TRONG
BỐI CẢNH TOÀN CẦU HÓA KINH TẾ
VÀ PHÂN CỰC CHÁNH TRỊ
VIỆT
NAM CẦN
CHUYỂN HƯỚNG CÁCH NÀO ?
HOÀNG
ĐỨC NHÃ
Mười
năm sau khi hai quốc gia bình thường hóa quan hệ ngoại giao, và 30 năm
sau cuộc chiến Việt Nam chấm dứt, một viên chức cao cấp trong tập đoàn
lãnh đạo Việt Nam đã viếng thăm Hoa Kỳ. Chuyến viếng thăm vừa qua của
Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải là một sự kiện quan trọng trong tiến
trình bình thường hóa giữa hai quốc gia, và cũng nói lên nhu cầu của Việt
Nam hội nhập cộng đồng quốc tế và vai trò thiết yếu của Hoa Kỳ giúp Việt
Nam đạt mục tiêu đó.
Vào cuối thập niên 1980 khi
Liên Sô bắt đầu sụp đổ ông James Baker, Tổng trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ
thời ấy, có đưa cho Việt Nam một “lộ trình” với những giai đoạn quan trọng
trong tiến trình bình thường hóa chánh trị và kinh tế giữa hai quốc gia.
Việt Nam quan niệm rằng mục tiêu này là điều tiên quyết giúp Việt Nam
tăng trưởng kinh tế thật sự và dọn đường cho việc gia nhập Tổ chức Mậu
dịch Thế giới (WTO).
Tuy nhiên, cho đến nay mục
tiêu bình thường hóa kinh tế chưa đạt được mặc dù Việt Nam và Hoa Kỳ đã
ký Hiệp định Thương mại Song phương (Bilateral Trade Agreement, BTA) vào
tháng 12 năm 2001. Cửa ải cuối cùng Việt Nam cần vựơt qua là sự chấp thuận
của Quốc hội Hoa Kỳ ban cho Việt Nam Quy chế Thương mại Bình thường (Normal
Trade Relations, NTR) theo đó hàng hóa Việt Nam sẽ chịu mức thuế nhập
nội Hoa Kỳ tương đương với các quốc gia khác đang hưởng quy chế này. Việt
Nam chỉ gia nhập WTO khi được quy chế này và nếu đáp ứng được những điều
kiện khác của Hoa Kỳ và WTO.
Vấn đề đặt ra cho Việt Nam
không những là thời gian tính gia nhập WTO mà là nhu cầu cải cách kinh
tế, tài chánh và chánh trị nội bộ như thế nào để đáp ứng những đòi hỏi
đó. Và liệu nhà cầm quyền tại Viêt Nam có chịu trả bất cứ giá nào để được
hội nhập với cộng đồng thương mại thế giới hay chăng?
Muốn hiểu thêm thế tiến thoái
lưỡng nan này ta thử cứu xét lựa chọn kinh tế và chánh trị nào còn lại
cho Việt Nam hiện nay.
Một
Chủ Trương Kinh Tế Mờ Ảo
Tín
điều chánh trị và kinh tế của nhà cầm quyền Việt Nam trong thập niên sau
khi họ chiếm miền Nam đã gây rất nhiều xáo trộn xã hội và đưa quốc gia
đến vực thẳm nghèo đói. Sau đó, chương trình Đổi Mới, được phát động từ
năm 1986, đã chỉnh đốn một phần nào các lỗi lầm và khai trương một kỷ
nguyên phát triển kinh tế và đầu tư ngoại quốc. Tuy nhiên, sự sôi nổi
của những năm đầu tiên của chương trình này đã lắng dịu dần vào cuối thập
niên 1990 vì giới đầu tư ngọai quốc rất bất mãn với chế độ đầu tư và chương
trình phát triển kinh tế tại Việt Nam. Họ đã tốn rất nhiều thời giờ và
tiền bạc để đối đầu với một guồng máy hành chánh nặng nề, với chế độ thuế
khóa thất thường và độc đoán, với tình trạng thiếu luật pháp điều hòa
các hoạt động kinh tế, và quan trọng hơn hết là nạn tham nhũng.
