thì tòa đại diện của chế độ củ khoai cũng họp báo phản lại. Họ chỉ họp báo để tuyên bố rằng tổ chức từ thiện trên không có quyền đại diện cho những nạn nhân, vì các nạn nhân này là do đảng và nhà nước làm môi giới bán đi để thâu thuế thì cũng phải do đảng và nhà nước đó độc quyền quản lý! Nhưng chính quyền Ðài Loan cũng như báo giới ở đó đã đạt tới một trình độ văn minh hơn. Họ bác bỏ luận điệu trên, vì họ công nhận con người dù quốc tịch nào, dù cư trú ở đâu, cũng có quyền cứu giúp nhau trong cơn hoạn nạn! Cả cái văn phòng đại diện của chế độ đã phơi bày cái trình độ hiểu biết về nhân quyền và nhân phẩm ở mức độ man di đáng xấu hổ.

Trong khi đó, các nhà báo ở Việt Nam đã tìm được các nguồn tin để viết, trình bày tình trạng đau khổ của các cô dâu bị đem bán sang xứ người. Các bài báo đã gây xúc động lớn, nhưng quan trọng nhất là giúp cảnh báo các cô dâu tương lai, khi tính cuộc vuông tròn với chàng rể nước ngoài cũng phải dò cho tới ngọn nguồn lạch sông! Bỗng dưng, các bài phóng sự bị ngưng, không còn các chi tiết xác thực và đầy đủ nữa. Một người làm báo ở Sài Gòn đã thành thật tiết lộ: Cả những nguồn tin của tờ báo, các người Việt đang sống ở Ðài Loan cũng bị cấm đoán! Các công nhân xuất khẩu lao động hay các sinh viên đều bị đe dọa sẽ bị báo cáo về trong nước, nếu cung cấp các tin tức đầy đủ về thảm cảnh của các “cô dâu” cho các báo trong nước! Cánh tay nối dài của chế độ củ khoai đã bịt mồm bịt miệng ngay cả những nguồn tin là đồng bào đang sống ở tận Ðài Loan! Phải bịt mồm bịt miệng người ta, vì chế độ cần bảo vệ các thành tích 20 năm đổi mới kinh tế, trong đó có thành tích xuất khẩu lao động và xuất cảng cô dâu! Trên hết, họ sợ mất mối làm ăn sinh lợi trong nghề xuất cảng cô dâu đi xứ người. Mất mối lợi đó có thể làm cho các chỉ số kinh tế bị giảm sụt, thành tích sẽ xấu đi!

Khi một chế độ đối xử với những đồng bào, đồng chủng của mình như vậy, người ta có thể im lặng mãi hay không? Im lặng là mặc nhiên công nhận cách ăn ở tàn tệ giữa người với người như vậy là bình thường! Là coi chuyện một chế độ buôn bán người phụ nữ để ăn huê hồng là chuyện bình thường! Coi chuyện độc quyền quản lý thân xác đồng bào, danh dự đồng bào, ngay khi họ sống ở ngoại quốc, và không cho đồng bào được tự do cứu giúp nhau, cũng là chuyện bình thường!

Nhưng người Việt Nam không coi đó là chuyện bình thường. Tổ tiên chúng ta coi lối hành xử đó là một điều nhục nhã. Khi các công nhân xuất khẩu của nước ta bị đối xử tàn ác ở Samoa, tất cả các tổ chức và những tờ báo của người Việt ở nước ngoài đều xúm lại bênh vực và cứu giúp họ. Ðó mới là cách cư xử bình thường của người Việt Nam với nhau!

Cho nên chúng ta cũng không thể làm ngơ trước những cố gắng của các ông Trần Khuê và Phạm Quế Dương, khi quý ông đứng ra kiện vụ tờ báo mạ lỵ, phỉ báng danh dự họ. Dù vụ kiện của họ không đưa tới kết quả nào, đây cũng là một hành động để phơi bày trình độ văn minh của một chế độ củ khoai, với hệ thống tư pháp củ khoai của họ.

Ngô Nhân Dụng (29-07-2005)

SaigonUSA hoan nghênh ý kiến đóng góp của qúy vị độc giả. Xin type vào Comment Box ở dưới đây và nhấn vào nút "Submit" để gởi đi:

TÊN, HỌ / NAME:  
 E M A I L:  

Ý KIẾN /  COMMENT:  

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ:
- ngoc dang:
(Saturday, July 30, 2005 at 15:38:29)
Hoan ho bai "Che do cu khoai" cua ong Ngo Nhan Dung. Toi rat dong y voi ly luan "...du la con sau con kien van cu nen can dam ma di kien cu khoai. du la biet rang co the khong thang duoc kien boi cai che do cu khoai va luat phap cu khoai". Nhung it ra cung tao ra duoc mot tien le su dung cai quyen "tu do cua con nguoi, du rang con nguoi dang bi ap dat duoi cai che do doc tai cua mot che do cu khoai. Dieu dang ke la cai nguoi di "tien phong" ay co dam lam hay khong? Xin cam on Ngo tien sing va nhung bai viet hay cua ong.
Duong nhien la chung ta phai yem tro nhung thai do can truong cua cac vi dang tao ra luong song 'Dan Chu" o trong nuoc. Neu tat ca moi nguoi da biet ro cai che do cu khoai va cai luat phap cu khoai roi thi khong ai con phai "so" no nua, du la than "cai kien" cung dam di kien cu khoai. Huong ho nguoi dan Viet Nam voi su can truong "Truyen Thong" san co tu may ngan nam, chang le cu de cho che do cu khoai ay de bep ca may chuc trieu nguoi sao.
Xin nghieng dau nguong mo cac vi nhan si o trong nuoc dang dung day dong loat de lam cong viec cua dan kien Dan Chu va dang bat cai che do cu khoai ay phai tu thu nhan cai luat phap cu khoai truoc quoc dan dong bao. Do la "Ban Sac truyen thong cua nhung nguoi dan khong cong san" da co duoc co hoi lay lai ban sac cua minh. Khong de cho ai muon ban thi ban, muon bat thi bat, muon giet thi giet.
Chuc Ngo tien sinh nhieu suc khoe de ho tro cuoc "Dau Tranh" cua dong bao trong nuoc bang ngoi but va ly luan sac ben cua tien sinh. Nguoi xa su.


RETURN TO FRONT PAGE


 

 





Copyright © 1997-2005  SaigonUSA News. All rights reserved.