TOP International STORIES CNN.com (Click Headline News below) ..................................... |
T I N Q U Ố C T Ế
Hầu hết những người biểu tình là thanh niên trong khoảng tuổi 20 – 30 đến từ các tỉnh miền bắc VN đã biểu tình hôm 3/9/2005. Họ được các công ty “môi giới hợp đồng lao động nước ngoài” hứa hẹn một tương lai tươi đẹp với những việc làm thích hợp khả năng, điều kiện ưu đãi và mức lương hậu hỉ. Trong thực tế, đa số các trường hợp đã bị lừa bịp một cách tàn nhẫn và trắng trợn vì chỉ được cấp chiếu khán du lịch ngắn hạn và bị bóc lột đến xương bởi những chủ nhân Mã Lai. Rất nhiều người bị buộc phải làm việc đến 12 giờ mỗi ngày tại những công trường xây cất cực nhọc trong điều kiện lao động vô cùng nguy hiểm mà công nhân địa phương không chịu làm. Đã thế, họ còn bị đánh đập, hành hạ và cướp giật công sức bởi các cai thầu trung gian, hạn chế mọi phương tiện sinh hoạt và bị kiểm soát chặt chẽ bởi các “đại diện sứ quán”. Lý do trực tiếp khiến họ phải quyết định bỏ việc tập thể là vì đã 3 tháng qua họ không nhận được một đồng lương nào từ các công ty thuê mướn và phải sống nhờ vào lòng thương hại của người dân Mã Lai. Anh NTT, một thành viên trong nhóm biểu tình, nói: “Từ hôm qua đến giờ, chúng em không có gì ăn và không biết đêm nay sẽ ngủ ở đâu. Nhưng chúng em sẽ không về lại nơi làm việc vì sẽ tiếp tục bị hà hiếp và bóc lột. Trong nhóm chúng em đã có người chết và bị thương vì những việc làm quá nguy hiểm." "Ở đây, họ chẳng có biện pháp bảo vệ an toàn lao động gì cả. Nhiều khi chúng em phải làm việc trên giàn giáo cao cả chục tầng lầu mà không được trang bị giây buộc hoặc mũ an toàn, tính mạng cứ đong đưa theo từng cơn gió và chỉ sơ sẩy một bước là lượm xương. Một người bạn thân của em đã bị rơi từ tầng cao xuống đất, may mắn không chết nhưng đã phải trốn khỏi bệnh viện sau vài ngày cấp cứu dù sức khỏe chưa hoàn toàn bình phục vì chẳng có tiền để trả. Các công ty ở đây không trả viện phí dù điều kiện đó được ghi rõ ràng trong hợp đồng...” Anh TVH, một học sinh 19 tuổi từ Quảng Ninh vừa xong trung học, nói về hoàn cảnh riêng của mình: “Bố em đã phải bán mấy sào ruộng hương hỏa và con trâu cuối cùng để nộp đủ tiền dịch vụ 30 triệu đồng cho công ty môi giới lao động nước ngoài. Gia đình chỉ còn trông cậy vào em nhưng vì nghe theo lời hứa hẹn của họ mà gia đình em đã sạt nghiệp." "Bố và các em của em đang tính chuyện ăn thua đủ với chúng nó rồi sau đó ra sao thì ra, chứ không thể để cho chúng làm giàu bất chính trên mồ hôi và xương máu của người khác. Em biết chúng nó có quyền lực và tiền bạc cả kho nhưng, chén sành đụng chén kiểu chẳng thiệt gì...” Theo lời kể của nhiều người trong nhóm biểu tình, mỗi công nhân “xuất khẩu lao động” phải đóng từ 30 đến 50 triệu đồng cho công ty môi giới để được ra nước ngoài làm việc. Ở Mã Lai, đông đảo nhất là ở thủ đô Kuala Lumpur, hiện có khoảng 30,000 người lao động theo hợp đồng kiểu này nhưng phần lớn chỉ được cấp chiếu khán du lịch ngắn hạn dù họ được cam kết “sẽ được lo liệu đầy đủ mọi chuyện khi qua bên đó”. Cũng theo hợp đồng lao động, mỗi công nhân sẽ hưởng được mức lương khoảng 250 đến 300 ringit một tháng (từ $110 đến $120 Úc kim) nhưng trong thực tế, họ bị chặt đầu chặt đuôi về các khoản dịch vụ phí nên chỉ còn 150 ringit. Mức giá cả sinh hoạt ở Kuala Lumpur là khoảng 6 ringit mỗi ngày “ăn cơm bụi”, chưa kể những chi phí về chỗ ở, quần áo và các sinh hoạt khác. Đó là những trường hợp được trả lương đầy đủ và đều đặn. Nếu không, họ chỉ có từng bữa cơm nhờ sự bảo bọc nhân đạo của những người dân Mã Lai tốt bụng. Vì vậy, cuộc sống hàng ngày của những người “xuất khẩu lao động” vô cùng chật vật và phải thường xuyên đối đầu với nạn kỳ thị và xung đột quyền lợi với những công nhân và cai thầu địa phương. Sự xung đột đó nhiều lần đã dẫn đến vài trường hợp đáng tiếc như bị chận đường đánh đập hoặc phá phách nơi tạm cư. Nhóm biểu tình cho biết họ đã nhiều lần đến sứ quán Cộng Sản VN ở Kuala Lumpur để xin về nước nhưng đều bị từ chối vì “chưa mãn hạn lao động”. Họ còn bị đe dọa phải hoàn trả hoặc đóng phạt nặng nề và mang “lý lịch xấu suốt đời” nếu vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh cùng quẫn hiện nay, nhiều người nói họ không còn sợ hãi gì đối với những sự răn đe đó và chỉ muốn gióng lên tiếng nói để cảnh báo những người trong nước khỏi bị sa vào những chiếc bẫy lừa đảo như vậy dù họ biết rằng cuộc biểu tình này đang bị theo dõi ngầm bởi các cán bộ của sứ quán Việt Nam. Theo sự quan sát và ghi nhận riêng của phóng viên có mặt tại chỗ, ít nhất 2 người bị nhận diện là “cán bộ sứ quán” đã kín đáo thu băng và chụp ảnh bằng máy điện thoại di động lúc những người biểu tình tiếp xúc với một nhóm Việt kiều Úc tình cờ đến thăm tòa tháp Petronas. Các Việt kiều này đã nhanh chóng thực hiện một cuộc quyên góp tại chỗ để tỏ lòng chia xẻ với những đồng bào hoạn nạn và giúp họ vượt qua cơn ngặt nghèo hiện nay. Nhiều người trong nhóm biểu tình đã không cầm được nước mắt. (LƯU DÂN, Sydney) SaigonUSA
hoan nghênh ý kiến đóng góp của qúy vị độc giả. Xin type vào Comment
Box ở dưới đây và nhấn vào nút "Submit" để gởi đi: Ý
KIẾN ĐỘC GIẢ: |
|
Copyright © 1997-2005 SaigonUSA News. All rights reserved. |