|
T I N Q U Ố C T Ế
“Quyết
Nghị về tình trạng Nhân quyền tại ba nước Cam Bốt, Lào và Việt Nam”
vừa được toàn thể 730 vị Dân biểu đồng thanh thông qua sáng hôm nay, thứ
năm 1.12.2005, vào lúc 11 giờ 30 trưa tại trụ sở Quốc hội Châu Âu ở thủ
đô Brussels, Vương quốc Bỉ. Quốc hội Châu Âu bao gồm 25 quốc gia thành
viên thuộc Ðông Âu, Tây Âu và Bắc Âu.
Trên phạm vi Việt Nam, Quyết Nghị tố cáo nhà cầm quyền Hà Nội đàn áp tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí và yêu sách CHXHCNVN thực thi chế độ Ða đảng, chấm dứt 30 năm đàn áp GHPGVNTN và phục hồi quyền sinh hoạt cho Gíao hội, Pháp luật Việt Nam phải tuân thủ Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, và Quyền tự do xuất bản báo chí tư nhân. Ông Võ Văn Ái đã bình luận với báo chí tin này ngay sau khi Quốc hội Châu Âu vừa thông qua Quyết Nghị : "Ý nghĩa thật sâu xa khi Quốc hội Châu Âu thông qua Quyết Nghị sáng nay về tình trạng Nhân quyền tại ba nước Cam Bốt, Lào và Việt Nam. 30 năm trước, khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, thì cũng mở đầu một thời đại khủng bố và đàn áp tại ba nước chúng tôi. 30 năm sau, nhân dân chúng tôi vẫn không được hưởng những quyền tự do cơ bản. "Chúng tôi thực sự phấn khởi trước lập trường cứng rắn của Quốc hội Châu Âu bênh vực cho quyền tự do ngôn luận và tự do tôn giáo. Ðây là một nghĩa cử tuyệt hảo hậu thuẫn nhân dân Việt Nam đang bị chà đạp và đàn áp chỉ vì đòi hỏi chính đáng những quyền tự do cơ bản và dân chủ hóa Việt Nam. CHXHCNVN không thể nào còn làm ngơ trước tín hiệu mạnh mẽ đến từ Quốc hội Châu Âu, là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam. "CHXHCNVN cần phải đáp ứng tín hiệu ấy để khởi động công cuộc cải cách chính trị, mở đầu bằng hủy bỏ điều 4 trên Hiến pháp nhằm thực hiện chế độ dân chủ đa nguyên như Quốc hội Châu Âu yêu sách, nhờ vậy mới có thể thực hiện đích thực cuộc hòa giải dân tộc để cho tất cả các gia đình chính trị và tôn giáo có quyền bình đẳng và đồng đẳng tham gia tái thiết đất nước. Ðồng thời, phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và các Giáo hội hiện chưa được thừa nhận, như yêu sách của Quốc hội Châu Âu". Do sự vận động của Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam và Diễn đàn Dân chủ Á châu, Quốc hội Châu Âu đã đồng ý mở cuộc điều trần để đánh dấu 30 năm kết thúc chiến tranh mà cũng là 30 năm xích hóa Cam Bốt, Lào và Việt Nam vào ngày 12.9.2005. Ðây là lần đầu tiên từ 30 năm qua, Quốc hội Châu Âu tổ chức điều trần về tình trạng Nhân quyền tại ba nước. Từ Hà Nội, bà Tôn Nữ Thị Ninh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Ðối ngoại của Quốc hội, và từ Châu Âu, Bà Phan Thúy Thanh, Ðại sứ Hà Nội tại Vương quốc Bỉ và Liên hiệp Châu Âu, đã tìm đủ cách ngăn cản cuộc Ðiều trần hi hữu nói trên. Nhưng Hà Nội đã hoàn toàn thất bại. Chẳng nhưng thế, tại cuộc điều trần hôm 12.9.2005, hai yêu sách của Hà Nội bị bác bỏ : một là được quyền phát biểu tại cuộc điều trần, hai là được phân phát cuốn Sách Trắng về Nhân quyền của Hà Nội. Cuộc điều trần đã chinh