545 E. Saint John St.
San Jose, CA 95112
USA

Tel: 408.998.0508

Fax: 408.993.0527

Email:

saigonusanews
@yahoo.com

 

 

V Ă N   H Ó A   &   G I Á O   D Ụ C

Nhân Biến Cố Vịnh Bắc Việt ngày 8 tháng 1 năm 2005, thử tìm hiểu sự thất bại của Hải Quân Trung Hoa qua trận thủy chiến với Nhật Bản vào hậu bán thế kỷ 19

TRƯƠNG NHÂN TUẤN

Những ngày đầu năm Dương-Lịch 2005 vừa qua, dân Việt khắp nơi, trong nước cũng như hải-ngoại, thảy đều căm-phẫn hành-vi dã-man của hải-quân Trung-Hoa qua việc bọn chúng xả súng bắn vào thuyền chài của ngư-dân Việt-Nam cư-ngụ tại tỉnh Thanh-Hóa, làm tử-thương 9 người, trong lúc thuyền của những người dân vô-tội nầy đang đánh cá trong khu-vực biển vịnh Bắc-Việt mà từ nhiều đời qua tổ-tiên của họ đã bỏ lưới ở đó. Lòng căm-phẫn lại càng sâu-sắc hơn khi biết phản-ứng xấc-xược, vừa ăn cướp vừa la làng, của phát-ngôn nhân Trung-Hoa cho rằng những người dân chài-lưới thảm-tử trên là hải-tặc. Rõ-ràng đây là một thái-độ khiêu-khích xấc-xược đối với dân-tộc Việt-Nam. Nội-vụ vấn-đề đương-nhiên thuộc về pháp-lý. Chắc-chắn người Việt khắp nơi sẽ theo dõi diễn-tiến sự việc. Những cuộc biểu-tình, tùy nhu-cầu, có thể được tổ-chức trước các tòa Ðại-Sứ Trung-Hoa để phản-đối. Nhưng trước mặt, việc quyên-góp để giúp-đỡ gia-đình nạn-nhân cũng là một việc mà các nhà trách-nhiệm cộng đồng các nơi nên nghĩ tới ngay bây giờ. Riêng người viết, trước tiên xin dành vài hàng để tưởng-niệm oan-hồn những người đã bị giết oan-ức đồng-thời xin gởi lời chia buồn cùng thân-quyến. Sau là trình-bày lại một giai-đoạn lịch-sử của Trung-Hoa, hy-vọng chúng ta rút ra được một vài ý-nghĩ hữu-ích.

I. Trận hải-chiến Yalu (Gia-Lục) tháng 9 năm 1894:

Gia-Lục là tên của con sông hiện nay là biên-giới giữa Trung-Hoa và Triều-Tiên. Trận-chiến mang tên nầy vì đã xãy ra ở vùng biển ngoài cửa sông giữa hải-quân Nhật và hải-quân Trung-Hoa.

Nguyên-nhân xung-đột giữa Trung-Hoa và Nhật-Bản là tranh-chấp quyền bảo-hộ xứ Triều-Tiên. Trong thời-điểm có chiến-tranh với Pháp (1883-1885), Nhật-Bản thừa-cơ đem quân vào Triều-Tiên. Trung-Hoa vì đang có chiến-tranh với Pháp nên nhượng-bộ Nhật-Bản, chấp-thuận để hai nước cùng là thượng-quốc của Triều-Tiên [1]. Nhân một biến-cố nhỏ, một người thân Nhật ở phía Nam Triều-Tiên bị giết chết, Nhật tuyên-bố chiến-tranh và từ-chối mọi đề-nghị hòa-giải từ phía Trung-Hoa. Mục-tiêu của Nhật là muốn hất chân Trung-Hoa ra khỏi Triều-Tiên nhưng cũng muốn biết thực-lực quân-đội Trung-Hoa thế nào.

Lực-lượng hải-quân Nhật gồm có 32 chiến-hạm còn mới và 24 thủy-lôi hạm (torpilleur), tất-cả đều lèo-lái bởi một đoàn thủy-thủ thiện-nghệ. Phía Trung-Hoa có 65 chiến-hạm tối-tân và 43 thủy-lôi hạm được phân-bổ không đồng-đều từ biển Bắc xuống biển Nam là các hạm-đội Bắc-Dương, Ðông-Dương và Nam-Dương. Trong trận Gia-Lục, mỗi bên tung ra 12 chiến-hạm. Những chiến-hạm phe Trung-Hoa thì có ưu-điểm là trang-bị súng lớn nhưng khuyết-điểm là tàu vận-hành chậm và súng bắn không nhanh. Hai chiếc thiết-giáp hạm Dingyuan và Zhengyuan được các ông W. Tyler (người Anh) và Philo N. MacGiffin (người Mỹ) hợp-tác chỉ-huy. Hai chiếc hạm nầy đều mua của Ðức. Trong trận hải-chiến người ta nhận thấy vỏ hai chiếc tàu nầy chịu đựng được đạn đại-bác bằng gang do thủy-lôi hạm của Nhật bắn. Như vậy phe Trung-Hoa còn có thêm ưu-điểm về sức chịu đựng của thiết-giáp hạm. Theo những quan-sát viên nước ngoài, trận Gia-Lục hoàn-toàn sử-dụng vũ-khí và tàu-bè có kỹ-thuật mới nhất vào thời đó. Như vậy lực-lượng hai bên ngang-ngửa.

Hạm đội Trung-Hoa do Ðề-Ðốc Ding Ruchang chỉ-huy. Ông nầy quê-quán ở An-Huy (Anhui), là vị tướng có cấp-bậc cao nhất trong hải-quân Trung-Hoa, nhưng ông chỉ có thành-tích ở trận địa-chiến và không phải là sĩ-quan hải-quân. Hạm-trưởng soái-hạm Dingyuan (thiết-giáp hạm) là ông Liu Buchan. Ông nầy là cựu sinh-viên ở hải-quân công-xưởng Phúc-Châu, có thực tập trên tàu của trường (mua của Ðức) năm 1869. Khả-năng ông nầy được kỹ-sư Pháp Prosper Gicquel [1][2] công-nhận. Nhưng kiến-thức của ông Liu Buchan đã lỗi-thời, không phù-hợp với kỹ-thuật của hơn 20 năm sau. Trong số 12 hạm-trưởng tham-dự trận Gia-Lục có 9 vị tốt-nghiệp tại hải-quân công-xưởng Phúc-Châu và trong số nầy có 7 vị là sĩ-quan hạng nhất của hạm-đội Bắc-Dương của Lý Hồng Chương từ 10 năm, nhưng những người nầy không có kinh-nghiệm chiến-đấu, kể cả kinh-nghiệm thực-tập.

