545 E. Saint John St.
San Jose, CA 95112
USA
Tel: 408.998.0508
Fax: 408.993.0527

Email:

saigonusanews
@yahoo.com


 

 

V Ă N   H Ó A   &   G I Á O   D Ụ C

Chống Tham Nhũng
từ các Ông Lớn trước

Ngô Nhân Dụng

Nhiều người khen ông Võ Văn Kiệt có tài sống dai. Quả nhiên ông sống dai thật. Gần đây ông bị ám sát suýt chết, ít nhất là bị “giết,” vừa bằng dao lại bằng súng trên mạng lưới internet từ trong truyền ra ngoài nước! Vẫn còn sống, còn nói được, chứng tỏ ông Kiệt sống dai thật. Da ông phải dầy lắm, nếu không thì cũng có gồng, có ngải chi đó cho nên dao, súng phải chịu thua ông. Ngoài ra, ông Kiệt còn có tài đã làm chức thủ tướng bấy nhiêu năm rồi mà bây giờ về hưu vẫn rảnh rỗi lên tiếng mách khôn, bày kế cho đảng ông chống tham nhũng. Làm như thể hồi ông cầm đầu chính phủ chẳng có ai tham nhũng bao giờ, trên dưới sạch như lau, cho nên mối “quyết tâm chống tham nhũng” của ông và những mưu kế trừ tham nhũng của ông chưa có dịp đem ra thi thố! Vì vậy bây giờ ông mới mách rằng đảng Cộng Sản phải coi lại cái quyết tâm của họ, từ trên xuống dưới; và ông sẵn sàng chỉ bảo cho các đồng chí làm cách nào chống tham nhũng. Người có đởm lược như vậy, làn da chắc phải dầy hơn thiên hạ.

Ông Võ Văn Kiệt bảo rằng nếu có một ông bộ trưởng tốt, không dính dáng gì đến tham nhũng, nhưng ông ta để cho cấp dưới ăn cắp, thì cũng không được: “Ông để ở dưới nó làm gì, quản lý cái gì?” Và ông Kiệt đề nghị phải cho ông bộ trưởng đó về vườn, “nghỉ đi cái đã.” Ðây là một sáng kiến tuyệt vời - ít nhất là ở nước ta, vì rằng nếu đem ý kiến đó ra nói ở một xứ khác, từ nước Cộng Hòa Fiji đến nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Congo thì người ta sẽ cười cho, họ bảo nói thế thì có gì lạ? Tất cả những cấp chỉ huy bất lực ở bất cứ nước nào đều nên cho nghỉ việc, có thể đem truy tố nữa, vì vẫn lãnh lương mà lại làm hỏng việc. Ở những xứ như Nhật Bản, một ông bộ trưởng để đàn em tham nhũng có khi còn mổ bụng tự tử để đền tội với quốc dân. Một chủ tịch ngân hàng Hàn quốc bị phá sản đã ra giữa đường bầy hương án, đội khăn trắng, quỳ xuống lạy bốn lạy để xin tạ lỗi với tất cả các trương chủ gửi tiền, toàn thể nhân viên, vì làm họ mất tiền. Ông ta còn xin tạ lỗi với cả nước, vì mình làm cả hệ thống tài chánh bị mất tín nhiệm. Sau đó ông cạo đầu xin vào chùa sám hối. Chắc ở Việt Nam không ai nỡ lòng làm như vậy. Vì ông nào làm thế thì đất nước mất ngay một nhân tài, tất cả đều làm thì lấy ai giúp nước trong sự nghiệp đổi mới vĩ đại hiện nay?

Nhưng khi nói một ý kiến như trên, ông Võ Văn Kiệt có nghĩ xa hơn một chút không? Ông có nghĩ tới những chức vụ cao hơn cấp bộ trưởng hay không? Ví thử có một ông thủ tướng tốt, không tham nhũng, vợ lớn, vợ nhỏ, con cái cũng không ai buôn bán quyền thế để tậu xe, mua nhà, mở xí nghiệp, nhưng trong chính phủ của ông ta đầy tham nhũng từ ông bộ trưởng đến thầy cảnh sát đứng đầu cầu, thì ông thủ tướng phải làm gì? Chắc chắn nên “nghỉ đi cái đã” rồi! Còn trên đầu ông thủ tướng vẫn có những ông bà ở trong Bộ Chính trị, có ông Tổng Bí thư, vậy nếu cả guồng máy đảng và nhà nước vẫn đầy tham nhũng, ta có nên cho họ về “nghỉ đi cái đã” hết, như ông nói hay không? Nhưng trên các ông bà ủy viên Bộ Chính trị còn có đảng Cộng Sản nữa chứ? Một cái đảng nắm toàn quyền sinh sát cả 80 triệu con người Việt Nam, nửa thế kỷ nay đẻ ra một chế độ tham nhũng hạng nhất thế giới như vậy, cứ nói sửa mãi vẫn không sửa được, thế có nên cho đảng đó “nghỉ đi cái đã” luôn hay không? Nếu nghe những câu hỏi như vậy mà ông Võ Văn Kiệt không đồng ý là nên cho đảng của ông về nhà “nghỉ đi cái đã,” ông vẫn cứ nhất định đảng ta phải lãnh đạo mới được, thì da của ông nó dầy thật!

