545 E. Saint John St.
San Jose, CA 95112
USA

Tel: 408.998-0508

Fax: 408.993-0527

Email:

saigonusanews
@yahoo.com


 

T I N  V I Ệ T   N A M

Người tù Phật giáo Thích Thiện Minh lần đầu tiên lên tiếng sau 26 năm cấm cố: “Nơi nào có áp bức, bất công, thì nơi đó tất sẽ có đấu tranh. Chừng nào đất nước Việt Nam chưa có Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền thực sự, thì chừng đó bản thân tôi cũng như 80 triệu đồng bào ở trong nước vẫn còn sống trong âm thầm, nơm nớp lo âu”.

PHÒNG THÔNG TIN PHẬT GIÁO QUỐC TẾ: Xin mời quý độc giả theo dõi cuộc phỏng vấn đầu tiên của một trong số 6 Người Tù vì bất đồng chính kiến được đặc xá nhân dịp Tết Ất Dậu, 2005: Thượng tọa Thích Thiện Minh, ngay sau khi Thượng tọa ra khỏi trại tù Xuân Lộc, tỉnh Ðồng Nai. Cuộc phỏng vấn này do Phóng viên Ỷ Lan thực hiện và đã được Ðài Á Châu Tự do phát về Việt Nam ngày 03.02.2005 trong chương trình 21 giờ (giờ Việt Nam). Chúng tôi xin chép lại nguyên văn dưới đây để chúng ta cùng cảm nhận 26 năm tù đày, lăng nhục và khủng bố trắng, vẫn không giết nổi tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường, tấm lòng từ bi muốn cứu độ 80 triệu dân không có tiếng nói và bị bức hiếp trong nước của một Tăng sĩ Phật giáo. Tâm nguyện, hành xử, đạo phong của Thượng tọa Thích Thiện Minh kế thừa nền Phật giáo Cứu khổ Trừ nguy của hai nghìn năm Phật giáo Việt Nam, và của chư vị giáo phẩm thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất suốt 30 năm qua.

Ỷ Lan: Thượng tọa Thích Thiện Minh, thế danh Huỳnh Văn Ba, lãnh hai án chung thân vào năm 1979 và 1986 vì lý do tham gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vận động cho tự do tôn giáo, nhân quyền, dân chủ và đòi hỏi phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý cho Giáo hội ngay từ sau năm 1975. Năm 1976, ngôi chùa Vĩnh Bình do Thượng tọa làm trú trì ở Bạc Liêu bị Nhà nước chiếm dụng làm Nhà kho cho Xã đội, sau đó ủi sập chùa để xây chợ và công viên. Thượng tọa quyết liệt phản đối bằng nhiều văn thư gửi ra Trung ương ở Hà Nội. Bị bắt vào năm 1979, từ đó đến nay 26 năm ròng, Thượng tọa bị cấm cố tại Trại Z30A ở Xuân Lộc, tỉnh Ðồng Nai.

Vào năm 1995, Thượng tọa cùng với 200 tù nhân chính trị đấu tranh đòi hỏi cho nhân quyền và dân chủ và bỏ điều 4 trên Hiến pháp. Sang năm 1996, Thượng tọa lại cùng với 200 tù nhân chính trị đấu tranh yêu sách Nhà nước cải thiện chế độ nhà tù cho tù nhân chính trị. Vì vậy Thượng tọa Thiện Minh bị đưa vào trại K1 nằm sâu trong rừng, biệt giam, xiềng tay xích chân suốt 3 năm ròng.

Ngày 2 tháng 12 năm 1997, Ủy ban Nhân quyền LHQ tuyên dương Thượng tọa Thích Thiện Minh là người tù bị bắt bớ trái phép. Sang tháng 10 năm 1998, Giáo sư Abdelfattah Amor, Báo cáo viên LHQ đặc nhiệm tự do tôn giáo trên thế giới đi Việt Nam điều tra đã đến trại Xuân Lộc thăm Thượng tọa.

Nhờ áp lực quốc tế qua chính giới Âu Mỹ và các tổ chức nhân quyền quốc tế, năm ngoái Thượng tọa được giảm án chung thân xuống 20 năm tù. Theo nguyên tắc, Thượng tọa sẽ mãn án vào năm 2006. Nhưng trong kỳ ân xá nhân dịp Tết Ất Dậu, 2005, Thượng tọa có tên trong danh sách sáu tù nhân vì lương thức được trả tự do trước thời hạn.