Kết-quả trận hải-chiến mọi người đều biết. Lúc ra trận thủy-thủ đoàn của chiến-hạm Nhật thuần-thục chiến-trường, có kỹ-luật, nhất nhất tuân-lệnh chỉ-huy mình. Hạm-đội Trung-Hoa ra trận cứng-nhắc, không uyển-chuyển, lấy đội hình hàng ngang trong khi hạm-đội Nhật không có đội-hình nhất-định và thay đổi vị-trí chiến-hạm tùy theo tình-thế. Không có kinh-nghiệm chiến-đấu, quân-đội không được huấn-luyện thường-xuyên, mặc dầu có phương-tiện tối-tân nhưng hải-quân Trung-Hoa không thắng được hải-quân Nhật-Bản. Chỉ trong vài tuần hạm-đội Trung-Hoa bị đánh đắm gần hết. Trung-Hoa phải ký hòa-ước Shimonoseki với Nhật, bồi-thường chiến-tranh 300 triệu lạng bạc, nhượng một số đất-đai và quyền-lợi cho Nhật.

II. Tìm hiểu hải-quân Trung-Hoa

1/ Hán-Tộc có truyền-thống hướng vô lục-địa, quay lưng ra biển.
Phương-châm "fuguo qiangbing – phú quốc cường binh" là của người Hán. Mỗi khi đất nước nầy gặp đe-dọa từ bên ngoài là họ thường đưa phương-châm ra để lấy lại sự tự-tin và lựa thời-cơ trỗi dậy.

Sau khi thua nhục-nhã chiến-tranh nha-phiến (1840-1842), một đường-hướng chính-trị mới được Thanh-Triều rút từ khẩu-hiệu trên, gọi là là "ziqiang - tự-cường", nhằm hiện-đại hóa quân-đội, nhất là hải-quân, vì kẻ địch của Trung-Hoa đến từ ngoài biển. Kết-quả của đường-hướng chính-trị "tự-cường" nầy đã không cứu được Trung-Hoa. Cuối cùng đế-quốc Trung-Hoa đã bị liệt-cường phân-xẻ và Hán-tộc đã sống trong những năm tháng đen-tối nhất của lịch-sử nước mình. Nguyên-nhân thất-bại của hải-quân Trung-Hoa sẽ khai-triển phần dưới bài nầy.

Một kết-luận lấy ra từ quan-sát thực-tế là đến thế-kỷ thứ 19, tất-cả các nước giàu, được xếp vào hàng cường-quốc, thảy đều có một hạm-đội mạnh: Anh, Pháp, Ðức, Hoa-Kỳ và sau này phải kể đến Nhật-Bản đều là những cường-quốc dựa trên sức mạnh của hải-quân. Cũng có thể nói ngược lại, ở thế-kỷ 19, các cường-quốc đã đạt được vị-thế giàu và mạnh đều nhờ vào một đạo hải-quân thiện-chiến, tối-tân đồng-thời có một đội thương-thuyền hàng-hải hành-trình trên khắp các đại-dương. Kết-luận nầy đến ngày nay vẫn chưa sai, tuy-nhiên yếu-tố hàng-không và không-gian lần-hồi lấn-át. Tất-cả những nước giàu mạnh nhất thế-giới hiện nay đều có một hạm-đội hùng-mạnh, điển-hình là Hoa-Kỳ, sau đó rất xa là Pháp và Anh. Ngoại-lệ trường-hợp Liên-Xô, một nước mạnh, có một hạm-đội hùng-mạnh không kém hạm-đội Hoa-Kỳ, nhưng lại không "giàu" nên chỉ xưng hùng trong một thời-gian rồi sụp-đổ. "Phú quốc cường binh" [3], nước giàu quân-đội mạnh, xem ra phương-châm của Trung-Hoa cũng đúng cho các đại-cường Tây-Phương.

Trung-Hoa là một dân-tộc hướng vô lục-địa, ít nhất là từ thế-kỷ thứ 15 đến hậu bán thế-kỷ 19. Không phải vì khó-khăn do hoàn-cảnh địa-lý mà dân-tộc nầy hướng vô lục-địa. Trung-Hoa có tới 3.492 hải-lý bờ biển, đứng hàng thứ 10 trên thế-giới[4]. Bờ biển nước nầy có nhiều hải-cảng tốt, từ Bắc xuống Nam có các hải-cảng chính : Ningpo (Ninh-Ba), Fuchow (Phúc-Châu), Chuanchow (Quảng-Châu), Amoy (tức Hsiamen, Hạ-Môn), Shantou, Canton v.v... Ta thấy các phía Bắc, Tây-Bắc, Tây… của Trung-Hoa là những vùng sa-mạc hay khí-hậu khắc-nghiệt như Tây-Bá Lợi Á, Mông-Cổ, Tân-Cương, Tây-Tạng… hoàn-toàn không thích-hợp để sinh-sống vì đất-đai khô-cằn hay tuyết-giá, nhưng người Hán ra sức chinh-phục và bỏ nhiều công-lao để giữ, trong khi mặt biển thì bỏ trống. Những nhà chiến-lược nổi danh nhất Trung-Hoa như Tôn-Tử, Ngô-Tử, Tư-Mã-Pháp, Lục-Thao, Úy-Liễu Tử sống dưới thời Xuân-Thu hay Chiến-Quốc, tư-tưởng của họ được để lại qua các bộ binh-thư, nổi tiếng nhất là Tôn-Tử và Ngô-Tử, gọi tắt là Tôn-Ngô. Cho đến thời-kỳ cận-đại, nghệ-thuật chiến-tranh của Trung-Hoa không ra ngoài tư-tưởng Tôn-Ngô. Ta thấy binh-thư không có ghi trận đánh nào giữa hai hạm-đội trên biển. Ở thời-điểm bành-trướng lớn nhất, Trung-Hoa đã chinh-phục từ Mãn-Châu cho đến Tây-Tạng, từ Turkestan cho đến Việt-Nam, tạo thành một đế-quốc rộng lớn. Các hải-cảng lớn của Trung-Hoa được mở ra hầu hết là do ép-buộc của Tây-Phương. Trung-Hoa là anh khổng-lồ lục-địa nhưng là chú bé tí-hon của Ðại-dương. Vì thế sẽ không sai khi nói rằng dân-tộc Trung-Hoa là một dân-tộc hướng vô lục-địa.

