Tôi
mơ ước tới Paris, thủ đô ánh sáng của Pháp quốc như tôi từng mơ tưởng
qua sách vở. Vậy mà chuyện đó vẫn chưa thành dầu tôi có nhiều bạn
bè và bà con thân thuộc ở bên đó. Bất ngờ, bây giờ lại đi Norway,
nguời Việt mình quen gọi là Na Uy. Đây lần đầu tiên tôi bước chân
đến Âu châu, mà lại đến một nơi lạnh lẽo thuộc vùng Bắc Cực. Tôi hình
dung ra thành phố Tromso heo hút, lạnh lẽo, tuyết phủ trắng xóa quanh
năm. May mà Đại Hội Văn Bút Quốc Tế lại họp vào đầu tháng 9, nên hy
vọng tiết trời cũng ấm áp hơn.
Năm ngoái khi dự Đại Hội Văn Bút Quốc Tế kỳ thứ 69 tại Mexico, các
phái đoàn chúng tôi đã bàn nhau về Đại Hội kỳ 70 tại Na Uy. Chúng
tôi mong gặp lại nhau, ngoài việc họp hành, tham dự các buổi hội luận
văn chương và thưởng thức các chương trình văn nghệ do Văn Bút và
chính quyền địa phương tổ chức. Nhiều người trong các phái đoàn đã
kháo nhau rằng sẽ được thưởng thức các món ăn lạ lùng của vùng Bắc
Cực: cá voi và "thịt chó biển" (hải cẩu).
Đi tới Na Uy, chúng tôi phải đổi chuyến bay đến bốn lần, vừa vất vả
lại vừa mất nhiều thì giờ. Nhưng lúc đi, tinh thần còn tỉnh táo nên
chẳng cảm thấy mệt mỏi. Bù laiï, chúng tôi khám phá ra những dị biệt
của mỗi xứ. Hoa Kỳ nhộn nhịp bao nhiêu thì Franfurt Đức Quốc lại có
vẻ trầm lặng bấy nhiêu. Từ trên cao nhìn xuống khi máy bay hạ cánh,
chúng tôi thấy hình ảnh nước Đức khác nhiều với nước Hoa Kỳ. Vẻ trầm
lặng rõ rệt. Xe cộ thưa thớt trên xa lộ, thành phố khang trang, ngọn
đồi cỏ xanh thoai thoải, dòng sông uốn khúc êm đềm nhẹ nhàng chảy.
Nhưng trong đó hình như chất chứa những gì bí ẩn sâu xa của một dân
tộc vốn được coi là trầm lặng, từng có liên hệ đến những biến động
lịch sử kinh hoàng trên thế giới trong thế kỷ qua.
Rời phi trường Franfurt đi Oslo thủ đô của Na Uy thì trời đã về chiều.
Chỉ còn 4 giờ bay nữa là tới Tromso, nhưng chúng tôi lại phải đổi
chuyến bay một lần nữa và không còn e ngại phải ngủ chờ ở phi trường.
Thế là khỏe rồi. Phi cơ đáp xuống phi trường Tromso khi trời đang
mưa rả rích nhưng vẫn còn đủ ánh sáng ban chiều để nhìn thấy thành
phố xa lạ. Khi còn ở phi trường Franfurt, chúng tôi tưởng mình sẽ
cô đơn khó tìm được một người quen. Nào ngờ, nghe đâu đây giọng nói
lanh lảnh của một cô gái Việt Nam đang nhõng nhẽo bên ông chồng hình
như mới về thăm quê hương. Rồi lại một cô khác dắt tay một bà cao
tuổi. Chắc họ cũng đáp cùng chuyến bay đi Oslo với chúng tôi. Quả
nhiên là như thế. Nhưng đường ai nấy đi. Họ ngồi chỗ của họ; chúng
tôi ngồi chỗ chúng tôi và chẳng một lời trao đổi. Nhưng khi đến phi
trường Oslo thì chúng tôi gặp ngay anh chàng George to lớn, rầu xồm,
da ngăm đen và bạn anh ta thuộc Trung Tâm Văn Bút Québec, Canada đang
sánh vai nhau đi tìm gate của chuyến bay. Quen biết nhau từ Đại Hội
trước bên Mexico, chúng tôi sổ ngay tiếng Pháp. Thế là thấy hết cô
đơn. Nhưng hai anh lại đáp chuyến bay khác, chỉ cách nhau nửa giờ
để đến Tromso. Tới cái thành phố lạ hoắc này, còn một nỗi e ngại nữa
là làm sao về tới khách sạn nơi diễn ra Đại Hội Văn Bút. May mắn lại
gặp mấy ông Tây khác đang sách vali đứng sớ rớ. Chắc là họ đi họp
như mình rồi. Chúng tôi làm quen, đứng tụ lại chờ xem có ai đưa đón.
Quả nhiên chỉ mấy phút sau, một ông Tây đi từ cửa bước vào cầm một
tấm bảng ghi chữ PEN. Chúng tôi chạy lại và ông mau mắn dẫn chúng
tôi ra xe Bus đã chờ sẵn ngoài đường. Cho đồ đạc lên xe rồi, chúng
tôi còn phải ngồi chờ thêm mấy phút nữa xem có ông bạn nào khác ra
trễ. Thế là có dịp để ngắm cảnh. Tiết trời không đến nỗi lạnh lắm.
Mùa hè tại thành phố Tromso thuộc khu vực Bắc Cực cũng chỉ lạnh như
mùa Đông Cali. Thật đúng như lòng mong ước.
Khi sắp đi dự Đại Hội, người nhà chúng tôi đã dặn nhớ mang nhiều bộ
đồ lạnh vì đến một thành phố thuộc miền Bắc Cực. Nhưng Vũ Quang Trân
coi tin tức thời tiết trên Internet cho biết thì không đến nỗi nào,
chỉ có mưa phùn, cần mang một áo lạnh là đủ. Chúng tôi bỗng nhớ đến
ông Terry Carlbom, Tổng Thư Ký VBQT. Kinh nghiệm mà chúng tôi học
được khi ông đến San Jose sinh hoạt với Ban Chấp Hành Văn Bút Việt
Nam Hải Ngoại đầu tháng Tám vừa qua là ông mang nhiều đồ mà xếp rất
gọn. Chả bù cho chúng tôi mấy lần trước đi đâu là mang cồng kềnh những
mấy thứ, ít ra là bộ đồ lớn, cứ phải bỏ riêng vào trong một cái túi
khác. Đàng này ông Carlbom cuộn tròn từng bộ như những ống tre và
xếp rất ngăn nắp vào vali. Khi đến khách sạn là ông mở vali ra rồi
lấy từng bộ cho lên mắc áo, vuốt rất thẳng đẹp như mới ủi. Tôi cũng
bắt chước ông làm như thế, cuộn tròn hai bộ Veston xếp rất gọn vào
vali, còn áo lạnh thì mặc sẵn ở ngoài. Tại cổng phi trường Tromso,
tôi liền nói với ông Tây Ăng Lê là chỉ mang có một cái vali nhỏ, rất
nhẹ nhàng. Ông ta tỏ ra còn cao tay hơn tôi: "Sao ông mang nhiều
thế. Tôi chỉ mang có một cái cặp với một bộ đồ lạnh". Rồi ông
cười ha hả. Cái ông Tây này thật là giản dị, đúng thuộc loại "người
nghệ sĩ lăn lóc gió sương."