Quý vị cứ đọc báo Người Lao Ðộng cũng biết ông cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt nói những gì. Chúng tôi không nhắc lại ở đây vì muốn bảo vệ môi trường sống cho loài người trên trái đất. Mỗi một mảnh giấy báo in ra là người ta đều phải chặt bao nhiêu tre, nứa, gỗ, để làm giấy, chúng ta không được phép phí phạm. Ông Võ Văn Kiệt đã nhắc tới rất nhiều ủy ban, nhiều cơ quan, nói cả đến hệ thống, đến quyền hạn, giám sát, trách nhiệm, phát huy các thứ của đảng, của nhà nước, của quốc hội, toàn là những thứ chữ nghĩa nghe rất hay và rất quý hóa cả. Ðọc xong từng ấy thứ chữ nghĩa chắc chắn bọn tham nhũng phải hoảng hồn, xin xuất ngoại hết. Nhưng có một quy tắc muốn nhắc vì ông chưa nói đến, là câu “Thượng bất chính, hạ tắc loạn.” Ở trên không ngay thẳng thì ở dưới chúng nó tha hồ ăn cắp! Trên ông bộ trưởng có ông thủ tướng, trên ông thủ tướng có Bộ Chính trị, trên Bộ Chính trị có cái đảng to thù lù. Nên bắt đầu bằng cái đảng đó. Nếu cái đảng đó nó đã đem dân làm thí nghiệm suốt hai ba thế hệ, giờ nó vẫn không đứng ngồi cho ngay ngắn được, thì nên cho nó về “nghỉ đi cái đã!” Trả lại cho người dân Việt Nam cái trách nhiệm của họ, bắt họ phải chọn, phải bầu lấy những người cai trị nước Việt Nam, để đảng được về nhà “nghỉ đi cái đã.” Không lẽ đảng đã hy sinh hơn nửa thế kỷ rồi, vẫn cứ bắt đảng phải hy sinh mãi hay sao?

Muốn bàn các kế sách trừ tham nhũng, xin mách quý vị thức giả trong và ngoài đảng Cộng Sản rằng thời nào người ta cũng đã bàn chuyện đó rồi, và bao giờ cũng thấy phải bắt đầu từ trên xuống. Ðừng lo bắt mấy anh em công an khu vực, mấy anh em biên phòng. Không dính tay một chút họ lấy gì nuôi vợ, nuôi con? Hãy bắt đầu từ trên cao nhất.

Giáo sư Amartya Sen, Nobel về kinh tế học năm 1998, kể rằng Kautilya, một triết gia Ấn Ðộ từ thế kỷ thứ tư trước Công nguyên, đã làm bảng liệt kê và phân tích 40 phương thức tham nhũng khác nhau trong hệ thống chính quyền thời đó, tức là cũng 24 thế kỷ rồi. Bây giờ những đỉnh cao trí tuệ của loài người chắc chắn còn nghĩ ra nhiều gấp triệu lần, nhưng đại cương các quy tắc cũng không thay đổi mấy. Kautilya còn mách bảo cách trị những trò ma giáo đó, bằng một hệ thống luật lệ công khai, nghiêm ngặt, có thưởng, có phạt. Nhưng Giáo sư Sen, một nhà kinh tế, sau khi phân tích những nguyên ủy của tham nhũng để bàn về cách trừ tham nhũng, lại cho rằng luật lệ, guồng máy kiểm soát cũng chưa đủ. Yếu tố quan trọng hơn nữa là phong hóa, tập tục - ông Sen nhắc lại điều mà Adam Smith đã viết, là “những quy tắc hành xử được xã hội tôn trọng,” “etablished rules of behaviour.” Khi đa số mọi người trong xã hội tôn trọng danh dự, thì nó trở thành một quy tắc cư xử, những người tính chuyện tham nhũng bỗng nghĩ lại, hổ thẹn không dám làm bậy nữa. Khi người Việt Nam muốn bảo vệ danh dự gia đình, tổ tiên, dòng họ, cả danh dự xóm làng, quê hương, một người tính làm bậy bỗng động tâm ngưng tay không làm nữa.