Thái-độ "hướng vô lục-địa và quay lưng trước đại-dương" được giải-thích là vì Hán-tộc chỉ gặp đe-dọa đến từ lục-địa và không có thù-nghịch đến từ phía biển. Mặt khác, đại-dương đã không đem lại lợi-lộc nào cho dân-tộc nầy. Hán-tộc chỉ tiếp-xúc với đại-dương vào hậu bán thế-kỷ 19 dưới sự cưỡng-ép của các cường-quốc.

2/ Tiếp-xúc với Ðại-Dương và phát-triển hải-quân:
Từ năm 1940, Trung-Hoa bắt đầu chạm trán với những đối-thủ là các nước Tây-Phương, đến từ đại-dương. Sự đụng-chạm nầy làm thái-độ "hướng vô lục-địa" của Trung-Hoa phải thay-đổi.

Toàn đế-quốc Trung-Hoa kinh-hoàng và rúng-động tận cội-rễ trước sức mạnh của kỹ-thuật, qua cuộc chiến với nước Anh, gọi là cuộc chiến-tranh nha-phiến (1840-1842), kết-thúc qua hiệp-ước Nam-Kinh. Theo hiệp-ước nầy Trung-Hoa đã phải nhượng đứt Hương-Cảng cho Anh-Quốc, mở 5 cửa biển Quảng-Châu, Phúc-Châu, Ninh-Ba, Hạ-Môn và Thượng-Hải cho tự-do thông-thương đồng-thời phải bồi-thường và dành cho người Anh thêm nhiều quyền-lợi khác. Quân-đội Trung-Hoa qua cuộc-chiến nầy xem như phá-sản.

Ý-thức được nguy-cơ đe-dọa sự tồn-vong của đất nước, một số nho-sĩ Trung-Hoa thức-thời thành-lập phong-trào "Yangwu Yundong, tức Dương Vụ Vận Ðộng" nhằm mục-đích vận-động với người phương Tây để mua vũ-khí bảo-vệ và học-hỏi kỹ-thuật để tự sản-xuất sau này (tự-cường). Ý-nghĩ tiên-khởi của nhóm chủ-trương "Dương Vụ Vận Ðộng" là học-hỏi khoa-học kỷ-thuật của Tây-Phương để hiện-đại hóa quân-đội mà không làm thay-đổi hay đụng-chạm đến những định-chế hay những giá-trị văn-hóa cổ-truyền của Trung-Hoa đã được coi là cao hơn các nền văn-minh khác. Những người tiên-phong của phong-trào không được nhắc tên vì phần lớn những người nầy bắt đầu công-việc ở địa-phương của họ. Thông-thường những người nầy là Tổng-Ðốc của các tỉnh ven biển muốn hiện-đại-hóa quân-đội địa-phương, vì thế hải-quân [5] trở thành trọng-tâm. Việc vận-động gặp nhiều trở-ngại, một mặt do giặc-giã nổi lên khắp nơi, mặt khác do chống-đối của các viên-quan cổ-hủ. Chỉ sau cuộc chiến-tranh nha-phiến lần 2 (1856), dương-vụ vận-động bắt đầu có kết-quả. Năm 1861, Thanh-triều chấp-nhận mở cơ-quan tương-đương bộ Ngoại-Giao, có tên Tổng-Lý Nha-Môn (Zongli yamen) nhằm giao-thiệp với nước ngoài. Thân-Vương Cung (prince Gong), em ruột vua, thành-viên của dương-vụ, là người cầm đầu Tổng-Lý Nha-Môn, tương-tự bộ-trưởng bộ Ngoại-Giao. Lúc nầy tại Trung-Hoa có 3 khuynh-hướng phát-triển hải-quân: mua chiến-hạm ở nước ngoài, chế-tạo chiến-hạm ở nội-địa và khuynh-hướng cuối có chủ-trương cũ là quay lưng ra biển, lấy lục-địa [6] làm địa-bàn chống giặc ngoại xâm.

Thân-vương Cang nghe theo lời cố-vấn người Anh[7], hiện-đại hóa hải-quân bằng cách chấp-nhận trên nguyên-tắc mua toàn-bộ một hạm-đội do Anh-Quốc chế-tạo. Tuy-nhiên, việc không thành, vì trong kết-ước giữa Anh-Quốc và Trung-Hoa có điều-khoản ghi rằng hạm-đội sẽ do Ðô-Ðốc Lay-Osborn chỉ-huy và ông nầy có luôn thẩm-quyền quyết-định trong tương-lai việc mua-sắm tàu-bè. Kết-ước bị hủy-bỏ năm 1863 và hạm-đội gồm 8 chiến-hạm quay trở về Anh.

Tiếp theo việc mua chiến-hạm thất-bại, khuynh-hướng thứ hai bắt đầu với Lý Hồng Chương (Tổng-Ðốc Lưỡng Giang, tức hai tỉnh Giang-Tô và Triết-Giang), qua việc thành lập năm 1865 tại Thượng-Hải, tỉnh Jiangnan (Giang-Nam) một cơ-xưởng vũ-khí quan-trọng đồng thời hai cơ-xưởng khác tại Tô-Châu (Suzhou) và Nam-Kinh (Nankin). Sau đó, Tổng-Ðốc Mân-Triết (Minzhe, tức Phúc-Kiến và Triết-Giang) là Tả Tông Ðường[8] (Zuo Zongtang) cho dựng một xưởng đóng tàu tại Phúc-Châu (Fuzhou) có sự cộng-tác của các kỹ-sư người Pháp. Những cơ-sở chiến-lược nầy do ảnh-hưởng của dương-vụ vận-động nhanh-chóng trở thành những trung-tâm đào-tạo (Hải-Quân Học-Hiệu) quan-trọng về các ngành-nghề khác như khoa-học tự-nhiên, kỹ-thuật, sinh-ngữ, triết học v.v… Từ năm 1868 đến 1879 có đến cả trăm tác-phẩm về khoa-học và kỹ-thuật được xuất-bản. Cơ-xưởng đóng tàu của Tả Tông Ðường cũng đào-tạo sĩ-quan, thuyền-trưởng cho đội-ngũ hải-quân tương-lai của Trung-Hoa. Những sĩ-quan nầy cũng có sứ-mạng thay-thế những cố-vấn ngoại-quốc.

