545 E. Saint John St.
San Jose,
CA 95112

Tel: 408-998-0508
Fax: 408-993-0527

Email:

saigonusanews
@yahoo.com


 

V Ă N   H Ó A   &   G I Á O   D Ụ C

Phần Lan: Giáo Dục là Chìa Khóa
cho Sức Sống Kinh Tế


(BBC) 28-11-2004. Phần Lan thường được ca ngợi là có một trong những nền giáo dục thành công nhất tại châu Âu. Nhưng đâu là nguyên nhân thành công? Và điều gì khiến nước này khác các nước khác?

Bộ trưởng giáo dục Phần Lan, bà Tuula Haatainen, đặt câu hỏi này vào một văn cảnh kinh tế.

Làm sao một nước nhỏ như Phần Lan duy trì được nền kinh tế kỹ thuật cao? Nước này không thể cạnh tranh với các nước châu Á có chi phí lao động rẻ, vì thế Phần Lan phải đầu tư vào giáo dục và đào tạo.

"Tại Phần Lan, chúng tôi tin là phải đầu tư vào giáo dục, nghiên cứu và đại học. Giáo dục có thể tạo ra những lĩnh vực công ăn việc làm mới. Chúng tôi luôn cần các kỹ năng mới cho lực lượng lao động - vì thế phải luôn đầu tư."

Chính sách này được khen ngợi khi tháng rồi, báo cáo thường niên của Diễn đàn kinh tế giới gọi Phần Lan là nền kinh tế có khả năng cạnh tranh nhất thế giới.

Bà Haatainen nói thành công kinh tế là nhờ một hệ thống giáo dục mở rộng cho tất cả.

Đặc biệt, bà nói thành công giáo dục của nước bà có thể là nhờ hệ thống trường học "thống nhất". Trẻ em ở đây học tại cùng một trường từ tuổi lên 7 đến 16, thay vì theo hệ thống cấp một và cấp hai.

Lối đi chung
Phát biểu tại Bộ giáo dục Phần Lan ở Helsinki, bà bộ trưởng nói: "Chúng tôi không phân chia học sinh giỏi và kém ở các trường."

"Các nghiên cứu cho thấy rất nguy hiểm khi phân chia các lối đi khi các em còn quá bé."

"Chúng tôi tin nếu đầu tư cho toàn bộ trẻ em trong 9 năm, cho các em cùng một kiểu giáo dục, thì sẽ đạt kết quả tốt nhất."

Các bậc cha mẹ ở vương quốc Anh sẽ thấy sự khác biệt: ở Phần Lan không có các câu hỏi về việc chọn trường, tìm trường cuống quít khi các em lên 11 tuổi, lúc chuyển từ cấp một sang cấp hai.

Ở Phần Lan, sự phân chia xảy ra ở tuổi 16, khi học sinh quyết định sẽ học tiếp hay đi học nghề.

Việc nhấn mạnh vào đầu tư giáo dục khiến đa số mọi thứ đều miễn phí. Các bữa ăn ở trường miễn phí, không có học phí đại học.

'Công bằng'
Bà bộ trưởng nói có một triết lý bao gộp tại Phần Lan - mở rộng cơ hội giáo dục là cách tốt nhất để tìm ra học sinh ưu tú nhất.

"Giống như khúc côn cầu trên băng. Chúng tôi cho mọi bé chơi, chứ không chỉ người giỏi nhất."

Hệ thống giáo dục Phần Lan còn khác với Anh ở độ tuổi khi các em bắt đầu tới trường.

Trong khi học sinh ở Anh chính thức đến trường khi lên 5 tuổi, tại Phần Lan, trẻ em đến trường khi lên bảy và chỉ ở trường nửa ngày. Các em cũng nghỉ nhiều hơn học sinh Anh.

Việc này khiến các gia đình gánh thêm trách nhiệm - và bà bộ trưởng giáo dục nói thành tích đọc viết của người Phần Lan có được là nhờ văn hóa đọc trong gia đình.

Trong bảng xếp hạng giáo dục mới nhất của tổ chức OECD, thiếu niên 15 tuổi của Phần Lan được coi là có mức độ đọc viết khá nhất thế giới.

Đào tạo lại nhân viên
So với Anh, Phần Lan có tỉ lệ thất nghiệp cao hơn - khoảng 8% - nên mục tiêu của giáo dục ở đây còn là cải thiện trình độ của người trưởng thành.

"Chúng tôi có nhiều người chưa qua hết giáo dục căn bản và họ đã đi làm từ lâu."

"Có một chương trình đặc biệt cho những người này để họ có cơ hội quay lại việc học."

Trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, Phần Lan đã đi từ một nước nông nghiệp thành nước công nghệ cao, mà điển hình là cái tên công ty Nokia vốn thành lập tại Phần Lan.

RETURN TO FRONT PAGE



 







Copyright © 1997-2004   SaigonUSA News. All rights reserved.