545 E. Saint John St.
San Jose, CA 95112
USA

Tel: 408.998.0508

Fax: 408.993.0527

Email:

saigonusanews
@yahoo.com

 

 

 

 

 

C  H  U  Y  Ệ  N    D  Ô  N  G    D À  I
Lời quê góp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh
(NGUYỄN DU)

Đồ . . . Ba Phải !
NGUYÊN THANH

Thưa Quý Độc Giả;

Sau khi “ngứa miệng” mần liên tiếp 2 bài viết có nội dung dính dáng đến “cuộc chiến” bầu cử nghị viên của 2 người đẹp cùng mang chung một họ “Nguyễn”, Nguyên Thanh tôi đã vô cùng ngạc nhiên, vì không ngờ, qua một đề tài khô khan như vậy, thế mà lại có quá nhiều “phản hồi” của quý độc giả trong mấy ngày vừa qua. Nhiều hơn cả những bài viết văn nghệ văn gừng, một đề tài dễ hấp dẫn và rất lý thú. Bỏ ra ngoài lời khen tiếng chê dĩ nhiên lúc nào cũng phải có, điều đáng ngạc nhiên nhất là tuy cùng “đọc” 2 bài viết đó, nhưng kết quả lại tạo ra 2 trạng thái tâm lý đối nghịch “thích thú” hay “khó chịu” cho một số người phát xuất từ cái “bụng” và cái sự “hiểu” hoàn toàn trái ngược nhau một cách hết sức... khó hiểu! Thậm chí, chỉ trước và sau trong vòng chưa tới 1 giờ đồng hồ tại cùng 1 địa điểm, có người đã lên tiếng trách móc tôi viết bài rất có lợi cho ứng cử viên Linda, rồi tiếp theo, có kẻ đã quả quyết rằng tôi đang dùng ngòi viết để “phê vơ” cho ứng cử viên Madison... quá xá! Đặc biệt, trên bổn báo “quép xai”, có người đã “ái mộ” ứng cử viên Madison đến độ không ngần ngại khi “kết án” tôi như sau:
“Tôi không biết Nguyên Thanh có ý định xúc phạm đến nhân dáng của Madison không? Nguyên Thanh có khoan dung độ lượng không? khi gọi một thiếu nữ Việt Nam là người “DẸP”! Nguyên Thanh lại tiếp tục mắng mỏ cô Madison Nguyễn: “con cút cụt đuôi ai nuôi mày lớn” rồi bắt cô Madison Nguyễn trả lời một cách VÔ ƠN: “dạ thưa thầy tui lớn mình ên” trên cái ghế Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Dục học khu Franklin-Mckinley.

Cuối cùng là có một thân hữu vừa cười vừa nói với tôi rằng: “lần này, ông viết bài theo lối ‘ba phải’! Trước một cuộc tranh cử khá gay go giữa 2 người đẹp Việt Nam thế nhưng ông không chịu “nghiêng” về bên nào cả mà chỉ chú ý và can gián các ủng hộ viên!”.

Tôi không có thói quen là lúc nào cũng bảo thủ và tự cho là mình đúng. Vì vậy, tôi rất tôn trọng ý kiến của người đọc dù ý kiến đó có “không đúng” hoặc có khác với ý kiến của tôi. Ngoài ra, tôi còn sẵn sàng bảo vệ quyền phê phán của người đang chỉ trích tôi nữa. Đó là trò chơi báo chí trong một thể chế dân chủ mà tôi rất ngưỡng mộ, rất tôn vinh, và tôi đã - đang - và sẽ tiếp tục đeo đuổi suốt cuộc đời tôi. Do đó, sau khi viết bài và đưa lên báo, tôi thường nhường lời cho người đọc và ít khi trả treo với quý độc giả của tôi. Lần này cũng vậy, tôi xin cám ơn quý vị đã bỏ nhiều thì giờ quý báu để đọc và góp ý về các bài viết vừa qua của tôi.

Riêng về lời phê bình của vị “thân hữu” rằng tôi “ba phải”, thì... xin phép quý vị, 2 chữ này nặng ký lắm, không thể bỏ qua dễ dàng được! Nếu chỉ là ý kiến của một độc giả bình thường thì tôi còn cố gắng chín bỏ làm mười, nhưng đây lại là “thân hữu” mà không ráng hiểu cho nhau thì tôi sẵn sàng... sợi tóc chẻ - không phải chỉ làm tư mà là làm tám cho vừa lòng nhau. Nào, xin phép quý vị cho tôi được lạc đề chút xíu để dông dài về cái vụ “ba phải” này, trước là để biết ý nghĩa đích thực của 2 chữ đó, sau là... thú thiệt, tôi cần câu giờ trước khi biết chắc là mình nên “nghiêng” về bên ứng cử viên nào: Linda hay Madison?