Ngồi trong xe, nhìn ra ngoài trời vẫn mưa rả rích - mưa phùn với gió
thổi nhẹ. Ông tài xế rồ máy cho xe chạy qua những con đường ngoằn
ngoèo uốn khúc, qua những ngã ba, ngã tư, ngã năm giống y như đường
phố Sài gòn. Rồi ông nhẹ nhàng cho xe chạy vô đường hầm xuyên qua
núi dễ chừng đến 6, 7 cây số, toàn là những đèn vàng chiếu sáng. Tôi
bỗng lại nhớ đến xứ Mã Lai hồi năm 1982 khi vượt biên, xe Cao Ủy chở
chúng tôi chạy từ Trengganu đến Kuala Lumpur cũng phải xuyên qua núi.
Trên đường, anh tài xế chạy bạt mạng bên phía trái kiểu Ăng Lê coi
thấy lạ. Ở đây, bác tài xứ Na Uy không chạy bạt mạng như thế, cũng
không chạy như bác tài bên xứ Mễ đưa chúng tôi từ phi trường Mexico
về khách sạn khiến mọi người ngồi trên xe phải táng đởm kinh hồn.
Anh chạy nhẹ nhàng đủ nhanh nhưng cũng như đủ cho những người trên
xe có dịp chiêm ngưỡng thành phố. Chỉ hai mươi phút sau là chúng tôi
tới khách sạn Rica Ishavshotel nằm cạnh bên bờ vịnh.
Chúng tôi xuống xe mang đồ vô khách sạn thì thấy bà con đã tới đông
cả rồi. Tây, Tàu, Mỹ, Nhật, Mễ, da đen, da trắng, da vàng đủ cả đang
nối đuôi nhau làm thủ tục ghi danh. Thời đại điện tử có khác, cái
gì cũng lẹ. Chỉ năm phút sau là chúng tôi có quyền vác vali lên lầu
vô phòng đã được chỉ định. Cứ hai người một phòng miễn phí. Tiền máy
bay thì mắc (ngót 1500 USD cho hai lượt đi về) nhưng tiền phòng thì
khỏi phải trả, cũng còn hên lắm. Tính ra mỗi năm một chuyến như thế
mà không có gì bù đắp thì kể cũng phiền thật. Vậy mà có người còn
hỏi: "Ông vào Văn Bút có lương không?" Tôi đã từng trả lời:
"Chẳng những không lương mà còn phải bỏ tiền túi ra nữa".
Sắp xếp đồ đạc và tắm rửa xong, chúng tôi thấy nhẹ hẳn người nhưng
phải xuống lầu kiếm cái gì ăn cho đỡ đói chứ. Tại phi trường Oslo,
chúng tôi đã đổi được ít tiền Na Uy. Bây giờ anh em chúng tôi có quyền
thưởng thức món ăn lạ của xứ Bắc cực. Xuống tới Restaurant của khách
sạn thì đã có loáng thoáng mấy người ngồi ở bàn. Cô Jones Smith, thuộc
Văn Bút Anh nhận ra chúng tôi chạy lại vồn vã hỏi han về chuyến đi.
Chúng tôi ngồi vào cùng bàn nói chuyện. Vũ Quang Trân liền đưa ra
những tấm ảnh chụp lần Hội Nghị các Nhà văn bị cầm tù ở Barcelona
hồi tháng 05/2004 vừa qua để quý văn hữu chọn. Họ xúm nhau lại coi.
Thật không gì quý hóa bằng những tấm ảnh kỷ niệm. Trân lại giở máy
ảnh ra chớp lia lịa vì ai cũng thích chụp. Rồi cô Maria Elena Ruiz
De La Cruz, Chủ tịch Văn bút Mexico từ đâu chạy đến, thế là câu chuyện
vui nhộn hẳn lên. Chúng tôi coi Maria như cô hàng xóm vì năm qua đã
sang nhà cô ở Mexico dự Đại Hội kỳ thứ 69. Cô và Ban Tổ Chức Đại Hội
đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Lúc đó cô bận bịu không
còn giờ hàn huyên. Nhưng nay, mọi chuyện đã xong, cô vồn vã, tươi
tỉnh và hẹn chúng tôi một Đại Hội Văn Bút khác trong tương lai cũng
ở Mexico.
Mấy cô bồi bàn của khách sạn mang thực đơn cho chúng tôi coi. Có ba
món chính là thịt trừu, cá và hươu Bắc cực. Thứ hươu này tiếng Anh
gọi là Reindeer có sừng dài thường xuất hiện trên những tấm thiệp
Noel. Nay thì chúng tôi tới chỗ hươu sinh sống và nẩy nở. Chúng không
còn là dã thú, nhưng đã được người địa phương nuôi như gia súc, trâu
bò trong nhà. Thịt mềm và ngon. Thật ra thì không gì ngon bằng khi
đói. Nhưng ngon bao nhiêu thì giá lại mắc bấy nhiêu, nhất là tại thành
phố Tromso vùng Bắc Cực này. Chỉ có một món bí tết, hai tô súp và
hai ly bia mà hai người chúng tôi phải trả đến hơn 800 đồng tiền Na
Uy, tương đương với hơn 100 Dollars. Ai cũng phải le lưỡi lắc đầu.
Chả bù cho năm ngoái, tại Đại Hội bên Mexico, VH Đào Vĩnh Tuấn đã
dẫn chúng tôi dạo phố chiều. Chúng tôi vào những quán cóc hay ngồi
lề đường như ở Sàigòn ăn ngon và lại rẻ. Bốn, năm người ăn uống cành
bụng mà chưa hết 20 Dollars. Bây giờ ở Na Uy mới ăn có một bữa mà
thấy tởn. Chắc chắn mai phải ra ngoài phố xem sự tình thế nào. Cảnh
bát phố dưới mưa không chừng lại vui đấy. Nhưng đêm nay phải đánh
một giấc để lấy lại sức đã. Mai rồi sẽ tính.