Mặc dầu chương trình Đổi Mới
nhắm mục đích bãi bỏ chế độ kế hoạch hóa từ trung ương nhưng giới lãnh
đạo Việt Nam vẫn còn áp dụng chủ trương kinh tế đó. Hơn nữa, giới lãnh
đạo Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế hổn loạn và sự sụp đổ
sau đó tại Nga và khối Đông Âu, và do đó, đã áp dụng một chủ trương phát
triển kinh tế theo mô hình của Trung Quốc mà trong đó nhà nước vẫn giữ
vai trò then chốt. Chủ trương kinh tế này cũng không lôi cuốn được nhiều
đầu tư từ nước ngoài. Giá trị các dự án đầu tư ngoại quốc thực hiện được
– so với những vụ đầu tư được cam kết – giảm thiểu từ 2.3 tỷ Mỹ kim năm
2003 đến 1.7 tỷ Mỹ kim trong năm 2004.
Chủ trương “kinh
tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” (market economy with socialist
direction) của Việt Nam hiện nay chỉ là một danh xưng hoa mỹ để gợi
lên hình ảnh của một xã hội chủ nghĩa áp dụng chánh sách kinh tế thị trường.
Thật ra, tại Việt Nam nhà nước vẫn còn giữ vai trò then chốt trong việc
phân phối tài nguyên, đặc biệt là trong lãnh vực đầu tư. Ngoài ra, nhà
nước còn chủ trương kinh tế tự lực tự cường theo đó Việt Nam cố sản xuất
để thay thế những hàng hóa nhập cảng từ ngoại quốc. Cũng trong chiều hướng
này giới lãnh đạo Việt Nam vẫn tiếp tục theo đuổi những dự án có tánh
cách vĩ đại – thường được gọi là “mấy con bạch tượng - white elephants”
– bất chấp lời lỗ hoặc chi phí để bảo dưỡng trong tương lai, như nhà máy
thép và những khu kỹ nghệ nặng.
Những chỉ số kinh tế chánh
cho thấy Việt Nam chưa tạo được lợi thế cạnh tranh so với một số quốc
gia khác trên đà phát triển. Mức độ tăng trưởng tổng sản lượng quốc nội
(GDP) hàng năm (7.6% trong năm 2004) không đủ để nâng GDP bình quân đầu
người trên mức 735 Mỹ kim. Theo Ngân hàng Thế Giới những quốc gia với
mức GDP bình quân đầu người dưới 735 Mỹ kim là những quốc gia nghèo và
GDP bình quân đầu người trên 10.000 Mỹ kim là các quốc gia phát triển
trong đó có Đại Hàn và Tân Gia Ba. GDP đầu người Việt Nam trong năm 2004
vào khoảng 500 Mỹ kim, và với tốc độ tăng trưởng của tổng sản lượng quốc
nội - từ 7.5 – 7.8% hằng năm – và nếu mọi việc đều tốt đẹp trong 5 năm
sắp tới thì liệu Việt Nam có ra khỏi khối các quốc gia nghèo được không?
Sau 30 năm hòa bình và hàng
tỷ viện trợ ngọai quốc, với bao nhiêu tài nguyên phong phú và 94% dân
số có học ta thấy rõ là chủ trương kinh tế thị trường theo định hướng
xã hội chủ nghĩa không còn thích hợp cho Việt Nam, nhất là trong kỷ nguyên
toàn cầu hóa và kỹ thuật khoa học ngày càng phát triển.
Cải Cách hay
Không Cải Cách ?
Nhà nước Việt
Nam vẫn còn dành quá nhiều quyền hành trong lãnh vực kinh tế và phát triển.
Tệ trạng này cộng với chế độ Cộng sản núp dưới danh nghĩa xã hội chủ
nghĩa là những trở ngạị lớn nhất cho công cuộc phát triển để nâng cao
mức sống và để hội nhập với cộng đồng mậu dịch thế giới. Nền kinh
tế không thể phát triển mạnh và thật sự khi những lãnh vực quan trọng
nhất nằm trong tay của các tổng công ty quốc doanh không được quản trị
một cách có hiệu năng và một cách minh bạch. Các ngân hàng quốc doanh
dành phần lớn tín dụng để tài trợ những dự án do chính những tổng công
ty quốc doanh chủ xướng, nhưng không có khả năng chuyên môn để đánh giá
cơ hội thành công của những dự án đó. Khi đa số tín dụng dành cho giới
quốc doanh thì các doanh nghiệp tư nhân sẽ không có phương tiện để thực
hiện những dự án có giá trị. Ngoài việc sử dụng tài nguyên quốc gia một
cách vô trách nhiệm tình trạng này là mầm mống của nạn tham nhũng.