Bị bắt vào năm 25 tuổi, năm nay Thượng tọa 51 tuổi. Sau đây là cuộc phỏng vấn Thượng tọa Thích Thiện Minh khi Thượng tọa vừa rời khỏi trại giam. Ðây cũng là lần đầu tiên Thượng tọa được phát biểu sau 26 năm im lặng trong nhà tù :

Ỷ Lan: Kính chào Thượng tọa Thích Thiện Minh. Chúng tôi hân hoan chào đón Thượng tọa trở về đời sống tự do. Trước hết xin Thượng tọa cho biết sức khỏe hiện nay ra sao và Thượng tọa được trả tự do lúc nào?

Thích Thiện Minh: Xin thưa rằng tôi được trả tự do vào ngày mùng 2 tháng 2, tức là ngày hôm qua. Sức khỏe hiện tại thì có một vài chứng bịnh mà có thể cần điều trị trong tương lai. Trước khi đưa về thì họ làm việc ở Bộ Công An. Họ đến làm việc và thông báo trước là họ sẽ cứu xét để cho về nhân dịp lễ ngày 3 tháng 2, ngày thành lập Ðảng của họ. Cuối cùng thì tới ngày 2 họ thả, trong đó họ đưa một số cán bộ về trấn Sa cảng miền Tây ở thành phố. Nhưng tôi yêu cầu họ ghé một nơi gần hơn để thăm viếng một người chị cũng như chuẩn bị thăm quý Thầy và Hòa thượng Viện trưởng Thích Quảng Ðộ, cho nên họ cũng đồng ý ghé một nơi khác gần hơn.

Ỷ Lan: Xin Thượng tọa cho biết cảm tưởng ngày đầu tiên rời nhà tù sau 26 năm cấm cố ?

Thích Thiện Minh: Dạ. Tôi ở khoảng 26 năm tù. Là một thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, mà đã ở trên một phần tư thế kỷ trong tù. Một phần tư thế kỷ, nếu so với chiều dài lịch sử của cả dân tộc thì không đáng là bao nhiêu. Nhưng nếu một phần tư thế kỷ, mà so sánh với một đời người, đặc biệt là một người tu hành, thì cũng là một sự hết sức khủng khiếp.

Còn cái chính sách gọi là... cái gọi là... nhân đạo của Nhà nước Việt Nam đối với bản thân tôi, tôi cảm thấy quả là muộn màng, không nói rằng họ quá khắc khe. Việc giải quyết của họ thả tù nhân chính trị, theo tôi nghĩ, trên bình diện quốc tế hiện nay có chiều hướng nóng bỏng và nhiều nhạy cảm. Cho nên thả tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm và tù nhân tôn giáo là một điều hợp lý, là một việc họ cần phải làm. Nhưng việc làm này họ giải quyết trong thế bị động, chứ không phải là một sự nhiệt tình.

Và tôi nghĩ rằng, nếu tôi được trả tự do về địa phương, mà vẫn còn tiếp tục bị quản thúc, quản chế một cách gắt gao, hoặc bị đối xử một cách bất bình đẳng, gọi là phân biệt đối xử, thì chẳng khác gì tôi bị thuyên chuyển từ một nhà tù này sang một nhà tù khác, có hình thái khác hơn mà thôi.

Và tôi nghĩ rằng, chừng nào đất nước Việt Nam chưa có được tự do, dân chủ, nhân quyền thực sự, thì chừng đó bản thân tôi cũng như 80 triệu đồng bào ở trong nước vẫn còn sống trong âm thầm, nơm nớp lo âu, hoài nghi, mất niềm tin và muôn ngàn khó khăn trăn trở. Ðó là những cảm nghĩ đầu tiên khi tôi được trả tự do.

Ỷ Lan: Cùng trả tự do với Thượng tọa ở trại Xuân Lộc còn có những ai khác ?

Thích Thiện Minh: Cùng trả tự do thì có Giáo sư Nguyễn Ðình Huy và một người tù khác, mang một tội danh khác. Nhưng người này được đặt vào "tội chính trị" để theo dõi, báo cáo, tố giác nhằm mục đích trừng phạt người tù chính trị, họ cũng được đặc ân ra về. Nhưng họ được đi chung phía bên thường phạm khác. Còn riêng bản thân tôi và Giáo sư Nguyễn Ðình Huy, hai người về hai chuyến xe cùng một lượt ra cổng. Nhưng hai người đi hai nơi khác nhau.

Ỷ Lan: Và theo Thượng tọa còn bao nhiêu tù nhân vì lương thức trong trại Xuân Lộc ?