3/ Những trở-ngại trong việc phát-triển Hải-Quân.
Năm 1874, cùng lúc cuộc nổi loạn đạo Hồi ở phía Tây thì ở phía Ðông, một hạm-đội Nhật-Bản lăm-le tấn-công Ðài-Loan. Tháng 12 năm 1874, Thân-vương Cang báo-động sự bất-lực của quân-đội Trung-Hoa cùng một lúc đối-phó với hai mặt-trận. Một cuộc thảo-luận công-khai đầu-tiên của chính-quyền Trung-Hoa về quốc-phòng, do chính triều-đình yêu-cầu, có sự tham-dự của tất-cả các Tổng-Ðốc các tỉnh và giám-đốc các công-xưởng quân-sự. Vấn-đề đặt ra là dùng ngân-sách quốc-gia để dẹp loạn và trấn-giữ mặt Tây hay để bảo-vệ Ðài-Loan (tức phát-triển hải-quân) ?

Quan-lại trong triều chia làm nhiều phe. Những phe nầy kình-chống nhau để tranh-dành ảnh-hưởng và quyền-lợi. Có hai phe chánh do hai nhân-vật nổi tiếng cầm đầu là: phe Tả Tông Ðường, có trách-nhiệm về mặt-trận phía Tây và phe Lý Hồng Chương, Tổng-Ðốc Trực-Lệ (từ năm 1870) ở vùng biển phía Bắc Trung-Hoa. Ông nầy chủ-trương phát-triển và hiện-đại hóa hải-quân. Hai bên đều bênh-vực lý-lẻ cho phe mình, cái khó-khăn là làm thế nào có sự cân-bằng giữa hai mặt-trận lục-địa và đại-dương.

Từ năm 1875 đến 1878, mặt-trận phía Tây (Turkestan, thuộc Tân-Cương) tốn mất 26 triệu lạng bạc. Từ 1878 đến 1881 tốn thêm 25 triệu lạng bạc. Trong lúc đó chi-phí cho hải-quân tổng-cộng chỉ có 4 triệu lạng bạc. Ðể có một ý-niệm về giá-trị của tiền bạc thời đó, thí-dụ về trị-giá của chiếc thiết-giáp-hạm Bao Min do cơ-xưởng Giang-Nam đóng và hạ-thủy vào năm 1885 chỉ có 223.800 lạng bạc. Ngân-sách 4 triệu trên được chia làm 2: hai triệu cho hải-quân phía Bắc và hai triệu cho phía Nam. Trên lý-thuyết thì số tiền nầy dùng để đóng tàu cho các hải-quân địa-phương. Nhưng Lý Hồng Chương đã thuyết-phục được triều-đình ưu-tiên cho "beiyang haiyun"- bắc-dương hải-quân - và trọn gói 4 triệu được dành cho hải-quân miền Bắc. Vì thế không có chiếc tàu nào được đóng tại hai cơ-xưởng chính ở miền Nam là Giang-Nam và Phúc-Kiến. Tuy nhiên, các tư-lệnh phòng-thủ vùng biển, ở phía Bắc thì đóng tại Thiên-Tân (Tianjin) và tại Nam-Kinh (Nankin) cho vùng biển phía Nam ; những vị tư-lệnh phải chịu trách-nhiệm công-xưởng hải-quân, mua sắm vũ-khí, đôn-đốc quân lính luyện-tập và khai-thác hầm mỏ. Năm 1878 tư-lệnh phòng-thủ vùng biển Nam là Shen Baozhen (Trầm Bảo Trinh, là người thuộc phe Tả Tông Ðường) yêu-cầu 2 triệu lạng bạc và chỉ-huy trưởng lực-lượng hải-quân Giang-Tây (Yangzi) là Peng Yulin quyết-định đóng 10 chiếc tàu hơi nước để phòng-vệ sông-ngòi. Ban đầu thì Lý Hồng Chương không đồng-ý viện lý-do giá thành quá cao, sau đó thì chấp-thuận với điều-kiện giá tiền mỗi chiếc hạm không vượt quá 160.000 lạng bạc. Năm 1885 cơ-xưởng Giang-Nam cho hạ-thủy chiếc thiết-giáp-hạm tên Bao Minh với giá thành là 223.800 lạng bạc. Số tiền nầy đến từ ngân-sách hải-quân (tức từ Lý Hồng Chương) 160.000 lạng, 50.000 đến từ ngân-khố tỉnh Jiangsu và 13.800 đến từ cơ-xưởng Thượng-Hải.

Cho đến những năm sau 1880, hải-quân Trung-Hoa vẫn còn lệ-thuộc rất nhiều vào nước ngoài vì con số chiến-hạm đóng tại nội-địa vẫn không hơn số chiến-hạm mua ở nước ngoài và số cố-vấn nước ngoài vẫn còn đông-đảo. Mặc khác, những chiến hạm mua được của nước ngoài có rất nhiều yếu-điểm [9]. Có những trường hợp, 2 chiến-hạm vừa đóng xong, chạy chưa tới Trung-Hoa phải cập bến sửa-chữa vài tháng. Cũng có trường hợp mua súng đạn của Nhật, mua xong mới biết đó là súng đạn loại cũ của quân Nhật phế thải. Nhưng những chiến hạm đóng tại cơ-xưởng Phúc-Châu, có kỹ-sư Pháp cố-vấn, là những chiến-hạm có giá-trị thực sự.

Ta nhận thấy triều-đình nhà Thanh không ngần-ngại phí-tổn để có một hạm-đội mạnh nhưng khuyết-điểm lớn thứ nhứt là hải-quân không thống-nhất. Chỉ đến tháng 10 năm 1885, sau khi thua Pháp, Hải-Quân Nha-Môn (Haiyun yamen), tương đương bộ Hải-Quân, mới được thành-lập để điều-khiển toàn-bộ hải-quân. Sau chiến-tranh nha-phiến lần thứ 1, Trung-Hoa phải nhượng-bộ nhiều cho Anh-Quốc, trong đó có khoản bồi-thường 21 triệu bảng. Ðương-nhiên người nông-dân phải gánh chịu những khoản nợ nầy. Tiếp theo, giặc Thái-Bình Thiên-Quốc (1850-1857), ruộng đất bỏ hoang vì chiến-tranh, tầng-lớp nông-dân đã nghèo càng thêm kiệt-quệ. Chiến-tranh nha-phiến lần 2 (1856) khiến Trung-Hoa nhượng thêm nhiều tô-giới cho các cường-quốc Tây-Phương và chịu thêm những khoản nợ kết-xù. Năm 1862 lại có các cuộc nổi loạn của dân-tộc theo đạo Hồi ở phía Tây Trung-Hoa. Những vùng Turkestan và Ðông Sibérie (Tây-Bá Lợi-Á) thì bị nước Nga đe-dọa xâm-chiếm. Giặc-giã khắp nơi, dân đã nghèo lại nghèo thêm. Thêm vào đó, tệ nạn phe-đảng trong triều-đình làm cho việc phân-bổ ngân-sách quốc-gia không cân-xứng và sự xa-xỉ, phung-phí quá độ của hoàng-gia.
Với những khó-khăn như thế việc tổ-chức hải-quân không thể dễ-dàng.

