Thân
Mời
Qúy Văn-Thi Hữu
ở khắp nơi
trên Thế Giới
đóng góp bài vở
về đủ thể loại
cho giai phẩm
Xuân Ất Dậu
2005
SaigonUSA
Xin Email về:
saigonusanews
@yahoo.com
Cũng xin ghi
rõ địa chỉ
của
qúy vị
để chúng tôi
gởi biếu
báo Xuân
nếu bài được
chọn đăng
Trân Trọng
BAN
BIÊN TẬP
SaigonUSA
V
Ă N H Ọ C
“Tổ
Quốc Ăn Năn” hay
“Thùng Rỗng Kêu To”
? TRẦN
THỊ BÔNG GIẤY
Thể theo lời yêu cầu của tác giả, bổn báo
đăng nguyên văn lời giới thiệu của "Web Giao Điểm". Trích
www.giaodiem.com Vài lời của
Web Giao Điểm:
Nguyễn
Gia Kiểng
Tổ
Quốc An Năn ấn bản lần đầu của tác giả Nguyễn Gia Kiểng xuất hiện cách
đây gần bốn năm (2001). Trong khoảng thời gian từ đó đến nay, đã có
một số nhân vật hoạt động chính trị, văn hóa thân hữu của nhóm Thông
Luận tâng bốc, khen tặng cuốn sách quá lời. Một số trong các phe nhóm,
đảng phái chính trị ở hải ngoại cũng đã lên tiếng phê bình, chỉ trích.
Một số khác nhiệt tâm với dân tộc thì phẫn nộ. Phần lớn các thức giả
đứng tuổi giữ sự im lặng. Nhìn chung, theo nhận xét chủ quan của chúng
tôi, những lời khen thì bất xứng và những lời phẩm bình vẫn còn có chỗ
bất cập. Ngoài ra, còn có một điểm đáng ghi nhận khác là “chưa có một
cây bút nữ nào” lên tiếng phê bình tác phẩm. Chính vì vậy, bài viết
“Tổ Quốc An Năn hay Thùng Rỗng Kêu To” của Trần Thị Bông Giấy mà chúng
tôi giới thiệu dưới đây, mang hai ýnghĩa: 1/ Lần đầu tiên một nhà văn
nữ lên tiếng “hỏi chuyện” TQĂN và tác giả Nguyễn Gia Kiểng. 2/ (vẫn
là tư kiến), đây không phải làmột bài điểm sách thông thường, nhưng
là một tiểu luận PHẢN ĐỀ với Tổ Quốc An Năn. TTBG đã đi xuyên suốt từ
hình thức sang nội dung, soát xét toàn diện cuốn sách trên mọi năng
lực tư tưởng, văn chương nghị luận của tác giả Nguyễn Gia Kiểng.
Bài viết này đồng thời xuất hiện trong thời điểm cần được nêu rõ: Cuốn
TQĂN đã được nhóm Thông Luận tái bản (qua thông tin của mạng lưới TL),
với lời ghi chú: “có sửa chữa và bổ túc thêm lời tựa…”; cho nên chúng
tôi cần nhấn mạnh với quý bạn đọc: bài phê bình dưới đây của TTBG đã
dựa trên bản in ra mắt LẦN ĐẦU; và mong rằng với sự lương thiện trí
thức cần thiết, tác giả NGKiểng chỉ “sửa chữa” những lỗi nhỏ nhặt, không
thể “sửa chữa” chi tiết nội dung tư tưởng và lập luận của ông. Trong
lúc này, rất tiếc chúng tôi không có cuốn TQĂN vừa tái bản; tuy nhiên
tác giả TTBG và chúng tôi đã “đồng thuận” sẽ chiếu cố toàn bộ nội dung
của bản in mới nếu không may có sự thay đổi bất thường làm giảm đi tính
chính xác và trung thực cùa những lời phê bình trong bài viết dưới đây.
Đó là trách nhiệm của truyền thông. Trân trọng. Web Giao Điểm.
I. VÀI GIÒNG SUY NGHĨ.
Trần
Thị Bông Giấy
Đã
gần 10 năm, tôi không còn thiết gì đến các sinh hoạt văn nghệ bên ngoài
căn nhà tôi đang ở. Bao cuộc vui của giới nghệ sĩ, bao tác phẩm văn
chương thi ca chào đời trong cộng đồng người Việt tại Bắc Cali, tôi
cũng chẳng hay. Có cái gì đó chán ngán ủ dột dâng lên trong tim mỗi
khi nghĩ đến cái xã hội tôi từng một thời quen biết. Giờ đây giữa họ
và tôi như có một bức tường thật dày chắn ngang ở giữa. Cánh cửa nhà
tôi luôn luôn đóng kín trước những gì gọi là “ồn ào, náo nhiệt có
dính dáng đến một thời sống cũ”. Sự khép mình thế mà lại hay, đem
được cho tôi rất nhiều nỗi an bình tôi vẫn chờ mong.
Vừa hai tuần trước, trong cuộc gặp gỡ anh Nguyễn Văn Hóa, người bạn
bên diễn đàn Giao Điểm, luận đàm về chuyện văn học, tôi nghe anh mai
mỉa:
“Người ta hay dùng chữ chợ khi nói về văn chương. Chợ văn
chương! Cả trong tiếng Mỹ cũng thế. Literary market! Mà
đã là chợ thì có bán đủ mọi thứ, từ cá tôm tanh tưởi cho đến các loài
hoa thanh khiết.“
Tôi cười, thầm thú vị vì cái lối chuyện trò tửng tửng của người bạn.
Ở anh thấy rõ tính cách điềm đạm của một người rất yêu chữ nghĩa. Anh
không thường nổi giận, giao thiệp nhau từ đã rất lâu nên tôi biết điều
ấy. Vậy mà khi nói về văn chương với lối mỉa mai như vậy thì có nghĩa
trong lòng anh đang có điều phẫn nộ chi đây?
Anh tiếp:
“Trong cái chợ văn chương hải ngoại, thấy toàn cá tôm mà chẳng có bao
nhiêu cành hoa đẹp. Một cây viết trung thực như BG phải kể là một cành
hoa đẹp, nhưng không phải là điều nhan nhản. Tôi thật tiếc cho BG!”
Tôi hỏi tại sao? Anh đáp, trong cái vẻ có hàm chút gì xa xót:
“Rất nhiều 'cái bọn nhà văn' hôm nay, câu viết không ra hồn
ra dáng, chữ nghĩa bét nhè bê bối, vậy mà chỉ nhờ hệ thống internet,
độc giả ai cũng biết đến tên bọn đó. Còn BG, con người nhiều tài năng
mà sao cứ tự vùi chôn?”
Sự vùi chôn này rõ ràng như một thực thể, bất cứ ai chung quanh tôi
cũng đều nhìn thấy. Đó là cái giá mà tôi phải trả cho hai tập Truyện
Dài Không Có Tên, phô bày cá chất thực của giới văn nghệ sĩ hải ngoại,
xuất bản năm 1994 và 1998. Là sự cô đơn được đáp lại từ tấm lòng mến
yêu Sự Thật và Lẽ Phải trong tôi… Nhưng tôi bằng lòng với không chút
gì hối tiếc. Theo từng năm, các tác phẩm đi sau vẫn chào đời liên tiếp.
Nhưng in ấn xong, chúng lại được tôi “chôn vùi” trong một góc vườn mà
chẳng màng gì chuyện phát hành ra cho độc giả. Cả cá nhân tôi cũng cùng
chung định số. Tôi không hề muốn thoát ra ngoài cái vũng cô đơn đã ấp
ủ mẹ con tôi hơn chín năm qua.
Cái quan niệm “nghệ thuật vị nhân sinh” vẫn là quan niệm trong tôi như
đã mang từ khi còn nhỏ. Nhưng bây giờ cái chuyện “vị nhân sinh” được
đóng lại hẹp hơn trong phạm vi một mái nhà bé nhỏ có sự hiện hữu của
bà mẹ già và đứa con thơ. Tôi viết, vì cần phải viết, để giữ cho tâm
hồn mình còn nhiều nghị lực hầu thực hiện cho tròn cái đạo làm con và
làm mẹ. Những bản văn được viết chính là chất bổ dưỡng cho cái nghị
lực tôi nói ở trên. Cái quan niệm này ngẫm ra có phần vị kỷ. Nhưng tôi
còn biết phải làm sao? Từ lâu, sự quay lưng với giới văn chương hải
ngoại đã trở thành thói quen thân thuộc. Tôi không còn muốn biết gì
đến họ. Và dẫu cho không phải là một lời tự biện, nhưng trong hoàn cảnh
riêng, đó là lối lý giải hay nhất cho con đường Định Mệnh tôi phải bước
đi.
Người bạn hỏi:
“Lúc này BG có còn viết về các đề tài phơi bày Sự Thật?”
Tôi cười:
“Còn thì sao? Mà hết thì sao?”
Người bạn cũng cười:
“Còn thì thôi, nhưng hết thì thật tiếc!”
“Tại sao vậy?”
Vẻ mặt người bạn trầm ngâm:
“Tiếc, bởi vì đã lâu không thấy ai dọn dẹp nên ngôi vườn văn nghệ hải
ngoại cứ mọc bừa ra những đám cỏ rậm. Chúng nó múa gậy vườn hoang nhiều
quá!”
Tôi hiểu, bởi vì đó là cái cách chúng tôi hay nói khi luận bàn về chuyện
chữ nghĩa với nhau.
….
Tôi tự hỏi, có phải là “cái nghiệp” chăng, khi mà tôi đã từng và sẽ
còn đeo suốt đời lên đôi vai mình hai chữ Văn Chương và Sự Trung Thực?
Có phải là nghiệp không khi lần nữa tôi phải ngồi vào bàn với những
bản văn như kiểu Truyện Dài Không Có Tên tôi viết dạo trước kia? Bài
điểm sách Đêm Giữa Ban Ngày của Vũ Thư Hiên, sau một đêm thức trắng,
đã được tôi cho chào đời tuần lễ trước. Và bây giờ lại phải “động não”
theo một bản văn khác mang nhiều tính chất “cỏ rậm” hơn như lời than
của bạn tôi. Đó là cuốn Tổ Quốc Ăn Năn (TQĂN) của tác giả Nguyễn Gia
Kiểng (NGKiểng), phát hành ở Paris năm 2001. Một cuốn “ồn ào dư luận,
đầy những lời miệt thị lên nguyên cả một dân tộc, chưa ai từng thấy
trong trọn giòng sử sách VN”, theo lời anh bạn tôi.
…..
II.
VÀI NHẬN ĐỊNH SAU KHI ĐỌC “TỔ QUỐC ĂN NĂN”
Một
cuốn sách dầy 604 trang chữ nhỏ, cầm rất nặng tay, bìa hai màu đơn giản,
không màu mè kiểu cách. Tuy nhiên, đọc suốt cho tới chữ cuối cùng của
nó là một điều khá vất vả với tôi. Từ cách hành văn cho đến những ý
tưởng phơi bày của tác giả đã tạo nên trong tôi cái cảm nghĩ “đang
phải bước đi trên một con đường có nhiều bụi gai vướng vít” rất
là khó chịu. (Sự muốn chụp bắt chủ đích của tác giả, do đó, có phần
không thoải mái. Vì vậy, nếu những nhận định được ghi ra ở phần phân
tích tác phẩm và tác giả ở đoạn II mà có hàm chút nào tính chủ quan,
-tôi sẽ cố hết sức tránh né điều ấy- xin độc giả vui lòng thông cảm
cho.)
Có một điều tôi cần giải bày cùng độc giả: Nếu chỉ là một cuốn sách
với lối hành văn xoàng và chủ đề không có gì đặc biệt, tôi hẳn đã buông
nó ngay từ những trang đầu mới lật. Nhưng với cuốn này thì ngoài cái
tính quá xoàng trên phần hình thức, đã có một điều VÔ CÙNG NGUY HIỂM
ở phần nội dung, khiến tôi cứ phải tự mình ráng đọc, ráng tìm hiểu,
trước khi ngồi xuống bàn làm việc với bản văn mà bạn đọc đang cầm trên
tay.
Càng đọc cuốn TQĂN, tôi càng hiểu ra cái thái độ khinh bỉ của người
bạn tôi khi nói về “cái chợ văn chương hải ngoại”, đặc biệt
là với cuốn ấy. Nhưng càng đọc, tôi lại càng thấy mình “không có
quyền lánh xa cái chốn giang hồ đầy những mưa máu gió tanh.”
Những lời thơ của Phùng Quán cứ vang hoài trong óc suốt những ngày sau
đó:
“Người
làm xiếc đi giây rất khó
Cũng không khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật…”
Thì
con đường chân thật này là con đường tôi ĐÃ CHỌN từ khi mới chào đời,
hoặc rõ hơn, từ khi bắt đầu cầm cây viết mười sáu năm về trước. Tôi
đã “nhập cuộc” thì phải theo cho trót. Trách nhiệm của người cầm viết
không cho tôi cái quyền trốn chạy những điều không lương thiện mà mình
nhìn thấy. Cuốn TQĂN và tác giả NGKiểng chính là những gì tôi gọi là
“không lương thiện” đó. Một cuốn sách đầy chất độc hại được viết ra
từ bàn tay một người làm chính trị với những mưu đồ đen tối. Một cuốn
sách 604 trang với toàn những giòng những câu miệt thị thóa mạ trên
cả một dân tộc VN. Một cuốn sách chứa chấp những tư tưởng của một con
người vừa thành công mà cũng vừa thất bại, vừa đầy tự ti mặc cảm lẫn
cả tự tôn mặc cảm. Một cuốn sách câu cú lủng củng, ý tưởng ngông cuồng
mà lại được rất nhiều kẻ về hùa tâng bốc là “nghệ thuật”, “văn chương!”
Năm xưa đọc nghiền ngẫm chữ nghĩa của Gogol, một nhà văn vĩ đại của
nước Nga, tôi thông cảm biết bao cái tâm lý xung đột của ông giữa “niềm
tin trên văn chương như một sức mạnh đạo đức” với cái sự thật rằng
“ngòi viết của ông không đủ tàn phá hết những điều xấu xa mà nước
Nga đang phải gánh”. Với ông, mọi tội lỗi thế gian xuất phát từ
sự băng hoại của tâm hồn con người. Vì thế mà ông cứ mãi tự dày vò mình
theo ý nghĩ: “Thượng Đế muốn ông không chỉ đóng vai trò một kẻ khiển
trách những cái hủ tục xã hội suốt qua các bản văn châm biếm, làm thành
tiếng cười cho độc giả; lại còn phải tìm ra cho nước Nga một con đường
ngay thẳng để có thể sống còn giữa một thế giới đầy những quỷ ma.”
Đó là lý do cho sự chào đời của tác phẩm “Những Đoạn Chọn Lọc Từ Các
Lá Thư Gửi Bạn”, xuất bản ngày 31/12/1846, qua đó, để gửi gấm hoài bão
muốn thanh lọc cái thế giới kinh khủng này, Gogol đã không ngần ngại
tỏ bày rõ rệt mọi ý tưởng riêng về dân tộc và vận mệnh dân chúng Nga,
về giáo hội, thi ca, văn chương và nghệ thuật. Bằng giọng văn nhún nhường,
hiểu biết, gần như đau khổ, trong phần lớn các bài viết, nhà văn đưa
ra những lời khuyên thiết tha về bổn phận của con người trên khía cạnh
đạo đức. Gogol viết cho nhiều giới: từ giới giang hồ đến những chủ điền,
từ nhà cầm quyền đến giới văn nghệ, từ trí thức đến bình dân… Trong
các lời khuyên, nhà văn đã tỏ ra rất thật lòng. Tất nhiên, những tổ
chức chính trị xã hội không làm ông chú ý bằng sự cải thiện đạo đức.
Ông tin rằng tác phẩm của mình là một thông điệp quan trọng và cần thiết
tức thì trong sự cứu độ dân chúng Nga thoát khỏi vòng tội lỗi. Và ông
cũng tin rằng độc giả sẽ đón nhận nó từ lòng sợ hãi và biết ơn.
Nào dè, quyển sách vừa tung ra đã làm dậy lên trong nước Nga những cơn
bão văn chương mãnh liệt. Những người bạn thân lẫn cả bạn không thân
đều chống đối Gogol. Aksákov, người bạn suốt nhiều năm dành cho Gogol
một lòng sùng bái, đã viết gửi nhà văn một lá thư đau khổ để phô bày
tình bạn bị thương tổn. Dữ dội nhất là nhà phê bình Belínski, người
đã từng một thời hâm mộ Gogol, từ Paris, trong những ngày chờ chết với
bệnh lao phổi đang đến thời kỳ cuối, đã giáng một cú sét bất ngờ vào
đầu Gogol qua một lá thư đầy những lời lẽ chỉ trích hiềm thù tựa đề
“Thư Gửi Gogol”. Kết quả đưa tới với Gogol là sự tuyệt vọng đến dường
điên loạn. Nhà văn tự đốt tác phẩm quan trọng cuối cùng của mình -phần
II của cuốn Những Linh Hồn Chết- và qua đời trong cái tuổi 43.
Bây giờ, với cuốn TQĂN, tôi thấy tác giả NGKiểng cũng đang muốn làm
lại cái hành động của Gogol nhưng với một cung cách và tâm ý
hoàn toàn khác. Ông NGKiểng không phải nhà văn, mà là một nhà
chính trị như ông đã tự xác nhận. Còn tôi, với tâm hồn của một nhà văn,
chính trị là điều tôi không bao giờ muốn nghĩ đến. Tuy nhiên, không
nghĩ đến không có nghĩa là có quyền thản nhiên quay lưng trước những
cái gì mình cho là nguy hiểm trên kẻ khác mà mình nhìn thấy. Tôi sẽ
không bao giờ chấp trách ông NGKiểng nếu như trong cuốn sách của ông,
thấy toàn là cách hành văn xoàng kém. Điều tôi muốn trình bày ở phần
sau chính là, “ẩn nấp dưới hình thức văn chương, tác giả đã
có che giấu một âm mưu đả phá độc hại cái tinh thần VN một cách rất
vô trách nhiệm, không những đối với các tiền nhân, mà còn với cả lớp
người trẻ VN trong các thế hệ đi sau.”