Thích Thiện Minh: Hiện tại bây giờ, tù nhân chính trị nói chung, trong đó có vài vị bên tôn giáo. Thí dụ như Linh mục Phạm Minh Trí đang bị điên loạn từ mười năm, bị tâm thần nhưng vẫn còn giam giữ; Linh mục Nguyễn Ðức Vinh, dòng Ðồng Công, cả hai vị vẫn còn giam giữ đến nay gần 18 năm chưa giải quyết. Và một cụ già nằm trong Giáo hội Bửu sơn Kỳ Hương cũ, có tên là Ngô Quang Ninh, năm nay 87 tuổi, chống gậy đi rất là yếu đuối, bệnh tật, nhưng vẫn chưa giải quyết. Bên cạnh đó còn nhiều người già nua khác, tuổi từ 70 đến 80, khi vào tù mái tóc còn xanh, khi mãn hạn tù đã bạc cả mái đầu, nhưng vẫn còn chưa được giải quyết. Nếu có về chăng là một hình hài gầy guộc, chỉ làm khổ thêm cho bản thân gia đình mà thôi.

Ỷ Lan: Bạch Thượng tọa, đời sống trong tù trước kia và những ngày sắp được thả có gì khác nhau không ?

Thích Thiện Minh: Vâng. Thời gian ở trong tù trước kia thì có gắt gao nhiều. Nhưng thời gian sau này có nới lõng hơn đôi chút. Tuy nhiên, cũng là biện pháp gắt gao, quy định gia đình đến thăm nuôi chỉ cho mang quà giới hạn trong 5 kí lô, không được nhận quà nhiều. Ðó là quy định mới vừa công bố tại trại Xuân Lộc do Ban giám thị, Trưởng giám thị là ông Nguyễn Trưng Binh, ra lệnh chỉ thị mỗi người chỉ được mang 5 kí, không cho nhận nhiều hơn. Và mỗi tháng thăm nuôi chỉ nhận được 300 ngàn đồng. Trong khi đó, đặc quyền kinh doanh về giá cantine, tiền lời siêu lãi, cho nên đời sống của phạm nhân có khó khăn, đặc biệt nhứt là những người nghèo ít thăm nuôi.

Nói tóm lại, thời gian trước đây khắt khe nhiều, nay có nới lõng hơn đôi chút. Nhưng luôn luôn vẫn còn có những biện pháp người ta gọi là "buộc bao tử".

Ỷ Lan: Năm 1998, LHQ đã gửi ông Abdelfattah Amor, Báo cáo viên LHQ đặc nhiệm tự do tôn giáo trên thế giới, sang Việt Nam điều tra. Chúng tôi nghe nói có vào trại Xuân Lộc thăm Thượng tọa, có đúng như vậy không?

Thích Thiện Minh: Năm 1998, ông Amor có đến gặp tôi và Thượng tọa Thích Không Tánh trao đổi từ 11 giờ trưa cho đến gần 4 giờ chiều. Trong thời gian trao đổi đó, tôi có trình bày tất cả những quan điểm và lập trường của mình và những yêu cầu quốc tế can thiệp. Chính quyền sở tại đi ra đi vào, gần như cản bước sự tiếp xúc giữa phái đoàn LHQ và bản thân chúng tôi.

Ỷ Lan: Ðể được ân xá, Nhà nước có đặt điều kiện gì với Thượng tọa không ?

Thích Thiện Minh: Khi làm việc với Bộ Công an thì tôi có đề nghị rằng nên trả lại ngôi chùa để tôi tiếp tục tu hành. Họ bảo rằng, hãy bình tĩnh, đừng vội đòi hỏi sớm và để Nhà nước Việt Nam từng bước giải quyết. Tôi e rằng đây là lời nói suông và tôi có nhiều nghi ngờ đó là những vấn đề khi làm việc. Một số cán bộ của Bộ Công an khuyên tôi nên về tiếp tục tu hành và đừng có đòi hỏi, chống đối Nhà nước nữa.

Trong quan điểm của tôi, thì tôi có trả lời rõ là : Cụ Hồ đã nói rằng nơi nào có áp bức, bất công, thì nơi đó tất sẽ có đấu tranh. Thế thì Nhà nước Việt Nam nên tự hỏi lại chính mình có còn tiếp tục áp bức, bất công nữa hay không ? Chứ đừng hỏi người ta chống đối hay là đấu tranh nữa hay không. Ðó là ý kiến của tôi như thế.

Ỷ Lan: Thượng tọa có dự tính tương lai như thế nào ? Về lại chùa cũ hay làm gì ?