Một
đêm ngủ thẳng giấc ngon lành. Nhưng bừng mắt dậy đã thấy trời sáng.
Cứ ngỡ là giờ Cali nào ngờ giờ Âu châu sớm hơn cả 9 tiếng. Nhớ lại
tối hôm qua, mấy cô bạn người Ăng Lê đã dặn nhớ xuống ăn sáng kẻo
trễ. Vậy thì còn chần chờ gì nữa mà không xuống. Tới lầu 1, đã thấy
hai ông bạn Trung Quốc Độc Lập (Independent China PEN) ngồi ở góc
trái đang loay hoay đi lấy đồ ăn sáng. Nhóm Văn Bút Độc Lập này được
hình thành do những cây viết từ biến cố Thiên An Môn 1989 mà ra. Năm
ngoái, chúng tôi đã gặp họ ở Đại Hội VBQT kỳ thứ 69 tại Mexico. Rồi
tháng 5/2004 vừa qua, thi hữu Beiling thành viên trong nhóm khi công
tác bên Trung Hoa, có ghé San Jose thăm anh em chúng tôi. Kỳ này Beiling
không đi mà hai anh bạn khác là Chen Maiping (Trần Mai Bình) và Zhang
Yu từ Đan Mạch đến tham dự. Chúng tôi ngồi cùng bàn ăn sáng để trao
đổi tin tức. Thật là hữu ích khi Mai Bình cho biết sẽ sẵn sáng giới
thiệu một vài văn hữu Việt Nam cho những chương trình trao đổi văn
hóa với các cơ sở mà anh quen biết. Rồi chúng tôi gặp lại bà Dorothea
Weissman thuộc China Abroad và hầu hết những văn hữu thuộc các phái
đoàn bạn. Người mà chúng nghĩ là không gặp lại trong lần này là cô
Vera Tocombaeva thuộc Bishkek PEN (Kirzistan). Cô cho biết gặp vài
trở ngại nhưng ngờ đâu thấy cô từ lầu đi xuống. Hỏi ra cô được VBQT
giúp đỡ giải quyết mọi chuyện ổn thỏa.
Nhìn vào nhà hàng trong bữa ăn sáng dành cho các phái đoàn tuy không
sang trọng như hồi ở Mexico cao tít mãi trên lầu 24, nhưng ở đây coi
bộ thân tình hơn, đồ ăn dồi dào và đa dạng hơn. Cứ tự tiện "self
serve" bao nhiêu tùy ý. Gọi là bữa ăn sáng chớ thực ra cũng dồi
dào vĩ đại như các bữa ăn trưa và ăn chiều. Thế mới biết là xứ văn
minh có khác, cái gì cũng được lo đầy đủ. Nghĩ lại: cái ăn, cái mặc
và cái ở là ba cái căn bản, vô cùng quan trọng. Một chính quyền vì
dân do dân chắc phải biết lo cho dân được đầy đủ cả ba cái thứ đó.
Còn nếu một chính quyền cứ nói rằng "Ăn để sống chớ không phải
sống để ăn" thì tùy nghe có vẻ "luân lý giáo khoa thư"
nhưng nó cũng chứng tỏ một chính quyền bất lực trước việc chăm sóc
dân chúng mới dùng đến châm ngôn đó. Cụ triết gia Kim Định nói rằng:
"Sống cũng phải để ăn nữa mới phải." Vì sống cũng cần phải
được thưởng thức cái ngon cái đẹp chớ đâu chỉ cần dồn cho no bụng.
Cái mức thấp nhất là "ăn no mặc ấm", rồi đến cái mức cao
hơn là "ăn ngon mặc đẹp". Một chính quyền không lo cho dân
được cái mức thấp nhất là "ăn no mặc ấm" thì cần phải thay
nó đi bằng một chính quyền khác, hữu hiệu và biết lo cho dân hơn.
Tôi nhớ lại câu chuyện chú em tôi kể hồi mới qua Hoa Kỳ tị nạn. Có
một ông vì ở Việt Nam đã từng nhịn đói nên khi đến Mỹ có dịp bạn bè
mời vô nhà hàng Buffet ăn. Ông thấy chỉ phải trả có 7 Dollars mà được
ăn no thỏa thích thì sướng quá. Ông ăn đợt đầu no cành bụng mà vẫn
thấy thèm. Một ý nghĩ hiện ra trong óc, ăn đợt nữa cho thỏa thích.
Rồi ông chạy vào Restroom "nhẩy" cho nó xuống rồi ra làm
đợt hai. Nào ngờ ăn xong đợt hai (second round) về nhà ông phải vô
nhà thương hai tuần vì bội thực! Chuyện lạ nhưng lại có thực nói cho
vui. Bây giờ sống bên xứ người dù là Âu hay Mỹ thì cũng thấy đời sống
dân chúng được chính quyền lo cho tương đối là đủ không đến nỗi như
tại quê hương Việt Nam thân yêu, cái gì cũng thiếu.
Ăn
sáng xong rồi, chúng tôi khởi sự ngày đầu của Đại Hội là các phái
đoàn được dẫn đến thăm Truờng Đại Học Tromso để tham dự các buổi Hội
Luận về Văn Học. Mọi người lên xe Bus chờ sẵn ờ ngoài cổng khách sạn.
Trời sáng, bây giờ chúng tôi mới thấy rõ thành phố Tromso hơn chiều
hôm qua. Đúng ra là một thị trấn nhà quê hay là một tỉnh lỵ thì phải
hơn. Nhà cửa phố xá được xây dựng trên những ngọn đồi nhỏ và thấp.
Đường phố ngoằn ngoèo uốn khúc lên xuống, và xe cộ thì thưa thớt.
Thành phố như nằm ở giữ thung lũng, chung quanh có núi bao bọc. Ở
đây thấy ít nhà lầu vì dân cư không đông như các thành phố khác. Chỉ
có khoảng 65 ngàn dân. Nhưng trường Đại Học đã chiếm tới 6500 sinh
viên và số sinh viên ngoại quốc là một phần mười sĩ số ghi danh. Đại
Học Tromso là một trường Đại Học thuộc loại trẻ, được xây từ năm 1968,
mới 36 tuổi. Nhưng rõ ràng là một trường danh tiếng nên sinh viên
ngoại quốc mới tới đông như thế. Địa điểm khang trang, kiến trúc tối
tân và có đủ tiện nghi cho sinh viên như bất cứ Đại Học nào nổi tiếng
trên thế giới.