Việt Nam không thể thuyết phục
cộng đồng mậu dịch thế giới rằng mình có một nền kinh tế thị trường nếu
không cải cách thật sự hệ thống các công ty và tổng công ty quốc doanh.
Nếu chưa được xếp hạng quốc gia có kinh tế thị trường Việt Nam sẽ khó
gia nhập WTO. Và nếu không là thành viên của WTO Việt Nam sẽ không chống
lại được những biện pháp mậu dịch bất công, những quota độc đoán và những
biện pháp bảo vệ lập trường nội địa của các quốc gia thành viên khác.
Một lo ngại nữa cho Việt Nam
là việc thi hành những cam kết trong phạm vi của Khu vực Mậu dịch Tự do
giữa các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc – ASEAN China FTA –
chính thức hoạt động trong năm 2007. Trong số mười thành viên của ASEAN
chỉ có Lào và Việt Nam chưa được quy chế thành viên của WTO. Do đó, Việt
Nam sẽ gặp nhiều khó khăn bảo vệ quyền lợi của mình và cạnh tranh với
Trung Quốc. Vì không có quy chế thành viên Việt Nam sẽ không sử dụng được
WTO để giải quyết các xích mích về mậu dịch với các quốc gia khác, đặc
biệt là Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Riêng về việc gia nhập WTO
Việt Nam cần kết thúc các vụ thương thuyết song phương với 12 quốc gia
còn lại, trong đó có Hoa Kỳ và Trung Quốc. Việt Nam còn phải ban hành
trên 60 đạo luật về kinh tế, tài chánh và mậu dịch trước khi WTO cứu xét
cho gia nhập trong năm nay. Hoàn thành tất cả những việc nêu trên vào
cuối tháng 9 năm nay - là thời hạn cuối cùng để được cứu xét gia nhập
trong năm 2005 – qủa là một tác động phi thường. Cộng đồng mậu dịch thế
giới không nghĩ rằng Việt Nam sẽ thành công trong việc này.
Ngoài ra, nhà cầm quyền tại
Việt Nam cần phải công nhận rằng mức độ đầu tư từ nước ngoài qúa thấp
so với bao nhiêu cơ hội và chương trình giúp đở của các quốc gia khác
cho các công ty của họ muốn đầu tư tại Việt Nam. Giới đầu tư, dù là doanh
nghiệp tư nhân trong nước hay là các công ty ngoại quốc, đều cần có một
chế độ minh bạch, một môi trường kinh doanh không kỳ thị hoặc phân biệt
đối xử, một thứ sân chơi banh bình đẳng tương đối.
Điều cần nhấn mạnh nơi đây
là các nền kinh tế không thể hoạt động trong chỗ trống không. Kinh tế
cần có những hỗ trợ căn bản như luật lệ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, một
cơ cấu hành chánh có khả năng, và trên hết là một nền tảng pháp quyền.
Giới đầu tư cần thấy một cơ sở luật pháp công khai và minh bạch và những
quyết định của các cơ quan thẩm quyền dựa trên qui tắc cai trị công quyền
đúng mức (good governance).
Việt Nam không còn lựa chọn
nào khác và sẽ phải cải cách nền kinh tế để được gia nhập WTO và trở thành
một thực lực kinh tế để cạnh tranh hữu hiệu với các quốc gia khác hầu
giải quyết nạn nghèo, nâng cao mức sống của nhân dân và tạo được một thế
chánh trị đáng kể. Có sức mạnh kinh tế mới có thế lực chánh trị, và chính
thế lực chánh trị đó sẽ giúp Việt Nam giữ thế đứng trong một thế giới
phân cực, đặc biệt là quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện nay.
Cải
Cách Làm Sao ?
