545 E. Saint John St.
San Jose, CA 95112
USA

Tel: 408.998.0508

Fax: 408.993.0527


Email:

saigonusanews
@yahoo.com

 

B Ì N H   L U Ậ N

Dân chủ hóa
Đng Cộng Sản
được không?

NGÔ NHÂN DỤNG

Trong tuần trước, Nhật Báo Người Việt đã đăng trọn những lời phát biểu của ông Lê Ðăng Doanh, một nhà kinh tế tại Hà Nội, nói trong một cuộc họp chuẩn bị cho Ðại Hội Mười của Ðảng Cộng Sản Việt Nam vào sang năm. Chưa ai nói đến những bế tắc và sa lầy của chế độ cộng sản tại Việt Nam hiện nay một cách cụ thể, rõ ràng và hùng hồn như vậy. (xin nhấn vào đây-để đọc toàn bộ bài nói chuyện của Ts. Lê Đăng Doanh) Những người đối lập nổi tiếng trong nước như Nguyễn Ðan Quế, Hoàng Minh Chính, Phan Ðình Diệu, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Thanh Giang đã viết ra những ý kiến tương tự, nhưng không ai có lối nói thẳng tuột với các dẫn chứng cụ thể như lời nói miệng của ông Lê Ðăng Doanh. Ông Doanh có lợi thế là ông đã từng phục vụ chế độ cộng sản nhiều năm, ông được Ban Tổ Chức của đảng mời phát biểu; ông nói theo lối ứng khẩu, bình dân, nói như “người trong nhà” nói với nhau. Còn những nhà trí thức đối lập thì phải viết một cách trịnh trọng, nghiêm nghị hơn và không thể dẫn ra các con số, những thí dụ cụ thể, của một người nói từ bên trong.

Ông Lê Ðăng Doanh đã khai mào câu chuyện bằng tình hình kinh tế Việt Nam, rồi sau cùng đã dám nói thẳng đến vấn đề bế tắc chính trị mà nếu đọc kỹ, nối kết những lời ông nói đoạn trước với đoạn sau, thì người đọc tinh ý thấy phải kết luận rằng chỉ có một giải pháp là Ðảng Cộng Sản phải ngưng đóng vai trò “lãnh đạo” (chẳng khác gì bảo phải giải tán) để trả lại quyền tự do cho người dân.

Trong phần thứ nhì của bài phát biểu, ông Lê Ðăng Doanh đặt câu hỏi rõ ràng: “Nhược điểm lớn nhất của thể chế chính trị của chúng ta là gì?” Và ông tự trả lời: “Là chế độ đảng trị, chuyên chế và mất dân chủ rất nặng nề.”

Câu “mất dân chủ rất nặng nề” là nói về cả thể chế chính trị. Tức là cách Ðảng Cộng Sản cai trị người dân Việt Nam. Xưa nay cộng sản vẫn tự đề cao là chế độ của họ “dân chủ gấp trăm lần” các chế độ dân chủ kiểu tư bản. Ông Lê Ðăng Doanh khẳng định một điều ngược lại. Chưa có cán bộ cộng sản nào dám nói như vậy.

Ông Lê Ðăng Doanh lại đặt câu hỏi: “Trong Ðảng có dân chủ chưa?” Sau khi đã kể công theo hầu các vị thủ tướng hoặc tổng bí thư từ Phạm Văn Ðồng, Ðỗ Mười, tới Nguyễn Văn Linh (tránh không kể tên Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải,) Lê Ðăng Doanh trực tiếp trả lời câu hỏi này: “Thực chất tôi thấy là chưa có dân chủ.” Sau đó, Lê Ðăng Doanh trình bày tính chất phi dân chủ trong các đại hội đảng là nơi đáng lẽ quyết định tất cả. Bằng cách nêu câu hỏi, ông cho thấy những đại hội đó không có “thảo luận dân chủ,” không có “đóng góp gì thiết thực,” mà “chỉ lo nhăm nhắm chạy cái chức!” Tình trạng này đã diễn ra ở Liên Xô ngày xưa, ở Việt Nam ngày xưa cũng như bây giờ, nhưng đây là lần đầu tiên có đảng viên cộng sản nói thẳng ra là nó phi dân chủ. Rồi sau khi bầu bán các chức vụ, cái gọi là “ủy ban kiểm tra” thì không bao giờ làm cái trách nhiệm kiểm tra ai cả; các ông Tổng Bí Thư và Bộ Chính Trị muốn làm gì thì làm. Tính chất độc tài thể hiện từ trung ương xuống các cấp nhỏ hơn: “Trời ơi! Ông bí thư tỉnh ủy được coi như ông vua con tuyệt đối rồi! Anh ấy mà đã nói ra là miễn bàn rồi!” Cụ thể là, “Con ông chả học hành vào đâu cả, nhưng vẫn được xếp làm ở chỗ này, chỗ nọ, làm vương làm tướng, mọi người cứ phải lắc đầu.”