Chúng tôi được hướng dẫn đến Hội trường có thể chứa 300 quan khách
với bàn ghế được xếp thoai thoải cao dần lên y theo lối kiến trúc
của một rạp hát. Chủ trì của buổi Hội Luận Văn học hôm nay là Viện
trưởng Đại Học Tromso. Các diễn giả luân phiên lên trình bày đề các
đề tài lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ sắc tộc thiểu số và quyền tự do
ngôn luận. Thorvald Steen, Easterine Iralu, Jasmina, Tesanovic. Mieccea
Martin, Elizabeth Eide và Chenjerai Hove.
Tôi chú ý đến Easterine Kire Iralu vì cô đến từ một xứ mà tôi chưa
từng nghe biết: Nagaland và dân tộc Angami Naga ở vùng Đông Nám Á
Châu. Xứ Nagaland này là một lãnh thổ nhỏ nằm kẹt giữa Ấn độ và Miến
Điện (Myanma/Burma). Cô Iralu sống lưu vong bên Ấn độ và làm giáo
sư dạy Văn chương và Anh ngữ tại một Đại Học địa phương. Hỏi cô về
chính phủ xứ Nagaland thì cô bảo chỉ có chính phủ bí mật, nằm vùng
(Underground Government) vì họ đang phải tranh đấu chống lại các nước
lân bang đang mốn tiêu diệt họ. Cô nói về đề tài "Should writers
stay in prison? Of invisible prison", nói về hoàn cảnh Nagaland
và về quyền tự do ngôn luận. Mỗi cá nhân đều có chuyện riêng của mình.
Mỗi quốc gia có hàng hà sa số chuyện cần được chia sẻ. Nhưng một khi
bị chối từ kể lại tức là một hình thức vi phạm đến quyền và nhân phẩm
của con người. Ở đâu con người bị chối từ quuyền phát biểu, ở đó là
nhà tù. Cái chuyện này thì phổ biến khắp nới trên thế giới, không
phải chỉ ở Nagaland. Trong các chế độ độc tài như Cộng sản hay Phát
xít thì chuyện tù đày cấm đoán xẩy ra nhan nhản. Như dưới chế Cộng
sản Việt Nam, thì những thức cấm đoán hay hạn chế tự do cũng chính
là thứ nhà tù vô hình và khác nhau chỉ ở mức độ. Nhà tù nhỏ là "trại
cải tạo" và nhà tù lớn là cả nước. Đó là thứ nhà tù vô hình (Invisible
Prison).
Cô Jasmina Tesanovic nói về đề tài "Why Writers Should Stay in
Prison?" Cũng lại nói về nhà tù nửa. Cô là cư dân vùng Serbia
thuộc Nam Tư cũ (Former Yougolavie), chiến tranh loạn lạc liên miên.
Cô bị bắt giam có một ngày mà hú hồn hú vía! Giá mà cô ở Việt Nam
thì cô tha hồ có đề tài mà viết.
Buổi hội thảo thật là hữu ích, nó tiêu biểu cho chủ đề của Đại Hội:
Quyền Tự do ngôn luận và các nhà văn sử dụng ngôn ngữ thiểu số.
Đến chiều, sau khi trở lại Khách sạn nghỉ giải lao, các phái đoàn
được dẫn đến Thánh Đường thành phố " Tromso Cathedral" cũng
gần Khách sạn để thưởng thức chương trình hòa nhạc của giàn nhạc thành
phố Tromso Symphonic Orchestra and Vokal Nord. Đây là một ban nhạc
gồm phần lớn là vĩ cầm và đại hồ cầm và một ban hợp ca khoảng 20 ca
viên. Qua sự trình diễn, phải nói rằng giàn nhạc này đã đạt đến mức
độ điêu luyện về nghệ thuật, không kém gì các giàn nhạc nổi tiếng
trên thế giới. Phần giới thiệu rất ngắn gọn như bên Hoa Kỳ. Về nội
dung, phần hợp ca cũng như các màn đơn ca phần lớn nói lên màu sắc
văn hóa địa phương, nhất là dân ca và ngôn ngữ thiểu số. Những âm
thanh của chim cá hay muông thú vùng Bắc Cực được thể hiện rõ rệt.
Nghe hòa nhạc xong, chúng tôi lại trở về khách sạn dự buổi Tiếp Tân
của thành phố với các đặc sản địa phương và được các giới chức giới
thiệu về thành phố Tromso. Như vậy, ngày đầu của Đại Hội đã quá đủ
để làm quen.
Ngày
thứ hai của Đại Hội, nhưng lại đúng vào ngày thứ Ba trong tuần là
ngày chính thức khai mạc Đại Hội với sự hiện diện của Hoàng Thái Tử
His Royal Highness Crown Prince Haakon và Thị trưởng Hermann Kristofferson.
Sau khi các vị lãnh đạo Văn Bút Quốc Tế lên diễn đàn chào mừng thì
Hoàng Thái Tử lên đọc diễn văn khai mạc cùng với lời phát biểu của
Thị Trưởng thành phố Tromso. Trong lễ khai mạc cũng có màn trình diễn
văn nghệ với dân ca, ngâm thơ và độc tấu hồ cầm. Đây cũng là cơ hội
cho báo chí địa phương có dịp săn tin vì có sự hiện diện của Hoàng
Thái Tử. Báo chí tha hồ phỏng vấn, quay phim và chụp hình. Phái đoàn
Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại chúng tôi cũng không bỏ lỡ cơ hội. VH Vũ
Quang Trân chụp lia lịa và ai cũng muốn được chụp. Thời buổi điện
tử tối tân, một cái máy Camera Digital thật vô cùng tiện lợi. Hình
ảnh của ông phó nhòm tài tử Vũ Quang Trân có lẽ trở thành quen thuộc
với các phái đoàn. Nhiều vị còn nhờ văn hữu giúp đỡ khi bị trục trắc
kỹ thuật.
Mọi chuyện xong xuôi thì cũng là đúng vào giờ cơm trưa. Vừa giải lao
mấy phút, tôi gặp ngay một ông và một cô có vẻ mặt và cách ăn vận
giống người Việt Nam mình quá. Tôi sinh nghi và tự hỏi: "Bộ mấy
cha nội ViXi lén vô đây sao?" Nhưng khi hỏi ra thì lại là mấy
bác "Liên sô cũ", nói rặt tiếng Nga. Hú hồn! Nhưng cũng
chính lúc ấy, một ông Việt Nam thứ thiệt đến tìm chúng tôi. Anh giới
thiệu là Bùi Hạnh Nghi thuộc Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại - Trung Tâm
Âu Châu nhưng lại đi với tư cách là thành viên phái đoàn Văn Bút Đức.
