545 E. Saint John St.
San Jose, CA 95112
USA

Tel: 408.998-0508

Fax: 408.993-0527

Email:

saigonusanews
@yahoo.com


 

V Ă N   H Ó A   &   G I Á O   D Ụ C

KHÍA CẠNH PHÁP LÝ
CỦA VỤ KHIẾU NẠI CHẤT DA CAM
CỦA VIỆT NAM

MAI THANH TRUYẾT

(RFA) 16.12.2004. Tiếp tục câu chuyện về chất Da cam/Dioxin ở Việt Nam, tạp chí kỳ nầy nói về những khía cạnh pháp lý của vụ kiện các công ty hóa chất Hoa Kỳ của Hội Nạn nhân Chất độc Da cam/Dioxin Việt Nam sắp được đem ra xem xét tại tòa án liên bang Brooklyn, New York. Chuyên viên thuộc Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam mà chúng tôi trao đổi là Kỹ sư Nguyễn Minh Quang.

Hỏi: Trước hết, xin ông cho biết diễn tiến của vụ kiện cho đến giờ phút nầy như thế nào?

Đáp: Trước khi trả lời câu hỏi, tôi muốn làm sáng tỏ về cái danh từ vụ “kiện” chất Da cam/Dioxin vẫn thường được dùng từ trước cho đến nay. Đúng ra thì phải gọi là “khiếu nại” (dịch từ chữ “claim”) vì chữ “kiện” được dịch từ chữ “lawsuit”. Theo phán quyết của Chánh án Jack Weinstein ngày 8 tháng 10 năm 2004, bị đơn đệ nạp phần biện hộ và đề nghị của mình (motions) vào ngày 2 tháng 11 năm 2004 và nguyên đơn đệ nạp phản bác (oppositions) vào ngày 3 tháng 12 năm 2004.

Sau đó, bị đơn có 3 tuần để cứu xét phản bác và trả lời nguyên đơn, hạn chót là ngày 24 tháng 12 năm 2004. Buổi điều trần (hearing) về các đề nghị bác đơn (dispositive motions) được ấn định vào lúc 2 giờ chiều ngày 13 tháng 1 năm 2005. Cũng trong phán quyết nầy, Chánh án Weinstein không cho phép bổ túc đơn và gia hạn thêm nữa.

Hỏi: Nhưng tại sao Chánh án Weinstein lại không cho phép bổ túc đơn và gia hạn thêm.

Đáp: Dựa theo những lời tuyên bố của Chánh án Weinstein trong buổi điều trần sơ bộ vào ngày 18 tháng 3 năm 2004 thì Ông muốn giải quyết dứt khoát vấn đề “da cam” của cựu chiến binh Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam cũng như của cái gọi là “nạn nhân da cam Việt Nam” càng sớm càng tốt.

Thứ nhứt, vụ kiện của cựu chiến binh Hoa Kỳ đã kéo dài quá lâu. Ông muốn họ được bồi thường, nếu họ thắng kiện, trước khi họ và gia đình đã quá già. Thứ nhì, việc khiếu nại của Việt Nam cũng phải được xét xử nhanh chóng vì việc phun thuốc khai quang đã chấm dứt 33 năm và có liên quan đến những vi phạm luật pháp quốc tế. Và sau cùng, bản thân Ông cũng đã quá già. Nếu nguyên đơn muốn kháng cáo, Ông sẽ chuyển cả hai vụ kiện lên tòa Kháng án và Tối cao Pháp viện để được cứu xét cùng một lúc.

Hỏi: Như vậy, quan điểm của Chánh án Weinstein về đơn khiếu nại của Việt Nam như thế nào?

Đáp: Theo Chánh án Weinstein, khía cạnh pháp lý quan trọng nhất liên quan đến việc khiếu nại của Việt Nam là thẩm quyền của tòa án Brooklyn, nhất là về phương diện luật pháp quốc tế. Ông thừa nhận rằng Ông chỉ là người mới bước vào lãnh vực nầy (beginner) và rất cần nhiều sự trợ giúp từ hai phía nguyên và bị đơn.