Lẽ
ra tôi cũng muốn bắt chước nhà văn Mai Kim Ngọc trong một bài phê bình
về ông Nguyễn Văn Trung là “trả lại cho đám học trò lớp 12 của ông
Trung những cái lỗi về văn phạm, cú pháp của ông ấy” mà không thèm
lý tới trong bài viết; nhưng vì với TQĂN và cá nhân tác giả NGKiểng
đã có một vị trí ở hải ngoại “khác” hơn rất nhiều so với ông Nguyễn
Văn Trung, nên tôi đành làm cái chuyện mà tôi rất ghét: “Vạch lá tìm
sâu.” Điều tôi muốn đưa ra là, để đóng được cái vai trò lãnh đạo trong
một hội nhóm chính trị với mục đích làm chuyện “quốc gia đại sự” thì
điều cần có không những chỉ là tư cách, đạo đức thôi, mà còn phải cả
tài năng và đởm lược riêng nữa.
Ông NGKiểng đang là “lãnh tụ” của nhóm Thông Luận ở Paris, một nhóm
chính trị rất ồn ào trong những hô-hào-đoàn-kết-hòa-hợp-hòa-giải-đổi-mới-dân-tộc-cải-thiện-
con-người... lung-tung-loạn-xạ… vậy mà ông vừa không có Đức lại thiếu
cả Tài, thử hỏi làm sao có người chịu phục tùng ông cho được? Ông bảo
rằng từng đi du học khi 19 tuổi, từng đỗ kỹ sư và nắm biết bao chức
vụ quan trọng trong xã hội Pháp từ mấy chục năm qua. Nhưng đọc sách
ông, tôi thấy “ngờ” theo điều này lắm. Chẳng phải tôi, mà bất cứ em
học sinh lớp 9 nào đã từng thông qua chương trình Việt văn, học về ngữ
pháp, cũng đều có thể thấy ra những cái rất xoàng trong phần hình thức
của cuốn TQĂN.
Nhưng “nói khơi khơi” như ông NGKiểng thì lại là điều tôi không sao
làm nổi; nên đành phải chứng minh xác thực bằng chữ nghĩa cái chuyện
“vô tài bất tướng” của ông trong bài viết hôm nay. Nếu như điều đó có
làm nhàm mắt độc giả, xin vui lòng lượng thứ. Những độc giả trẻ lớn
lên ở xứ người, không rành chữ nghĩa VN, cũng cần phải biết những cái
sai ấu trĩ của ông NGKiểng để liệu mà tránh xa cái nhóm Thông Luận độc
hại kia.
Để bài viết được mạch lạc, những suy nghĩ của riêng tôi sẽ được chia
ra trong hai phần: A. Hình Thức (Phân Tích Cấu Trúc Tác Phẩm) và B.
Nội Dung (Phân Tích Ý Tưởng Tác Giả). Cũng xin lưu ý độc giả, kể từ
lúc này trở đi, tất cả những “câu văn chữ nghiêng trong hai dấu
ngoặc kép” trong nguyên phần Hình Thức bên dưới
là được trích chính xác từ lời ghi trong cuốn TQĂN của tác giả NGKiểng.
Riêng các chữ nghiêng đậm Italic trong đoạn
văn là sự cố ý nhấn mạnh của TTBG, kẻ viết bài này.)
A.
PHẦN HÌNH THỨC: CẤU TRÚC TÁC PHẨM.
Điều
nhận xét đầu tiên:
Đây là một cuốn sách – gần như duy nhất trong số sách
của các tác giả VN từng đã đọc- tôi thấy trong đó chỉ phơi bày toàn
các khuyết điểm mà không có ưu điểm.
Đó là một thiếu sót rất đáng thương cho tác giả trong một công trình
tim óc kéo dài hằng “bốn năm” như ở trang XI ông đã ghi.
Điều nhận xét thứ hai: Tác giả là “một người làm chính trị
chứ không làm văn học hay nghiên cứu lịch sử” như rất nhiều lần,
và đặc biệt ở trang 155 và trang 171, cái ý tưởng đồng dạng được xác
định. Vậy, cá chất đầu tiên một người làm chính trị CẦN PHẢI CÓ là tính
“thuyết phục.” Riêng tôi sau khi đọc TQĂN, cũng phải nhận “tác giả có
ý muốn phô bày một cái mới” nào đó bằng chữ nghĩa để thuyết phục độc
giả. Nhưng qua cuốn TQĂN, tính thuyết phục này HOÀN TOÀN HỎNG bởi rất
nhiều hình thức diễn đạt của tác giả mà tôi sẽ lần lượt trình bày từng
điểm (với một vài dẫn chứng tiêu biểu) như sau.
1/
CHỮ NGHĨA ĐẦY TÍNH KỂ LỄ.
Một người đàn ông, đặc biệt là “người đàn ông làm chính trị” thì cá
chất rõ rệt nhất nơi họ là “nói năng dứt khoát”. Đọc trong TQĂN, tôi
nhận thấy điều này rõ ràng KHÔNG CÓ nơi con người tác-giả-làm-chính-trị-Nguyễn-Gia-Kiểng.
Cũng vậy, một tác phẩm với cái tựa “thật kêu” và cái tít phụ mang đầy
tính dân tộc: “Nghĩ lại đất nước trên ngưỡng cửa một thế
kỷ 21 và thiên niên kỷ mới” mà ngay từ phần nhập đề sơ
khởi, qua ba bài viết, lại chỉ thấy toàn phơi bày chuyện nhà, chuyện
lòng riêng của tác giả; thì theo tôi, “tính kể lễ” là một trong những
khuyết điểm chủ yếu đã làm hỏng bản văn.
Dẫn chứng:
a. Bài “Lời đầu” gồm 8 trang, gom
thành hai chủ đề rõ rệt:
1/ Tự phô trương thân thế lý lịch; 2/ Dành để “tặng” cho các người thân.
Ở phần phô trương lý lịch, với đúng ba trang giấy,
tác giả tự vẽ hình tuổi thiếu niên của mình bằng cách đưa ra cho thấy
một loạt những hình ảnh đồng quê, các nhân vật trong truyện cổ tích
VN, và cả tên tuổi những vị anh hùng trong lịch sử dân tộc, những điều
và những con người đã làm nên “cái vốn liếng tinh thần và văn hóa”
(tr. I) cho tác giả trước khi đi du học Pháp năm 1961.
Nhưng sau đôi ba năm ở xứ người, tác giả “tin là mình hiểu rõ nước
Pháp nói riêng và phương Tây nói chung” (tr. II) nên bắt đầu xoay
hướng suy nghĩ cá nhân.
Từ một anh con nhà nghèo vừa mới giã từ cái xóm nhỏ tối tăm ở khu Tân
Định, Sàigòn, chẳng bao lâu trước đó, (như tác giả SẼ mô tả ở trang
38: “Hầu hết các gia đình chúng tôi đều ở trong
những căn nhà lụp xụp, nhiều nhà không có điện, tối phải thắp sáng bằng
đèn dầu, vừa học vừa đập muỗi…”), ánh sáng văn minh của kinh thành Paris
đã khiến tác giả cảm thấy như bị “giảm đi” “dần dần niềm tự hào dân
tộc” để rồi kéo theo “sự hoang mang” và “nỗi đau càng ngày càng lớn
trong tâm hồn.” (tr. II)
Từ một anh học trò chân cẳng khẳng khiu “trong mỗi buổi tập thể
dục mặc quần xà lỏn” ở trường Trần Lục thấy để lộ ra “cặp đùi”
“đầy dấu muỗi chích” (tr. 38), bấy giờ trên đất Pháp, nhìn thấy
“sự vượt trội” của các nước phương Tây vì “văn hóa của
họ lành mạnh, tâm lý của họ đúng đắn” cá chất của họ“nhân bản, thâm
thúy, đầy óc sáng tạo” (tr. II) nên tác giả đã phải quay lại mà
“xấu hổ”, “chua xót và thẹn thùng
về sự thua kém của đất nước VN và con người VN”, một “nước
VN đau khổ và nghèo nàn bởi vì văn hóa VN thui chột và tâm lý người
VN bệnh hoạn.” (tr. II)
Chủ đề kế tiếp của bài “Lời đầu” là phần “Tặng”.
Thoạt tiên, cuốn sách được ghi tặng cho bà vợ và hai người con trai
con gái của tác giả hiện đang còn sống. Tiếp đến đề tặng cho nhóm Thông
Luận, gồm “một số đông đảo các trí thức và chuyên gia hàng
đầu, nặng tình với đất nước.” Cuối cùng, đề tặng cho ba
người đã chết: hai người bạn (chiếm mất 77 hàng, nghĩa là gần 3 trang!)
và con gái đầu lòng (chiếm 16 dòng.)
b. Bài “Cảm Tạ” chiếm một trang với đủ các nhân vật
được nêu danh tính, tác giả cảm tạ từ “các chí hữu Thông Luận”
đến các “bậc thầy Vũ Khắc Khoan, Lê Ngọc Huỳnh, Nguyễn Xuân Kỳ”,
cảm tạ từ “người bạn thân và anh lớn” Nguyễn Ngọc Huy đến thân
phụ, cũng là “người thầy đầu tiên” của tác giả; cảm tạ
từ các “đồng chí” Kiên, Minh, Bảo giúp cho trong việc hoàn
thành cuốn sách đến “người sau cùng nhưng đặc biệt nhất” Nguyễn
Văn Huy, đã có công thúc giục tác giả viết tác phẩm này.
c. Bài “Ghi Chú Về Tài Liệu Tham Khảo Và Bố Cục” cũng
chiếm 4 trang.
Xem thế, trước khi vào phần đầu tiên trong năm phần của tác phẩm, độc
giả đã phải làm một cuộc hành trình dài đăng đẳng trong những lời kể
lễ cà kê, những điều không đâu ăn nhập vào đâu cho hạp với “tư cách
của một người làm chính trị” và lại cũng chẳng hạp chút nào với một
cuốn sách mang chủ đề “đả phá rồi xây dựng” một đất nước mới và con
người VN mới! (Ngoài ra, trong cuốn sách, còn có rất nhiều đoạn lê thê
rườm rà như vậy. Nếu phải nói chỉ riêng đề mục này thôi, tôi e phải
mất rất nhiều thời gian.)
Theo sự “thiếu tính thuyết phục” này, tôi xin mượn một câu nơi trang
100 của TQĂN, tác giả đã viết: “Phần dẫn nhập dài dòng này là để
cảnh giác về một thiếu sót trầm trọng, bi đát, kinh khủng của người
Việt: chúng ta không biết truyền thông.”
và xin đổi lại chút ít như sau:
“Phần dẫn nhập dài dòng Ở TRÊN là để cảnh giác về một thiếu sót trầm
trọng, bi đát, kinh khủng của TÁC GIẢ NGKIỂNG. TÁC GIẢ ĐÃ không biết
CÁCH truyền thông”!
2.
SẮP XẾP CHỦ ĐỀ LỘN XỘN:
Nơi trang 99, tác giả cũng từng mai mỉa: “Tôi đã nghe khá nhiều
bài thuyết trình, đọc nhiều bài báo mà chẳng hiểu tác giả định nói cái
gì. Các tác giả sắp xếp lộn xộn thứ tự của các ý kiến –khi họ có ý kiến,
một điều tương đối hiếm-, ôm đồm quá nhiều ý trong một câu, dùng từ
ngữ sai và bất chấp văn phạm”,
Vậy mà theo dõi kỹ cuốn TQĂN, tôi lại thấy “cái tính ôm đồm” nói
trên chẳng những chỉ xuất hiện nơi các chương riêng biệt trong CÙNG
MỘT TIÊU ĐỀ nhỏ; mà “sự sắp xếp lộn xộn thứ tự của các ý kiến” lại
cũng xảy ra ngay chính trong CÙNG MỘT CHƯƠNG. Do đó, TQĂN đã thiếu hẳn
cái TÍNH NHẤT QUÁN rất cần thiết của một tác phẩm bằng chữ viết.
Dẫn chứng:
*/ Cùng trong một tiêu đề:
“Đất Nước Và Con Người” là tiêu đề mà chủ ý tác giả muốn đưa ra cho
thấy RIÊNG về Con Người và Đất Nước VN thôi. Vậy mà trong cái tiêu đề
chung ấy, cũng có nhiều bài hoàn toàn lạc điệu, như bài “Mưu Sự Tại
Nhân…” ở trang 29, trong ấy không phải nước VN mà là nước Hoà Lan, được
phơi bày bằng giọng văn thật là “khô khan địa lý!”.
*/ Cùng trong một chương:
Cũng ngay trong chính cái chương Mưu Sự Tại Nhân (tr. 29), ở trên đang
thao thao kể chuyện những người đã quen trong thời gian tác giả ở tù
CSVN, bỗng nhảy hẳn qua chuyện đất nước Hòa Lan và dông dài về con người
và quốc gia của kẻ khác.
Những ví dụ như trên, độc giả chẳng những chỉ thấy MỘT, mà còn NHIỀU
nữa. Nếu dẫn hết ra đây, tôi e sẽ rất nhàm chán (cho độc giả) và khổ
công (cho tôi)!
3/ RẤT SAI NGỮ PHÁP:
Lật ngay trang thứ nhì của bản in (trang đầu để trắng), cái tiêu đề
nhỏ được ghi ra bên dưới cái tựa chính, làm tôi khó chịu ngay:
“Nghĩ lại đất nước trên ngưỡng cửa một thế kỷ 21 và thiên niên kỷ
mới.”
Đây là một cái SAI vô cùng ấu trĩ trên vấn đề ngữ pháp: Phó từ “MỘT”
không thể nằm trước danh từ “Thế Kỷ 21” bởi chẳng thể nào có được NHIỀU
“thế kỷ 21” để phải dùng đến chữ Một mà xác định cho nó. Vậy, nếu đúng
ngữ pháp, phải viết như sau:
“Nghĩ lại đất nước trên ngưỡng cửa thế kỷ 21 và MỘT thiên niên kỷ mới”.
Chữ “thiên niên kỷ” thì sẽ có nhiều (3000, 4000…) nên với câu trên,
đặt phó từ “MỘT” đàng trước cụm danh từ “thiên niên kỷ” và tĩnh từ “
mới”, là chính xác.
Ở trang 106-107 trong bài Tiếng Mẹ Ru Từ Lúc Nằm Nôi, tác giả không
tiếc lời chê bai kẻ này viết tiếng Việt sai chính tả, văn phạm, kẻ khác
viết tiếng Việt “cẩu thả”, hay “hoàn toàn không biết viết
tiếng Việt”. Chê từ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu viết một bài cương
lĩnh dài đến ba trang đánh máy mà “tôi (tác giả) đếm được
gần một trăm lỗi chính tả và văn phạm”, cho tới “ngay cả những
bài nghị luận chính trị trên báo chí, nhiều khi cũng không thể tìm ra
chủ từ, động từ, túc từ” (tr. 107); chê từ những nhà văn viết sai
ngữ pháp cho đến “các sinh viên ở năm cuối cùng, sắp tốt nghiệp”
cũng “viết những câu rất dài và luộm thuộm, sai văn phạm, sai chính
tả, sai cả nghĩa của từ ngữ.” Và sau cùng, cái sự SAI này đã trầm
trọng đến khiến tác giả “phải nhìn nhận một sự thực đau lòng: chúng
ta là một dân tộc không biết đọc, không biết viết, và không biết nói”
luôn! (tr. 107)
Tuy nhiên, đọc trong cuốn TQĂN, tôi thấy rõ những cái sai ngữ pháp rất
ấu trĩ (như ví dụ vừa dẫn), ở trang nào cũng có. Khi thì sai cú pháp,
lúc lại hỏng mệnh đề; khi thì thiếu động từ, lúc lại dư giới tự..v..v..
Nghĩa là cứ tùm lum loạn xạ, không mạch lạc giản dị. Xin đơn cử vài
ví dụ:
a. Tác giả viết:
*/ “Trong cuộc chuyển hóa vĩ đại từ một nước nông nghiệp sang một
nước công nghiệp và dịch vụ chúng ta gặp một trở ngại lớn: khí hậu.
Chúng ta là một nước nhiệt đới, gần như nóng quanh năm, nhất là ở miền
Nam. Sự phá hủy cây rừng từ nhiều năm nay, và vẫn chưa chấm dứt hẳn
dù rừng không còn bao nhiêu, lại càng cho khí hậu thêm phần gay gắt
khó chịu.” (tr. 21)
Nếu muốn đúng ngữ pháp và đơn giản câu văn thì phải thế này:
“Trong cuộc chuyển hóa vĩ đại từ một nước nông nghiệp sang một nước
công nghiệp và dịch vụ, (phẩy!) chúng ta gặp một trở
ngại lớn: khí hậu. VN là một nước nhiệt đới, gần như
nóng quanh năm, nhất là ở miền Nam. Sự phá hủy cây rừng từ nhiều năm
nay, và vẫn chưa chấm dứt hẳn dù rừng không còn bao nhiêu, lại càng
LÀM cho khí hậu thêm phần gay gắt khó chịu.”
b. Tác giả viết:
*/ “Biển là tài sản quý báu nhất của non sông hoa gấm, có khả năng
cao hơn nhiều so với nông nghiệp. Nhưng không phải ta chỉ có biển tốt
mà ta còn có một vị trí vô cùng thuận lợi. Chúng ta là đường ra biển
của Cam Bốt, Lào, Thái Lan và miền Tây-Nam Trung Quốc, chúng ta nằm
sát các trục giao thông hàng hải quan trọng và ở ngay trung tâm của
một vùng phát triển mạnh.” (tr. 23)
Nếu muốn đúng ngữ pháp và rõ nghĩa câu văn thì phải thế này:
“Biển là tài sản quý báu nhất của non sông hoa gấm, có khả năng cao
hơn nhiều so với nông nghiệp. Nhưng không phải (bỏ chữ Ta ở
đây) chỉ có biển tốt, (phẩy!) mà (bỏ
chữ Ta, thế vào chữ VN) VN còn có một vị trí
vô cùng thuận lợi. (Thêm chữ) NƯỚC
chúng ta (bỏ chữ Là, thế vào cụm từ: “tượng trưng như một con”)
đường ra biển của Cam Bốt, Lào, Thái Lan và miền Tây-Nam Trung Quốc,
(bỏ chữ Chúng Ta: Thừa và sai ý nghĩa) nằm sát các
trục giao thông hàng hải quan trọng và ở ngay trung tâm của một vùng
phát triển mạnh.”