Nhưng các quy tắc cư xử phải biến thành hành vi bình thường chứ không phải chỉ là những ý nghĩ trong đầu không thôi. Nghĩ không thôi thì người Việt Nam nào chẳng tôn trọng, muốn bảo vệ danh dự cha mẹ, ông bà? Nhưng trong đời sống, hành vi của một người chịu ảnh hưởng của những người chung quanh, nhất là những người mà chúng ta coi là “ở trên,” nhìn đó, lấy đó làm gương. Nếu những người ngồi trên chỗ cao mà không biết trọng danh dự, nói dối như cuội, ăn cắp như ranh, lầm lỗi mà không biết xấu hổ, lừa đảo người khác rồi thì tự vỗ vai khen mình là khôn, là đánh lừa được cả thế giới; mà những người đó lúc nào cũng lên giọng đạo đức, dậy đời, long trọng, hùng hồn, lại bắt thiên hạ phải vỗ tay, thì họ làm gương xấu cho cả xã hội. Khi đó, những quy tắc cư xử xấu ra đời, người ta chỉ nhìn vào các cụ ở trên làm sao thì bắt chước. Các cụ nói dối đánh lừa được cả thế giới, thì thằng dân cũng phải học các lừa đảo. Các cụ nói một đằng làm một nẻo, lại thích bọn nịnh hót, làm láo báo cáo hay, thì cả nước phải học tập nói dối - cha mẹ cũng dậy con ra đường là phải biết nói dối, nếu không cán bộ biết nhà mình ăn đến ba củ khoai thì chết đói cả lũ! Một thế hệ, hai thế hệ, cứ như thế, một nước văn hiến bỗng tập được những quy tắc cư xử hoàn toàn trái ngược với văn hiến của tổ tiên!

Cho nên phải sửa từ trên xuống. Nói chuyện các ủy ban, cơ quan, hệ thống, quyền hạn, giám sát, trách nhiệm, phát huy, vân vân, thì hay lắm, nhưng cách giản dị nhất là hãy bắt đầu xử những tay tham nhũng trong Bộ Chính trị từ năm 1945 đến nay, ít nhất cũng từ năm 1975 đến giờ. Những tay nào nói láo, kể ra. Nói láo cái gì, kể ra. Phải xin toàn dân tha những tội lỗi cũ, có những lúc họ đã đánh lừa cả nước, bây giờ sám hối đi. Làm được như vậy thì lòng dân ai cũng hả. Người ta bắt đầu biết là dân tộc Việt Nam có các quy tắc cư xử khác, khác... mấy tháng trước.

Giáo sư Amartya Sen gốc người Ấn Ðộ nhưng ông cũng trích dẫn Hoài Nam Tử, cuốn sách của người Trung Hoa ra đời từ thế kỷ thứ 2 trước công nguyên. Hoài Nam Tử viết: “Nếu đường chuẩn mà đúng thì mảnh ván cưa sẽ thẳng, không phải vì người ta đã cố gắng hết sức làm vậy mà vì cứ theo quy củ đã đúng rồi. Cũng vậy, nếu người cầm quyền mà thành tín, chính trực, thì người quân tử sẽ ra giúp cai trị dân, kẻ lường đảo sẽ chạy trốn. Còn nếu kẻ cầm quyền không chính trực thì những kẻ tiểu nhân sẽ thành công còn người trung tín sẽ đi ẩn.”

Ðất nước ta đã chịu sự phá hoại hàng thế kỷ vì nền phong hóa thuần hậu đã bị tấn công, trước là do thực dân nước ngoài tới, sau là do người mình tự hại mình. Bây giờ là lúc phải chữa trị. Bệnh nặng, cần thuốc mạnh. Nếu không trị tận gốc thì còn lâu mới khỏi. Cái gốc rễ của căn bệnh là chế độ độc tài đảng trị. Cái đảng đó không tự trị lấy được bệnh của nó thì làm sao chữa bệnh cho đất nước?

NGÔ NHÂN DỤNG

SaigonUSA hoan nghênh ý kiến đóng góp của qúy vị độc giả. Xin type vào Comment Box ở dưới đây và nhấn vào nút "Submit" để gởi đi:

TÊN, HỌ / NAME:  
 E M A I L:  

Ý KIẾN /  COMMENT:  

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ:
- bac viet: (
Friday, October 21, 2005 at 10:20:34)
Tan thanh bai viet tren cua ong


RETURN TO FRONT PAGE
 

 

Click to Enlarge Poster




Copyright © 1997-2005  SaigonUSA News. All rights reserved.