phục toàn thể các vị Dân biểu Châu Âu hôm ấy. Tất cả đã lên tiếng yêu sách Quốc hội Châu Âu phải áp dụng Ðiều 1 trong Hiệp ước hợp tác kinh tế bó buộc Hà Nội phải tuân thủ các nguyên tắc dân chủ và nhân quyền, cũng như yêu sách có những biện pháp chế tài nếu Hà Nội không tuân thủ điều 1 nói trên. Các vị Dân biểu cũng đã tán thành đề xuất của ông Võ Văn Ái là Quốc hội Châu Âu cần ra Quyết Nghị mới đánh dấu 30 năm đàn áp tại ba nước Cam Bốt, Lào và Việt Nam. Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam và Diễn Ðàn Dân chủ Á châu, do ông Võ Văn Ái làm Chủ tịch, đã vận động ráo riết trong suốt hai tháng 10 và 11 vừa qua để thông tin các sự trạng đàn áp tiếp diễn tại Việt Nam và cập nhật hồ sơ nhân quyền và tôn giáo cho 730 vị Dân biểu Quốc hội Châu Âu. Bản Quyết nghị vừa được thông qua do 6 chính đảng của Quốc hội Âu châu đệ nạp, bao gồm 730 Dân biểu, nên đa số tuyệt đối đã thông qua, không một phiếu trắng, không một phiếu chống. Các chính đảng này là : Ðảng Bình dân Châu Âu và Dân chủ Châu Âu (EPP-ED) ; Ðảng Xã hội Châu Âu (PSE) ; Ðảng Liên minh Dân chủ và Tự do Châu Âu (ALDE) ; Ðảng Xanh và Liên minh Tự do Châu Âu (Green/ALE) ; Liên đoàn Tả phái Thống nhất (trong số có Ðảng Cộng sản) và Tả phái Xanh Bắc Âu (GUE/NGL) ; và Ðảng Châu Âu Hợp nhất các Quốc gia (UEN). Tại phần thảo luận trước khi thông qua Quyết nghị, không một Dân biểu nào chống đối hay thắc mắc về văn bản Quyết nghị. Trái lại, toàn các phát biểu vừa hỗ trợ vừa tố cáo sự trạng vi phạm nhân quyền tại ba nước. Sau đây là một vài phát ngôn tiêu biểu : Bộ trưởng Ian Pearson, Bộ trưởng Thương mại và Ðặc trách Nhân quyền Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh : "Tôi chào mừng sự quan tâm của Quốc hội Châu Âu trên vấn đề hôm nay, đặc biệt là cuộc Ðiều trần quan trọng hôm 12.9 vừa qua. Tôi biết rất rõ về tình trạng trầm trọng tại ba nước. Ví dụ như tại Bộ Ngoại giao, riêng trong năm nay, tôi đã nhận được 100 thư khiếu nại của các Dân biểu Anh về việc vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Tôi mừng rằng sau cuộc Ðiều trần, nhà cầm quyền Việt Nam đã để cho Liên Âu gặp thăm Hòa thượng Thích Quảng Ðộ. Tôi sẽ phát biểu tất cả vấn đề này và đưa ra một danh sách tù nhân đòi trả tự do trong cuộc gặp gỡ và đối thoại về nhân quyền với nhà cầm quyền Việt Nam vào ngày 15.12 sắp tới". Dân biểu Charles Tannock, Phó chủ tịch Phân ban Nhân quyền Quốc hội Châu Âu : "Tại Việt Nam người công dân tiếp tục bị đàn áp vì tín ngưỡng, tôn giáo và ngôn luận, mặc dù Hiến pháp Việt Nam bảo đảm các quyền đó. Trong khi Việt Nam không ngừng kêu gào về sự nghèo thiếu của họ và kêu gọi Liên hiệp Châu Âu tài trợ giúp đỡ, thì tòa Ðại sứ của họ ở Canberra cho tôi biết rằng họ đã tiêu đến một triệu Úc kim để tổ chức ăn mừng 60 năm chuyên chế Cộng sản. Sự kiện Việt Nam đàn áp tôn giáo khiến cho Hoa Kỳ duy trì Việt Nam trong danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm năm 2005". Dân biểu Simon Coveney, Báo cáo viên Nhân quyền trên thế giới năm 2005 : "Phân ban Nhân quyền Quốc