Xin viết lại:
“Biển là tài sản quý báu nhất của non sông hoa gấm, có khả năng cao
hơn nhiều so với nông nghiệp. Nhưng không phải chỉ có biển tốt, mà VN
còn có một vị trí vô cùng thuận lợi. Nước chúng ta
tượng trưng như một con đường ra biển của Cam Bốt,
Lào, Thái Lan và miền Tây-Nam Trung Quốc, nằm sát các trục giao thông
hàng hải quan trọng và ở ngay trung tâm của một vùng phát triển mạnh.”
Ngoài ra, không phải chỉ là sự thiếu hoặc thừa những
từ ngữ trong các câu văn thôi, tác giả còn tỏ ra không biết cách đặt
cho đúng chỗ các dấu chấm, dấu phẩy, những điều thuộc quy tắc
thành lập mệnh đề chính, phụ. Nghĩa là ở rất nhiều đoạn, độc giả tìm
thấy những cái dấu chấm “rất không cần thiết” cho câu, đoạn đó; ở những
đoạn khác rất cần một hay nhiều dấu phẩy, thì chẳng thấy đâu! Câu văn
cứ thế mà liền tù tì, đọc lên, sẽ có cảm tưởng như đang bị ngợp thở.
Dẫn chứng:
*/ “Cứ nhìn ngay những tổ chức chính trị, mà mục đích là tranh đấu
cho một nước VN thống nhất và đoàn kết. Không cần phải là một nhà quan
sát tinh tường cũng đủ thấy.” (tr. 73)
*/ “Chúng ta cần tìm ra cách nào khác để quí trọng người xưa. Để
vẫn yêu quý tổ tiên mà vẫn quý mình.” (tr. 152)
Các dấu chấm đặt trước chữ Không (ở câu 1) và trước chữ Để (ở câu 2)
phải thay bằng Dấu Phẩy mới tạm gọi là được, dù câu
văn không thể thành trong sáng. Muốn hoàn chỉnh, phải sửa lại toàn thể
như sau:
“Cứ nhìn ngay những tổ chức chính trị mang mục đích
tranh đấu cho một nước VN thống nhất và đoàn kết, (phẩy!)
không cần phải là một nhà quan sát tinh tường, (phẩy!)
người ta cũng đủ thấy.”
Và: “Chúng ta cần phải tìm ra một cách nào khác để
yêu quý tổ tiên mà vẫn quý được mình.”
Những
lỗi như vừa trình bày ở các ví dụ trên, độc giả có thể tìm thấy rất
nhiều trong các đoạn, các chương của tác phẩm. Do đó, đọc một cuốn sách
mà gặp quá nhiều cái sai về văn phạm khiến câu văn đâm thành tối nghĩa,
thì đó sẽ là điều dễ dàng tạo ra cho người đọc cái cảm nghĩ “đang phải
bước đi trên một con đường có nhiều bụi gai vướng vít” tôi đã viết ở
trên.
4/
QUÁ NHIỀU TỪ HAY Ý TRÙNG NHAU TRONG MỘT ĐOẠN, MỘT CÂU VĂN.
Trong một đoạn hay một câu văn mà dùng quá nhiều điệp ngữ hay điệp ý
thì đọc lên, nghe y hệt cách nói tội nghiệp của một người đang mắc chứng
cà lăm.
Dẫn chứng:
*/ “Hai Bà Trưng khởi nghĩa, làm chủ đất nước và cầm cự được ba
năm, rồi cuộc khởi nghĩa của Triệu Thị Chinh và Triệu Quốc Đạt. Rồi
vô số những loạn lạc đao binh khác, có khi
do chính các quan cai trị muốn xưng hùng xưng bá đánh giết nhau, có
khi do nhân dân nổi dậy chống áp bức. Có lần
dưới thời Tam Quốc (…) dân Giao Châu nổi lên giết được quan thái thú
rồi đi thần phục nhà Ngụy ở mãi tận phương Bắc, để
rồi lại bị Đông Ngô đánh đẹp. (…) // Trong sáu mươi
năm ngắn ngủi của nhà Tiền Lý, nước ta đã phải đương đầu với cuộc tái
chiếm của Trung Hoa, rồi cuộc nội chiến giữa Triệu
Quang Phục và Lý Phật Tử (…) rồi lại đánh Chiêm Thành,
rồi chiến tranh với nước Nam Chiếu (…) Ngô Quyền đánh
tan quân Nam Hán rồi xưng vương (…) Chiến tranh cũng rất thường xuyên:
(…) đánh Chiêm Thành, Ai Lao, rồi lại đánh Chiêm Thành,
rồi đem quân đánh Tống, rồi kháng
cự với quân xâm lăng Tống (…) rồi lại đánh Chiêm Thành,
rồi giặc Thân Lợi (…) rồi mất ngôi về tay nhà Trần.
// (…) rồi những cuộc chiến tranh liên miên với Chiêm
Thành, (…) Rồi đánh nhau với Ai Lao… Rồi… Rồi!…
Rồi!” (tr. 129-131)
5/ CÂU CÚ LÊ THÊ, LỦNG CỦNG.
Điều này rất thường xuyên được tìm thấy trong cuốn sách. Có khi chỉ
một đoạn ngắn mà người viết phải đọc đến hai, ba lần vẫn không thể hiểu
trong đó, tác giả muốn nói gì?
Dẫn chứng:
*/ “Toàn bộ 85% dân số được gọi là người Kinh sử dụng tiếng Việt,
và càng ngày số người của 15% còn lại thuộc các sắc tộc ít người
sử dụng được tiếng Việt càng thành đa số.” (tr. 25)
*/ “Quan tâm tới lịch sử đánh dấu sự hình thành của ý niệm quốc gia.
Hiểu như thế thì tuy đất nước Việt Nam (hiểu theo nghĩa đen là đất và
nước) đã có hàng mấy chục triệu năm và những con người Việt Nam cũng
đã có từ hàng chục ngàn năm và đã dần dần sống thành xã hội có tổ chức
nhưng ý niệm về quốc gia Việt Nam chỉ mới xuất hiện rất gần đây, vào
đầu thế kỷ thứ 13 khi Lê Văn Hưu soạn ra bộ Đại Việt Sử Ký.” (tr.
117)
5/ QUÁ NHIỀU CÂU THÓA MẠ NGƯỜI VN VÀ CẢ TỔ TIÊN.
Điểm sai lầm và thất bại LỚN NHẤT của một tác phẩm chữ nghĩa là sự thóa
mạ kẻ khác bằng chính giòng văn của tác giả (chứ không phải của nhân
vật được kể).
a.
Chửi Rủa Miệt Thị Những Người Cùng Thời Và Cả Dân Tộc VN.
Trong TQĂN, điều TỆ HẠI và làm thấp kém hóa tác phẩm
chính là giọng văn miệt thị chửi rủa của tác giả. Cái tính thuyết phục
cần thiết phải có trong một người làm chính trị hoàn toàn không thấy
xuất hiện trên những giòng chữ lôi kéo quần chúng. Bài nào cũng chỉ
vang lên những tiếng chửi. Chửi từ chế độ CS sang chế độ Tự Do, chửi
từ người Miền Nam sang người Miền Bắc. Chửi từ tiền nhân qua đến kẻ
hậu duệ. Chửi từ đất nước VN qua đến con người VN ở hải ngoại và trong
quê hương. Chẳng ai tránh được tiếng chửi của tác giả, trừ ra gia đình
vợ con cha mẹ và những người bạn thân hay các “chí hữu trong nhóm
Thông Luận.”
Dẫn chứng:
*/ “Sau 30/4/1975, trong trại cải tạo, tôi được nghe rất nhiều sĩ
quan, (…) thua trận, họ vào tù, họ phải mạt sát chế
độ VN Cộng Hòa và đế quốc Mỹ để mong được khoan hồng (…)” (tr.
3)
*/ “Trí thức VN (…) thầy cũng dốt, học trò cũng dốt, sách
lại dở.” (tr. 26)
*/ “Thì ra đó là những bài học của quân đội Pháp, bộ tổng tham mưu quân
đội miền Nam đem dịch ra để giảng dạy. Thật là bắt chước một
cách ngu ngốc.” (tr. 47)
*/ “Người Việt có tâm lý tồi kém (…) thiếu
tự hào dân tộc và lại hay đố kỵ, ghen ghét nhau.
(…) tôn thờ bạo lực và ác độc đối với nhau.
(…) Người Việt không biết truyền thông, không biết đọc, không
biết viết. v..v..” (tr. 109)
*/ “Nếu cải cách điền địa chỉ là do dã tâm của đảng CS và của các
ông Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hồ Viết Thắng thì (…) chứng
tỏ rằng người VN ác độc với nhau, và do đó không đáng
với tên gọi là một dân tộc.” (tr. 146).
(Ở đây, ông NGKiểng xác nhận việc cải cách điền địa chỉ là do dã tâm
của CS Bắc Việt, tại sao lại GOM CHUNG người Miền Nam vào để phỉ báng?
Ông có ý đồ gì trong cách chửi “toàn thể người VN”
vậy?)
*/ “Thái độ châu chấu đá voi của triều Nguyễn chống Pháp tới cùng
xét ra không lố bịch bằng thái độ của những
người đã thảm bại và thua chạy nhưng vẫn nhất định
đòi những người cộng sản phải “tỉnh ngộ quay về với chính nghĩa
quốc gia” (…) “Cùng một vấn đề và cùng một thái độ cố chấp. Ngày nay
có hơn gì ngày xưa đâu. Chỉ khác ở chỗ các vua quan nhà Nguyễn còn có
thể hưởng sự giảm khinh vì họ không được nhìn thấy
thế giới bên ngoài.” (tr. 203).
*/ “Có thể nói Pháp đã còng tay VN và dẫn
vào thời đại mới.” (tr. 220)
*/ “Để đánh thành Hà Nội do Nguyễn Tri Phương có chuẩn bị trước
để phòng vệ, người Pháp đã chỉ cần 170 quân và họ hạ
thành Hà Nội trong nháy mắt, bắt sống Nguyễn Tri Phuơng. (…) Để chiếm
Hải Dương, quân Pháp đã chỉ cần 15 người lính bắn vài phát súng
là xong. Quân nhà Nguyễn đã không kháng cự chứ không
phải đã thua trận. Tại Ninh Bình chúng ta còn nhục
nhã hơn nhiều. Một viên thiếu úy dẫn bảy tên lính
tới thành. Tổng đốc Nguyễn Đức Tuân và toàn bộ quân sĩ VN phải hạ
khí giới, quỳ xuống hai bên đường đầu hàng. // Trước đó, Jean
Dupuis, một lái buôn với vài tên lính đánh thuê do y tuyển dụng đã có
thể làm mưa làm gió mỗi lần đưa tàu buôn ra Bắc. // Các quan lại VN
tại Hà Nội mỗi khi thấy tàu Dupuis tới gần phải
chạy trước, sợ y bắt ra nọc đánh.” (tr. 223)
b.
Thóa Mạ Tiền Nhân.
Trong tròn cuốn TQĂN, điều rất đáng buồn và tủi hổ cho dân tộc VN là
ở bất cứ trang nào cũng thấy toàn những lời miệt thị của tác giả –một
người VN-, chẳng những lên kẻ đương thời, mà còn miệt thị luôn cả tiền
nhân tiên tổ.
Dẫn chứng:
*/ “Nguyễn Huệ xuất thân là tướng cướp” (tr.
96)
*/ “Quang Trung Nguyễn Huệ, một con người vô cùng hung bạo
và hiếu sát.” (tr. 149)
*/ (Song thân Nguyễn Huệ) “Hồ Phi Phúc thì lại mở sòng bạc.
(…) “Ba anh em Nhạc, Lữ và Huệ lớn lên đi ăn cướp.”(…)
“Quân Tây Sơn chỉ toàn là giặc cướp.” (tr.
158-159)
*/ “Nếu nhìn một cách bình tĩnh thì công lao của Nguyễn Huệ thực
ra không thấm tháp gì (…). Việc ông được tôn sùng quá
đáng tố giác một tâm lý kính sợ bạo lực của người VN; việc
người ta tô vẽ cho ông những đức tính mà ông hoàn toàn không
có như trị nước an dân, có lòng nhân ái..v..v. chứng tỏ rằng
ta tôn sùng bạo lực tới độ ta sẵn sàng làm đẹp nó.”
(tr. 96)
*/ “Nguyễn Ánh còn đang bành trướng thế lực ở trong Nam thì Nguyễn
Huệ đã nghĩ đến việc đánh Trung Hoa. Thật là một ý đồ điên dại,
chứng tỏ Nguyễn Huệ không có một hiểu biết chiến lược nào cả.”
(tr. 163)
*/ “Anh em Tây Sơn đã làm một việc khác rất lớn, rất tai hại cho
chúng ta và đã khiến chúng ta là chúng ta ngày nay: đó là phá
tan và chấm dứt hơn hai thế kỷ tiếp xúc và giao thương
đầy hứa hẹn với thế giới bên ngoài, nhất là phương
Tây.” (tr. 166)
*/ “Nếu Đinh Bộ Lĩnh là một tướng giỏi thì Đinh Tiên Hoàng lại chỉ
là một ông vua tồi và bạo ngược.” (tr. 523)
*/ “Còn Nguyễn Trãi? Vị đệ nhất công thần này từng nằm gai nếm mật
cạnh Lê Lợi, bố của Lê Thái Tông, cũng phải nộp người
yêu của mình cho một thằng bé bằng tuổi con mình hành
lạc ngay tại nhà mình, không chừng còn phải lạy tạ ơn mưa móc và dọn
giường chiếu cho nó. Và khi không may vua vì quá đê
mê mà chết thì bị kết tội và bị giết cả ba họ. Vua là trời,
quần thần không là gì cả. Một ông quan, nghĩa là một kẻ sĩ may mắn thành
đạt, dù tài giỏi tới đâu đi nữa, dù chức phẩm cao tới đâu đi nữa cũng
không hơn gì một con vật trước mặt vua, vua muốn
nọc ra đánh vài chục trượng, muốn thiến, muốn giết bỏ tùy
ý. Và muốn giết sạch cả cha mẹ anh em con cháu cũng
được luôn.” (tr. 368)
*/ “Nhà Trần lại nổi bật ở điểm loạn luân và tàn ác.
Anh em cô cháu cứ lấy nhau một cách bừa bãi. Không những thế, nhà Trần
còn ép buộc dân chúng phải lấy nhau
trong cùng một họ. Phong hóa nước ta chưa bao giờ đồi trụy đến
thế.” (tr. 137)
*/ “Việc quỳ lạy tướng Tàu là tồi thực, nhưng đó
là điều mà các vua VN ngày trước vẫn làm trước sứ giả
Trung Quốc…” (tr. 141)
*/ Tác giả khinh miệt Nguyễn Công Trứ trong bài Kẻ Sĩ là mang “tâm
lý tôi tớ (…) chỉ chờ để được làm tôi tớ cho
một ông chủ. Không được một minh chúa dùng làm tôi tớ
kẻ sĩ sẵn sàng để phí uổng đời mình. Cả đời kẻ sĩ chỉ sống với
giấc mộng được làm tôi tớ. Suốt cuộc đời, hoặc không may thì
ở ẩn cam chịu cuộc sống nghèo nàn trong lều cỏ, hoặc may thì làm
bầy tôi cho một ông vua,...” (tr. 361)
6/
CHỮ NGHĨA ĐẦY TÍNH BÔI BÁC.
Gọi “bôi bác” là nói đến những điều, những ý tác giả đưa ra có tính
cách BỊA ĐẶT nhiều hơn đúng sự thật, và lại theo một luận điệu khinh
miệt.
Dẫn chứng:
*/ Khổ thay phải nhìn nhận rằng nguyên nhân tính hiếu học của người
Việt không lấy gì làm trong sáng lắm. (…) “Phải giải
thích thế nào óc trọng bằng cấp và ham bằng cấp của người Việt? Nó
là biểu hiện của một dân tộc thiếu óc làm chủ, một dân tộc có bản năng
làm công và làm mướn.” (tr. 54)
*/ “Người VN hoặc không yêu nước, hoặc chỉ yêu
nước một cách rất tương đối. Người CS yêu chủ
nghĩa của họ hơn yêu nước. Người Công Giáo coi trọng tôn
giáo của họ hơn đất nước. Những nhà cầm quyền phe quốc gia
đặt quyền lợi của họ trên đất nước. Nhóm Phật Giáo
An Quang tranh đấu để giành quyền lực và ảnh hưởng
cho họ hơn là cho đất nước. Quần chúng VN lo âu quyền lợi và
sự yên ổn của mình hơn là cho tương lai đất nước.” (tr.
68)
*/ “Sự khinh thường tiếng Việt là một truyền thống
của người Việt Nam. Nôm na là cha mách qué, tiếng Việt là tiếng
không cao thượng.” (tr. 105)
7/
CHỮ NGHĨA ĐẦY TÍNH MƠ HỒ THEO LỐI “NÓI KHƠI KHƠI”.
“Nói khơi khơi” có nghĩa là nói những sự kiện có tính cách thực tế mà
lại thiếu dẫn chứng xác thực. Dù rằng tác giả đã tự khôn khéo
biện hộ cho mình một cách thật trẻ con ấu trĩ: “Do
thì giờ eo hẹp, đã tự cho phép bỏ qua phần chú thích
sau mỗi chương” (tr. XI)
và “Tôi là một người hoạt động chính trị. (…), không có
bổn phận phải ghi chú dữ kiện lấy từ sách nào, chương nào,
trang nào..v..v. Đó là công việc của nhà nghiên cứu.” (tr. 155)
thì với một tác phẩm GIÁ TRỊ được viết bởi một tác giả ĐỨNG ĐẮN, BIẾT
TỰ TRỌNG, điều (NGỤY) biện hộ như trên hoàn toàn không được
chấp nhận; càng không được chấp nhận hơn với những tác phẩm
có đề cập đến những vấn đề thuộc về lịch sử.