4/ Thủy-chiến với Pháp:
Ðây mặt-trận trên biển trong cuộc chiến-tranh Pháp-Trung về vấn-đề Việt-Nam (1883-1885). Hai nước Pháp và Trung-Hoa đã ký-kết công-ước Fournier (xem ghi-chú 9) để ngưng-chiến (11-5-1884), nhưng biến-cố Bắc-Lệ, quân Trung-Hoa phục-kích làm chết một số lính Pháp. Pháp lên án Trung -Hoa vi-phạm công-ước đã ký-kết và đòi bồi-thường nhưng Trung-Hoa không đồng-ý. Hai bên còn đang dằn-co thì Ðô-Ðốc Courbet được lệnh sẵn-sàng ứng-chiến. Ông nầy cầm đầu một hạm-đội gồm có khoảng 40 chiếc thuyền, trong đó có 4 thiết-giáp-hạm và 14 tuần-dương-hạm. Ông dẫn hạm-đội gồm 8 chiếc ngược sông Ming-Giang để tiến vào Phúc-Châu (thuộc tỉnh Phúc-Kiến) vào ngày 17 tháng 7 năm 1884. Ðây là một hành-động mạo-hiểm vì đoàn thuyền phải đi ngược sông khoảng 20 dặm dưới những họng súng (canon Krupp) của pháo-đài Phúc-Châu. Nhưng vì hai bên chưa tuyên-bố chiến-tranh nên Ðông-Ðốc Courbet mới có thể tiến vào được như vậy. Ngày 15 và 16 tháng 8, chính-phủ Ferry được quốc-hội Pháp thông-qua ngân-sách dành cho chiến-tranh và ngày 19 Ferry ra lệnh cho Courbet tấn-công.

Hải-quân Trung-Hoa gồm có 11 chiến-hạm hạ-thủy được 9 năm nhưng không được vũ-trang đồng-đều. Những chiếc hạm nầy được các chuyên-gia đánh giá tốt nhờ có sự hợp-tác của những viên kỹ-sư người Pháp trong lúc đóng tàu. Bốn chiếc hạm được điều-khiển do những viên sĩ-quan đào-tạo tại hải-quân học-hiệu Phúc-Châu (do Tả Tông Ðường thành-lập). Hạm-trưởng soái-hạm là một viên sĩ-quan thuyền-trưởng đã từng đánh giặc Thái-Bình (1860). Hai hạm-trưởng khác đã từng phục-vụ cho hàng-hải thương-thuyền. Như vậy, nhìn tổng-quát, lực-lượng Trung-Hoa tương-đương với lực-lượng Pháp trong trận chiến nầy.

Ðô-Ðốc Courbet khai-hoả vào ngày 24 tháng 8, lúc hai bên chưa tuyến-bố chiến-tranh. Cơ-xưởng đóng tàu Phúc-Châu do một kỹ-sư Pháp là Gicquel xây trước đây bị pháo-kích nát tan. Sang ngày 25 có 22 chiến-hạm Trung-Hoa bị phá-hũy. Từ ngày 25 đến ngày 29, hạm đội Pháp xuôi sông Minh-Giang trở ra biển [10].

Trái với sự tiên-đoán của các chuyên-gia thời đó cho rằng hạm-đội Pháp sẽ không còn manh-giáp khi ra biển, thực-tế thì Pháp chỉ thiệt mạng vài người. Toàn thể hạm-đội vô-sự.

Qua trận-chiến nầy ta nhận thấy Pháp thắng được dễ-dàng là do yếu-tố bất-ngờ, đánh trước lúc hai bên chưa tuyên-chiến, nhưng « binh bất yếm trá ! », hải-quân Trung-Hoa không thuộc binh-pháp Tôn-Ngô ! Tuy-nhiên, việc mà chúng ta cũng thấy là quân-đội Trung-Hoa trên các pháo-đài cũng như hải-quân trên các chiến-hạm đã không có một phản-ứng trả-đũa nào hữu-hiệu. Ðiều nầy cho thấy quân-đội Trung-Hoa không cảnh-giác đề-phòng, thiếu tập-dợt và hải-quân không có tính chuyên-môn.

5/ Rút kinh-nghiệm thất-bại:
Tháng 10 năm 1885, lấy kinh-nghiệm từ trận Phúc-Châu, Tả Tông Ðường, là một quan-lại có thế-lực nhất trong triều, viết một di-chúc trước khi qua đời gởi lên triều-đình. Di-chúc có nhiều điểm đáng ghi nhận như: 1/ củng-cố lại các cơ-xưởng đóng tàu, xưởng chế vũ-khí và giao trọng-trách điều-khiển hải-quân, bảo-vệ bờ biển cho một người đồng thời đặt ra chức-chức vụ tương-đương bộ-trưởng cho người nầy (bộ-trưởng bộ Hải-Quân). Người bộ-trưởng nầy có toàn-quyền tuyển-mộ nhân-viên và sĩ-quan dưới quyền, phân-phối ngân-sách và những quyết-định về đóng đóng tàu. Viên bộ-trưởng nầy phải được toàn-thể quan-lại trong triều cũng như giới ngoại-giao quốc-tế công-nhận và kính-trọng. 2/ Cải-tổ đội-ngũ hải-quân, thống-nhứt toàn-bộ chiến-hạm địa-phương và phân ra làm 10 hạm-đội. 8 hạm-đội tuần-tiễu dọc theo bờ biển Trung-Hoa và 2 hạm-đội kiểm-soát phương Ðông và phía Nhật-Bản. 3/ Tả Tông Ðường cũng yêu-cầu các cơ-xưởng cũng như các cơ-cấu hành-chánh khác hợp-tác với hải-quân. Ông đề-nghị giãm ngân-sách quân-đội để phát-triển hải-quân và tăng mức thuế đóng trên hàng-hóa nhập-cảng từ phương Tây để góp vào ngân-sách hải-quân. Tả Tông Ðường khuyến-khích việc học-hỏi và cho rằng giá-trị nho-giáo hoàn-toàn phù-hợp với việc học-hỏi khoa-học kỹ-thuật. Những đề-nghị nầy đã gây tiếng vang trong giới quan-lại và có nhiều người ủng-hộ.