hội Châu Âu đã mở cuộc điều trần về tình trạng tại ba nước Cam Bốt, Lào và Việt Nam. Ðối với đa số trong chúng ta, cuộc Ðiều trần ấy đã mở mắt chúng ta trên một thực trạng vi phạm nhân quyền, hạn chế chính trị cũng như đàn áp tôn giáo. Ðối với Việt Nam, chúng ta cần kêu gọi nhà cầm quyền bảo đảm cho một thể chế Ða đảng, chấm dứt các vụ đàn áp đối với các Giáo hội chưa được thừa nhận, đặc biệt là đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất". Dân biểu Glyn Ford, Ðảng Xã hội Châu Âu : "Việt Nam là một Quốc gia Thị trường Lê Nin nít ("Market-Leninist State", ở đây cố ý châm biếm khi đổi từ chữ "Marxist - Leninist State", chúng tôi ghi chú). Chúng ta phải quyết tâm chống đối sự kỳ thị của quốc gia này đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất". Dân biểu James Hugh Allister : "Tại sao chúng ta lại mất thì giờ thảo luận về tình trạng nhần quyền tại ba nước này, khi Liên hiệp Châu Âu không chịu áp dụng Ðiều quy định các nguyên tắc dân chủ và nhân quyền là điều kiện chủ yếu trong cuộc hợp tác song phương với Việt Nam ? Chính điều này đang bị vi phạm thường xuyên qua mỗi ngày, thế mà chúng ta vẫn tiếp tục đổ tiền đổ bạc giúp Việt Nam, làm như chẳng có chi trầm trọng xẩy ra trên đất nước này. Như ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, đã nói tại cuộc Ðiều trần hôm 12.9, rằng : Việt Nam là một nhà tù khổng lồ điều hành bởi bọn Mafia Ðỏ với sự tài trợ bằng tiền thuế của người dân Châu Âu đóng góp". Dưới đây là toàn văn Việt dịch bản Quyết Nghị của Quốc hội Châu Âu:
- chiếu Phúc trình Thường niên về tình trạng Nhân quyền năm 2005, - chiếu các Quyết Nghị trong quá khứ tại các quốc gia Cam Bốt, Lào và Việt Nam, đặc biệt là những Quyết Nghị về tình trạng Nhân quyền trên thế giới năm 2004, - chiếu các Hiệp ước Hợp tác thỏa thuận năm 1997 giữa Cộng đồng Châu Âu và một bên là Vương quốc Cam Bốt và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Hiệp ước Hợp tác thỏa thuận năm 1995 giữa Cộng đồng Châu Âu và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ; - chiếu đường hướng của Liên hiệp Châu Âu bảo vệ những Người đấu tranh cho nhân quyền, đường hướng đã được Hội đồng Châu Âu chuẩn y tháng 7 năm 2004 ; - chiếu điều 108 trong Quy tắc thủ tục ; A. công nhận những tiến bộ quan trọng thực hiện trên lĩnh vực phát triển kinh tế trong những năm vừa qua tại ba nước, và hậu thuẫn các nỗ lực này nhằm tham gia tại các diễn đàn đa phương trong khu vực hay ngoài khu vực ; B. hậu thuẫn các hoạt động của Liên hiệp Châu Âu, các quốc gia thành viên và những thành viên trong cộng đồng thế giới giúp đỡ cho những chương trình giảm nghèo của các chính phủ này ; C. thất vọng về sự việc những cải cách chính trị và các quyền dân sự cho đến nay chưa tương xứng với những cải cách kinh tế và xã hội ; D. chào đón những cuộc gặp gỡ đầu tiên vào tháng 6 năm 2005 giữa các Tổ Công tác Liên Âu - Việt Nam và Liên Âu - Lào nhằm xây dựng các thiết chế, cải cách hành chính, cai trị và nhân quyền, nhưng nhận xét rằng tình trạng các quyền cơ bản cho