Cũng vậy, ở trang 339, tác giả “xỉ vả” nhà văn Trần Mạnh Hảo (đang còn
ở trong nước) là nói mà “hoàn toàn không dựa vào một tài liệu nào
cả…”; rồi ở trang kế tiếp lại trịch thượng “mắng mỏ”: “Trần
Mạnh Hảo không hiểu rằng đó là cách đối xử rất tự nhiên và rất bình
thường của người phương Tây, bởi vì Trần Mạnh Hảo thuộc văn
hóa Việt-Trung (Ba Tàu!), trong đó sự lỗ mãng là một thông
lệ”,
thì chính những điều “nói khơi khơi” này cũng được tác giả tận dụng
TRIỆT ĐỂ trong toàn cuốn sách của ông.
Dẫn chứng:
*/ “Tôi còn được đọc một đề nghị phát triển cho cả nước
và cho suốt thế kỷ 21!” (tr. 26).
*/ “Tôi có đọc một cuốn sách nói rằng câu bầu ơi
thương lấy bí cùng (…), nhưng mọi người có thẩm quyền về văn
học mà tôi quen biết đều xác nhận đó là những câu ca dao đã
có từ rất lâu.” (tr. 72)
*/ “Ông (Trần Đức) Thảo hình như làm luận án về
hiện tượng luận… (…) (tr. 52)
*/ “Ông (Trần Trọng Kim đã) dựng đứng ra chuyện
Nguyễn Huệ ra Bắc “phù Lê diệt Trịnh” (…) (sic). Thật
là đổi trắng thay đen!” (tr. 167) (…) “Ông Trần Trọng
Kim cũng dựng đứng ra con số hai chục vạn quân Thanh…”
(tr. 168)
8/
CHỮ NGHĨA ĐẦY TÍNH PHE PHÁI.
Các nhân vật “đại bịp” hoặc các nhà văn CS ly khai, phản tỉnh với những
cuốn sách mang tư tưởng độc hại được viết ra, đều đã bị lật tẩy đối
với quần chúng hải ngoại. Nhưng trong TQĂN, chúng lại được có một vị
trí khác hơn cái nhận định chung của độc giả. (Tôi tự hỏi, không biết
là có một âm mưu nào đó không giữa tác giả và những người CS ly khai
kia?)
Dẫn chứng:
*/ “Trong cuốn Mặt Thật, Bùi Tín, một cựu đại tá phó tổng
biên tập báo Nhân Dân đã ly khai với đảng cộng sản, (…)” (tr.
59)
*/ “Mặt Thật là một cuốn sách hay,
một tài liệu lịch sử thành công về diễn đạt và có
giá trị về văn học.” (tr. 311)
*/ “Trong vụ cải cách điền địa tại Bắc Việt năm 1955(…) một số đảng
viên cộng sản khác (…), cũng thành thực không kém Bùi Tín,
lại nói rằng số nạn nhân có thể trên 100.000 người.” (tr. 112)
9/
CHỮ NGHĨA ĐẦY TÍNH CHIA RẼ.
“Chia rẽ” vốn là cái bệnh thâm căn cố đế của các người làm chính trị.
Tác giả đã tự nhận đến HAI LẦN cùng một câu nói ở trang 155, rồi trang
171: “Tôi là một người hoạt động chính trị…”
Nên, cũng chẳng lạ gì với những câu văn mang ý đồ “chia để trị” kiểu
thực dân Pháp mà tác giả đã để cái ý niệm này thấm sâu vào máu sau hơn
40 năm ở trên đất Pháp.
Dẫn chứng:
*/ “Người VN tìm đủ mọi lý do để ghét nhau. Người
thành thị thì gọi người nông thôn một cách khinh bỉ là
bọn nhà quê với ngụ ý nói là những người dốt
nát, đần độn, ngớ ngẩn. Còn người nông thôn thì gọi người thành
thị là kẻ chợ với hàm ý gian trá lật lọng.
(…) Như vậy rõ ràng là người VN khinh ghét nhau (…)
người Việt biểu lộ sự khinh ghét lẫn nhau đã sẵn có trong lòng.”
(tr. 73)
*/ “Tại sao (…), vẫn có những người cố gắng bôi nhọ người
Công Giáo bằng những tài liệu xuyên tạc hạ cấp (…)
Đáng buồn nhất là một số người lại còn gắn liền sự phát triển
của Phật giáo với sự bài xích Thiên Chúa Giáo.
Phật giáo VN không mạnh thêm, mà còn có thể bị
hoen ố đi vì những Phật tử như thế.” (tr. 191)
*/ “Một thảm kịch vẫn còn chia rẽ trầm trọng trong
người VN với nhau là việc cấm đạo. (…) Điều đáng ngạc nhiên
là cho tới nay chưa có một chính quyền VN nào (…) tổ chức một ngày để
xin lỗi những người Công Giáo về sự sai lầm kinh khủng đó.
(…) Một điều cũng rất đáng ngạc nhiên là cho tới nay
tập thể người Công Giáo chưa bao giờ chính thức đòi các
chính quyền VN phải giải oan, phục hồi danh dự và nhận lỗi với những
nạn nhân.” (tr. 187-188)
*/ “Bài thuyết trình của cụ Nguyễn Huy Bảo (…) có đề cập đến chính
sách thủ cựu của các vua quan nhà Nguyễn, trong đó có việc cấm đạo (…)
Cụ vừa dứt lời, một thanh niên (…) đùng đùng nổi giận đứng lên bất chấp
cả chủ tọa to tiếng mạt sát cụ Bảo (…) Ông là một sản phẩm của
thực dân Pháp (…) Ông lập lại những luận điệu
phản quốc, những lập luận của bọn giáo sĩ cướp nước.
// Tôi làm chủ tọa buổi hôm đó và tôi đã phải cắt lời anh ta. (…) Có
lẽ tự thấy mình đã quá lời, anh ta xin lỗi vì đã dùng những lời lẽ quá
nặng nhưng giải thích: Xin quý vị thông cảm cho, vì dân tộc tôi đã đau
khổ quá nhiều vì bọn giáo sĩ tới làm do thám cho thực dân
cướp nước, vì những tên Việt gian bỏ đất nước đi theo
bọn giáo sĩ. Tôi phải tố cáo bọn giáo sĩ, tố cáo mưu đồ cướp nước của
Vatican. Lời xin lỗi đồng thời cũng là một lời thóa mạ.”
(tr. 189-190)
10/
CHỮ NGHĨA ĐẦY TÍNH TRỊCH THƯỢNG:
Điểm nhún nhường cần thiết để thu phục nhân tâm của một người làm chính
trị (khoan nói là một nhà viết sách), hoàn toàn không thấy có trong
văn phong tác giả TQĂN.
Dẫn chứng:
*/ “Tôi chỉ đọc một tập sách ngắn –đúng ra phải gọi là một bài dài-
của ông (Trần Đức Thảo) nhan đề “Un itinéraire” (Một lộ trình), trong
đó ông tóm lược diễn tiến tư tưởng của ông. Thú thực tôi thấy
nó rất xoàng, phải nói thẳng là quá xoàng. (…) Tháng 7 năm
1990, tôi đi dự đám tang của giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, một người mà tôi
rất quý mến, tôi cũng được nghe một bài điếu văn liệt kê tất
cả những bằng cấp của ông một cách rất trân trọng…
(…) Hình như đối với người Việt, bằng cấp là quan trọng nhất…(…) Những
thì giờ đó nếu họ dùng để học hỏi mở mang kiến thức
thực sự, hay để sống với vợ con, hay ngồi nghỉ ngơi và suy tư thì
hay biết mấy.” (…) “Dần dần kinh nghiệm cho tôi một nhận định
rất rõ ràng: người Việt thường có bằng cấp quá cao so với giá
trị của họ.” (tr. 52-53)
11/
CHỮ NGHĨA ĐẦY TÍNH “DẠY ĐỜI”.
Một khuyết điểm nữa rất quan trọng (bên cạnh những lời thoá mạ kẻ khác)
chính là giọng điệu rất kẻ cả, dạy đời, biểu lộ tâm
tính kiêu ngạo và hợm hĩnh của tác giả. Điều này làm
hỏng hoàn toàn cuốn sách, do bởi tính văn chương không thể nào có được
trong những tác phẩm mang cách viết như vậy.
Dẫn chứng:
*/ “Trần Trọng Kim tóm lược cuộc đời chính trị của ông trong thiên
hồi ký ngắn Một cơn gió bụi. Có lẽ những ai có ý định viết hồi ký nên
đọc cuốn sách nhỏ này trước đã. Đó thực sự là một cuốn hồi
ký. Nó được viết một cách thực thà, lương thiện, rành mạch, điều ít
thấy trong các cuốn hồi ký khác. Hồi ký là một loại sách đặc
biệt. Nó có tác dụng chính, và có thể nói
là duy nhất, là ghi chép các sự kiện để làm
chứng cho một giai đoạn. Đòi hỏi duy nhất của nó là phải trung
thực, phải có giá trị của một tài liệu. Người VN, nhất là các
tướng tá quân đội miền Nam cũ, hay dùng hồi ký để bóp méo sự thật, tán
dương hay chạy tội cho mình, bôi nhọ người khác. Những hồi
ký như vậy không thể dùng làm tài liệu.” (tr. 34)
12/
CHỮ NGHĨA ĐẦY TÍNH TRỌNG NGOẠI.
Tác giả rõ ràng là con người rất mâu thuẫn (điều này tôi sẽ trình bày
ở phần III). Do từ mặc cảm tự ti mà tác giả đã “tỏ ra” khinh chê người
Pháp hoặc những ai thân Pháp, nhưng mạnh hơn chính là tinh thần trọng
ngoại của tác giả, khởi đi từ mặc cảm tự tôn.
Dẫn chứng:
*/ Người phương Tây hơn người phương Đông vì có
óc sáng tạo vượt trội. (…) So với các dân tộc Á Châu khác thì người
VN lại còn thiếu óc sáng tạo hơn nhiều (tr. 49)
*/ “Những người Trung Hoa (…) là những con người xuất chúng,
có kiến thức rất sâu và rất rộng,
có lý luận rất sắc bén và có cách trình bày rất
minh bạch. Chắc chắn họ đã học hỏi rất nhiều.”
(tr. 54)
*/ “Nói cách khác, sự thua kém của dân tộc VN so với dân
tộc Nhật là tuyệt vọng, hết thuốc chữa.” (tr. 55)
*/ “Nhiều người đánh giá chúng tôi là ngây thơ ấu trĩ, là thiếu
căn bản dân tộc, là mất gốc, là không thuộc lịch sử. Nhưng dân
tộc nào, gốc nào và lịch sử nào?” (tr.
147)
13/
CHỮ NGHĨA ĐẦY TÍNH KÊNH KIỆU.
Trong TQĂN, dẫu đã tỏ ra “khiêm nhường” bằng những lời rào đón (hay
tự chống đỡ?): “Theo sự hiểu biết hạn hẹp của tôi…” (tr. 82) “Tôi
không phải là nhà nghiên cứu văn học để có thể có ý
kiến… (tr. 72) “Tôi không phải là một nhà sử học và
cũng không phải là một nhà dân tộc học nên hoàn
toàn không có tham vọng đưa ra….” (tr. 124) “, ”Kiến thức về
văn học của tôi không có bao nhiêu” (tr. 259), “Tôi
không phải sử gia cũng không phải là nhà nghiên cứu…”
(tr. 171) v.v. và v.v…,
vậy mà bất cứ lãnh vực nào, từ Văn Chương đến Triết Học, từ Chính Trị
đến Tôn Giáo, từ Xã Hội đến Luân Lý… cũng đều thấy có mặt tác giả, nơi
chốn nào cũng thấy tác giả “chường” mặt vô bằng những câu viết mang
đầy tính kênh kiệu và cái kiến thức nửa mùa thiếu trước hụt sau.
(Phần này tôi không đưa dẫn chứng vì chữ nghĩa tác giả lê thê và tẻ
nhạt quá, ghi ra uổng cả giấy bút!)
14/
CHỮ NGHĨA ĐẦY TÍNH KHOE KHOANG.
Chửi người khác “ngu dốt” có nghĩa là tự khoe mình “khôn ngoan”. Thóa
mạ người khác “thấp kém” có nghĩa là tự cho mình “cao sang.” Cái chất
khoe khoang hằn rõ trên từng câu từng chữ của TQĂN, đã là một trong
những khuyết điểm quan trọng làm HỎNG HOÀN TOÀN cuốn sách.
Dẫn chứng:
*/ “Tôi quen biết một nhà bình luận thời cuộc viết nhiều bài về
VN và khá nổi tiếng. Anh ta vẫn thường hỏi
ý kiến tôi mỗi khi viết bài, và bù lại cũng giúp tôi một số
việc. Bài của anh hay được các báo VN đăng lại và được ca tụng
như là rất đúng, rất thâm thúy, ngay cả bởi những tờ báo đả
kích tôi một cách nặng nề, mặc dù những điều anh ta viết không khác
gì những điều tôi viết vì một ý do giản dị: phần lớn những ý
kiến anh ta là ý kiến của tôi.” (tr. 62-63)
*/ “Tôi may mắn được đi du học rồi lớn
lên và làm việc tại các nước phương Tây.” (tr. 146) Và
còn rất nhiều ví dụ khác nữa…
B.
VÀI NHẬN XÉT CHO PHẦN NỘI DUNG TÁC PHẨM.
Phần này, người viết xin bỏ qua tất cả các chương rườm rà của cuốn sách
với đầy những lời thóa mạ tiền nhân, mà chỉ xoáy vào một điểm sỉ nhục
của tác giả lên dân tộc VN theo câu nói nhiều lần: “Người
VN không có tư tưởng.”
Thật vậy, trong tác phẩm, đọc thấy nhiều lần lời khinh miệt của tác
giả NGKiểng cho rằng người VN là loại người “không có tư tưởng”, tôi
đã tự hỏi, không biết ông NGKiểng có biết thế nào là Tư Tưởng? Rồi cũng
tự trả lời giùm cho ông: “Nội cái chuyện ngữ pháp cỏn con mà
ông còn chưa thông, thì chắc không thể nào ông hiểu được tư
tưởng của tiền nhân và của những người VN (trừ ra chính ông tự hiểu).”
Câu chê bai của ông vì thế mà cũng thành vô nghĩa.
Thế nào là TƯ TƯỞNG?
Sau khi giúp Lê Lợi đánh thắng quân Minh, năm 1428, Nguyễn Trãi vâng
lời vua, đã soạn Bình Ngô Đại Cáo để bá cáo với thiên hạ sự chiến thắng
này. Trong phần mở đầu, nhà thơ đã viết: “Xét như nước Đại Việt
ta – Thật là một nước văn hiến.”
Trong Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức, chữ Văn Hiến được định nghĩa
như sau:
“Văn Hiến là sách hay, và người tài.
--Sự tổ chức, học hành để tiến tới chỗ khôn khéo.”
Như vậy, có thể kết luận, khi viết chữ “văn hiến” trong bài Bình Ngô
Đại Cáo, Nguyễn Trãi đã hàm ý xác nhận rằng, ở những thời kỳ trước của
nước nhà, ĐÃ CÓ XUẤT HIỆN THỰC SỰ những văn bản, dữ kiện bằng chữ viết
của các hiền nhân, (mà lúc bấy giờ ở thời đại ông, những thứ ấy đang
bị bọn Minh xâm lược tiêu hủy cả.)
TƯ TƯỞNG chính là ý nghĩ, cách thức, tài hoa, tâm ý và đạo đức của người
xưa được đề ra trong những văn bản ấy.
Trong cuốn TQĂN, ngoài những trang xỉ vả Khổng Tử bằng những luận điệu
rất hồ đồ; khinh khi thi hào Nguyễn Du “ăn cắp” tựa
và cốt Truyện Kiều của một tác giả người Tàu; miệt thị vua Quang Trung
xuất thân là “một tên ăn cướp”; mạt sát học
giả Trần Trọng Kim là người hay “dựng đứng” chuyện
và “thay đen đổi trắng!”; gọi xách mé vua
Lê Thái Tông là “thằng bé”, là “nó”;
sỉ nhục vị đệ nhất công thần Nguyễn Trãi “chỉ đáng là một
con vật trước nhà vua”, mỉa mai vua “Đinh
Tiên Hoàng là một ông vua tồi và bạo ngược”, chê TT Ngô
Đình Diệm là “chẳng hiểu biết gì về lịch sử, “thất nhân
tâm vì vụng về, thiển cận... và còn nhiều nữa;
thì cũng vậy, ở trang 139-140, tác giả NGKiểng đã viết về vị đại thần
nhà Trần -Hồ Quý Ly- bằng những lời phỉ báng rất ngang nhiên: “Một
đại thần bất lực, bên trong làm cho đất nước suy đồi, bên ngoài thì
không giữ được bờ cõi” (…) “Tội của Hồ Quý Ly đối với VN thật là lớn”
(…) “Hồ Quý Ly không làm được gì cho đất nước, chỉ làm khổ dân rồi làm
mất nước”…v.v…
Theo các cuốn sử viết về thời Lý Trần, Hồ Quý Ly là một vị đại thần
thời Trần, soạn 14 thiên Minh Đạo dâng lên vua Trần Nghệ Tông xem, trong
có thiên cho rằng phải đổi Chu Công là tiên thánh (thay vì Khổng Tử
xưa nay vẫn được gọi), và đề nghị “giáng” Khổng Tử xuống làm tiên sư
(vai trò của Chu Công). Sắp xếp ngôi thứ nơi nhà Văn Miếu thì nên đặt
bài vị Chu Công ở giữa, một địa vị quan trọng bậc nhất, mặt hướng về
nam; còn bài vị Khổng Tử “chỉ đáng” đặt vị trí bên cạnh, không quan
trọng bằng, mặt hướng về tây.
Hồ Quý Ly cũng cho rằng trong sách Luận Ngữ có bốn chỗ đáng ngờ về con
người và tư cách Khổng Tử. Đối với các danh nho Tàu (như Hàn Dũ, đời
Đường), ông chê bai là “đạo nho” (nho ăn trộm!), có nghĩa, miệng thì
nói chuyện thánh hiền mà hành động giống như “ăn trộm”!. Đối với các
học giả đời Tống, ông lại cho là học rộng nhưng viễn vông, chẳng quan
thiết đến thực tế, chỉ chuyên cóp nhặt văn chương người xưa.