Thưa quý vị;
Hai tiếng “BA PHẢI” được người Việt Nam truyền miệng sử dụng - từ Nam chí Bắc, từ già đến trẻ, từ trí thức đến bình dân - không cần phải giải thích nhiều, cũng vẫn được mọi người hiểu nghĩa một cách tận tường.

Lần tìm về cội nguồn của từ ngữ dân gian “BA PHẢI” này, người viết xin chịu thua, không biết đã xuất phát tại địa phương nào? Và từ bao giờ? Do đó, chỉ còn có cách dùng lối suy luận, dựa trên một vài điển tích gần gũi, cùng với những thói quen trong việc sử dụng chữ nghĩa của người Việt Nam, để từ đó, phăng ra theo cách suy diễn của nguồn gốc từ ngữ “ba phải” này. Dĩ nhiên, người viết không dám bảo đảm mức độ chính xác mà chỉ hy vọng các bậc thức giả, nếu có cao kiến, xin bổ túc giùm.
Trước nhất, xin kể một chuyện xưa cho có tuồng có tích:

--- oOo ---

Đời Chiến Quốc bên Tàu có tay lái buôn cực kỳ nổi tiếng trong lịch sử Trung quốc tên là Lã Bất Vi. Gã này chẳng những là tay chuyên buôn bán ngọc ngà nữ trang lụa là gấm vóc cho các vương tôn công tử đeo lấy le với mấy em tiểu thư trâm anh khuê các ở chốn cung đình, mà còn để lại cho hậu thế một câu chuyện động trời nghìn năm lưu danh trong sử sách là hành vi buôn vua bán chúa, nghĩa là dám đầu tư cả cái ngai vàng cho thằng con trai ruột của mình. Đứa con mà ông ta đã dụng công đầu tư để cuối cùng ngồi trên chiếc ngai vàng Trung quốc cũng lại là một nhân vật nổi tiếng còn hơn cha. Kẻ đó chính là bạo chúa Tần Thủy Hoàng. Trong khi con làm vua thì cha cũng làm tướng quốc nước Tần. Lã Bất Vi ngoài tài mánh mung buôn bán giỏi, ông ta còn là một người có tư tưởng cũng thuộc hàng khá cao nên có viết và “xuất bản” một quyển sách, đặt tên là “Lã Thị Xuân Thu”. Quá đắc chí và tự hào với tác phẩm của mình, Lã Bất Vi cho bộ hạ đem treo quyển sách đó ở cửa Hàm Dương và dán yết thị bố cáo cùng bách tính thiên hạ rằng: Nếu ai bớt được hay thêm được một chữ trong quyển sách sẽ được thưởng ngàn lượng vàng!
Trong quyển sách ấy có một đoạn văn ngắn, nội dung nói về một câu chuyện có ý nghĩa rất “ba phải”, như sau:
Sông Vĩ nước lên to. Một nhà giàu không may có người nhà bị chết đuối. Có kẻ vớt được xác ấy.
Người nhà giàu xin chuộc, kẻ ấy lợi dụng cơ hội đòi quá nhiều tiền. Người nhà giàu đem câu chuyện thưa với Đặng Tích, nguyên là quan đại phu nước Trịnh đời Xuân Thu, vốn nổi tiếng là một người giỏi về pháp luật. Đặng Tích bảo:
Cứ để yên. Nó còn “bán” cái xác ấy “cho” ai được mà sợ?
Thế là người nhà giàu nghe lời, về nhà, tuy nóng lòng, cũng vẫn cố ngậm bánh cam làm im, để chờ xem thái độ của người kia.
Trong khi đó, kẻ vớt được xác chết trôi, thấy người nhà giàu bỗng nhiên không hỏi han gì đến việc chuộc xác nữa, trong bụng cũng lấy làm lo, vì xác chết mỗi ngày mỗi chương sình lên. Thế là kẻ ấy cũng đem câu chuyện thưa với Đặng Tích. Đặng Tích bảo:
Cứ để yên. Nó còn “mua” cái xác ấy “của” ai được mà sợ ?