Triều-đình quyết-định cải-tổ hải-quân. Người Anh [11] nhân-dịp nầy đề-nghị cộng-tác. Ông Robert Hart đề-nghị để ông lãnh trách-nhiệm giám-sát (superviseur) nhưng bị Lý Hồng Chương và Shen Baozen chống với lý-do không muốn dưới quyền điều-khiển của một người ngoại-quốc. Cuối cùng, như trên có nhắc qua, ngày 12 tháng 10 năm 1885 Hải-Quân Nha-Môn, tương-đương bộ Hải-Quân được thành-lập. Bộ nầy có những thẩm-quyền mà Tả Tông Ðường có đề-nghị ghi trên. Nhưng những quyết-định cải-tổ của triều-đình về bộ Hải-Quân trong thực-tế chỉ có tiếng chứ thực-chất thì đây chỉ là sự thắng-thế của phe Lý Hồng Chương. Vì bộ Hải-Quân, trên lý-thuyết phụ-trách cả hai hạm-đội Bắc và Nam, nhưng chỉ có hạm-đội vùng biển Bắc, tức vùng dưới ảnh-hưởng của Lý Hồng Chương được ưu-đải. Ông nầy được quyền giám-sát Hải-Quân Nha-Môn, quyền-hành vì thế càng lớn, ông có trọn quyền sử-dụng ngân-sách. Lý Hồng Chương tổ-chức lại hạm-đội biển Bắc gồm 25 chiến hạm, gồm thiết-giáp hạm và tuần-dương hạm tối-tân, trong đó có 4 chiến-hạm được đóng tại các cơ-xưởng Anh và Ðức. Những chiếc pháo-hạm kiểu wenchuan thì được đặt mua tại cơ-xưởng Amstrong ở Newcastle Upon Tyne.

Như thế, với nhiều nỗ-lực, sự phát-triển và hiện-đại hóa hải-quân đã không được hiệu-quả tối-ưu vì nạn phe-phái vẫn không dẹp được. Ta thấy lúc nào quyền-lợi và an-ninh của địa-phương cũng cao hơn quyền-lợi và an-ninh quốc-gia. Ðây là một yếu-điểm của Trung-Hoa. Thêm vào nạn tham-nhũng lan-tràn từ mọi cấp trong tầng-lớp quan lại, nạn xa-xỉ trong triều-đình. Bà Từ-Hi Thái-Hậu cho làm lại Viên Minh Viên đã bị liên-quân Anh-Pháp đốt phá vào cuộc chiến nha-phiến lần 2, cho xây một chiếc thuyền làm bằng đá và ngân-quĩ lấy từ ngân-sách Hải-Quân vào những năm 1889-1894, ước-lượng phí-tổn là 12 triệu đô-la thời đó. Cũng vì vậy mà Trung-Hoa phải học thêm bài học, tương-tự bài học với Pháp qua trận Phúc-Châu, là thua Nhật-Bản một cách nhục-nhã tại trận Yalu (Gia-Lục) như đã ghi trên.

Về giáo-dục và huấn-luyện thì cũng không có cải-tổ rộng lớn. Có một số tiến-bộ giới-hạn ở 5 trung-tâm huấn-luyện hải-quân Fuzhou, Canton, Nankin, Tianjin và Weihaiwei. Nhưng tại Fuzhou thì chỉ có 38 sinh-viên trên tổng-số 70 đi thi, số còn lại nhờ huấn-luyện, hiểu biết về sinh-ngữ nên chuyển sang các ngành khác như buôn-bán. Trường Nankin thì đóng cửa sau khi vị sáng-lập Tăng Quốc Phiên (Zeng Gouquan) từ-trần vì không còn tài-chánh để hoạt-động. Trung-tâm Weihaiwei thì có giám-đốc là Ðô-Ðốc Ding Ruchang và có giáo-sư cố-vấn Philo N. MacGiffin người Hoa-Kỳ giúp-đỡ. Kỹ-luật quân-đội thì không có thay đổi nhiều vì đụng-chạm đến phong-tục cổ-truyền, việc thưởng-phạt sĩ-quan vẫn còn dựa trên nguyên-tắc từ 1726. Việc đào-tạo sĩ-quan không liên-tục cho đến nhiều thập-niên của thế-kỷ XX.

Sau chiến-tranh với Pháp, cơ-xưởng Phúc-Châu sửa-chữa và hoạt-động lại. Những chuyên-viên Trung-Hoa đã đóng và cho hạ-thủy 8 chiếc thiết-giáp hạm trọng-tải trên 1.000 tấn. Việc nầy cho thấy, mặc dầu có nhiều yếu-tố tiêu-cực, ít nhiều, những người trách-nhiệm Trung-Hoa thời đó cũng đã có ý-thức về sự cần-thiết một hạm-đội mạnh cho Trung-Hoa. Nhưng sau 10 năm cố-gắng vẫn không tránh được thất-bại trong cuộc hải-chiến với Nhật-Bản.

III. Hải-quân Nhật sau 1894:
Qua phần I ta thấy hải-quân Nhật không trội hơn hải-quân Trung-Hoa về kỹ-thuật nhưng thắng trận là nhờ chỉ-huy giỏi. Trung-Hoa thua trận phải bồi-thường cho Nhật một khoản tiền là ba trăm triệu lạng bạc. Trước khi tìm hiểu sau 1894 hải-quân Nhật phát triển ra sao và số tiền 300 triệu lạng bạc được dùng vào việc gì, xin tóm-tắt thêm một số chi-tiết nhờ đó hải-quân Nhật-Bản đã thắng trận.