Kể từ Hồ Quý Ly trở về trước, ở Trung Hoa (hà huống là ở VN!), chưa
từng có ai dám phê bình Khổng Tử. Cái tội ông soán nghịch cướp ngôi
vua là chuyện thuộc về lịch sử, ở đây tôi không muốn bàn đến. Nhưng
còn cái công của ông đối với dân tộc VN chính ở chỗ, ông –một người
VN thuộc một dân tộc bé nhỏ luôn bị thiên triều áp bức-- đã dám nghĩ
và đưa ra những điều rất táo bạo và rất mới, biểu lộ tinh thần của một
con người (VN) có đầu óc độc lập, không chịu nhắm mắt tuân theo những
thành kiến của cổ nhân.
Cái tư tưởng Hồ Quý Ly đưa ra để dạy cho lớp sĩ phu thời đó chính là
“Sống tức là phải biết kết hợp hài hòa giữa tư duy và hành động”,
một tư tưởng tích cực của một kẻ có Tâm và có Trí. Cái Trí để hiểu biết
đúng sai. Và cái Tâm để đem cái Biết của mình ra giúp cho kẻ khác. Sự
kiện sáng tác 14 tập Minh Đạo, trong có những bài Hồ Quý Ly phản bác
Khổng Tử và đám hủ nho Trung Hoa, chính là nằm trong cái tư tưởng tích
cực kết hợp giữa Tri và Hành đó. Và tư tưởng này càng được thể hiện
rõ hơn với Nguyễn Trãi ở thế kỷ 15 và Nguyễn Du thế kỷ 19 qua cuộc đời
oan khuất của nhà thơ và cái định mệnh rất phong ba bão táp của Thúy
Kiều.
Hồ Quý Ly hay các bậc tiền nhân đều cũng chỉ là những Con Người (như
ông NGKiểng) chứ không là các vị thánh. (Được tôn xưng là Thánh như
Khổng Tử mà còn bị Hồ Quý Ly ngày trước –và bây giờ ông NGKiểng- vạch
ra những cái sai nữa là!) Ông NGKiểng lớn tiếng thóa mạ các bậc ấy trong
vai trò Con Người của họ, vậy thử hỏi trong vai trò Con Người của chính
ông, ông có đã làm được gì như họ (cho cá nhân ông chứ đừng nói cho
kẻ khác)? Ông có phải là người có Tâm và có Trí?
Đáp lại những câu hỏi này, tôi khẳng định KHÔNG.
Tại sao? Chỉ cần vài ba dòng chữ nhỏ và bằng một lối tam đoạn luận rẻ
tiền, tôi cũng đủ chứng minh điều vừa nói cho độc giả thấy.
1/ Ông NGKiểng là người không có Trí nên mới ngồi xuống
viết ra một cuốn sách thóa mạ tất cả tổ tiên, để phải bị tất cả mọi
người chung quanh thóa mạ lại theo điều vừa nói.
2/ Ông NGKiểng cũng không có Tâm, bởi đã làm đau khổ
cho cha mẹ vợ con ông bằng những lời bị chửi rủa dẫn đi từ điều Bất
Trí nơi ông.
Nếu đã không có Tâm mà cũng là Bất Trí thì dẫu có quay cuồng thế nào
trong cái vòng chính trị, ông NGKiểng cũng sẽ phải gặp thất bại. Tôi
khuyên ông nên thôi đi! Làm thế, ít ra ông còn giữ được chữ Tâm vì đã
không khiến cho song thân và vợ con ông đau khổ. Và khi không còn khiến
các người thân đau khổ theo ông nữa, thì đó là điều chứng tỏ rằng cái
Trí (biết suy nghĩ đúng, sai) đã trở lại với ông!
Đọc cuốn TQĂN, tôi thấy ông NGKiểng cũng tỏ ra có BIẾT (thuộc chữ Trí)
chút ít về văn học Lý & Trần. Nhưng do bởi cái Biết vốn đã ít của
ông không có cái Tâm đi kèm, nên ông đã CỐ TÌNH phủ nhận điều rằng,
chính vì cái chuyện có một người VN bé nhỏ đã dám cả gan phê bình Khổng
Tử, một tư tưởng gia vĩ đại của Trung Hoa, trong tác phẩm Minh Đạo,
mà vào thế kỷ sau, Minh Thành Tổ nhà Minh đã mở ra một “cuộc chiến tranh
văn hóa” có đường lối chủ trương, có kế hoạch và sự kiểm tra hẵn hòi
của triều đình nhà Minh. Một cuộc xâm lược chớp nhoáng tàn bạo vào nước
ta với mục đích cướp bóc, đốt hủy đi tất cả sách vở của hai thời kỳ
trước.
Trong vấn đề Tư Tưởng của người VN, làm sao ông NGKiểng có thể hiểu
nổi, khi mà ông là người “rất vô lễ với tiếng Việt”! (tr. 251)
vì đã TỰ CHỨNG TỎ cho độc giả thấy qua cuốn TQĂN rằng ông là một “nhà
bình luận viết (tiếng Việt) không có bố cục và không ra câu cú. Câu
văn dài lòng thòng, chấm phẩy tùy tiện, mệnh đề chính và phụ hỗn độn,
chữ dùng không chính xác và viết sai chính tả.” (tr. 251) như ông
đã (TỰ) ghi rõ lời chê (MÌNH) ấy ra trong sách. (Xui xẻo cho ông NGKiểng
là tôi lại đã “tình cờ” bắt gặp hai câu trên ngay trang 251 khi đang
viết đoạn này, nên xin trả lại chúng cho ông. Chỉ mong từ nay nếu còn
tiếp tục viết sách --tôi không gọi “viết văn”--, xin ông tha giùm cho
hai chữ “chúng ta” như cái câu ông đã viết “Chúng ta
rất vô lễ với tiếng Việt”. (Đời tôi rất hay dị ứng và không thể
nào đứng chung với những con người vừa thiếu cả Trí lại hụt cả Tâm như
ông!)
Cũng chính bởi vì “vô lễ” như thế với tiếng Việt, mà ông NGKiểng mới
có những câu tỏ bày sự khinh mạn một cách rất hồ đồ về các đóng góp
văn học của tiền nhân như thế này:
“Nói đến văn hóa VN thực ra chỉ là nói đến thơ văn. Và thơ văn của
chúng ta chỉ xuất hiện từ thời nhà Lý, nghĩa là từ thế kỷ 11 trở đi.
Trước đó chúng ta có rất ít dấu tích thơ văn VN. Có thể là, do hoàn
cảnh lịch sử, những thơ văn của người Việt đã có trước thế kỷ 11 nhưng
đã bị thất lạc. Nhưng cứ nhìn vào thành tích thơ văn của bốn thế kỷ
Lý Trần, ta có thể khẳng định là thơ văn VN trước đó
nếu có cũng không đáng kể, cả về phẩm lẫn lượng.” (…)
Như vậy, ngay cả nếu ước lượng một cách rất rộng rãi thì trung bình
trong bốn thế kỷ cực thịnh đó cả nước đã chỉ sáng tác được mỗi
ngày một chữ!
Có một sự kiện cần lưu ý là sau khi tiêu diệt được nhà Hồ (năm 1407),
hoàng đế Trung Quốc là Minh Thành Tổ đã ra lệnh cho quân Minh thu thập
rồi tiêu hủy hay chở về Trung Quốc các tác phẩm bằng chữ Nho của VN.
Lệnh này đã không được thi hành nghiêm túc (tại sao? phải chăng là các
quan nhà Minh thấy chẳng có gì đáng kể?) nên Minh Thành
Tổ phải ra một lệnh thứ hai quở trách quan tướng nhà Minh và đòi phải
thi hành triệt để. Nhà Minh đã cướp mất của chúng ta những gì không
ai biết rõ. Trong VN Sử Lược, Trần Trọng Kim dựa vào các pho sử có trước
nói rằng quân Minh đã lấy của chúng ta 24 bộ sách. Thực tế có thể là
hơn. Nhưng dựa vào những gì còn lại ta có thể kết luận là cũng
không có gì đáng tiếc lắm, ít nhất về phẩm. Chúng ta hay nói
tới các tác phẩm của Chu Văn An, nhưng dựa vào những gì còn sót lại
của Chu Văn An thì cũng có thể kết luận rằng các tác phẩm của
ông cũng không có giá trị đặc biệt nào.” (tr. 248)
Đọc đoạn dài của ông NGKiểng tôi vừa dẫn ở trên, những độc giả nào đã
từng qua thời kỳ Trung Học đệ I cấp cũng có thể nhận thấy rằng, trong
cách chấm câu, dùng chữ, ông NGKiểng đã phạm vào rất nhiều lỗi thuộc
về văn phạm: Điệp ngữ cứ loạn cào cào mà phang, dấu chấm dấu phẩy thì
cứ theo cách “phóng phi tiêu” mà bổ… Như thế, hỏi tư cách gì mà ông
NGKiểng dám xác định chắc nịch rằng các tác phẩm của Chu Văn An hay
của văn học đời Lý Trần là “không có giá trị nào đặc biệt”?
(Một điều bất ngờ thú vị tôi ghi nhận sau khi đọc hết
cuốn TQĂN và đặc biệt là ở những trang 248-249 vừa kể, qua giọng văn
rất gượng ép chắp vá về lịch sử văn học VN cuối thế kỷ 14, ông NGKiểng
đã tự chứng tỏ là một người rất ngoan cố bướng bỉnh và có ý
đồ muốn trở thành một Hồ Quý Ly thứ hai trong lịch sử VN.
Hơn cả Hồ Quý Ly, chính là Cao Bá Quát, nhân vật mà ông NGKiểng ước
ao được trở thành nhiều nhất. (Điều này, do một sự tình cờ mà tôi biết
được từ một người có họ với vợ cũ ông NGKiểng –bà Hoàng Thị Bích- hiện
đang ở Paris, nhưng xin được giấu tên. Mong bạn đọc tha lỗi.) Tuy nhiên,
bởi tài văn thơ hoàn toàn thiếu, Tâm lại cũng rỗng, không làm sao có
được cái ngạo khí lẫy lừng như Cao Bá Quát; vả nữa, đời nay không có
vua có nước, ông NGKiểng không thể làm chuyện soán nghịch; nên, với
cái gan rất bé, ông đành hành động giống như Hồ Quý
Ly.
Hai con người, hai tư tưởng (ông NGKiểng và Hồ Quý Ly) hoàn toàn khác
nhau mà cũng là có điểm giống. Điểm giống này nằm ở chỗ, ngày xưa Hồ
Quý Ly có gan chửi Khổng Tử và đám hủ Nho Tàu trong tập Minh Đạo; thì
ngày nay ông NGKiểng cũng có gan chửi toàn thể các bậc tiên tổ dân tộc
VN trong cuốn TQĂN với cái hy vọng rằng một ngày nào đó rất xa, sẽ có
những người đem cuốn TQĂN mà vinh danh ông, như Hồ Quý Ly đã từng được
vinh danh qua 14 tập Minh Đạo.
Dẫu vậy, có một điều rất đáng buồn cho ông NGKiểng, là giữa ông và Hồ
Quý Ly lại có HAI ĐIỂM HOÀN TOÀN KHÁC:
1/ Cái gan của Hồ Quý Ly biểu lộ qua hành động “chửi
người dưng” một cách văn hoa lịch sự bằng cung cách
chữ nghĩa của một bậc vua chúa; rồi cái hậu quả
tạo ra từ những “lời chửi” này là sự nổi giận kinh hoàng của
bọn giặc Minh xâm lược.
2/ Cái gan của ông NGKiểng biểu lộ qua hành động “chửi
người nhà” bằng thái độ của một kẻ phản trắc vô đạo.
Hậu quả của những lời chửi này chỉ là sự rùn vai khinh
bỉ của độc giả chung quanh. (Ở chương luận về Khổng Tử của
ông NGKiểng, theo tôi chỉ là một lối chửi vuốt đuôi, điều chứng tỏ là
ông rất sùng mộ Hồ Quý Ly chứ không gọi rằng ghét!)
Cũng bởi không có tài thi văn như tiền nhân nên thay vì giống như Hồ
Quý Ly đã nhờ tập Minh Đạo mà được Vinh Danh thiên cổ, thì với tập TQĂN,
rồi đây sẽ cũng giúp ông NGKiểng thiên cổ lưu danh, nhưng chỉ là XÚ
DANH thôi!
Tôi thật tội nghiệp cho ông NGKiểng! “Ếch ngồi đáy giếng” coi
Trời bằng vung, như ông đã tự nói về mình ở trang II trong TQĂN (“Thì
ra tôi đã giống như một con ếch ngồi đáy giếng”) chính là như thế.
Nếu đọc Sử nước nhà để thấy được sự đau khổ ghê gớm của dân tộc VN –một
dân tộc quá bé nhỏ mà đã phải chịu sống trong cảnh bạo tàn áp bức đến
cả một ngàn năm dưới sự đô hộ của một nước láng giềng quá lớn, đặc biệt
là giai đoạn nhà Minh sang nước ta cướp đi tất cả những gì thuộc về
gia tài văn hiến của dân tộc (mà ông NGKiểng đã cố tình bôi bác điều
ấy bằng những luận điệu đầy tính chất rắn độc), tôi tin rằng bất cứ
đứa con nít VN nào cũng có thể rướm lệ, nói gì người lớn tuổi. Vậy mà
với ông NGKiểng, điều đau khổ này của Tổ Quốc chẳng những không làm
ông xót xa, lại còn là dịp cho ông bật lên những tiếng cười mai mỉa,
thì quả tình tôi THỰC SỰ tin rằng ông đã BIẾN THỂ để không còn là “một
con người” bình thường như bao kẻ chung quanh.
*
* *
Trong
chiều hướng xỉ vả tiền nhân, ông NGKiểng viết:
*/ “Ông (Ngô Đình Diệm) là bầy tôi nhà Nguyễn (…) làm quan dưới
chế độ Pháp thuộc chứ không tham gia đấu tranh giành độc lập. Ông không
có thế đứng mạnh để tranh cãi về lịch sử và có lẽ cũng chẳng
hiểu biết gì về lịch sử.” (tr. 171)
*/ “Ông Ngô Đình Diệm xuất hiện đột ngột vào chính trường VN và
cầm quyền. Ông cũng không phải là một người yêu nước,
trái lại ông có một quá khứ hợp tác với người Pháp và đàn áp các phong
trào yêu nước. (…) Ông thất nhân tâm vì vụng về, thiển cận.
(…) (tr. 68)
Đọc hai đoạn trên, những ai am tường về lịch sử VN cũng đều có thể dễ
dàng nhận ra cái “bản chất rắn độc” của tác-giả-chính-trị-gia-NGKiểng.
Riêng cá nhân tôi, phải ngừng viết dăm phút để tự gật gù công nhận rằng
ông NGKiểng quả thật là một “nhà chính trị đại tài”. Cây cung của ông
bắn ra một lúc mà hạ được đến hai, ba con chim béo mập. Tự nghĩ mình
chỉ là một phụ nữ chân yếu tay mềm mà còn nhìn ra được “vấn đề”, huống
hồ các bậc thức giả đầu óc sâu rộng? Nên ở đây chỉ là vài chia xẻ cùng
độc giả theo những nhận định RIÊNG CỦA TÔI (TTBG) mà thôi.
Chế độ Đệ I Cộng Hòa, dưới sự cai trị của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm
được thành lập trong 9 năm, từ 1955 cho đến 1963 là hoàn toàn sụp đổ
cùng với cái chết của hai anh em Tổng Thống. Những ai từng sống dưới
thời ông Diệm cũng đều biết HAI điều rất quan trọng như sau:
1/ Một triệu người Miền Bắc di cư vào Nam kể từ sau
hiệp định Genève, (trong số có 10 phần trăm là tín đồ Phật Giáo) đều
nhờ ông Diệm mà vượt tuyến được vào Nam, nên theo đúng tinh thần “ăn
trái nhớ kẻ trồng cây” của dân VN, những người này rất tôn quý cá nhân
ông Diệm.
2/ Không kể đám con ông cháu cha du học theo diện tự
túc; ngoài ra, để được nhận học bổng du học nước ngoài, kẻ muốn du học
phải thuộc vào hai dạng đặc biệt: --Di cư Công Giáo hoặc giới tu xuất
Công Giáo. Tóm lại là những người Công Giáo có được sự đỡ đầu của các
linh mục, hay nói khác hơn là “được hưởng ơn mưa móc đặc biệt của Tổng
Thống Diệm”. (Một học sinh dẫu đổ Tú Tài II hạng Tối Ưu mà thuộc gia
đình Phật giáo hay không nằm trong hai diện vừa kể cũng chẳng thể nào
có được cái “phúc đức” kia đâu).
Ông NGKiểng xuất thân con nhà nghèo thì không thể tự túc du học được.
Ông lại viết trong sách là được học bổng du học Pháp năm 1961. Như vậy
là ông được xếp vào dạng “được hưởng ơn mưa móc” của vị cố tổng thống
hơn 40 năm cũ.
Vậy mà ngày nay ông NGKiểng lên tiếng xỉ vả ông Diệm, tức là VÌ HAI
MỤC ĐÍCH:
--Lấy điểm với chính quyền CS VN.
--Mị dân (đa số thầm lặng) VN hải ngoại.
1/
Tại sao gọi là MỊ DÂN HẢI NGOẠI ?
--Xin dẫn giải: Sau ba mươi năm sống ở xứ người, trong các cộng đồng
ở hải ngoại hôm nay đang có phong trào đặt lại lịch sử để tìm hiểu vì
đâu mà nước VN Cộng Hòa bị rơi vào hoàn cảnh lưu vong như hiện tại.
Chế độ ông Diệm với chính sách gia đình trị đàn áp Phật Giáo thời điểm
1963 là một trong những nguyên nhân đầu tiên –và lớn nhất, được đề cập.
Ông NGKiểng là một người làm chính trị thì hẳn ông thấy ngay chính nghĩa
đang ngã về phía những người “đặt lại sự thật lịch sử dân tộc”. Vì thế,
cái thái độ hay nhất của ông là biết không thể phủ bác cái lịch sử đó
nên cố “vuốt ve Phật giáo” bằng cách chửi rủa ông Diệm, người ơn cũ
của ông. Làm như vậy, ông sẽ lấy lòng được đa số tín đồ Phật giáo, và
cũng để chứng tỏ ta đây cũng có lập trường “dân tộc”!