Nghe tên thì tôi nhận ra anh ngay. Tuy chưa quen, nhưng qua các bản
Tin Văn trước đây của TT Âu Châu, tôi đã từng được đọc những bài rất
có giá trị do anh viết, như bài "Văn Chương và Dân Chủ"
chẳng hạn. Anh cho biết đến trễ một ngày nhưng vẫn kịp tham dự Lễ
Khai Mạc và bắt đầu họp với Ủy ban Ngôn Ngôn Ngữ và Dịch Thuật. Vậy
là chúng tôi bớt cô đơn. Hơn nữa Việt Nam chúng tôi có tới ba người
thì đủ chia nhau tham dự nhiều phiên họp của các Ủy Ban. Chúng tôi
kéo nhau vào bàn vừa ăn vừa nói chuyện. Trong bữa ăn trưa htịnh soạn
này, Tổng Thư Ký Bộ Văn Hóa và Tôn Giáo Vụ Na Uy, Mr. Helge M. Sonneland
nói chuyện về đề tài: "The state of literature and the literature
of state".
Cơm trưa xong, được nghỉ đôi chút, các phái đoàn chúng tôi được dẫn
đi tham qua thành phố và phong cảnh chung quanh của đảo. Ai không
muốn đi tham quan thì coi phim tài liệu "Cool and Crasy".
Hầu hết là đi tham quan. Tất cả Đại biểu được mời lên xe Bus do tài
xế lái đi từ trung tâm thành phố rồi vòng quanh bở biển. Đúng là Na
Uy xứ lạnh. Mùa Hè nơi đây như mùa Đông Cali. Lạnh và có gió. Ngồi
trên xe thì không sao. Nhưng bước xuống là thấy lạnh se người. Đi
tham quan độ một nửa vòng, chúng tôi được dẫn đến một quán ven bờ
Vịnh để nghỉ ngơi, giải khát bằng Cà phê và nước trà nóng. Rồi chủ
quán, một cô Na Uy trẻ và khỏe mạnh như lực sĩ thế vận hội mang đến
cho chúng tôi một nồi cua lớn. Cái thứ King Crab to dễ sợ. Một cái
gọng King Crab to bằng khúc mía được sắt ra từng đoạn nhỏ. Thực khách
chỉ cần thưởng thức hai khúc nhỏ là đã thấy "no ấm" hẳn
lên rồi. Một chuyến tham quan thật là thích thú bổ ích.
Chiều về, ăn uống xong, chúng tôi lại họp mặt ở Hội Truờng để nghe
nói chuyện văn hóa. Giáo sư Harald Gaski nói về nghệ thuật của sắc
dân Sami và sáng tác gia kiêm văn sĩ Nils Aslak Valkeapaa có chiếu
phim. Đề tài hai do một nhà văn Tété-Michel Kpomassie, người xứ Togo,
Tây Phi châu nói về cuốn sách của ông:"An African in Greenland",
có chiếu phim. Buổi nói chuyện của Michel thật lý thú. Anh kể lại
cuộc hành trình của anh từ Phi Châu qua Pháp rồi tới Greenland, một
hòn đảo ở mạn Bắc Canada với dân Esquimo. Từ nhỏ, anh đọc sách và
mơ có ngày đến Greenland, không ngờ giấc mơ trở thành hiện thực với
biết bao thử thách. Rồi anh sống ở Greenland với người Esquimo, hòa
nhập vào nếp sống thổ dân Bắc Cực, có vợ và có một con. Anh nói trong
thời gian ấy anh rất là Happy vì các ông bố đều khoái dâng con gái
cho anh và các ông chồng người Esquimo cũng sẵn sàng "nhường
vợ" cho anh ngủ.
Nghe anh nói, khán giả cười rồ lên. Những trao đổi về Văn hóa và sắc
dân làm cho buổi nói chuyện thêm hào hứng. Anh khoe bố anh ở Phi Châu
có tới 8 bà vợ và mỗi bà và các con bà đều nói một thứ tiếng khác
nhau. Sau buổi nói chuyện, tôi đến gặp anh hỏi chuyện. Anh hiện sống
ở Paris với một bà da trắng. Tôi hỏi bố anh có 8 bà thì còn anh có
mấy bà? Anh cười bảo: "Chỉ có một thôi."
Ngày
Thứ Tư 08.09.2004: bắt đầu chương trình đặc biệt cho các Ủy ban. Anh
em chúng tôi chia nhau tham dự.
Vũ Quang Trân và tôi tham dự phiên họp của Ủy Ban các Nhà Văn bị Cầm
Tù. Phiên họp đặc biệt vì phải bầu ra vì tân Chủ tịch Ủy Ban sau khi
ông Eugene Schougin mãn nhiệm. Có 4 ứng viên, đó là Emmanuelli (Ý),
bà Karin Clark (Đức), bà Lucina (San Miguel, Mexico) và cô Jones Smith
(Anh). Trước đây ở Barcelona đã chuẩn bị bầu nhưng không thành. Bây
giờ có đông đủ thì mọi chuyện phải được giải quyết. Sau hai lần bỏ
phiếu, bà Karin Clark đắc cử vẻ vang nhưng cô Jones Smith thua thì
buồn rười rượi. Cũng tại cô không vận động tích cực, đành chờ cơ hội
khác.
Buổi chiều là phần thảo luận và thông qua các dự thảo Quyết Nghị về
các nhà văn bị cầm tù trên toàn thế giới. Đây là giai đoạn quan trọng
mà các Đại biểu muốn cho Quyết Nghị mình đứng ra bảo trợ được thông
qua cần phải tham dự. Vì hình thức sinh hoạt của Đại Hội Văn Bút Quốc
Tế tương tự như sinh hoạt của Quốc Hội, nghĩa là mọi chuyện thường
được giải quyết ở các Ủy Ban trước, sau đó mới đưa ra Đại Hội chung
quyết. Thông thường một Quyết Nghị đã được Ủy Ban thông qua thì ra
Đại hội cũng sẽ được thông qua. Tại Đại Hội, vị Chủ tọa chỉ hỏi: Ai
chống (AGAINST) Quyết Nghị? Thường thì không có Đại biểu nào giơ phiếu
Đỏ chống. Rồi: Ai ủng hộ (YES) thì hầu như các Đại biểu đưa phiếu
Xanh lên hết. Và: Ai không có ý kiến (ABSTAIN) hay phiếu Trắng: thì
chỉ có một, hai. Nói như thề để mọi người hiểu được thể thức sinh
hoạt của Đại Hội và vai trò nào dù là Đại biểu chính thức (Official
Delegate) hay thành phần Tham dự viên (Participant) đều có phận vụ
quan trọng không kém. Ở các phiên họp của các Ủy Ban thì mọi người
đều được quyền phát biểu. Ra tới Đại Hội thì chỉ có các Đại biểu chính
thức mới có quyền phát biểu với sự chấp thuận của Chủ toạ đoàn. Nhưng
đó là trường họp Ủy Ban không giải quyết được vấn đề thì mới đưa ra
Đại Hội để lấy quyết định chung mà thôi. Trường hợp này ít khi xẩy
ra. Khi đó những người chống hay ủng hộ sẽ bày tỏ quan điểm của mình
để sau cùng Đại Hội biểu quyết. Cho nên phái đoàn đi đông để tham
dự các phiên họp của các Ủy Ban thời rất cần thiết.