Tính chất phi dân chủ thể hiện trong đảng và trong cách Ðảng Cộng Sản cai trị cả nước. Lê Ðăng Doanh viết: “Bây giờ Ðảng mình là lãnh đạo, nhưng ông lãnh đạo tối cao ấy lại không phải trực tiếp do dân bầu ra. Dân không được chọn cái ông ấy nhưng mà lại coi ông ấy là ông tối cao! Thế thì chuyện ấy là thế nào?” Chưa có đảng viên cộng sản nào, mà cũng chưa có nhà đối lập nào đặt một câu hỏi thẳng như Lê Ðăng Doanh: “Ông là cao nhất, vậy thì ông đứng ra tranh cử đi!... Chứ bây giờ người dân chả biết làm sao cả!” Sau đó lại có ông khác nhăm nhe tranh chức Tổng Bí Thư, tung ra các tin đồn; rồi từ đảng viên đến người dân cứ nghe mà “sợ sợ sệt sệt.” Người dân không được quyền chọn ông Tổng Bí Thư Ðảng, người có quyền cao nhất nước; mà cả các đảng viên, các đại biểu đi dự đại hội đảng cũng không có quyền đó. Ðây là lời chỉ trích công khai mạnh mẽ nhất về tính phản dân chủ của chế độ cộng sản.

Tinh trạng nhập nhằng “bí mật cung đình” này làm cho cả trong đảng cũng như ngoài dân chúng mọi người thành ra hèn yếu, sợ sệt, “Rồi xun xoe đến gặp ông này, đến thăm ông kia, rồi rằng là báo chí hồi này nghe nói nhiều về bố của ông này, về mẹ của ông kia.” Lê Ðăng Doanh than: “Trời ơi một nước văn minh mà mọi người đều hành xử như thầy bói xem voi” như vậy, “không có văn minh gì hết.” Chế độ độc tài đã biến cả nước thành hèn yếu, mọi người nhiễm thói quen của những kẻ sống làm thân nô lệ!

Làm cách nào sửa chữa nghịch cảnh này? Trong các lời phát biểu, ông Lê Ðăng Doanh chưa đề cập đến việc bãi bỏ chức vị Tổng Bí Thư, hoặc để cho dân chúng bầu trực tiếp người đóng vai trò quyền lực cao nhất nước. Ông còn tự giới hạn trong vai trò của một đảng viên, trình kiến nghị lên cấp trên của đảng ông.

Nhưng Lê Ðăng Doanh cũng đưa ra một đề nghị rụt rè dưới hình thức một câu hỏi: “Nên chăng là đại hội (Ðảng Cộng Sản) trực tiếp bầu ra Tổng Bí Thư?” Tiếp theo là, “Ðại hội bầu ra Ủy Ban Kiểm Tra, ủy ban kiểm tra có quyền hạn nhất định kiểm soát Tổng Bí Thư, giám sát Bộ Chính Trị.”

Ðề nghị trên đây đã được ông Võ Văn Kiệt đưa ra trong điểm kiến nghị thứ tư cuối của lá thư ông viết cho Bộ Chính Trị và Trung Ương Ðảng vào đầu năm 2005, “Ðại hội đại biểu toàn quốc trực tiếp bầu chức danh Tổng Bí Thư... Ðại hội bầu trực tiếp Ban Kiểm Tra Trung Ương.” Ông Kiệt, đang giữ chức Cố Vấn, nói mục đích của đề nghị này là “nâng cao uy tín và vai trò của Tổng Bí Thư” trong đảng. Nhưng mục tiêu khác của ông là dùng đại hội thứ mười này để buộc mọi cuộc vận động diễn ra công khai, nhằm phá vỡ thế liên minh giữa các phe đang cầm quyền ở Hà Nội cùng với các tỉnh ủy để chia chác các ghế và các quyền lợi, thường diễn ra đằng sau sân khấu Ba Ðình.