Nhưng bởi vì ông NGKiểng lại chính gốc là một người di cư Phát Diệm,
nên ông hiểu rõ như thế nào cái tinh thần “hận thù CS và kính yêu cố
ân nhân của dân Phát Diệm”. Vì vậy, tuy rằng muốn vuốt đuôi Phật Giáo
theo chiều hướng đặt lại sự thật lịch sử thì ông cũng chỉ chửi ông Diệm
“như-là-một-sự-thật-khách-quan”, chửi những cái gì mà ai cũng đều đã
biết. Nghĩa là ông NGKiểng thuộc loại người vừa giả vờ đánh (Công Giáo)
vừa vuốt ve (Phật Giáo), vừa sợ Công Giáo kết án “phản bội”, vừa sợ
Phật giáo “mất lòng”! Đó đúng là bản chất của một tay chính trị có cái
tâm xảo quyệt! Những nhà chính trị chuyên chính (kiểu mấy ông lãnh tụ
nổi tiếng thế giới) chẳng ai thèm chơi cái trò rẻ tiền như thế. Tư cách
lãnh đạo lẫn cả tư cách đàn ông không cho phép họ phải “hèn” đi trong
cái lối chính trị nửa mùa như của ông NGKiểng-chính-trị-gia.
Tuy nhiên, những lời ông NGKiểng chửi “khơi khơi” cố TT Diệm chẳng những
không vuốt ve được những đệ tử nhà Phật, vì cái tâm từ bi hỉ xả của
người Phật tử là sẵn sàng xả bỏ cho người đã chết những lỗi lầm họ từng
tạo ra, chứ không thể nào hoan hỉ để cho kẻ đang sống dùng lời thóa
mạ kẻ chết, hầu chuẩn bị cho cái tội phi-dân-tộc càng thâm độc hơn,
quy mô hơn đang ấp ủ trong lòng kẻ sống đó. Chắc hẳn ông NGKiểng chưa
hiểu thấu đáo câu mà người Phật tử nào cũng biết: “Đi với bụt mặc áo
cà sa, đi với quỷ ma mặc áo giấy”?
“Vuốt đuôi” Phật giáo hải ngoại chỉ là cái cớ, để sau đó ông NGKiểng
với vốn liếng hiểu biết về lịch sử “rất hồn nhiên vô tư” đã đẩy nhẹ
Phật Giáo ra khỏi vai trò chính trị trong chiều dài phát triển lịch
sử dân tộc bằng câu viết như sau trong TQĂN:
“Ngộ nhận thứ ba, cũng là ngộ nhận lớn nhất và vẫn còn được nhắc
đi nhắc lại cho tới ngày nay, là thời Lý Trần đã lấy Phật Giáo làm quốc
giáo. Sự thực thì chỉ có các vua đầu của nhà Lý là đã tôn thờ đạo Phật
mà thôi, nhưng dù có tôn thờ Phật Giáo đi nữa, Phật Giáo cũng không
được lấy làm căn bản cho chính trị. Khổng Giáo mới là căn bản. Có thể
nói chính nhà Lý đã biến Khổng Giáo thành quốc giáo
và mở đầu sự suy thoái của Phật Giáo. Dưới thời Bắc
thuộc, Khổng Giáo là đạo lý của kẻ thống trị phương Bắc, Phật
giáo là tôn giáo của quần chúng VN.” (tr. 136)
Tôi xin có lời “khen” ông NGKiểng cũng đã từng “chịu khó” đọc sách!
Chỉ có điều đáng tiếc là ông đọc mà không thông do bởi THIẾU TRÍ (Tuệ)
và cả VÔ (Luơng) TÂM; nên KHÔNG THỂ NÀO HIỂU THẤU được ý nghĩ và tư
tưởng cổ nhân.
Vì VÔ (Lương) TÂM nên mới có cái việc, chỉ với 604 trang giấy mà ông
NGKiểng đã làm được một cú xổ toẹt cả một lịch sử hơn 4 ngàn năm dựng
nước và giữ nước của dân tộc VN trên đủ mọi khía cạnh, rồi chính ông
cũng đã bắt trọn cả một “Tổ Quốc” phải cúi đầu “Ăn Năn” trước mặt ông!
Đồng thời do THIẾU TRÍ (Khôn) mà ông NGKiểng đã ngang nhiên kết luận
một cách thật sỗ sàng rằng “Dân tộc VN không có tư tưởng”!
Riêng với đoạn dẫn trên từ sách ông NGKiểng, tôi xin đặt một câu hỏi
với ông: “Vua dân đời nhà Lý & Trần dẫu tôn thờ Phật Giáo hay Khổng
Giáo thì có đã sao nếu như hai cái đạo ấy chỉ dạy cho con người những
điều hay lẽ phải?”
Ông NGKiểng bảo rằng Khổng Giáo là đạo lý của kẻ thống trị phương Bắc,
có nghĩa Khổng Giáo XUẤT PHÁT từ Trung quốc. Nhưng tôi tự hỏi, ông có
dám quyết đoán rằng Phật Giáo là XUẤT PHÁT từ xứ sở VN? Đức Phật Thích
Ca có phải chính gốc là người VN?
Và cũng xin hỏi ông NGKiểng, đức Khổng Tử sống trước đó gần cả hai ngàn
năm; vậy trong các kinh sách lưu lại của ngài có thấy lời truyền dạy
nào cho người Trung Hoa mà bảo rằng: “Đến năm 1406, Minh Thành
Tổ PHẢI đem quân qua xâm lược xứ sở VN”?
Lại lần nữa, tôi thấy thật tội nghiệp cho ông NGKiểng, bởi vì ông không
những Vô (Lương) Tâm, Thiếu Trí (Tuệ), lại còn có cả cái máu kỳ thị
tôn giáo trong người. Chúa Jésus xuất thân từ Do Thái, một miền thuộc
Trung Đông rất xa vời với xứ sở VN. Vậy mà đạo Công Giáo đã tràn vào
VN và có được rất nhiều tín hữu. (Tôi ngờ rằng trong số đó có cả ông,
một người xuất thân Bùi Chu Phát Diệm, là vùng đất quy tụ hầu như tất
cả giáo dân Công Giáo?) Người ta theo đạo Công Giáo vì giáo lý Công
Giáo dạy cho con người những điều hay lẽ phải, chứ không biểu con người
lớn tiếng thóa mạ tiên tổ tiền nhân.
2/ Tại sao gọi là “LẤY ĐIỂM VỚI NHÀ CẦM QUYỀN CSVN”?
Trở lại lịch sử mấy chục năm về trước, ai cũng thấy một điều rằng, người
Miền Nam dẫu hiền hòa dễ chịu, nhưng dưới thời ông Diệm, nhờ được ủy
nhiệm bởi quốc tế và cũng nhờ số người Miền Bắc di cư vào Nam kể từ
sau Hiệp định Genève, đặc biệt các người xuất phát từ vùng Bùi Chu Phát
Diệm (như ông NGKiểng), mà tinh thần chống Cộng của dân Miền Nam đã
lên thật cao. Vô hình trung, CS trở thành kẻ thù số một của chế độ ông
Diệm. Nhưng với chủ trương tinh vi xóa bỏ nền văn hóa tổ tiên
để thay vào đó tinh thần văn hóa Thần Quyền Nhân Vị, chế độ
gia đình trị của ông Diệm và một thiểu số trung kiên Công Giáo Cần Lao
đã đánh mất sự hậu thuẫn của toàn dân miền Nam, biến đại đa số quần
chúng còn lại trở thành những nạn nhân trong cuộc chiến chống Cộng.
Trong giờ phút bên bờ vực thẳm của chế độ, lại không còn hậu thuẫn ủng
hộ của Mỹ, hai anh em ông Diệm & Nhu đã công khai ve vãn CS Hà Nội
để mong tìm thỏa hiệp với CS. Do đó, ông mất hoàn toàn sự tín
nhiệm của dân Miền Nam trong đường lối chống Cộng. Và cũng
là điều đưa tới sự thảm tử của hai anh em ông.
*
* *
Ở
đây, việc luận về Công hay Tội của các nhân vật làm nên Lịch Sử VN (điển
hình như Hồ Quý Ly, đã viết ở trên) là điều tôi không có thẩm quyền
cho bằng các nhà nghiên cứu lịch sử. Và ở đây tôi cũng không đề cập
tới giai đoạn vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn trước khi
thoái vị để nhường lại quyền cai trị đất nước cho những vị khác. Đó
là một giai đoạn lịch sử khá dài và rất nhiều khúc mắc nếu cần phân
tích, mà trong phạm vi một bài báo nhỏ, tôi không thể diễn tả cho hết.
Nên, nhân việc mạ lỵ của ông NGKiểng theo cá nhân TT Diệm trong cuốn
TQĂN, tôi chỉ xin đề cập riêng đến trường hợp ông Diệm mà thôi.
Cá nhân tôi –một con dân của Miền Nam- chỉ cảm thấy có điều đau khổ
bất cứ lần nào nghĩ đến vận mệnh đất nước, một xứ sở quá nhỏ bé mà trong
thời kỳ nào của lịch sử cũng đều hoặc nếu không là BỊ TRỊ như dưới thời
Minh thuộc, Pháp thuộc, thì cũng là một nước yếu luôn bị đe dọa ảnh
hưởng bởi những cạnh tranh chính trị (và tôn giáo) của những nước to
lớn trên thế giới (Vatican, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc).
Trở lại giai đoạn lịch sử của 1955-1963, thì trong cái bản chất yêu
Sự Thật và Lẽ Phải của một nhà văn, tôi không thể từ khước với mình
một điều rằng: “Cố TT Ngô Đình Diệm đã đóng một vai quan trọng
trong lịch sử VN giai đoạn 1955-1963 bằng cái CÔNG để có thể GIẢI được
giùm cho ông cái TỘI, dưới mắt nhận định lịch sử của một kẻ hậu duệ
như tôi.”
Tại sao? Xin giải đáp.
Những ai am tường lịch sử VN giai đoạn đó đều nhận thấy rằng, Mỹ là
quốc gia hàng đầu đứng vào giới tuyến chống Cộng; đối tượng CS thích
đáng của Mỹ chính là CS Bắc Kinh và CS Liên Sô, mà CS Hà Nội chỉ là
một con cờ bắc cầu cho sự chống CS đó của Mỹ, cho nên Mỹ đứng về phía
Miền Nam, giúp chế độ Ngô Đình Diệm và người Miền Nam chống lại CS Hà
Nội.
Trong vai trò lãnh đạo một nước nhỏ, TT Diệm thấy rằng sự nhận viện
trợ của Mỹ trên đủ mọi mặt kinh tế, xã hội lẫn quân sự là điều cần thiết.
Nhưng ông không chấp nhận sự tham dự của Mỹ vào nền chính trị
ở VN mà không có sự đồng ý của nhà cầm quyền Miền Nam; không muốn Mỹ
đem quân vào Miền Nam để làm leo thang cuộc chiến vốn đã quá nhiều đau
thương cho dân tộc Việt. Ông chủ trương “chuyện nội bộ
của người VN phải là để cho người VN giải quyết”. Đó là chính nghĩa
truyền thống của dân tộc trong bất cứ thời kỳ nào của lịch sử. Và đó
là cái CÔNG của TT Diệm trong QUAN ĐIỂM RIÊNG TÔI. Lòng tự trọng của
người VN nói riêng và cái chính nghĩa cần bảo vệ của dân tộc nói chung
đã gây nên sự thảm tử cho hai anh em ông Diệm.
Cái chết đáng thương của một vị nguyên thủ quốc gia tháng 11/1963 là
một việc đau lòng cho những người Miền Nam nói riêng và cho cả dân tộc
VN nói chung, bởi vì lần nữa cho thấy rõ cái thế nhược tiểu
của dân tộc VN trước bàn cờ chính trị quốc tế.“Trâu bò
húc nhau ruồi muỗi chết” chính là như thế. Đó cũng là điều rõ rệt
nêu lên cái VẬN MỆNH ĐAU THƯƠNG của dân tộc mà những ai quan tâm đến
VN cũng đều không khỏi mũi lòng cho thân phận người VN hai miền Nam-Bắc
nói chung.
Trên đây là CÁI NHÌN SƠ LƯỢC của RIÊNG TÔI, kẻ viết bài này, về nguyên
nhân và hậu quả sụp đổ của một vị Tổng Thống và chế độ cai trị dưới
quyền vị ấy, cũng là mở đầu cho một giai đoạn rối reng càng nhiều hơn
nữa của lịch sử dân tộc để đưa đến cái hậu quả mất nước ngày hôm nay
của chúng ta, những người Miền Nam.
Tôi không phải là một người Công Giáo, gia tộc tôi truyền đời Phật Giáo;
tôi cũng không là một người di cư Phát Diệm, mà tổ tiên tôi xuất phát
từ xứ Huế. Vì vậy, những lời tôi viết ở trên không hàm bất cứ
ý định bài xích hay bênh vực cho ai cả, mà chỉ nẩy sinh từ
cái Tâm của một nhà văn lấy cái lẽ Công Bình làm đầu mối cho mọi nhận
định cuộc sống và lịch sử. Cho nên, nếu không làm vừa lòng các vị độc
giả, cũng xin bỏ qua, bởi đó là quan điểm của riêng tôi,
chỉ mong ghi ra đây để chia xẻ cùng độc giả.
Điều đáng nói bây giờ là thái độ của ông NGKiểng, một người có học thức
và từng “chịu ơn mưa móc” của cố TT Diệm, trong việc lên tiếng thóa
mạ một người đã nằm xuống. Để giải thích cho thái độ ấy, tôi kết luận:
“Chính VÌ muốn che đậy cái chiêu bài hòa hợp hòa giải của nhóm
Thông Luận; đồng thời để đạt cho được cái mục tiêu mua chính
nghĩa từ cả hai phía (CS và Phật Giáo), mà ông NGKiểng không ngần ngại
biếm nhục cá nhân TT Diệm để ve vuốt lòng phẫn nộ -có thể xảy
ra- từ những người cực đoan ở hải ngoại”. Đó chính là điều
biểu lộ TÍNH CHẤT RẤT GIẢ TẠO của một tay chính trị gia mang cái Tâm
Xảo Quyệt như tôi đã viết ở phần trên.
Chẳng thế, ông NGKiểng lại còn chửi người dân VN (tôi ngờ rằng ông chỉ
muốn chửi dân Miền Nam bỏ nước ra đi vì CS?!) Xong, hăng trớn, ông bỗng
quên mình từ đâu mà xuất phát, chửi luôn lên đầu các tiên tổ tiền nhân!
Tuy vậy, ông vừa chửi lại vừa run thấy rõ! Run đây là run với dân hải
ngoại, cả hai phe Công và Phật Giáo. Nên, cũng áp dụng chiến thuật “vừa
đánh vừa vuốt” tôi nói ở đoạn trên, ông cũng chỉ chửi CS… vừa vừa thôi!
Chửi theo những cái gì các người bạn quí Vũ Thư Hiên, Bùi Tín… xúi chửi!
Ông NGKiểng từng ở Pháp mấy chục năm, hẳn ông cũng biết người Pháp thường
nói câu: “Hãy cho tôi biết bạn của bạn là ai, tôi sẽ nói bạn
là ai?”
Có điều ông NGKiểng không biết (hay có biết mà lại giả vờ như không
biết) rằng nhà cầm quyền CSVN sẽ không bao giờ muốn “DÙNG” những người
như ông (như đã không dùng những kẻ “có cái tâm chĩa về
hai, ba hướng cùng lúc” như ông Nguyễn Văn Trung mà tôi tin rằng
ông cũng có quen biết). Tại sao? Bởi vì có ba đối tượng người VN được
CS cho là kẻ thù nguy hiểm nhất nên không bao giờ dùng đến. Đó là: 1/
Công Giáo. 2/ Tu Xuất Công Giáo. 3/ Phát Diệm Bùi Chu.
Trong ba điểm, ông Kiểng chiếm hết cả hai. Nhưng dù đã rất muốn mà vẫn
không bao giờ LÀ Cao Bá Quát để có thể lấy cái con số HAI này mà để
đời với thiên hạ: “Trong thiên hạ có bốn bồ chữ, mình ta chiếm hai
bồ, anh ta là Cao Bá Đạt và bạn ta là Nguyễn Văn Siêu chiếm một bồ.
Còn một bồ chia cho khắp thiên hạ.”
Cái HAI BỒ của ông NGKiểng chẳng chứa gì trong ấy (ngoài những điều
ở phần II tôi đã phân tích) để nhà cầm quyền CSVN có thể lấy đó mà “cố
đấm ăn xôi” dùng tạm! Ở VN, ông NGKiểng cũng chẳng được “ông lớn” nào
lưu ý để có thể nhờ gửi gấm. Túng quá, đã Bất Trí lại càng thêm Mất
Trí, ông bèn cho chào đời cuốn sách 604 trang đã làm tôi “khổ” suốt
một tuần lễ vừa qua!
*
* *
Đọc
trong TQĂN thấy lúc nào ông NGKiểng cũng tỏ ra tự hào về cái ảo bệnh
“hội chứng Bạch Vân” của mình. (Hội chứng Bạch Vân là một ảo bệnh cho
rằng mình có tài kinh bang tế thế, nên có quyền đứng cao hơn tất cả
mọi người). Xin hỏi, ông NGKiểng thóa mạ Hồ Quý Ly, Nguyễn Trãi, Nguyễn
Du vv…, nhưng ông có làm được như họ không trong việc TẠO NÊN LỊCH SỬ?
Hiện tại ở Paris, ông có kêu gọi lôi kéo được đồng bào hải ngoại từ
bỏ đời sống ấm êm ở xứ người để theo ông về VN mà cứu dân đòi nước?
Ông NGKiểng đã từng ở bên Pháp hơn 40 năm, đọc nhiều sách Tây sách Mỹ
(dù rằng cái thu lượm về ngoại ngữ của ông chẳng khá gì bao nhiêu so
với người bạn “Nguyễn-Ngọc- Bích; -canh-gà-thọ-xương dịch là
chicken soup! và mulberry sea lại bổ vào đầu cuộc
dâu biển!” -sẽ được tôi liệt kê danh tính ở phần cuối bài viết-;
trong tiếng Mỹ, người ta viết “happy-ending” thì ông NGKiểng
lại viết là “happy-end”!); ông cũng đã từng cầm các cuốn sách
văn học của Tây trong hơn bốn mươi năm như lời ông huênh hoang tự nhận.