-- oOo ---

Bằng hai câu nói cố vấn tương tự như nhau, nhưng chỉ đổi có hai chữ trong mỗi câu nói, chữ “mua” thành chữ “bán”, và chữ “cho” thành chữ “của” - “phụ tá pháp lý” không phải chuyên lo về “bồi thường tai nạn xe cộ” mà là “mua bán xác chết trôi” nổi tiếng Đặng Tích đã làm thành “hai cái phải”, cái nào nghe ra cũng rất là... phải. Trong sách không thấy ghi... cuối cùng rồi mọi chuyện đã được giải quyết ra làm sao?

Chỉ có một điều rất đặc biệt là: khi nói đến một lời nói, hay một hành động có tính cách “ba phải”, người có tính tò mò hay cân đo đong đếm sẽ khám phá thấy rằng, thật ra, “phụ tá pháp lý” Đặng Tích chỉ làm có “hai phải”, chứ không phải là... “ba phải”, như người Việt Nam ta thường nói.

Như vậy, một câu hỏi được đặt ra là: từ đâu và tại sao có chữ “BA PHẢI”? Nói ra - ai cũng đồng ý, ai cũng hiểu, và ai cũng chấp nhận.

Sau đây là sự suy diễn riêng của người viết bài này.
Chữ “ba” trong ngôn ngữ Việt Nam ta, chỉ có tính cách ước lệ, nghĩa là tượng trưng, đôi khi không dính dáng gì đến số học cả.

Nếu đi xa hơn nữa, xét trên khía cạnh văn hóa dân tộc, về hình tượng - thì dân tộc Việt Nam chủ về hình vuông và hình tròn. Sự tích “bánh dày bánh chưng”, hay câu thành ngữ “mẹ tròn con vuông”, cùng nhiều tập quán khác, đã xác nhận điều này. Còn về tượng số học - các số lẻ tức số ba, số năm, số bảy và số chín, đặc biệt nhất là số “3”, được dân tộc Việt Nam ta chiếu cố nhiều nhất, trong hành động, trong ngôn ngữ, trong thành ngữ ca dao, và nhất là trong “từ ngữ dân gian”.

Chử “ba” với ý nghĩa gần như chữ “vài”, nằm trong hầu hết các câu nói tự động thường nhật, trên cửa miệng của người Việt Nam ta. Sau đây là một số các từ ngữ, các thành ngữ, hay ca dao, có chữ “ba” đi theo, nhưng hoàn toàn không phải là số “3” đúng theo ý nghĩa toán học:
Ăn ba hột, lai rai ba sợi, lương ba cọc ba đồng, điếm ba da, thằng ba trợn, tên ba đá, ba lơn, ba lém, ba xạo, ba đía, ba gai, ông tướng thầy ba, đâm tiêu ba sồn ba sực, nói ba câu, ăn bát cháo chạy ba quảng đồng, nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ, chè ba màu, chè bà ba, cu kêu ba tiếng cu kêu - cho mau đến Tết dựng nêu ăn chè, khôn ba năm - dại một giờ, một cây làm chẳng nên non - ba cây chụm lại nên hòn núi cao, ba chìm bảy nổi, ai giàu ba họ ai khó ba đời, ba hồn chín vía, ba que xỏ lá..., và cuối cùng là “đồ ba phải”.
Như vậy, chữ “ba” trong ngôn ngữ Việt Nam, và trong nhiều trường hợp, chỉ có ý nghĩa tượng trưng cho một số lượng ít oi không đáng kể, hay có khi chỉ là một tiếng đệm hoàn toàn không có ý nghĩa gì cả, hoặc có cả hai tác dụng: vừa tượng trưng cho sự ít oi, vừa dùng làm tiếng đệm để nói cho xuôi miệng thuận vần.

Ý nghĩa nguyên thủy của từ ngữ “ba phải” là: cùng một sự kiện, nhưng dùng lối giải thích khéo léo, khiến cho sự kiện đó biến thành hai điều tuy trái ngược nhau, nhưng nghe ra đều có vẻ... “phải” cả.