Muốn như vậy nên ông Võ Văn Kiệt đã đưa ra các đề nghị để các liên minh đang nắm đầu Ðảng Cộng Sản, gồm những kẻ tham nhũng lạm quyền và bảo thủ, không thể kiểm soát và lũng đoạn hết đại hội đảng như thói quen trong các đảng cộng sản từ trước đến nay. Ông nêu ra các đề nghị về việc chọn các đại biểu đi dự đại hội đảng (không theo cơ cấu,) cách chọn chủ tịch đoàn điều hành đại hội (không nặng về tượng trưng, ai ngồi trên vẫn cứ ngồi trên) cho đến việc bầu cử các chức vụ trong đại hội (không theo danh sách đã được trên ấn định), cũng như cách bỏ phiếu kín, vân vân.

Ông Võ Văn Kiệt cũng đề cập tới tương quan giữa Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng và Bộ Chính Trị. Ông nêu lên một ý kiến đã được nhóm Tướng Nguyễn Nam Khánh đưa ra là Tổng Bí Thư và Bộ Chính Trị phải chịu trách nhiệm với Ban Chấp Hành Trung Ương tức là ở dưới quyền họ, chứ không phải ngược lại như họ vẫn hành động từ thời Stalin đến nay. Ông Võ Văn Kiệt nêu những ý kiến như “Không nhất thiết cứ là bí thư tỉnh ủy hoặc người đứng đầu ngành thì phải vào Ban Chấp Hành Trung Ương.”

Những đề nghị của ông Võ Văn Kiệt bên ngoài nêu động cơ là làm cho Ðảng Cộng Sản dân chủ hơn; bên trong là tìm cách phá vỡ thế liên minh giữa những phe đang nắm độc quyền trong đảng, giữa các nhóm tham nhũng ở trung ương và băng đảng mafia ở các tỉnh; họ cũng đang chuẩn bị chia ghế trong đại hội năm tới. Liệu ông Võ Văn Kiệt có thành công hay không, điều đó sẽ quyết định cả tương lai Ðảng Cộng Sản Việt Nam.

Nhưng còn vấn đề dân chủ của cả guồng máy cai trị quốc gia thì ông Võ Văn Kiệt nói rất ít. Trong những lời phát biểu của Lê Ðăng Doanh vào Tháng Mười Một năm ngoái, ông đã nói nhiều hơn. Lê Ðăng Doanh đã tấn công thẳng vào một cơ cấu có tính chất phản dân chủ trong chế độ cộng sản là sự có mặt của Ðảng Cộng Sản bên cạnh guồng máy nhà nước mà ông nói một cách nhẹ nhàng là “còn có tình trạng vừa lẫn lộn, vừa để trống trách nhiệm.” Trong bài sau chúng tôi sẽ phân tích rõ hơn về các ý kiến của Lê Ðăng Doanh, để rút ra một kết luận rằng chỉ có giải pháp để dân Việt Nam được sống dân chủ là Ðảng Cộng Sản phải từ bỏ vai trò lãnh đạo tối cao hiện còn ghi trong hiến pháp. Phải xóa bỏ điều 4 trong bản hiến pháp hiện hành. Ông Lê Ðăng Doanh không dám nói thẳng điều đó, nhưng nối kết các ý kiến của ông thì thấy đó là kết luận không thể nào khác được.

Một điều chúng ta biết chắc là nếu một đảng chính trị muốn cai trị dân theo lối “độc tài chuyên chế” thì không thể nào có dân chủ trong nội bộ được, vì hai đường lối đó mâu thuẩn với nhau.

NGÔ NHÂN DỤNG (Người Việt Online 16-03-2005)

Bài liên hệ:
Bài nói chuyện của Ts. Lê Đăng Doanh
Nhà Dân chủ Phương Nam trả lời phỏng vấn

SaigonUSA hoan nghênh ý kiến đóng góp của qúy vị độc giả. Xin type vào Comment Box ở dưới đây và nhấn vào nút "Submit" để gởi đi:

TÊN, HỌ / NAME:  
 E M A I L:  

Ý KIẾN /  COMMENT:  


 







Copyright © 1997-2005  SaigonUSA News. All rights reserved.