Người Nhật cũng có một phương-châm có ý-nghĩa tương-tự như phương-châm "fuguo qiangbing" của Trung-Hoa là "fukoku kyohei". Ta có thể so-sánh hai triều-đại Tongzhi (1862-1874) ở Trung-Hoa với triều-đại Minh-Trị (Meiji) bắt đầu từ 1868, cả triều-đại đều lấy phương-châm "nước giàu binh mạnh" làm kim-chỉ-nam. Nếu ở Trung-Hoa có hải-quân công-xưởng Phúc-Châu do người Pháp phụ-trách kỹ-thuật và giúp điều-khiển thì ở Nhật cũng có công-xưởng Yokosuda, cũng do người Pháp giúp kỹ-thuật và điều-hành. Cả hai công-xưởng ngoài việc đóng tàu còn có huấn-luyện học-thuật Tây-Phương và sinh-ngữ. Ở Nhật, những võ-sĩ cũ (samourai) được tuyển vào để đào-tạo thành chuyên-gia hàng-hải trong tương-lai. Triều-đình Minh-Trị phụ-trách việc mở-mang các cơ-xưởng chiến-lược (dưới thời shogun Tokugawa) và tìm cách tập-trung việc điều-khiển về trung-ương. Sự khác biệt giữa Nhật và Trung-Hoa là triều-đình nhà Thanh giao việc xây-dựng cơ-xưởng cho chính-quyền địa-phương, trong khi Nhật-Hoàng định-chế hóa việc phát-triển hải-quân. Từ năm 1869 Nhật đã có bộ Hải-Quân, những công-xưởng nhà-nước được xây-dựng bắt đầu từ 1880. Mặc-dầu nhà-nước tham-gia vào công-xưởng chậm nhưng trước đó đã khuyến-khích tư-nhân đầu-tư bằng những món tiền thưởng lớn lao. Những lãnh-chúa bị truất quyền từ năm 1868, được sự trợ giúp nhà-nước để đầu-tư vào công, kỹ-nghệ. Năm 1880 là thời điểm chấm dứt giai-đoạn đầu công-nghiệp hóa Nhật-Bản. Việc hiện-đại hóa càng nhanh chóng vì kinh-tế tăng-trưởng nhờ có sự hợp-tác của tư-nhân. Nhiều công-xưởng hải-quân được bán cho tư-nhân như ở Nagasaki, bán cho Iwakari Yataro vào năm 1884 và ông nầy dựng lên hảng Mitsu. Tuy vậy nhà nước vẫn giữ được vị-trí điều-khiển một cách khéo-léo và bí-mật vì những người mua đều là thân-tộc với những người trong chính-quyền.

Sau khi thắng trận 1894 và được bồi-thường 300 triệu lạng bạc, chính-quyền Nhật sử-dụng khoản tiền nầy để khuếch-trương hàng-hải. Việc nầy biểu-hiện qua 1 đạo-luật ban-bố năm 1896 nhằm khuyến-khích việc đóng tàu. Mục-đích đạo-luật là sẽ thưởng cho những người đóng tàu hay những người đi biển. Ðạo luật nầy có cùng nội-dung với đạo-luật 1893 của chính-phủ Pháp. Phần tiền thưởng thứ nhứt tùy-theo tiêu-chuẩn chiếc tàu, số tiền thưởng tỉ-lệ thuận với trọng-tải của chiếc tàu được đóng. Thứ hai là tiền thưởng tỉ-lệ thuận với trọng-lượng chuyên-chở và số cây số hải-hành.

Nhờ đạo-luật nầy hàng-hải Nhật tiến-bộ rất nhanh. Những hãng như Mitsubitshi ở Nagasaki hay hãng Kawasaki ở Osaka phát-triển không kém những công-xưởng nhà nước. Cuộc thủy-chiến với Nga trong cuộc chiến 1904-1905 đã xác-định được vị-trí đại-cường của Nhật. Chiến-thắng đạt được là nhờ ở những người lãnh-đạo có định-hướng chính-trị đúng nhu-cầu chiến-lược của đất-nước để đẩy mạnh công-cuộc hiện-đại hóa và công-nghệ hóa nước Nhật nói chung và hải-quân nói riêng. Vị-trí đại-cường nầy lên đến tột-đỉnh vào vài năm đầu của thập niên 1940. Năm 1945 Nhật-Bản thua trận và đất nước bị tàn-phá khốc-liệt, nhưng chỉ vài thập-niên người Nhật lại đẩy vị-trí Nhật-Bản lên hàng đầu trên trường quốc-tế. Trong giai-đoạn nầy tư-nhân là thành-phần chủ-đạo trong việc phát-triển.

Lịch-sử đã chứng-minh, dân-tộc Nhật thực-hiện bằng mọi cách, kể cả vay mượn [12], để thành-công phương-châm "fukoku kyohei" của ngày xưa và ngày nay là "dân giàu nước mạnh". Thật may cho dân Nhật đã có nhiều thế-hệ lãnh-đạo xuất-chúng.

IV. Kết-luận:
1/ Bài học cho Trung-Hoa:
Trở lại tình-trạng của Trung-Hoa hiện-thời, ta nhận thấy tư-tưởng của Ðặng Tiểu Bình về công-nghiệp hóa và hiện-đại hóa đất nước, trong đó có quân-đội, bắt đầu có ảnh-hưởng lên lãnh-đạo Trung-Hoa từ 1972. Tư-tưởng nầy chấp-nhận cả hai khuynh-hướng "tự-cường" và học-hỏi kỹ-thuật của nước ngoài, nhưng trong đó tư-nhân người Hoa đóng vai-trò quan-trọng. Tổng-hợp hai khuynh-hướng đó, ta có thể thấy hiện nay Trung-Hoa đã có những thành-công đáng-kể.

Phương-châm "phú quốc cường binh", nước giàu quân mạnh, từng bước tuần-tự Trung-Hoa đã theo tư-tưởng "miêu-luận" của Ðặng Tiểu Bình để mà thực-hiện.

Thành-công ngoạn-mục của Trung-Hoa trong việc phát-triển kinh-tế từ năm 1979 đến nay, (sự phát-triển nầy ra ngoài dự-đoán trong thập niên 90 của hầu hết chuyên-gia kinh-tế trên thế-giới [13]), đã cho phép nước nầy từng bước một hiện-đại-hóa quân-đội của họ. Hai mũi nhọn ưu-tiên không-quân và hải-quân đã được trang-bị bằng những loại vũ-khí tối-tân, mua của nước ngoài hay tự sản-xuất bằng những kỷ-thuật hiện-đại nhất. Những trang-bị quân-sự nầy nếu đem so-sánh với các nước còn lại trong G5 (G5: Hoa-Kỳ, Nga, Anh, Pháp và Trung-Hoa) thì chưa phải là việc quan-ngại [14] trong tương-lai gần. Nhưng so với quân-đội Việt-Nam, tương-quan sức mạnh của hai bên về mọi mặt, từ kỹ-thuật cho đến ngân-sách quốc-phòng [15], quả thật có một sự chênh-lệch một trời một vực. Tham-vọng bành-trướng của Trung-Hoa hiện nay tại biển Ðông cũng như chủ-trương thiết-lập lại ảnh-hưởng Ðại-Hán từ trước tiền bán thế-kỷ XIX tại Á-Châu đe-dọa hơn bao giờ hết lên sự tồn-vong của dân-tộc Việt-Nam.