Dần dần, chữ “ba phải” mang thêm nhiều ý nghĩa khác:
Một người bị đời gán cho danh hiệu là “đồ ba phải”... là vì kẻ đó không có tư tưởng, không có kiến thức, không có can đảm, hoặc không có lập trường dứt khoát, nhưng lại có tánh hay phát biểu ý kiến. Điểm đặc biệt là chỉ nói theo người khác, nói vuốt đuôi theo kẻ mạnh, nói dìm ếm kẻ yếu, hoặc nói theo ý của kẻ thuê mình nói mà không cần tôn trọng sự thật.
Người đời, khi nói về những người “ba phải” kiểu này sẽ gọi họ là những người “ba phải tùy thời”! Dân giang hồ gọi lối nói chuyện theo cung cách “ba phải” đó là... “nói huề vốn”, nghĩa là nói mà giống như chẳng nói được gì!
Bây giờ, trở lại chuyện tôi có phải là “đồ ba phải” như vị thân hữu đã nhận định hay không ?

Ứng cử viên Linda Nguyễn nguyên là một tiểu thư thông minh duyên dáng sinh trưởng trong một gia đình giàu có và thế lực, ai cũng biết điều đó cả. Thành ngữ Việt Nam ta có câu: “miệng nhà sang có gang có thép”. Nhưng tôi đã không chịu nhịn và không chịu nói theo ý ông Sơn Nguyễn. Như vậy - làm sao tôi có thể là đồ... “ba phải” ?

Cha mẹ ứng cử viên Madison Nguyễn gốc ngư phủ, sang đây không có tàu để ra khơi đánh cá. Họ chỉ đi hái rau cải hoặc trái cây theo mùa kiếm tiền nuôi con. Madison Nguyễn không được tự do chơi giởn nô đùa như trẻ con của những gia đình khá giả khác. 12 tuổi, mỗi tối mùa Hè, cô phải lên giường ngủ sớm vào lúc 8 giờ tối để 4 giờ sáng thức dậy theo cha mẹ ra đồng hái rau cải trái cây phụ gia đình mưu sinh. Buổi trưa ở thành phố Modesto trời nắng chói chang và khí hậu nóng như sa mạc, người yếu đuối hoặc trẻ con không thể làm việc ngoài đồng nỗi! Bây giờ, tuy đã trưởng thành, nhưng Madison vẫn là một cô gái gầy gò ốm yếu, nặng chưa đầy 100 cân Anh. Đó là hậu quả của một thời niên thiếu nhọc nhằn suy dinh dưỡng! Nói tóm lại, Madison Nguyễn là một người con gái nhà nghèo, không thuộc nòi khoa bảng, nhưng cô đã tự vươn lên học hành thành đạt và từng đắc cử chức Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Dục học khu Franklin-Mckinley. Bản thân cô giờ này giàu hay nghèo tôi không cần biết, tôi chỉ biết rằng... tuy cha mẹ còn đó nhưng lần nào cũng vậy, cô ra tranh cử trong côi cút cô đơn! Tôi không dìm ếm cô và tôi cũng không có ý định thuyết phục người khác phải thương hại cô. Quyết định sử dụng lá phiếu chỉ đặt trên tài năng và đức độ của ứng cử viên chớ không thể đặt trên lòng thương hại. Tôi chỉ muốn thấy một cuộc tranh cử công bằng và trong sáng. Nhất là tôi không thuộc loại người “đầu đội chân đạp”! Như vậy - làm sao tôi có thể là đồ... “ba phải” ?

Trong cả hai bài viết vừa qua, tôi đã có làm sự so sánh hay chọn lựa nào đâu giữa 2 ứng cử viên mà gọi rằng tôi... ba phải? Bên cạnh đó, tôi tôn trọng quyền phê phán và kể cả chỉ trích của cử tri đối với ứng cử viên vì đó chính là một trong những sinh hoạt dân chủ đáng quý. Tôi chỉ thực sự nhẹ nhàng khuyên can quý vị cao niên đang bu chung quanh 2 nữ ứng cử viên trẻ trung duyên dáng là hãy tự chế trong lời ăn tiếng nói với nhau - dù để ủng hộ hay để chống đối - bất cứ “em” nào. Chuyện gì rồi cũng qua đi, riêng chuyện tranh cử thì lại càng qua nhanh như nước chảy qua cầu. Xin đừng để cho dòng nước đã trôi ra tới biển mà ta vẫn cứ còn đứng đó... ướt đẩm mồ hôi và trơ gan cùng tuế nguyệt với nỗi ngượng ngùng là đã một lần già đầu mà bát nháo không giống con giáp nào!

Bây giờ tới chuyện khác. Chuyện “Cô Hai Đánh Ghen”!