Ông không biết luật chiến tranh, luật quốc tế, và luật nhân quyền mà nguyên đơn viện dẫn có áp dụng được hay không; nhưng Ông không công nhận vụ kiện của Việt Nam là một vụ kiện tập thể (class action) cho đến khi nào đơn khiếu nại của Việt Nam được chấp thuận. Ông bác bỏ đòi hỏi bồi hoàn lợi nhuận của nguyên đơn, vì theo Ông, các công ty hóa chất có thể đã bị lỗ trong việc sản xuất thuốc khai quang. Ông cũng không muốn bàn thảo về vấn đề liệu chất Da cam có phải là nguyên nhân của các bệnh tật và thiệt hại đã được cáo buộc trong đơn kiện, vì theo Ông, đây là một vấn đề rất khó khăn và mất nhiều thì giờ.

Hỏi: Các công ty hóa chất đã đệ nạp đề nghị của họ chưa và các đề nghị nầy như thế nào?

Đáp: Các công ty hóa chất đã đệ nạp tất cả 12 văn kiện lên tòa án Brooklyn vào ngày 2 tháng 11 năm 2004 đúng như phán quyết của Chánh án Weistein. Các đề nghị trình bày chi tiết những luận cứ và án lệ để biện minh cho việc bác đơn. Ngoài ra, các công ty hóa chất cũng yêu cầu được bồi hoàn chi phí liên quan đến việc khiếu nại, kể cả luật sư phí.

Hỏi: Ông có thể cho thính giả của Đài biết thêm một số chi tiết về đề nghị của các công ty hóa chất không ạ?

Đáp: Họ chỉ chú trọng về mặt pháp luật và cho rằng đơn khiếu nại của Việt Nam phải được bác bỏ vì hai lý do: thứ nhứt, đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền của tòa án và thứ hai, các cáo buộc của nguyên đơn là vô căn cứ. Lập luận và dẫn chứng mà luật sư của nguyên đơn đưa ra để yêu cầu bác đơn khiếu nại của Việt Nam thì rất dài. Tôi chỉ xin nêu một vài điểm chính yếu như sau.

Thứ nhứt, tòa án (tư pháp) không có thẩm quyền và cũng không có chức năng để xác định xem những thương tật do các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ gây ra trong thời chiến có được bồi thường hay không? Đặc biệt là các hoạt động nầy được thực hiện theo lệnh của Tổng thống (hành pháp) và được Quốc hội (lập pháp) chuẩn chi.

Thứ hai, không có một điều khoản nào trong các bộ luật liên bang và quốc tế có thể dùng làm cơ sở (cause of action) để cho chiến binh phía bên kia hoặc những người ở trong vùng chiến tranh viện dẫn để đòi Hoa Kỳ hoặc nhà thầu của chánh phủ Hoa Kỳ bồi thường cho họ do hậu quả của những hoạt động quân sự trong thời chiến.

Thứ ba, cáo buộc của nguyên đơn vi phạm nguyên tắc của luật phổ thông liên bang (federal common laws), vì luật nầy ấn định rằng Hoa Kỳ không có trách nhiệm về thiệt hại dân sự đối với chiến binh phía bên kia và ngay cả đối với thường dân (noncombatants) trong vùng chiến.

Thứ tư, cáo buộc của nguyên đơn về việc các công ty hóa chất Hoa Kỳ vi phạm luật pháp Việt Nam là vô lý vì nguyên đơn không thể viện dẫn một cơ sở pháp lý nào của luật pháp Việt Nam cho phép đòi bồi thường như vậy.

Thứ năm, các khiếu nại về thương tật cá nhân xảy ra trước ngày 30 tháng 1 năm 1994 đã quá thời hạn quy định trong Luật Giới hạn Thời gian Trách nhiệm.

Thứ sáu, Hội Nạn nhân Chất độc Da cam/Dioxin Việt Nam không đủ tư cách pháp nhân để đòi bồi thường vì hội không bị ảnh hưởng của việc phun thuốc khai quang.

Hỏi: Xin cho biết là phía nguyên đơn phải đệ nạp phản bác vào ngày 3 tháng 12 năm 2004. Và họ phản bác các đề nghị yêu cầu bác đơn khiếu nại của bị đơn như thế nào?

Đáp: Dạ thưa phía nguyên đơn chưa đệ nạp phản bác của họ lên tòa án Brooklyn đúng như lịch trình đã được ấn định vì vào ngày 8 tháng 11 năm 2004, họ yêu cầu tòa được gia hạn thêm 60 ngày với lý do là các đề nghị bác đơn của bị đơn quá dài nên họ cần thêm thời gian để nghiên cứu và phúc đáp.