đến ngày hôm nay là điều đáng quan tâm ; VỀ CAM BỐT (không dịch 6 đoạn từ E đến J) VỀ LÀO (không dịch 4 đoạn từ K đến N) VỀ VIỆT NAM O. chào đón sự kiện Việt Nam chấp nhận hôm tháng 6 năm 2005 " Sơ đồ tổng thể các liên hệ hiện tại và tương lai với Liên Âu" cũng như tỏ ra sẵn sàng thảo luận vấn đề nhân quyền ; P. dựa vào các thông tin xã hội và dựa vào Bảng chỉ dẫn về sự Phát triển Con người của Chương trình Phát triển LHQ, thừa nhận CHXHCNVN đạt những tiến bộ đáng kể trên lĩnh vực kinh tế và xã hội ; Q. xét rằng nhà cầm quyền Việt Nam vẫn tiếp tục hạn chế tự do ngôn luận và tự do báo chí, đặc biệt trong năm 2004 thiết lập lực lượng cảnh sát để kiểm duyêt các mạng Internet và bắt bỏ tù những nhà ly khai sử dụng Internet, gán cho họ tội gián điệp, mà thực tế họ chỉ lưu hành các thông tin trên mạng Internet, như trường hợp các ông Nguyễn Ðan Quế, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình và Nguyễn Khắc Toàn ; R. xét rằng các dân tộc thiểu số vùng Cao nguyên Trung phần và Thượng du Bắc Việt, đặc biệt giới người Thượng, bị chà đạp vì nạn phân biệt đối xử và những vụ chiếm đất của tổ tiên họ, hoặc bị đàn áp tôn giáo ; S. xét rằng từ năm 1975, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị khủng bố có hệ thống vì đã tận tâm lo cho tự do tôn giáo, nhân quyền và cải cách dân chủ, năm 1981 Giáo hội bị ngăn cấm hoạt động, tài sản Giáo hội bị tịch thu, các hệ thống giáo dục trung, tiểu và đại học, các cơ quan từ thiện xã hội và văn hóa của Giáo hội bị hủy phá, và rằng Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang và người phụ tá ngài, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, bị giam cầm độc đoán gần 25 năm ; T. xét rằng các Ban Ðại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vừa được công cử trong năm 2005 tại 9 tỉnh miền Trung và miền Nam Việt Nam để lo liệu cho nhân dân tại các tỉnh nghèo thiếu này, bị công an sách nhiễu có hệ thống, và rằng Tăng sĩ Thích Viên Phương bị phạt một số tiền tương đương với 43 tháng lương tối thiểu của người lao động, chỉ vì đã quây hình Hòa thượng Thích Quảng Ðộ đọc Thông điệp kêu gọi Nhân quyền và Dân chủ cho Việt Nam để gửi đến Ủy hội Nhân quyền LHQ vào tháng Tư 2005 ; U. ghi nhận lời chứng của Thượng tọa Thích Thiện Minh vừa được trả tự do sau 26 năm tù đày, về những điều kiện khắc nghiệt mà tù nhân đang phải chịu đựng tại Trại Z30A ở Xuân Lộc (tỉnh Ðồng Nai), đặc biệt là trường hợp các Linh mục Phạm Minh Trí và Nguyễn Ðức Vinh bị giam cầm suốt 18 năm qua, và ông Ngô Quang Vinh, 87 tuổi, thành viên Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo ; V. ghi nhận rằng, mặc dù Pháp lệnh mới về Tôn giáo ban hành năm 2004 hệ thống hóa mọi mặt của đời sống tôn giáo, nhưng rất nhiều hạn chế đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và các Giáo hội Tin Lành, kể cả Giáo hội Mennonite, vẫn duy trì nguyên vẹn ; W. xét rằng Ủy ban Nhân quyền LHQ đã đưa nhiều khuyến cáo (số Tham chiếu CCPR/CO/75/VNM ngày 26.7.2002) cho nhà cầm quyền Việt Nam lưu ý về Chiến lược Phát