Đối với phái đoàn Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, lần này chúng tôi chỉ
có hai người là Vũ Quang Trân và tôi (Phạm Quang Trình). Anh Bùi Hạnh
Nghi là Hội viên Trung Tâm Âu Châu, nhưng đồng thời cũng là Hội viên
và thành viên của phái đoàn Văn Bút Đức. Anh có bằng Tiến sĩ Văn Chương
và đang chuẩn bị luận án Tiến Sĩ Luật, lại thông thạo 5 thứ tiếng
(Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha) thì thật là hữu ích khi tham dự các
phiên họp của Ủy ban Ngôn Ngữ và Dịch Thuật VBQT. Chính anh đã giúp
Ủy Ban này sửa lại bản Dự thảo Quyết Nghị cho hay với bố cục chặt
chẽ hơn.
Ngoài những phiên họp, anh em chúng tôi thường gặp nhau để trao đổi
về diễn tiến của Đại Hội cũng như công tác dịch thuật. Điều hiển nhiên
là Việt Nam có nhiều tác phẩm hay, nhiều tác giả có tầm vóc nhưng
tác phẩm Việt ngữ chưa được dịch qua ngoại ngữ (Anh, Pháp...) nên
thế giới chưa biết đến. Mỗi năm, Ủy Ban Giải Nobel Văn Chương Thụy
Điển đều gửi thư cho Ban Chấp Hành VBVNHN, yêu cầu đề cử Ứng viên
Việt Nam dự giải Văn Chương Nobel nhưng tiếc rằng tác phẩm của mình
chưa được dịch ra ngoại ngữ nên thật là khó cho Văn Bút. Vậy, cách
hay nhất là mình phải tiến hành ngay việc dịch thuật để giới thiệu
Văn Chương, Văn Hóa Việt Nam cho thế giới. Với chúng tôi, gặp được
anh Bùi Hạnh Nghi thật là mừng. Quả là dịp hiếm có để các anh em ở
xa có dịp gặp nhau trong bầu không khí thân thiện và văn hóa. Chúng
tôi gặp nhau, hàn huyên, trao đổi rồi lại đi tham dự các phiên họp.
Ngày thứ Tư, ngoài những phiên họp của các Ủy Ban Nhà Văn bị Cầm Tù,
Ủy Ban Ngôn Ngữ Dịch Thuật, Ủy Ban Các Nhà Văn Lưu Vong, thời giờ
còn lại là những sinh họa Văn hóa, nghệ thuật: nói chuyện, chiếu phim,
triển lãm.
Ngày
thứ Năm 09.09.2004, chương trình đi vào chủ đề "nhà văn sử dụng
Ngôn ngữ thiểu số" nhiều hơn dưới hình thức Hội thảo bàn tròn
(Seminar/roundtable): "Writers in Minority Languages".Vẫn
những bài nói chuyện của các nhân vật tên tuổi như Tété-Michel Kpomassie,
Harald Maski, Rais Neza Boneza, Angharad Tomos, and publisher Ragip
Zarakolu. Keynote Speaker là nhà văn Amin Maalouf và Moderator là
Carl Torner. Buổi trưa, ngay sau giờ cơm là phần nói chuyện của Cựu
Chủ tịch Iceland, sứ giả UNESCO Goodwill Ambassador for Languages,
Vigdis Finnbogadottir. Nhưng phần chính trong ngày là buổi họp Đại
Biểu đầu tiên của Đại Hội tức Assembly of Delegates vào buổi chiều
tại Hội Trường khách sạn với việc chấp thuận nghị trình, báo cáo của
các nhân vật lãnh đạo như Chủ tịch VBQT Jiri Grusa, Tổng Thư Ký Terry
Carlbom, Thủ Quỹ VBQTõ, Hội Đồng Quản Trị VBQT, phúc trình của Đại
Hội VBQT kỳ 69 tại Mexico, phúc trình của Pen Emergency Fund, biểu
quyết chấp thuận các Trung Tâm mới hoặc tái phục hoạt các Trung Tâm
đã bị ngưng sinh hoạt (Dormant) với VBQT. Có 5 Trung Tâm được Đại
Hội chấp thuận gia nhập là Basque, Kosovo, Guatamala và Haiti. Riêng
Trung Tâm Afrikaans vì vắng mặt nên để chờ Đại Hội kỳ tới tại Bled,
Slovenia sẽ quyết định.
Cũng trong phiên họp này, Đại Hội đã biểu quyết chấp thuận dự thảo
tu chính điều 31 Nội Quy về việc sử dụng tiếng Spanish trong các Đại
Hội. Hiện VBQT đã quyết định sử dụng ba thứ tiếng Anh, Pháp và Spanish,
nhưng vì thiếu ngân khoản thuê người thông dịch nên đặt lại vấn đề
tài chánh. Đại Hội đã quyết định là sẽ thuê các Thông dịch viên cho
cả ba thứ tiếng mà không có sự kỳ thị hay phân biệt nữa.
Hai ngày kế tiếp, thứ Sáu và thứ Bảy, Đại Hội Đại Biểu diễn ra liên
tục trong cả hai buổi sáng, chiều để thông qua các dự thảo Quyết Nghị
của các Ủy Ban, nhất là Ủy Ban các Nhà Văn bị Cầm tù có số lượng nhiều
nhất là 16 dự thảo Quyết Nghị đã được thông qua tại Ủy ban, một Quyết
nghị do Ủy Ban Các Nhà Văn Vì Hòa Bình và một Quyết Nghị do Ủy Ban
Ngôn Ngữ Dịch Thuật đệ nạp.