Thích Thiện Minh: Dạ theo tôi thì chỉ trong vòng thời gian ngắn nữa thôi, tôi sẽ thăm Hòa thượng Viện trưởng Thích Quảng Ðộ. Vì tôi là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Cho nên những người mà tôi kính trọng trong suốt cuộc đời tu hành, thì có vị Tăng thống là Hòa thượng Huyền Quang và Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Ðạo Thích Quảng Ðộ. Xong thì sẽ trở về Bạc liêu. Vì dưới quyết định đặc xá phải về trình diện ngay địa phương, mà nơi đó không phải là nơi chùa cũ mà lại là địa chỉ thân nhân của một người em trong gia đình. Bản thân tôi là một người xuất gia tu hành, không thể sống ở nhà thế tục. Trong khi họ muốn hóa tôi trở thành những người của thế gian, thì điều này không phù hợp tư cách của những người xuất gia cần phải cư trú nơi chốn trang nghiêm, thanh tịnh. Chính vì thế, tôi sẽ về trình diện nơi địa phương và đề nghị rằng sẽ trở lại ngôi chùa cũ, hoặc xây cất ngôi chùa mới, hay là tôi sẽ tạm trú nơi một ngôi chùa nào đó, là nơi chốn thiền lâm để tu hành. Còn khi điều kiện được ổn định, tôi sẽ yêu cầu chánh quyền đồng ý để tôi đến thành phố Hồ Chí Minh, tức là thành phố Saigon cũ, nhờ quý Hòa thượng, Thượng tọa trong Hội đồng Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, giúp đỡ ít nhiều để tôi điều trị giải phẫu mụt ung bướu tại thành phố, vì bịnh của tôi cũng khá khó khăn. Thành ra đó là những mong muốn như vậy.

Ỷ Lan: Thượng tọa có đôi lời gì nhắn gửi cuối cùng hay không ?

Thích Thiện Minh: Trong thời gian ở tù, tôi cũng có được một vài thông tin do một số anh em vào sau thông báo lại, là có các tổ chức quốc tế lên tiếng để can thiệp trả tự do cho tất cả những người tù chính trị, tù nhân lương tâm và tù nhân tôn giáo. Trong đó gồm có Bác sĩ Võ Văn Ái, xin bác sĩ chuyển lời cho tôi xin cám ơn Ủy ban Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng như các tổ chức quốc tế khác, trong đó có cả ông Amor, tổ chức Human Rights Watch, tổ chức Amnesty tại Luân Ðôn, tại Tây Ban Nha và nhiều Ðài Phát thanh trên toàn thế giới, những người yêu chuộng tự do, dân chủ và nhân quyền luôn luôn sẵn sàng lên tiếng can thiệp đòi hỏi trả tự do cho những người tù đã từng đấu tranh và ngày đêm hành động đòi hỏi tự do, dân chủ, nhân quyền, đòi hỏi phục hoạt quyền tự do tôn giáo, đặc biệt là phục hồi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được trở lại một đời sống bình thường. Tôi xin chân thành cảm ơn tất cả quý Ðài cũng như các Tổ chức quốc tế bấy lâu nay đã quan tâm ủng hộ và lên tiếng can thiệp cho chúng tôi. Xin chân thành cảm tạ vô cùng.

Ỷ Lan: Xin cám ơn Thượng tọa Thích Thiện Minh.

.SaigonUSA hoan nghênh ý kiến đóng góp của qúy vị độc giả. Xin type vào Comment Box ở dưới đây và nhấn vào nút "Submit" để gởi đi:

TÊN, HỌ / NAME:  
 E M A I L:  

Ý KIẾN /  COMMENT:  

 


RETURN TO FRONT PAGE



 








Hình ảnh Cộng Đồng VN Bắc California biểu tình lần thứ 16 trước hang ổ Viên Thao vào ngày thứ Bảy, 5 tháng 2. Đây là cuộc biểu tình chống Đỗ Vẫn Trọn-hệ thống truyền thông Viên Thao làm tay sai, kinh tài cho Cộng sản VN, lợi dụng danh nghĩa "từ thiện". Cuộc biểu tình chính thức bắt đầu từ ngày 1 tháng 1, 2005, vào các ngày thứ Ba, Năm, Bảy trong tuần.
(Click to enlarge photo)














Đồng bào San Jose hân hoan đón nhận giai phẩm Xuân SaigonUSA-Ất Dậu 2005, cũng như số báo đặc biệt cuối tuần về những tên Việt Gian trở cờ lộ mặt-làm tay sai cho VC.







 


Copyright © 1997-2005  SaigonUSA News. All rights reserved.