Vậy xin hỏi, trong khi vào cuối thế kỷ thứ 14 ở nước ta đã từng có một
Hồ Quý Ly dám đưa ra trong tác phẩm Minh Đạo những cái sai lầm của Khổng
Tử, biểu lộ một tư tưởng độc lập, yêu chuộng Sự Thật, tôn trọng Lẽ Phải,
thì ở bên Tây của ông NGKiểng đã có những ai đưa ra được vấn đề tư tưởng
để làm nền tảng cho đất nước họ? Ở đây, tôi xin nhắc cho ông nhớ rằng
những nhà tư tưởng lớn của Pháp như các ông Rabelais (1494-1553), Descartes
(1596-1650), Pascal (1623-1662), Voltaire (1694-1778), Jean Jacques
Rousseau (1712-1778) đều chỉ là hàng hậu bối ĐI SAU Hồ Quý Ly đến một
hay nhiều thế kỷ.
Và cũng vậy, trong khi ở VN vào thế kỷ 11, Phật giáo Thiền tông đã phát
triển rất mạnh, thì ở Nhật, cái chuyện Zen của họ chỉ mới là phôi thai
mờ nhạt. Vậy mà bây giờ cả thế giới ai cũng nghe đến đạo Thiền của Nhật
mà không mấy ai biết tới đạo Thiền của người VN, là bởi tại sao?
Xin trả lời. Bởi vì dân tộc VN thật BẤT HẠNH trong việc đã lầm lẫn mà
cho ra đời những-kẻ-quái-tượng như ông NGKiểng, nên thay vì hoằng dương
Phật giáo Thiền tông của nước nhà ra cho cả thế giới biết (như các Thiền
sư Nhật Bản đã làm cho đất nước họ) thì ông lại cứ lớn giọng mà chửi
rủa, miệt thị rằng “người VN không có tư tưởng”… này, kia…
…….
Dẫn
cho ông NGKiểng thấy thế nào là chí khí, tư tưởng của người xưa qua
những giòng trên là tôi cũng muốn nói lên một niềm tin chắc chắn trong
tôi rằng, không thể nào xảy ra cáichuyện
giống như cái-nhà-anh-giáo-sư-kiêm-nhà-nghiên-cứu-và-bình-luận-chính-trị-Tôn-Thất-Thiện-ở-Canada
kia đã ngớ ngẩn viết ra trong tờ cuối cùng của cuốn TQĂN rằng: (anh
ta) “muốn có nhiều Nguyễn Gia Kiểng hơn nữa…
(sic!)”.
Do đó, vận mệnh nước nhà vẫn còn chưa đáng ngại. Một con sâu bé bằng
vài ba hạt cát tụm lại không thể làm rầu cho một nồi canh vĩ đại. Dân
tộc VN cần là cần những bậc tài nhân như Nguyễn Du, Hồ Quý Ly, thiền
sư Vạn Hạnh, Chu Văn An, Nguyễn Trãi…, hay những đấng anh hùng như Quang
Trung, Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Thái Học…và vô số các bậc tài nhân, anh
hùng lịch sử khác đã bị ông NGKiểng thóa mạ không tiếc lời trong sách;
chứ chẳng ai cần sự có mặt của những kẻ BẤT TÀI VÔ DỤNG. Tương lai đất
nước VN sẽ không bao giờ vì những lời khùng điên ông NGKiểng đã viết
ra mà bị ảnh hưởng. Con người VN dẫu chẳng ai thèm liếc đến một giòng
trong cuốn TQĂN thì vẫn cứ đứng hiên ngang.
Tóm lại, một cuốn sách với một bề dày đồ sộ và một cái tựa “rất hùng
hổ” mà trong đó, ở phần hình thức chỉ toàn là những điểm hỏng về văn
phong và ngữ pháp; phần nội dung không thấy chút gì tính hoạt động của
một bộ óc biết kết hợp cái Tâm và cái Trí, cái Tư Duy và cái Hành Động
thành là MỘT; thì theo tôi, GIÁ TRỊ của nó HOÀN TOÀN KHÔNG CÓ. E rằng
nó còn tệ hơn cuốn Đêm Giữa Ban Ngày của ông CS cảnh tỉnh Vũ Thư Hiên
vừa được tôi “điểm” trên diễn đàn Giao Điểm tuần lễ qua.
III.
NHẬN XÉT CHUNG CHUNG VỀ TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM.
Vài người bạn đã có lời khen tôi là “kẻ rất can đảm”. Cái can đảm này
được đề ra duy nhất ở cái điều tôi đã “gồng mình” đọc được xong suốt
từ đầu đến cuối các bộ “trường thiên chữ nghĩa” như quyển Đêm Giữa Ban
Ngày của ông Cộng Sản cảnh tỉnh Vũ Thư Hiên, Mặt Thật của ông Cộng Sản
ly khai Bùi Tín, giờ đến cuốn Tổ Quốc Ăn Năn của ông Tây da vàng Nguyễn
Gia Kiểng! Và chính tôi cũng nhận rằng mình “can đảm”, bởi các cuốn
điển hình vừa kể thật là “khó nuốt”. Chúng chẳng những rất dày, một
độ dày đồ sộ (không thể nằm mà đọc vì cầm sách, tay sẽ rất mỏi); lại
còn cái ruột (với toàn những lời đao to búa lớn hùng hùng hổ hổ) rất
dễ làm mình nấc cụt. Do đó lúc đọc phải ngồi thẳng, để cuốn sách lên
bàn, ly nước lọc cạnh bên, phòng khi mắc nghẹn còn kịp thời cứu chữa
cho khỏi nấc cụt!
Tôi đang ở Mỹ, một cái xứ mà con người lúc nào cũng phải chạy đua theo
giờ khắc, thì với cái việc đọc một cuốn sách bằng ngần ấy công phu,
tôi phải tự khen mình thuộc vào loại “công lực thâm sâu”!
Nhận xét về cuốn này, một nhân vật nổi tiếng trong giới viết lách của
Miền Nam VNCH đã nói với tôi: “Trọn cuốn chỉ ghi nhận được MỘT PHẦN
TRĂM (1%) giá trị sự thật. Ngoài ra là láo hết!” Cái một phần trăm
đó, theo ông, nằm ở sự kiện tác giả là người VN da vàng chính gốc, cho
dù có đi du học từ 1961, cho dù có biến thành “một ông Tây” từ khi rời
bỏ cái xóm nghèo ở vùng Tân Định thuở xưa.
Vị này thêm: “Vậy mà có nhiều đứa khen cuốn sách, như cái ông Tôn
Thất Thiện ở Canada, thì đúng là hề thật!”
Lật những trang cuối, tôi thấy không những chỉ một ông Tôn Thất Thiện
“hề” như vị kia nói, lại còn có nhiều ông hề khác nữa. Cái sân khấu
có ông Tây NGKiểng đang “múa” nhờ vậy mà thêm phần hào hứng. Và như
thế, lớp khán giả sẽ càng thấy thú vị hơn theo tiếng vỗ tay rôm rốp
của những anh hề vẽ mặt bôi vôi.
…….
Đọc
trọn 604 trang trong cuốn TQĂN suốt hai đêm liền, tôi chợt nhận ra nguyên
nhân nào đã khiến ông NGKiểng cứ thích múa may quay cuồng như thế. Với
cái diễn trường Thông Luận bên Tây, có lẽ vì thấy nó hẹp quá, không
đủ thỏa mãn cho cái tài-múa-chính-trị của mình, nên ông đã làm một phát
nới rộng địa bàn và cả đề tài biểu diễn, từ những bài tham-luận-nghị-hội-hội-nghị
khô khan, cứng ngắc, ông nhẩy xổm vào lãnh vực lịch sử và văn chương
của dân tộc VN. Thế mới phiền!
Đọc ông, tôi hiểu vì đâu nên nỗi?! (Xin mượn một trong năm
tiêu đề của ông trong cuốn TQĂN, nhưng chỉ xin thêm hai dấu chấm hỏi
và chấm than be bé!)
--Vì Đâu Nên Nỗi?! (hay Nhờ Đâu Nên Nỗi?!)
--Phần lớn chính là nhờ cuộc hôn nhân tan vỡ với người vợ đẹp đầu tiên,
có học thức, con một ông quan án giàu có; cùng với cái chết cô con gái
đầu lòng có với người vợ ấy, mà ngày nay rất nhiều người VN ở hải ngoại
mới được dịp ngắm nhìn ông NGKiểng múa may cùng với cái đám hề luôn
bao quanh cổ võ cho ông.
Tôi hiểu, và tôn trọng nỗi đau thầm kín của ông. Nhưng giá ông biết
dừng ở đó thì quá hay, người ta nếu không thông cảm được tâm sự ông,
cũng phải …ngán chút xíu cái mảnh bằng kỹ sư điện lấy được từ trường
Ecole Centrale ở Paris chứ!
Đàng này, ông quay cuồng quá, trông thật đáng thương, bởi từ đó mà ông
đã để lộ ra cho kẻ khác thấy cả hai thứ mặc cảm tự ti và tự tôn hòa
nhập trong con người mình.
Mặc Cảm Tự Tôn: Dẫu cho có là một anh học sinh xuất
thân từ một cái xóm nghèo tối tăm không điện đóm ở khu Tân Định dạo
trước 1961, thì nhờ cái mác Công Giáo Bùi Chu Phát Diệm, ông NGKiểng
cũng đã được cởi lốt, thoát thân, xa lánh vũng lầy mà du học bên Tây.
Mặc Cảm Tự Ti: Song, cho dẫu đỗ cao ở Pháp, được ưu
đãi bởi nhà nước Pháp, ông cũng dắt vợ về VN năm 1973 để mong thực hiện
cái ảo tưởng Cao Bá Quát. Về VN, ông cũng được ưu đãi bởi chính phủ
Nguyễn Văn Thiệu; trong khi dân chúng sang lắm là chỉ đi xe gắn máy
thì ông đã ngồi chễm chệ trong một chiếc xe hơi mới toanh mang từ Pháp
về. Trong TQĂN, ông NGKiểng hay bảo “Tôi không có tham vọng…” này
kia các thứ, mà thật thì chính ông là người mang rất nhiều tham vọng
trong câu nhấn mạnh nhiều lần: “Tôi là người làm chính trị…”.
Nhưng xui xẻo cho ông rằng cái “tham vọng” của ông không được chính
phủ Nguyễn Văn Thiệu đoái hoài nên ông chỉ được giao cho một chức vụ
ở Ngân Hàng Nhà Nước. Và với chức vụ cỏn con như thế, làm sao mà ông
có thể thi tài “múa” của mình cho được? Thêm nữa, thời điểm 1973, Miền
Nam rối reng như thế nào, ông không nghiên cứu kỹ tình hình chính trị
đất nước trước khi muốn “làm chuyện lớn”, thì có phải là “Bất Trí” không?
Vào cuối tháng 4 năm 1975, Miền Nam mất vào tay Cộng Sản. Giấc mộng
làm người hùng Cao Bá Quát trong tâm hồn ông NGKiểng cũng theo đó mà
vỡ. Đã thế, CS còn bỏ tù vợ chồng ông vì tội lăm le vượt biển; đứa con
gái 6 tháng ở nhà không ai trông giữ, bị chết. Bất đắc chí (như Cao
Bá Quát) vì không được rảnh tay “cứu nước” hoặc không được CS nhìn ra
cái tài kinh bang tế thế của mình mà trọng đãi, ông bắt đầu để lộ bản
chất của một gã thiếu niên ở cái xóm nghèo Tân Định trước mặt người
vợ tiểu-thư-học-thức-con-nhà-quyền-quý-cao-sang. Thế là cuộc hôn nhân
tan rã. Người vợ cũ bỏ đi Tây. Ông lấy vợ mới, xong vào cuối năm 1982
cũng lại bỏ chạy qua Tây lần nữa. (Ở đây phải nói rõ, lần thứ
hai ông NGKiểng đi Tây vì muốn sống một cuộc đời vật chất thoải
mái, chứ chẳng phải “công cán gì với dân tộc VN” như ông đã được cái-nhà-anh-Nguyễn-Mạnh-Hùng-một-giáo-sư-ở-đại-học-George-Mason-Virginia-chủ-tịch-Indochina-Institute-Hoa-
Kỳ tâng bốc: “Nguyễn Gia Kiểng thuộc hàng ngũ chuyên viên trẻ PHẢI
bỏ nước ra đi sau năm 1975.” (tr. 601)
(Những
điều nêu trên có liên quan đến “đời tư” ông NGKiểng, sở dĩ tôi biết
là nhờ vào một sự tình cờ được nghe từ một người có họ với
bà Hoàng Thị Bích, vợ cũ ông NGKiểng, con gái ông Án Hoàng Văn Châu,
hiện đang sinh sống tại Paris, ở đoạn trên tôi đã có đề cập. Nhưng xin
lỗi độc giả, vì sự tôn trọng mà tôi xin được giấu tên người vắng mặt.
Tuy nhiên, thiết nghĩ, ông NGKiểng là một “public figure” thì chẳng
phải chỉ mình tôi, bất cứ ai cũng có thể biết rõ về đời tư của ông.)
Hai
thứ mặc cảm cùng đánh nhau dữ dội trong tâm tư ông NGKiểng, hỏi làm
sao không khiến ông đảo điên cho được? Và ông bắt đầu thể hiện cái điên
đảo của mình trên nhiều cách, hoặc là ông phun ào ào trên các bàn hội-nghị-nghị-hội
của nhóm Thông Luận những lời đao to búa lớn, hoặc ông cho biểu diễn
những cuộc họp này báo kia với nhóm đàn em ở những khách thính rất sang.
Dù vậy, với những cái trò điên đảo ấy, thiên hạ cũng còn có thể tạm
lơ cho ông, chẳng ai thèm thắc mắc. Đàng này, DO TỪ những tiếng vỗ tay
ồn ào, những lời ngợi khen giả dối của cái đám hề chung quanh mà làm
cho ông càng thêm điên đảo. Kết quả chính là cuốn sách dày 604 trang
với toàn những lời nhục mạ tiền nhân, những xỉ vả miệt thị trên toàn
thể một đất nước mà chính ông đã chui ra từ đó hơn 60 năm trước. Chưa
hết, ông lại còn phang ngay trên trang bìa cuốn sách một cái tựa rất
nổ. Nghĩa là ông bắt tất cả TỔ QUỐC (trong số CÓ TÔI) phải hối cải ĂN
NĂN! Điều này, với tôi, quả là… không được! Tôi làm gì mà phải ăn năn
chứ? Tôi có muốn rắp tâm làm lãnh tụ, có muốn đầu độc tư tưởng lớp trẻ
VN bằng những lời thoá mạ vào mặt tiên tổ ngàn đời của tôi bao giờ đâu
mà phải ăn năn?
Ông NGKiểng quả thật là con người “đáng nể”! Cái đáng nể của ông nằm
ở chỗ, ông chẳng những điên mà lại còn huênh hoang y hệt một gã say.
Ông say chính trị, ông say theo cái mộng làm lãnh tụ, say theo ảo tưởng
muốn làm người hùng Cao Bá Quát, say tiếng vỗ tay ca ngợi của những
tên hề múa rối... Cứ hình dung cái cách ông vung tay múa chân trước
một đám đàn em trên diễn trường Thông Luận; cái cách ông rung đùi thích
thú với những lời hứng, tung, nịnh, bợ; cái cách ông gò lưng ngồi viết
những bài tham-luận-nghị-luận dài thoòng loòng với toàn những danh từ
long trời bể đất; cứ hình dung thế… mà tôi thấy thật tội nghiệp cho
ông!
Tôi xin kể lại đây một câu chuyện mà trong cuốn TQĂN, trang V, ông NGKiểng
đã viết: “Sáng thứ bảy ngày 4 tháng 5 năm 1994 khi bảy người chúng
tôi trong Ban Thường Trực của Thông Luận họp mặt trong phòng họp riêng
của tôi, chúng tôi uống cà-phê, ăn sáng và thảo luận rất thoải mái.
Ngoài việc giải quyết một số vấn đề thông thường của tổ chức Thông Luận,
chúng tôi bàn kế hoạch ủng hộ Đoàn Viết Hoạt, đang chịu một hoàn cảnh
giam cầm nghiệt ngã. Chúng tôi đều đồng ý rằng điều cấp bách nhất là
làm thế nào để Đoàn Viết Hoạt đừng chết. Chúng tôi không hề nghĩ rằng
một lát nữa một trong bảy người chúng tôi sẽ chết. Phiên họp vừa hết,
Đằng muốn thêm một lời kết luận. Đang phát biểu, Đằng thình lình ngừng
lại, ngất xỉu và chết ngay sau đó.”
Và cũng xin dẫn lại những lời viết như sau trong cuốn TQĂN.
Ở trang 97, sau khi đã “lập lờ” xác nhận rằng các ông Hoàng Cơ Minh,
Võ Đại Tôn là những tay “bịp bợm” thì ông NGKiểng lại bào chữa
ngay cho các ông ấy là đã “không” được đối
xử một cách “công bình.”“Họ phải làm
như thế để tranh thủ sự ủng hộ.”, ông Kiểng viết, “Giả thử nếu ông Võ
Đại Tôn không tạo cái ảo tưởng là có bạo lực thì ông cũng không khác
nhiều người hoạt động khác. Nếu ông Hoàng Cơ Minh không lập chiến khu
thì liệu ông có được sự ủng hộ mạnh mẽ đến thế không? // Sự thực cũng
không thể trách họ bịp bợm…” (tr. 97)
Rồi ông đổ lỗi cho người dân hải ngoại đã có lòng tin mù quáng theo
ba cái trò bịp bợm của các ông ấy. Xong, lên tiếng bênh vực các ông
Hoàng Cơ Minh, Võ Đại Tôn trong sự việc các ông ấy “đã diễn tuồng
kháng chiến võ trang” thật khéo cho dân hải ngoại xem, và “có
công tạo ra một ảo tưởng bạo lực, và ảo tưởng đó là giấc mơ
của đa số người tị nạn thời đó.”