triển Hệ thống Pháp luật, một kế hoạch 10 năm được nhiều quốc gia tài trợ, trong số này có một số quốc gia thành viên của Liên hiệp Châu Âu ; QUỐC HỘI CHÂU ÂU KÊU GỌI NHÀ CẦM QUYỀN VIỆT NAM : - cam kết cải cách chính trị và các thiết chế dẫn tới nền dân chủ và pháp quyền, khởi đầu bằng cách chấp nhận hệ thống đa đảng và quyền tự do phát biểu của mọi khuynh hướng ; - áp dụng Chiến lược Phát triển Hệ thống Pháp luật theo hướng tuân thủ các khuyến cáo của Ủy ban Nhân quyền LHQ và các điều khoản trong Công ước quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị ; - chấm dứt mọi hình thức đàn áp các thành viên thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và chính thức công nhận quyền hiện hữu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cũng như các Giáo hội chưa được thừa nhận tại Việt Nam ; - trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị và tù nhân vì lương thức bị giam cầm vì đã biểu tỏ chính đáng và ôn hòa các quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo, đặc biệt là trả tự do cho nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Ðộ, hai Hòa thượng đã được LHQ xác nhận là nạn nhân bị giam cầm trái phép (Quan điểm mang số tham chiếu 18/2005 ngày 26.5.2005 của Tổ Hành động Chống Bắt bớ trái phép của LHQ) ; - bảo đảm việc được hưởng toàn bộ các quyền cơ bản ghi trong Hiến pháp Việt Nam và trong Công ước quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị, đặc biệt thừa nhận quyền đích thực được tự do xuất bản báo chí ; - bảo đảm quyền an toàn hồi hương, theo hiệp ước đã ký kết giữa Cam Bốt - Việt Nam - Cao ủy Tị nạn LHQ, cho những người Thượng chạy thoát khỏi Việt Nam và cho phép Cao ủy Tị nạn LHQ và các tổ chức Phi chính phủ được quyền đến quan sát hiện trạng của những người hồi hương này ; Hơn thế nữa, QUỐC HỘI CHÂU ÂU, Hậu thuẫn các dự án do Hội đồng Châu Âu tài trợ nhằm thăng tiến việc phát triển nghề làm báo và hậu thuẫn khả năng tác tạo những chương trình tại Quốc hội Lào cũng như những hoạt động của Tổ Công tác tại Việt Nam nhằm thực hiện việc thiết lập các thiết chế, cải cách hành chính, sự cai trị và nhân quyền ; Kêu gọi Hội đồng và Ủy hội Châu Âu đưa Quốc hội Châu Âu vào đảm nhiệm toàn triệt các công tác liên quan đến Tổ Công tác Liên Âu - Việt Nam và Liên Âu - Lào trong vấn đề xây dựng các thiết chế, cải cách hành chính, sự cai trị và nhân quyền ; Kêu gọi Hội đồng và Ủy hội Châu Âu đánh giá trong từng chi tiết việc thực hiện các chính sách tại Cam Bốt, Lào và Việt Nam kể từ khi Hiệp ước liên kết và hợp tác được ký kết, mà Ðiều 1 của các Hiệp ước này nhấn mạnh việc tôn trọng các nguyên tắc dân chủ và các quyền cơ bản là yếu tố chủ yếu của Hiệp ước, rồi phúc trình cho Quốc hội Châu Âu ; Ủy
nhiệm Chủ tịch Quốc hội Châu Âu chuyển giao Quyết Nghị này đến Hội đồng
Châu Âu, Ủy hội Châu Âu, đến ông Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc và các Chính
phủ cùng Quốc hội ba nước Cam Bốt, Lào và Việt Nam. Ý
KIẾN ĐỘC GIẢ: |
|
Copyright © 1997-2005 SaigonUSA News. All rights reserved. |