Trong
gần hai năm nay chánh quyền xúc tiến việc quảng cáo đầu tư tại VN một
cách rầm rộ và tốn kém, đặc biệt là tại Hoa Kỳ. Mục đích của nhà cầm quyền
Hà Nội là thuyết phục Quốc Hội Hoa Kỳ rằng Việt Nam xứng đáng được Quy
chế Thương mại Bình thường (NTR) dọn đường cho sự gia nhập WTO. Bộ Kế
hoạch và Đầu tư của Việt Nam đã tốn rất nhiều tiền để mướn tổ hợp tư vấn
Hill & Knowlton Company (Hoa Kỳ) chuyên về công tác giao tế dân sự
(public relations) để đánh bóng cho chế độ trên chính trường và thương
trường Hoa Kỳ. Công ty này đã tổ chức nhiều chuyến viếng thăm của những
phái đoàn đảng viên và thương gia thuộc lãnh vực quốc doanh viếng thăm
Hoa Kỳ, và nhiều phái đoàn Hoa Kỳ viếng thăm Việt Nam. Ngoài ra, công
ty Hill & Knowlton cũng phát động những công tác truyền thông và báo
chí do chính công ty này phác họa để ảnh hưởng dư luận quần chúng và các
giới chánh trị và thương mại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, bao nhiêu triệu Mỹ kim
dùng trong những cuộc vận động này vẫn không giúp Việt Nam đạt được mục
tiêu gia nhập WTO trong năm nay như giới lãnh đạo từng tuyên bố.
Thử thách lớn nhất
cho giới lãnh đạo Việt Nam là nhận thức rằng nếu muốn thăng tiến Việt
Nam cần phát triển kinh tế, và muốn phát triển thật sự và có hiệu năng
Việt Nam phải gia nhập WTO. Và muốn gia nhập WTO thì phải cải cách. Các
công ty ngọai quốc muốn nhìn xuyên qua những lời cam kết ngọt ngào của
giới cầm quyền Việt Nam và những tường thuật quảng cáo hấp dẫn mà Hill
& Knowlton đã phác họa. Nói một cách nôm na họ sẽ hỏi “cục thịt
đâu - Where is the Beef?”.
Việt Nam cần cải cách thật
sự chứ không còn thì giờ để tiếp tục nhờ người khác đánh phấn tô son,
che dấu những sai lầm và khuyết điểm kinh tế căn bản. Cải cách một cách
chuyển hóa táo bạo để tạo được những đột phá thay vì những tu chỉnh dần
dần và thiếu phối hợp. Công cuộc cải cách này cần được xúc tiến trên hai
bình diện: kinh tế và chánh trị.
Việt Nam cần áp dụng một phương
cách toàn diện trong chủ trương phát triển kinh tế, và cần thực thi một
chiến lược mạch lạc với mục đích hội nhập hoạt động của khu vực công và
tư để khai thác những lợi ích của việc toàn cầu hóa. Chiến lược ấy vẫn
phải dựa vào mậu dịch làm đầu tàu cho chương trình phát triển.
Chiến lược đó cũng cần hội
đủ hai điều kiện then chốt sau đây. Trước hết, động lực mạnh cho sự phát
triển kinh tế là vai trò của các tổng công ty thế giới và môi trường đầu
tư. Kế đó là tìm kiếm cách thức để phát triển và áp dụng những khả năng
khoa học kỹ thuật. Cách phát triển khả năng nhanh nhất là tạo điều kiện
thuận lợi cho các công ty ngoại quốc đầu tư tại Việt Nam và đem lại những
kỹ thuật tân tiến và cách thức điều hành và quản trị tân thời. Có thế
giới tư doanh và quốc doanh trong nước mới có cơ hội học hỏi và du nhập
những kiến thức mới giúp họ hoạt động có hiệu năng hơn.
Lấy một ví dụ điển hình, giới
lãnh đạo tại Việt Nam cũng nhận thức rằng với mức độ gia tăng dân số 1%
mỗi năm chánh quyền cần có đủ thực phẩm để nuôi thêm gần 1 triệu người
mỗi năm. Diện tích trồng tỉa không gia tăng thêm được mấy – nếu không
tiếp tục khai phá thêm rừng một cách bừa bãi và như thế, phá hủy gia sản
của thế hệ hậu duệ. Cộng vào đó là nhu cầu giảm thiểu việc sử dụng các
loại thuốc sát trùng và diệt cỏ dại để giúp bảo vệ môi sinh. Do đó, các
gới chức đặc trách canh nông và thực phẩm không còn lựa chọn nào khác
hơn là áp dụng kỹ thuật hiện đại đang được sử dụng tại các quốc gia khác,
kể cả công nghệ sinh học canh nông (agricultural biotechnology) nhằm mục
đích tăng gia năng suất mỗi mẫu và sản lượng lúa gạo và những loại mễ
cốc khác. Kỹ thuật sản xuất đó cộng với những cách thức tồn trữ và chuyên
chở tân tiến từ ruộng đến những nơi biến chế sẽ giúp gia tăng số lượng
thực phẩm trong nước.