Đối
với Người Việt Hải Ngoại chúng ta ủng hộ Quyết Nghị về Việt Nam, đòi
Cộng sản Việt Nam phải phóng thích vô điều kiện các nhà văn bị cầm
tù và các tù nhân lương tâm là chuyện dễ hiểu. Nhưng chuyện một ông
Nga thảo quyết nghị đòi chính quyền Nga của Tổng Thống Vladimir Putin
phải mở các cuộc đối thoại đa phương với các sắc dân thiểu số, các
lãnh tụ đối lập, chấm dứt sử dụng bạo lực tại miền Bắc Caucasia, đòi
vãn hồi tình trạng bình thường tại Cộng Hòa Chechnya, vân vân quả
là chuyện hi hữu. Ông Nga này thì chúng tôi quen từ hồi họp tại Mexico,
tên là Alexander Tkachenko đại biểu của Văn Bút Nga (Russian PEN),
gọi tắt là Sha Sha. Ông ta nói tiếng Anh không trôi chảy nhưng ông
ta khoái phát biểu và cũng vui tính. Chúng tôi gặp, nói chuyện, chụp
hình với ông ta. Ông kể cho nghe chuyện qua Việt Nam nhiều lần, đến
thăm Sài gòn, rồi gặp cả Nguyễn Đình Thi là Chủ tịch Hội Nhà Văn của
Việt Cộng. Ông bảo mấy đứa trẻ ở Sài gòn đi theo ông rồi nói to lên
"You Liên sô" và cười khoái chí.
Chúng tôi cũng gặp nhiều bạn thuộc các nước Đông Âu như Ba Lan, Tiệp
Khắc, Hung Gia Lợi, vân vân. Có người từ Đông Âu đến. Có người chạy
Cộng sản từ năm 1956, cũng vượt biên xin tị nạn bên Hoa Kỳ. Đường
tị nạn của họ cũng vất vả và nguy hiểm không kém gì dân Tị nạn Cộng
sản Việt Nam. Cái khác biệt là chúng ta còn mang rất nặng nỗi đau
thương với một quá khứ chiến tranh thảm khốc, về sự đàn áp thô bạo
của Cộng sản Việt Nam từ nửa thế kỷ qua và chưa biết bao giờ mới chấm
dứt. Còn họ thì coi chuyện Cộng sản là chuyện đã qua rồi, đã sang
một trang sử mới rồi, không thèm nhắc đến nó nữa. Điều đó dễ hiểu
vì nước họ không còn Cộng sản, không còn chiến tranh và đàn áp như
Việt Nam hiện nay. Chỉ có điều rất gần gũi và thân thiết khi đưa Quyết
Nghị chống Cộng sản hay độc tài thì nhất nhất họ ủng hộ ngay lập tức.
Tuy mang dòng máu Tây phương nhưng xem ra họ gần gũi với chúng ta
hơn những người dân Tây Âu khác, vì họ đã từng trải qua những đau
thương như dân Việt Nam.
Năm nay Đại Hội tại Na Uy xứ lạnh nhưng xem ra không khí êm đềm hơn
năm ngoái ở Mexico có vẻ nóng nực về "chính trị" - do cái
chuyện Palestine và Do Thái ấy mà. Các phiên họp năm ngoái thuộc Ủy
ban Các Nhà Văn vì Hòa Bình đã gây ra sự chống đối kịch liệt giữa
hai phía. Bên Palestine được Ai Cập ủng hộ thì yêu cầu thông qua Quyết
Nghị đòi Do Thái phải chấm dứt xây các bức tường bao quanh các trại
tị nạn của người Palestine. Phía Do Thái đòi Palestine phải chấm dứt
khủng bố và bạo động. Tại các phiên họp của Ủy Ban không giải quyết
được. Cứ bà Ai Cập lên tiếng thì ông Do Thái lại phản công. Cuối cùng
phải đưa ra Đại Hội biểu quyết, để Ủy Ban coi lại.
Năm nay các ông bà Do Thái, Ai Cập năm ngoái không đi và là những
vị khác, ôn hòa, từ tốn hơn. Ủy Ban các Nhà Văn vì Hòa Bình không
bàn chuyện cũ Do Thái-Palestine nhưng bàn chuyện mới nước Nga với
Cộng Hòa Chechnya và vùng Bắc Caucasia. Nhưng bù lại, phái đoàn Palestine
được dịp biểu dương khí thế, lợi dụng tối đa để lên tiếng, tặng Huy
Chương Palestine cho các nhân vật lãnh đạo Văn Bút Quốc Tế từ Chủ
tịch Jiri Grusa, Tổng Thư Ký mãn nhiệm TS. Terry Carlbom đến Tân Tổng
Thư Ky là bà Joanne Leedom Ackerman...
Chiều thứ Sáu thì kể như mọi chuyện quan trọng đã được giải quyết
ổn thỏa. Chỉ còn chuyện bầu các nhân vật mới thay các nhân vật đã
mãn nhiệm. Chuyện này thì để sáng mai thứ Bảy giải quyết, không ai
thắt mắc.
Những buổi tối trong tuần, ngoài những sinh hoạt tại Hội Trường Khách
sạn, cũng có những sinh hoạt kiểu bỏ túi tại nhà hàng Kravern gần
đó. Đây là nhà hàng có nhiều sinh hoạt văn nghệ nhất. Gặp nhau, ăn
uống, đọc thơ, kể chuyện. Chúng tôi đến và Vũ Quang Trân được dịp
nói chuyện vui Việt Nam, ca vọng cổ, vân vân xem ra họ thấy vui lạ
lắm. Dầu sao cái giọng ngâm thơ của người Việt truyền cảm cũng dễ
đi vào lòng người và họ đón nhận một cách nồng nhiệt. Những buổi sinh
hoạt văn nghệ tối như thế bề ngoài có vẻ bình thường, không có gì
long trọng như các buổi họp tại Hội Trường hay tại các Ủy ban nhưng
thực chất về ngoại giao nó lại vô cùng quan trọng vì chính nhờ những
giờ phút giải lao, gần gũi như thế, việc tìm hiểu, làm quen, vận động
mới thật là hữu hiệu. Năm ngoái, tại Mexico, hầu như mỗi buổi tối,
còn thì giờ dù là đã muộn, chúng tôi vẫn cố gắng xuống Cafeteria để
hàn huyên, làm quen, với các phái đoàn khác. Chính nhờ những buổi
gặp gỡ như thế, chúng tôi hiểu được nhiều góc cạnh của sinh hoạt Văn
Bút Quốc Tế. Nội với phái đoàn Văn Bút Nhật Bản cũng đã là một kinh
nghiệm quý giá cho chúng ta rồi. Còn nhiều các phái đoàn khác nữa,
nhờ những buổi gặp gỡ văn nghệ đó mà trở thành bạn thân. Và khi đã
quen nhau rồi thời khi cần gì, chỉ "Ới" họ một cái là xong
ngay.
Nhưng vấn đề đặt ra là muốn làm quen và duy trì được mối quan hệ đó
lâu dài thì phải chịu khó đi dự Đại Hội. Chúng tôi được biết những
nhân vật hoạt động trong Văn Bút Quốc Tế dày dạn kinh nghiệm là nhờ
thường xuyên đi họp từ mười, hai mươi, có khi tới ba mươi năm nay
như Văn Bút Đài Loan với nhà văn Yen Chu. Họ kiên trì và ít thay đổi.