Ở phần cuối của “Chuyện Dông Dài” tựa đề “Đống Xương Vô Định” kỳ rồi, khi kể chuyện về “Cô Hai Đánh Ghen”, tôi có viết:
“...Năm tôi lên 10, cô Hai Đánh Ghen bị lãnh bản án 10 năm tù giam cộng với 5 năm biệt xứ về tội “đánh ghen mướn” quá tay làm chết người, dù trong trận đánh đó, cô hoàn toàn có... chánh nghĩa!

Tin giờ chót: Sau khi mãn hạn tù, cô Hai Đánh Ghen vẫn tiếp tục hành nghề đánh ghen mướn dưới lục tỉnh. Sau ngày 30 tháng 04/1975, cô Hai đã vượt biên ra hải ngoại vì không muốn sống chung với bọn cộng sản bất chánh. Nguồn tin chưa kịp phối kiểm cho biết là cô Hai hiện đang cư ngụ đâu đó tại vùng Bắc Cali và đang rất cần “giốp” vì tiền già do chính phủ Hoa Kỳ cấp dưỡng không đủ cho cô... đậu chến. Mại dô!”.


Những tưởng là chỉ rao hàng “mại dô” cho vui, không ngờ cô Hai gọi tô lô phôn cho tôi biết là có nhiều người đã nhanh nhảu tìm ra địa chỉ và đến tiếp xúc với cô Hai để hợp đồng nhờ cô... đánh ghen giùm. Tôi hỏi cô có thể tiết lộ tên của những người nhờ cô đánh ghen đó là ai không? Cô Hai kiêu hãnh trả lời là cô hành nghề rất “bờ rồ phét sân nô” nghĩa là chuyên nghiệp, dù nhận làm hay không cô cũng không thể tiết lộ lý lịch của thân chủ được! Tôi động tính tò mò năn nỉ mãi mới được cô “hé” một chút xíu bí mật: đa số thân chủ đến nhờ cô đánh ghen là phu nhân của các “đại gia” trong ngành “riu tơ”, 2 bà chủ báo, 1 bà bầu show, 1 bà chủ nhà hàng, 1 bà chủ “phát phút”. Đặc biệt nhất là có một bà chủ “đài” tuy không chồng nhưng cũng muốn đánh ghen!

Tôi phỏng vấn tiếp: cuối cùng rồi cô có nhận mối nào không? Cô cười hí hí trả lời: Già rồi... ngồi một chỗ đánh tứ sắc còn thấy mệt thì đánh ghen mướn cái đách gì nỗi nữa mà đánh! Tuy nhiên, thấy người ta tin tưởng nhờ cậy nên cũng ráng giúp họ vài ý kiến để đức cho con cháu. Thí dụ như... chỉ cho họ biết cái phòng ngủ nhỏ trên đường số 13 để mà rình rập bắt quả tang cho mấy thằng chả hết chối... chỉ cho họ cái mánh của mấy ông chồng là đưa vợ đi đấm bóp chữa bịnh đàng hoàng để tạo tin tưởng rồi mình đi đấm bóp một mình còn mang theo bao cao su...

Tôi ngạc nhiên hỏi: sao cô biết nhiều quá vậy? Cô Hai nghiêm nghị trả lời: Bí mật nghề nghiệp mà “bòn” (tiếng Căm Bu Chia, bòn = bạn). Tuy không còn sức hành nghề nhưng vẫn để ý tìm hiểu cho đỡ nhớ nghề! Thôi nghe “bòn”, tiết lộ thiên cơ nhiều quá... tổn thọ!

Kính chào và hẹn kỳ sao sẽ bật mí thêm nhiều chuyện ly kỳ khác về “Cô Hai Đánh Ghen”.

                                NGUYÊN THANH SaigonUSA (San Jose, 11.08.2005)

Bài cùng tác giả:
Con Sông Bến Hải Cuồn Cuộn Giữa Lòng Cộng Đồng VN Bắc Cali

SaigonUSA hoan nghênh ý kiến đóng góp của qúy vị độc giả. Xin type vào Comment Box ở dưới đây và nhấn vào nút "Submit" để gởi đi:

TÊN, HỌ / NAME:  
 E M A I L:  

Ý KIẾN /  COMMENT:  

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ:
- Duc Tran:
(Monday, August 22, 2005 at 19:07:56)
Toi van con thay su chua truong thanh cua nhieu cu tri nguoi Viet tren dien dan nay. Hay cong binh voi hai ung cu vien, hay cho ho co mot co hoi tranh luan, tranh dem cha me cua mot ung cu vien la ma cham choc. Hay can than phan doan uu khuyen diem cua hai ung cu vien voi loi le chan thanh nghiem tuc, vi co nhu the qui vi moi co duoc su kinh trong cua moi nguoi va ke ca tu hai ung cu vien. Lam on truong thanh trong suy tu va ngon tu de giup cong dong ngay them lon manh va
khong nhin nhau ho then .