Ngoài ra, các kỹ thuật hiện
đại đó sẽ giúp Việt Nam tiến thêm trong việc sản xuất hàng hóa, từ sản
xuất hàng thô như dầu hỏa, thủy sản, cà phê, v.v… đến những hàng biến
chế có giá trị và lợi tức cao hơn, như dệt may, da giày, đồ gỗ, bộ phận
và máy móc điện tử, v.v..
Trong lãnh vực đầu tư và du
nhập kỹ thuật khoa học Việt Nam cần sớm xúc tiến các biện pháp cải tổ
hầu tạo một sân chơi banh bình đẳng, dựa trên nền tảng pháp quyền và sự
bảo vệ quyền sỡ hữu trí tuệ. Những dự thảo luật cần thiết cho việc gia
nhập WTO sẽ phải được ban hành và thi hành một cách công bằng và minh
bạch. Có thế các công ty quốc doanh mới ý thức được rằng họ sẽ không được
bảo vệ như trước đây và họ phải biết cạnh tranh với các giới tư doanh
trong nước và ngoại quốc.
Một đề nghị cụ thể để xúc tiến
nỗ lực phát triển khả năng kỹ thuật khoa học là thành lập một Hội đồng
Quốc gia Đổi mới Kỹ thuật và Cạnh tranh (National Council on Innovation
and Competitiveness).
Hội đồng này có nhiệm vụ đẩy
mạnh công cuộc phát minh, đổi mới kỹ thuật và những phương cách điều hành
và quản trị nhằm mục đích giúp giới kinh doanh Việt Nam cạnh tranh hữu
hiệu trên thương trường thế giới. Thành phần của Hội đồng này gồm một
số nhân vật trong và ngoài nước, từ các bác học, giáo sư đại học chuyên
về những môn này và được thế giới công nhận, các kỹ thuật gia có quá trình
và thành quả trong lãnh vực khoa học, các thương gia đã có khả năng quản
trị và một số chuyên gia về luật pháp và quy tắc thi hành.
Cải cách kinh tế và mậu dịch
chỉ có hiệu qủa và được lâu bền khi đi đôi với cải cách chánh trị. Nguyên
tắc căn bản trong kinh doanh là khả năng sáng tạo. Có sáng tạo mới có
phát minh và canh tân. Tư nhân chỉ sáng tạo được khi có tự do hành động
và tự do thí nghiệm trong một môi trường thuận lợi.
Như đã nói trên, Việt Nam cần
thực thi một chiến lược phát triển mạch lạc với mục đích hội nhập hoạt
động của khu vực công và tư để khai thác những lợi ích của việc toàn cầu
hóa. Hội nhập khu vực tư bằng cách tạo điều kiện công bằng và môi trường
minh bạch để khuyến khích xã hội dân sự đóng góp tài nguyên và trí tuệ
để phát triển nhanh chóng và có hiệu năng. Sau đó chánh quyền sẽ phải
dần dần tư hữu hóa khu vực quốc doanh.
Công cuộc cải cách này đòi
hỏi một sự can đảm lớn của những người cầm quyền tại Việt Nam hiện nay.
Can đảm chấm dứt lối cai trị thiếu dân chủ bằng cách tạo môi trường cho
một thể chế đa nguyên chánh trị. Can đảm chấm dứt lối quản trị một cách
vô hiệu năng và tham nhũng và áp dụng những qui tắc cai trị công quyền.
Có thế giới lãnh đạo
tại Việt Nam mới đạt được những đột phá cần thiết để phát triển mạnh và
tạo được sức mạnh kinh tế để giải quyết nạn nghèo. Đồng thời, sức mạnh
kinh tế đó sẽ giúp Việt Nam giữ cam kết trong những tổ chức chánh trị
và kinh tế đa phương quốc tế.
Từ chối cải cách hoặc cải cách rụt rè, với những sửa đổi nửa vời và có
tánh cách trang trí sẽ duy trì Việt Nam trong thế nghèo và sẽ bị các quốc
gia láng giềng đẩy ra vùng biên tế.
Hoàng
Ðức Nhã (Chicago,
01-07-2005)
SaigonUSA
hoan nghênh ý kiến đóng góp của qúy vị độc giả. Xin type vào Comment Box
ở dưới đây và nhấn vào nút "Submit" để gởi đi:
|