Và khi cần thay đổi họ vẫn giữ được mối quan hệ tốt. Còn chúng ta,
mỗi Ban Chấp Hành chỉ có 2 năm, vừa mới làm quen xong đã hết nhiệm
kỳ, và Ban Chấp Hành mới lên lại bắt đầu từ con số không. Cho nên
làm thế nào để khi có thay đổi thì với liên hệ Quốc Tế nên có giải
pháp chuyển tiếp, từng phần để tránh sự đứt quãng. Và tích cực hơn
nữa là có những đóng góp bằng nhiều nỗ lực với Văn Bút Qước Tế thì
liên hệ sẽ được bảo đảm.
Chiều
thứ Sáu 10.09.2004, sau phiên Đại Hội lần II kể như thấy khỏe rồi.
Các phái đoàn chúng tôi được mời đến dự buổi hòa nhạc của cô Mari
Boini tại Thánh Đường Tromso Arctic Cathedral bên kia bờ Vịnh. Từ
khách sạn nơi chúng tôi làm việc và họp hành, có thề nhìn thấy ngôi
thánh đường có mái nhọn cao vút từ dưới đất lên trời ở phía bờ bên
kia. Với lối kiến trúc đặc biệt và tối tân, ngôi Thánh Đường trông
giống như quyển sách mở ra nửa chừng rồi đặt úp xuống đất. Chúng tôi
được chuyển đến bằng xe Bus, không tới nửa giờ. Đến nơi thì trời đã
lấm tấm hạt mưa, gió tổi khá lạnh. Phái đoàn lại được thưởng thức
một chương trình hòa ca đặc biệt, thuần túy Dân ca Na Uy và Sami.
Khán giả vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt đến độ chương trình chấm dứt
mà cô Mari Boini và Ban Nhạc trở lại sân khấu tiếp tục trình diễn
thêm hai bản nữa khách mới chịu lưu luyến ra về.
Kết
thúc Đại Hội vui vẻ: Sáng thứ Bảy, mọi chuyện họp hành diễn ra xuông
xẻo, tốt đẹp. Việc bầu các nhân vật mới thay thế các vị mãn nhiệm
không có gì trở ngại. Bà Joanne Leedom Ackerman thay ông Terry Carlbom
trong chức vụ Tổng Thư Ký. Ba nhân vật được bầu vào Hội Đồng Quản
Trị, đó là Eric Lax (Mỹ), Eugene Schougin (Norway) và Judith Rodriguez
(Úc). Như vậy là buổi chiều được tự do thong thả chuẩn bị Bế Mạc với
Farewel Dinner vào buổi tối.
*
* *
Suốt
cả một tuần lễ họp Đại Hội, bầu trời âm u, mưa rả rích, nhưng mọi
chuyện diễn ra êm đềm tốt đẹp. Có lã là nhờ khí hậu Bắc Cực và cũng
nhờ cung cách làm việc dân chủ và ý thức cao độ của các phái đoàn.
Ông Tây Sylvestre lần trước khó chịu, quạu cọ, lần này vẻ mặt hớn
hở tươi như hoa vì Dự thảo Quyết Nghị do ông đệ nạp được thông qua
dễ dàng. Palestine và Do Thái cũng không cãi cọ. Buổi lễ bế mạc và
Farewell Dinner diễn ra vui vẻ đầm ấm, kéo dài đến quá nửa đêm với
đủ màn Văn nghệ, khiêu vũ và chụp hình lưu niệm. Nếu đem so với Đại
Hội kỳ 69 tại Mexico, Đại Hội 70 này tại Tromso cũng có nét đặc sắc
chẳng thua kém gì: Mỗi nơi mỗi vẻ; được cái này, mất cái kia. Thời
tiết, giá cả, sinh hoạt, giải trí, vân vân có thể khác nhau nhưng
cách đón tiếp thì cả hai đều tỏ ra nồng hậu. Đó là nhờ cái không khí
Văn Hóa và Văn Bút mà ra.
Đối với phái đoàn Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, chúng tôi đã học được
rất nhiều điều cũng như thâu thập được thêm nhiều kinh nghiệm quý
giá. Tháng 8.2004 vừa qua, báo cáo của Ông Tổng Thư Ký, TS. Terry
Carlbom về Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại đã khích lệ Ban Chấp Hành và
các Trung Tâm rất nhiều. Nguyên văn lời ông viết: "I have full
confidence that the present leadership of our VWA PEN is in hands
entirely loyal to the PEN Charter, and who do their best to build
bridges both within and between the writers communities of the world."
Và nay, một lần nữa tại Đại Hội VBQT ở Tromso, qua báo cáo, Tiến sĩ
Terry Carlbom lại viết về Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại như sau:
"On Friday 6th August, I started off on a long-promised visit
to the Vietnamese Writers Abroad Centre, to be held in San Jose, California,
USA on Sunday August 8. As you will know, the Centre was reconstituted
in 2001, which has obviously provided the basis for a stable development
in the hands of the present leadership, doing its best to build bridges
both within and between writers' communities of the world. They had
timed my visit to coincide with the Women Writers Forum of the VWA.
The presentations that afternoon were entirely by women writers and
academics. Some two hundred participants attended.
The evening for all the participants was very friendly and spirited
occasion, combined with fundraising. Representatives of VWA Chapters
across the continent participated. I held my main presentation here,
with an accent on PEN balance in political situations and our individual
support for writers in prison or under repression. A presence through
travelling gives an irreplaceable opportunity to meet those members
of board and Centre who are unable to participate at international
Congresses and who may otherwise seldom meet writers from PEN Centres.
Continuous explanations and clarification are always called for, questions
are many, interest is invariably high in what PEN stand for. There
is no better way to make contribution to stability and explain the
ideals of the PEN Charter than through a personal presence under such
circumstances. My warmest thanks to my hosts for providing this rewarding
opportunity for communication."
Bởi đó, chúng tôi rất vững tin và vững bước trong nhiệm vụ mà tổ chức
đã trao phó. Rời Na Uy xứ lạnh, nhưng lòng bỗng nhiên cảm thấy ấm
lại, sẵn sàng chuẩn bị cho Đại Hội 71 tại khung trời Đông Âu, sẽ khai
diễn tại thành phố Bled, Slovenia vào tháng 06 mùa Hè năm 2005.
San
Jose 15.10. 2004
Phạm Quang Trình
Bài
liên hệ:
Tổng
Thư Ký Văn Bút Quốc Tế, TS. Terry Carlbom viếng thăm Văn Bút Việt
Nam Hải Ngoại tại San Jose, California