- TuanChi:
(Wednesday, August 17, 2005 at 15:25:14)
Tôi nghe nói có ông Nghị Viên HĐ thành phố San Jose (người ủng hộ UCV Linda Nguyễn) định đứng ra tổ chức một cuộc TRANH LUẬN cho hai UCV họ Nguyễn, nhưng UCV Madison Nguyễn đã không nhận lời TRANH LUẬN ...

Hai xướng ngôn viên Huỳnh Hớn và Phạm Long đã chỉ trích UCV "đối thủ" của cô Linda Nguyễn quá xá, và cho rằng cô Madison đã tự biết sự yếu kém của mình trước UCV Luật sư Linda Nguyễn ...
Nhưng theo riêng ý kiến của tôi thì tôi hoàn toàn hoan nghênh sự thẳng thắn từ chối cuộc tranh luận của UCV Madison Nguyễn; bởi vì "tránh voi không hổ mặt nào", nhất là làm sao phòng ngờ được những với mánh lới xảo quyệt của thân phụ mẫu của UCV Linda Nguyễn (người có tiền không danh) kia ?... Tôi mà là cô Madison, tôi cũng trả lời : No debate!

- Phôi Đào:
(Wednesday, August 17, 2005 at 09:49:44)
Thưa Ông Nguyên Khoa, Tôi ở tiểu bang Texas, vẫn thường xuyên theo dõi tin tức về sinh hoạt của các cộng đồng tị nạn CS của ta khắp nơi. Vì vậy vào những dịp bầu cử, như ở thành phố San José hiện naỵ Cho tới ngày hôm nay, điều đáng ghi nhận là 2 ứng viên trẻ của cộng đồng Vietnam đã vào được vòng chót .Theo tiểu sử của Linda và Madison Nguyễn thì người nào cũng có ưu điểm. Rất khó cho cử tri, quyết định chọn phiếu bầu.
Thiển nghĩ, trong cuộc tranh cử nào, ngoài các qua/ng cáo trên truyền đơn, hay trên các trang báo, còn có các cuộc tiếp súc với cử tri và ĐẶC BIỆT LÀ NHỮNG CUỘC TRANH LUẬN GIỮA CÁC ỨNG CỬ VIÊN. CHÍNH LÀ NHỜ CÁC CUỘC TRANH LUẬN/TIẾP SÚC VỚI CỬ TRI MÀ NGHỊ SĨ JOHN KERRY ĐÃ ĐỂ LỘ NHỮNG ĐIỂM YẾU KÉM ĐI DẾN THẤT BẠI . Trở lại 2 ứng viên Linda và Madison, 2 bạn trẻ phải tranh luận công khai .Vì đây là dịp duy nhứt và chót hết để cho cử tri biết rõ KHẢ NĂNG VÀ TÂM HUYẾT PHỤC VỤ CỘNG ĐỒNG VIETNAM TỊ NẠN CỘNG SẢN CỦA HAI BẠN TRẺ.ĐẶC BIỆT SẼ GIÚP CHO CÁC BẠN ĐÁNH TAN ĐƯỢC NHỪNG TIN TỨC XUYÊN TẠC ÁM HẠI CHO BẢN THÂN CÁC BẠN. Được như vậy thì cuộc chọn lựa Ứng viên HDTP SJ khu vực 7 được mỹ mãn. Trân trọng kính chào

- Thu Hanh Nguyen:
(Tuesday, August 16, 2005 at 22:35:22)
Chào đồ ba phải
,
Ứng cử viên Linda Nguyễn nguyên là một tiểu thư duyên dáng sinh trưởng trong một gia đình giàu có nhưng không có thế lực, vì thế mới đưa con gái mình lên làm như ta đây có thế lực !! Còn Linda có thông minh hay không thì chờ xem người dân San Jose họ nói gì nhá.
Bạn Học
. Trân Trọng Kính Chào.

RETURN TO FRONT PAGE

 





Copyright © 1997-2005  SaigonUSA News. All rights reserved.