Hỏi: Như vậy thì tòa án Brooklyn giải quyết ra sao?

Đáp: Dựa theo một phán quyết của Chánh án Weinstein ngày 22 tháng 11 năm 2004, yêu cầu gia hạn của phía nguyên đơn được chấp thuận ngày 9 tháng 11 năm 2004, nhưng chỉ được gia hạn thêm 45 thay vì 60 ngày. Như vậy, phía nguyên đơn phải đệ nạp phản bác vào ngày 18 tháng 1 năm 2005 và phía bị đơn sẽ trả lời vào ngày 8 tháng 2 năm 2005. Buổi điều trần về các đề nghị bác đơn được ấn định vào lúc 11 giờ sáng ngày 28 tháng 2 năm 2005.

Hỏi: Theo ông, kết quả của vụ kiện sẽ ngã ngũ như thế nào?

Đáp: Trên phương diện pháp lý, cho đến giờ phút nầy, tôi thấy tư thế của phía nguyên đơn rất yếu cả về mặt nhân lực lẫn pháp luật. Tôi không thấy một bằng chứng nào do nguyên đơn đưa ra có thể giúp cho họ thắng được vụ kiện; nhưng họ vẫn tuyên bố là sẽ theo đuổi vụ kiện cho đến cùng. Tôi cũng không thấy một lý do nào khiến cho các công ty hóa chất sẵn lòng dàn xếp như họ đã làm trong năm 1984, bởi vì tình hình hiện nay hoàn toàn khác biệt.

Họ không lo sợ như họ đã lo sợ vào năm 1984, bởi vì họ không phải đối phó với vấn đề của người dân Mỹ và họ không phải mất ăn mất ngủ vì chưa biết kết quả của các nghiên cứu về ảnh hưởng của Chất Da cam đối với sức khỏe của cựu chiến binh tham chiến tại Việt Nam đang tiến hành. Họ không lo sợ như họ đã lo sợ vào năm 1984, vì họ biết Chất Da cam không gây ra tất cả các bệnh tật mà Việt Nam cáo buộc. Và quan trọng hơn hết, các công ty hóa chất nầy có thừa phương tiện tài chánh để theo đuổi hoặc kéo dài vụ kiện cho đến khi nguyên đơn tự bỏ cuộc.

Hỏi: Về phần mình, ông nhận xét như thế nào về vụ kiện nầy.

Đáp: Vụ kiện Chất Da cam thực chất là một hành động đòi bồi thường chiến tranh, một việc mà Việt Nam đã đồng ý từ bỏ khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ. Cáo buộc Chất Da cam/Dioxin gây ra những căn bệnh do hậu quả của việc phát triển đất nước tùy tiện và thiếu trách nhiệm không phải là một hành động thiếu khôn ngoan. Chính việc cáo buộc này sẽ khiến cho tình hình bệnh tật ở Việt Nam càng thêm nghiêm trọng vì người dân thờ ơ với những nguyên nhân rất gần và vô cùng nguy hiểm như thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất dùng trong kỹ nghệ, và tình trạng ô nhiễm môi trường.

Khi đưa đơn đến tòa án Brooklyn, tôi nghĩ phía Việt Nam đã đánh mất đi cơ hội đáng giá để tranh thủ sự giúp đỡ của chánh phủ và nhân dân Hoa Kỳ trong việc xác định nguyên nhân thực sự và giải quyết dứt khoát các căn bệnh hiện nay ở Việt Nam. Tôi nghĩ nhân dân và chánh phủ Hoa Kỳ vô cùng nhân đạo và giàu lòng bác ái, và họ đặt lòng nhân đạo và bác ái của họ đúng chỗ và đúng lúc.

Điển hình là việc viện trợ 10 triệu Mỹ Kim trong vòng 5 năm để giúp Việt Nam phòng chống bệnh liệt kháng (AIDS), và gần đây nhất, 155.000 Mỹ Kim để giúp Việt Nam chống nạn buôn người.

MAI THANH TRUYẾT

SaigonUSA hoan nghênh ý kiến đóng góp của qúy vị độc giả. Xin type vào Comment Box ở dưới đây và nhấn vào nút "Submit" để gởi đi.

TÊN, HỌ / NAME:  
 E M A I L:  

Ý KIẾN /  COMMENT:  



 









Copyright © 1997-2004   SaigonUSA News. All rights reserved.