Ông NGKiểng cũng xác nhận, dù “không bao giờ tán thành bạo lực,
và hoàn toàn không tán thành đường lối đấu tranh” của hai ông nọ,
thì ông vẫn “luôn luôn có một tình cảm bùi ngùi, thương xót”
cho các ông kia. (tr. 98).
Xem thế, tôi biết ông NGKiểng cũng còn là người… tốt (!) dù cái tốt
của ông chỉ để dành riêng cho những kẻ trong “phe ta” chính trị. Vậy,
vì “cái tốt” nói trên của ông, tôi cũng muốn khuyên ông nên áp dụng
cho chính bản thân mình đúng như những lời ông từng viết ra trong sách:
“Có những người ngoài bốn mươi tuổi vẫn còn cố đi học để lấy thêm một
bằng cấp khác, không biết để làm gì. Những thì giờ đó nếu họ
dùng để học hỏi mở mang kiến thức thực sự, hay để sống với vợ con, hay
ngồi nghỉ ngợi và suy tư thì hay biết mấy.” (TQĂN, tr.
53)
Thêm nữa, ông NGKiểng cũng nên lấy cái kinh nghiệm về người bạn tên
Đằng mà suy ngẫm. Đời người thật ngắn. Giữa sự sống và sự chết chỉ là
một khoảng cách nhỏ không thua gì một cái nháy mắt. Một người như ông
Kiểng, công đã “thành” danh đã “toại”, dù rằng cái thành cái toại đó
chỉ là hão nhiều hơn thực, thì cũng có thể gọi là đã
đủ thú vị cho ông.
Cớ sao ông lại còn dại dột mà muốn để cho bị mắc lừa bởi những lời tâng
bốc giả dối từ cái đám hề cổ võ chung quanh và cũng là từ chính thâm
tâm ông tạo ra sự “tự lừa mình” đó? Điều giả dối nói trên của đám kia,
tôi xin được minh chứng:
Ở phần II, khi phân tích về hình thức cuốn TQĂN, bằng chính ngay tác
phẩm, tôi có nêu ra rất nhiều khuyết điểm của tác giả trong cách hành
văn, xếp câu, dùng chữ… gọi chung là ngữ pháp. (Đó chỉ mới là phần ngữ
pháp.) Vậy mà, nơi phần cuối sách, tôi đọc thấy những lời khen bốc rất
vớ vẩn của toàn những anh trí-thức-nửa-mùa-hải-ngoại-hôm-nay như sau:
(Tổ Quốc Ăn Năn) “là một cuốn sách có thể dùng làm chuẩn
cho thể văn chính luận tiếng Việt (sic!) và, một phần nào, cho tiếng
Việt nói chung. Rất ít khi tiếng Việt được sử dụng một cách chính xác
và truyền cảm bằng trong cuốn sách này…” (lời ông Nguyễn
Văn Huy, chuyên viên dân tộc học, nhà văn, nhà báo),
hoặc: “Hắn (là tác giả) đưa vào
tiếng Việt những cách nói mới, có vẻ phương Tây đấy, mà lại rất Việt.
// Sẽ có những người nghiên cứu ngữ ngôn đánh giá công lao của hắn,
và biết đâu đấy, rồi đây họ lại chẳng trân trọng cho hắn hẳn một vòng
nguyệt quế?” (lời ông Vũ Thư Hiên, nhà văn Cộng Sản cảnh
tỉnh)
Hay: “Một cuốn sách dầy 600 trang và buộc tất cả chúng ta
phải xét lại toàn bộ những định kiến về lịch sử, văn hòa và con người
VN.” (lời ông Nguyễn Ngọc Bích “chicken soup”, học giả,
nhà báo, Hoa Kỳ).
Thêm nữa, như một cái chấm mà chưa dứt, lời ông ký giả Sơn Dương ở Úc,
cho rằng các bài nghị luận trong cuốn sách ông Kiểng: “là
ý tưởng và nghệ thuật diễn đạt ý tưởng” (…) “nhờ lối hành văn trong
sáng.”
Đúng là những lời láo khoét rẻ tiền nếu đem so sánh với những giòng
chữ viết được in ra trong cuốn sách của ông NGKiểng. Và tôi cứ tưởng,
một người đã từng biết “nhận định” về sự thiếu kém của dân tộc VN bằng
câu nói: “Phải nhìn nhận một sự thực đau lòng: chúng ta là một dân
tộc không biết đọc, không biết viết, và không biết nói.” (tr. 107)
hẳn phải độn thổ vì xấu hổ khi đọc chúng… Nào dè, ông lại cho in ngay
vào trong sách một cách trân trọng mà đầy hợm hĩnh, như thể những “lời
vàng ý ngọc” kia đã xác định được cho cái “thiên tài văn học” của ông.
“Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”.
Vậy mới hay, lời ông bà xưa của ta bao giờ cũng đúng!
IV.
KẾT LUẬN.
Phải nhận, sau khi đọc xong cuốn sách đến 2 lần (lần đầu chỉ là “đọc
để cho biết”, và lần sau đọc để nhận xét xem cái biết của mình có hạp
với cái biết của tác giả chăng), tôi thấy rằng những “tư tưởng” ông
NGKiểng đưa ra cũng có đôi điều mới mẻ, đặc biệt là quá mới với những
người như tôi, kẻ MAY MẮN không phải xuất thân và trưởng thành trong
các xứ Au Mỹ. Nhưng Mới không có nghĩa là Có Giá Trị thật sự. (Tác giả
đã nhiều năm lưu trú trong nước Pháp, há không biết rằng trong nhiều
lãnh vực, đặc biệt lãnh vực văn học, Pháp thường là quốc gia dẫn đầu
trên chuyện bày ra những trường phái văn chương mới mẻ, dù rằng không
phải tất cả các trường phái đó đều được người dân Pháp cho là giá trị?)
Cái bể học của con người thật bao la vô hạn. Không ai dám gọi rằng mình
BIẾT tất cả. Trái lại, các bậc thức giả càng học cao bao nhiêu, càng
thấy mình thêm… ngu bấy nhiêu! Ngoại trừ các gã điên, ngoài ra, tôi
chưa thấy một ai dám nghĩ mình “thiên hạ vô địch” để rồi lớn tiếng thóa
mạ tất cả những người mà mình “cho là” không biết bằng mình, như tác
giả NGKiểng đã làm suốt trên 604 trang sách.
“Cái Mới”, “cái Sáng Tạo” là một điều hay và có ích cho nhân loại. Và
với người VN, điều này càng thêm cần thiết. Nhưng bày ra cái Mới là
một chuyện, còn làm sao thuyết phục được kẻ khác nghe theo cái
Mới của mình bày ra lại là một chuyện khác nữa.
Bằng vào 604 trang sách, tác giả NGKiểng muốn đập đổ những gì ông cho
rằng cũ kỹ trên cả một đất nước VN tính lùi lại từ gần 5000 năm về trước.
Đó là quyền của ông. Điều ấy có thể được chấp nhận bởi những người dễ
tính, ba phải, dù chính ngay họ và cả tác giả nữa cũng biết rằng không
dễ gì mà đạp đổ cả “hàng mấy ngàn năm văn hiến” của một dân tộc tôn
thờ đạo lý thánh hiền như dân tộc VN. (Ở đây tôi gọi chữ “đạo lý thánh
hiền” chứ không hẳn chỉ là đạo lý Khổng Mạnh).
Thêm một điều tôi tin, là tự trong thâm tâm sâu thẳm, tác giả và những
kẻ đang hùa theo tác giả vẫn không thể phủ nhận rằng, chính NHỜ VÀO
cái đạo lý được truyền lại của biết bao đời tiên tổ tiền nhân mà dân
tộc VN, mặc cho VÔ SỐ LẦN bị rơi vào nạn binh đao khói lửa, vẫn cứ còn
tồn tại và tồn tại mãi. Suy nghĩ kỹ sẽ thấy rằng, đó là CÁI VẬN MỆNH
ĐAU THƯƠNG của đất nước, một con dân dù không thương xót nghĩ về thì
chớ, sao lại nỡ xỉ nhục thóa mạ lên tất cả mọi công lao xây đắp của
tiền nhân?
Ở trang 182, tác giả NGKiểng đã biết viết: “Nguyễn Ánh đã bị buộc
tội oan trong khi ông là người có công lớn, và hơn thế nữa TỔ TIÊN ông
còn CÓ CÔNG RẤT LỚN là đã khai phá ra một nửa đất nước”, rồi ở cùng
trang 182, tác giả cũng viết: “Nếu ai hỏi tôi ai là người có công nhất
đối với VN, tôi sẽ lưỡng lự giữa Lý Công Uẩn và Nguyễn Hoàng. Lý Công
Uẩn CÓ CÔNG lập ra một quốc gia VN thực sự, có kỷ cương, có triều chính,
có văn hóa và đặt nền nếp cho VN từ đó về sau (…) Nguyễn Hoàng CÓ CÔNG
mở ra một nửa đất nước, và đó cũng là nửa nước trù phú nhất. (…)”,
vậy tại sao trên hằng 604 trang sách, tác giả đã không tiếc lời thóa
mạ trọn cả một dân tộc VN cùng Những Con Người làm nên và giữ gìn cái
dân tộc đó? Làm điều ấy thì có khác nào ông NGKiểng đang thóa mạ chính
song thân ông –vẫn là những người VN- dù còn sống hay đã chết? Giả thử
song thân ông NGKiểng có đáng khinh đến đâu chăng nữa thì thái độ hay
nhất của kẻ làm con như ông là chỉ nên cúi đầu chấp nhận (bởi vì họ
đã CÓ CÔNG sinh thành ra ông), đồng thời nên tìm cách tự sửa đổi khá
hơn cho chính cá nhân mình, để mai sau đám con của riêng ông khỏi phải
rơi vào cái tâm trạng nhục nhã như chính ông đang bị. (Tôi nói ví dụ
thôi, không có ý thóa mạ song thân ông NGKiểng.)
Trường hợp với Tổ Tiên VN cũng là như thế. Có thể họ SAI, rất sai, dưới
cái nhìn của một người đã hơn 40 năm quen ăn miếng cơm của bọn thực
dân tàn bạo để quên mất cội nguồn xứ sở đã vứt lại sau lưng từ khi mới
19 tuổi; thì dẫu gì ông NGKiểng cũng hãy nên nhớ điều rằng, NHỜ CÓ HỌ
mà hơn sáu mươi năm xưa ông mới được sinh ra trong một QUÊ HƯƠNG, (chứ
không phải là chui ra từ đất từ đá như con khỉ Tôn Ngộ Không nhỏ bé!)
Ông NGKiểng muốn kêu gọi mọi người VN làm chuyện “đổi mới có ích
lợi cho cá nhân và dân tộc họ” như ông viết trong sách, mà ông
lại đi nhục mạ tiền nhân của họ, thì dù lời nói ông có hay ho đến cỡ
nào cũng chẳng ai muốn nghe và muốn tin đâu.
Ông NGKiểng đã biết viết ra trong TQĂN, ở trang 184-185 như sau: “Lịch
sử là gia phả chung của đất nước, là ký ức tập thể
của dân tộc, xuyên tạc nó là xúc phạm đến trí tuệ của dân tộc.
Chưa nói rằng bôi nhọ một người đã nằm xuống từ lâu rồi CHO MỘT MỤC
ĐÍCH GIAI ĐOẠN là một việc mà chỉ có NHỮNG KẺ THẤP KÉM
mới làm.”
thì tôi khuyên ông hãy nên lấy chính từ câu đó mà suy gẫm trong trọn
phần đời còn lại.
Ông bà xưa bảo: “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng.”
Ông cũng nên ráng mà nghiền ngẫm câu nói bé nhỏ trên cho thật kỹ. Ông
đã già rồi, chẳng còn bao năm vui cùng đời sống mà không cần phải viết
sách (vì ông không có cái tài viết lách). Ông đã biết khóc thương rất
lâu theo cái chết của cô con gái đầu lòng 6 tháng tuổi, thì cũng nên
thương giùm cho hai người con đã trưởng thành ở hải ngoại của ông. Mai
kia nằm xuống, ông yên phần ông, nhưng cái tiếng xấu muôn đời lưu lại
trong cuốn sách của ông, làm sao đám con ch
áu ông chịu nổi? Lại còn nội ngoại sui gia của họ nữa?
Tôi là người dưng mà còn thấy tội nghiệp cho cái tiền đồ chịu đựng tiếng
nhơ của họ, nữa là ông!
Phần tôi, đọc xong cuốn TQĂN của tác giả NGKiểng, hơn bao giờ, tôi thấy
càng thán phục tiền nhân VN với những cái ĐÚNG của họ (dù chỉ là điển
hình qua một câu tục ngữ rất mộc mạc bình dị như câu “Thùng kêu to bởi
vì thùng rỗng!”) Và cũng hơn bao giờ, tôi hãnh diện mình là người VN
thứ thiệt để chẳng có gì cần phải cúi đầu cải hối ĂN NĂN với TỔ QUỐC
của tôi!
San
Jose, California, Oct. 21/2004
TRẦN
THỊ BÔNG GIẤY
Ý
KIẾN ĐỘC GIẢ: -
Michael Tran: (Wed, 17 Nov 2004 21:55:21 -0800 (PST)
HỔN LÁO NGUYỄN GIA KIỄNG!
Xin có đôi lời và
dạy cho Nguyễn Gia Kiễng hiễu rõ ràng về lá cờ vàng ba sọc đỏ lá cờ
đó đã che chở cho NGK cưu mang hình hài NGK hảy hiểu như sau:
Lá cờ chỉ là một
tấm vải, tự nó không có giá trị nhiều về phần vật chất, nhưng trên mặt
tinh thần, đây là một biểu tượng rõ ràng nhất cho lập trường. Người
QG đứng dưới lá cờ vàng và dứt khoát những ai không công nhận Cờ Vàng
không phải là người Quốc Gia. Những kẽ không chào quốc kỳ VNCH là những
kẽ phải ăn năn trước tổ Quốc Việt Nam!
Người
Việt nam chúng ta có hai lá cờ:
1). Quốc
Gia "Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ"
2). CSVN
"Cờ Máu, cờ đỏ sao vàng"
Anh
đang đứng dưới lá cờ nào đây? không chào cờ Quốc Gia có nghiã là sợ
và phục tùng "Cờ Máu" và làm việc cho cờ máu? Những kẻ yêu
thích Cờ Ðỏ, dứt khoát họ là người không cùng chiến tuyến. Cho tới khi
đất nước thật sự có Tự Do và Dân Chủ, hình thức và màu sắc của lá cờ
có thể thay đổi theo sự lựa chọn của toàn dân. Nhưng bây giờ, Cờ Vàng
là QG, Cờ Ðỏ là CS. Dứt khoát.
Lập trường cuả NGK
"lập trường không hành động" là "lập trường suông",
chỉ có lý thuyết, nhưng lý thuyết dù có hay bao nhiêu trên giấy tờ,
nhưng không thực hiện được thì cũng trở thành dở. Ðây là sở trường của
mấy ông chính khác sa lông chuyên "mơ ngày" không đụng chạm
nhiều với thực tế, vẫn mơ tưởng VC còn có lương tâm. Tôi nghĩ nhóm Thông
Luận đa số sống bên Pháp, ít chịu đau khổ vì VC nên vẫn nghĩ còn có
thể hòa hợp hòa giải được với chúng. Kinh nghiệm lịch sử đã cho thấy,
CS chỉ "hòa" để "dục hoãn cầu mưu" khi chúng bị
yếu thế, nhưng khi đủ mạnh, chúng sẽ ăn tươi nuốt sống những ai không
theo chủ thuyết tam vô "vô gia đình, vô tôn giáo, vô tổ quốc".
Nếu tôi không còn gia đình và tổ quốc thì tôi sống làm gì và có khác
chi loài dã thú sẵn sàng ăn thịt đồng loại? Ngoài ra, còn "tam
cùng: "cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm", tất cả mọi thứ đều là
của chung, kể cả vợ chồng! Thật là tán tận lương tâm và mất hết đạo
đức. Nói tóm lại, khi một người đã chối bỏ những giá trị gần gũi, thân
thương nhất là "gia đình và tổ quốc" liệu Nguyễn Gia Kiễng
có tin người đó không? Dĩ nhiên, trong công cuộc đấu tranh chống Cộng,
mình cần phải uyển chuyển và nhận định rõ ràng đâu là bạn, thù và giới
"lưng chừng". Ðối với bạn, ta hỗ trợ hết mình, với kẻ thù
ta chống tới cùng, với người lưng chừng, ta ủng hộ khi họ chĩa mũi dùi
vào kẻ địch, nhưng vẫn đề phòng bị đâm sau lưng. Tôi không coi nhóm
Thông Luận hoặc những người lưng chừng là thù, nhưng chắc chắc họ không
phải hoặc chưa phải là bạn. Nguyễn Gia Kiễng hoàn toàn thất bại mổi
lần tập họp dân chủ nhóm Thông Luận vì không có biểu tượng cờ Vàng Ba
Sọc Đỏ cờ của người Quốc Gia Tỵ nạn CSVN. Ngày nay, trên đất nước tạm
dung nầy Cờ vẫn linh thiêng và chính thức được công nhận nhiều tiểu
bang tuy rằng chúng tôi mất miền Nam Việt Nam vì tầm đoàn CS Hà Nội
cữơng chiếm năm 1975!
Tóm
lại, xin có đôi lời và dạy cho Nguyễn Gia Kiễng hiễu rõ ràng về lá cờ
vàng ba sọc đỏ lá cờ đó đã che chở cho NGK cưu mang hình hài NGK đầu
óc "nhà Tôm" hảy hiểu cho rỏ vể lá cờ người QG không CS như
sau:
Lá
cờ chỉ là một tấm vải, tự nó không có giá trị nhiều về phần vật chất,
nhưng trên mặt tinh thần, đây là một biểu tượng rõ ràng nhất cho lập
trường. Người QG đứng dưới lá cờ vàng và dứt khoát những ai không công
nhận Cờ Vàng không phải là người Quốc Gia. Những kẽ không chào quốc
kỳ VNCH là những kẽ phải ăn năn trước tổ Quốc Việt Nam! Mong rằng NGK
đọc được bài viết của tôi