Từ sau 1979, Ðặng Tiểu Bình [16], lợi-dụng thế liên-minh chiến-lược với Hoa-Kỳ bắt đầu từ năm 1972 [17] chống lại Liên-Xô, để hiện-đại hóa và công-nghiệp hóa Trung-Hoa. Phải nhìn-nhận rằng chủ-thuyết thực-tiễn "mèo trắng mèo đen" của họ Ðặng, tính đến nay đã thành-công so với đường-lối chính-trị "Tự-Cường" của triều Thanh ngày xưa. Cái thành-công của họ Ðặng là vận-dụng được ngoại-lực để chấn-hưng nội-lực mà Thanh-triều ngày xưa đã không làm được.

(Thật ra khó có thể so-sánh kết-quả "hiện-đại hóa" Trung-Hoa ở vào hai thời-kỳ mà bối cảnh kinh-tế, chính-trị, xã-hội hoàn-toàn khác nhau. Hoàn-cảnh phát-triển của Trung-Hoa vào thời Ðặng Tiểu Bình, sau đó là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Ðào hiện nay dễ-dàng hơn là hoàn-cảnh Trung-Hoa, sau chiến-tranh nha-phiến, như là một miếng mồi ngon và dễ-dàng cho các cường-quốc phân-liệt.)

Các kết-quả như chương-trình không-gian, tự chế và phóng phi-thuyền Thần-Châu với kỹ-thuật của Nga. Các tàu ngầm nguyên-tử mang thủy-lôi Exocet (kỹ-thuật Pháp) và chương-trình mua hàng-không mẫu-hạm của Nga trong thời-gian tới. Hiện nay Châu-Âu và Hoa-Kỳ vẫn còn giữ lệnh cấm bán vũ-khí và chuyển-nhượng kỹ-thuật quốc-phòng đối với Trung-Hoa. Mới đây, tàu ngầm nguyên-tử Trung-Hoa còn vào dọ-thám trong khu-vực biển Nhật-Bản. Riêng về kinh-tế, Trung-Hoa bắt đầu đặt được dấu ấn của mình trong sân chơi quốc-tế. Công-trình xây đập thủy-điện Tam-Cổ là công-trình lớn nhứt thế-giới. Chi-nhánh chế-tạo máy tính cá-nhân của hãng IBM nổi tiếng thế-giới của Hoa-Kỳ cũng như hệ-thống chế-tạo và phân-phối mỹ-phẩm Marionaud lớn nhất nhì Châu-Âu đã lọt vào vòng kiểm-soát của người Hoa. Hàng-hóa của Trung-Hoa hiện nay tràn-ngập thế-giới. Phải nhìn-nhận, so-sánh nước Trung-Hoa từ thời Mao Trạch Ðông đến nay, quả thật đã có một bước tiến khổng-lồ.

Nhưng Trung-Hoa có trở thành người khổng-lồ trên biển hay chưa ? Ðây chắc vẫn còn là một thách-thức cho thế-hệ lãnh-đạo hiện-thời và tương-lai của Trung-Hoa.

2/ Bài học cho Việt-Nam:
Việt-Nam có nhiều bài học lịch-sử đau thương nhưng e rằng chưa có bài học nào được rút kinh-nghiệm.


Việt-Nam đã rút tỉa được bài học nào qua kinh-nghiệm hải-quân và phương-châm "phú quốc cường binh" của Trung-Hoa và Nhật-Bản ở trên ? Không có chi cả là câu trả lời đúng nhất ! Kiểm-chứng, sau gần 30 năm thắng được miền Nam, trên thực-tế thì Việt-Nam hôm nay đang đi lại từng bước con đường của triều-đình nhà Thanh vào thời-kỳ đang ngắc-ngoải. Nội-bộ cũng tranh-chấp quyền-chức, cũng phe đảng, cũng đầu óc địa-phương, cũng tham-ô, cũng chuyên-quyền, xã-hội xáo-trộn, dân-tình lớp thì thờ-ơ với đất nước, lớp thì thù-hận và bất-mãn chống chính-quyền. Ðặc-biệt, lãnh-đạo Việt-Nam còn có thêm đầu-óc cổ-hủ, không nhìn thấy biến-chuyển của thế-giới chung-quanh. Việt-Nam có tới 2.500 cây-số đường bờ biển, có diện-tích lãnh-hải có thể gấp 3 lần diện-tích lãnh-thổ, tức tròm-trèm 1.000.000 cây số vuông. Vậy mà hải-quân Việt-Nam hầu-như chỉ còn đang trong thời-kỳ phôi-thai và Việt-Nam cũng chưa có đội hàng-hải ngư-thuyền hay thương-thuyền nào đáng kể. Biển Việt-Nam vẫn còn bỏ ngỏ.

Một vài dữ-kiện: Bộ máy nhà-nước không sử-dụng người ngoài đảng hay người thuộc chế-độ cũ (còn tệ hơn nhà Thanh ngày xưa). Dự-án lọc dầu Dung-Quấc không phải là thành-quả của nghiên-cứu kinh-tế mà là sản-phẩm của đầu óc địa-phương. Tiếp-tục xem Hoa-Kỳ là kẻ thù chiến-lược là sản-phẩm của những bộ óc sơ-cứng, không nhìn thấy thời-thế đã thay đổi. Chính-trị rập khuôn theo Trung-Hoa cho thấy lãnh-đạo Việt-Nam không có sáng-kiến, không có định-hướng chiến-lược phát-triển quốc-gia.

Ðất nước về đâu ? Làm sao đất nước có thể phát-triển được khi những tập-quán phong-kiến như thế vẫn còn ?

Ở những hàng trên người viết có đặt câu hỏi: Trung-Hoa có trở thành người khổng-lồ trên biển hay chưa ? Chưa có một cuộc đụng-độ nào giữa Trung-Hoa với một cường-quốc nào đó để có câu trả lời. Nhưng đối với Việt-Nam thì Trung-Hoa đã trở thành con quái-vật mà hải-quân là nanh-vuốt. Nhưng nguy-hiểm hơn hết là lãnh-đạo Việt-Nam hiện nay đang ôm chân quái-vật, xem con quái-vật nầy là "đồng-minh chiến-lược" để chống "đế-quốc Mỹ". Năm 1974 quái-vật đánh chiếm Hoàng-Sa; tháng 3 năm 1988 lấn đảo Trường-Sa; tháng 2 năm 1992 ra luật biển dành trọn biển Ðông; năm 1992 cho đặt dàn khoan trên thềm lục-địa Việt-Nam (Crestone Energy Co); tháng 7 năm 1992 chiếm thêm đảo ở Trường-Sa; dành lãnh-hải trong Vịnh Bắc-Việt, lấn đất biên-giới trên đất liền, thông-đồng với lãnh-đạo Việt-Nam ký-kết hai hiệp-ước về lãnh-thổ (12-1999) và lãnh-hải (12-2000); tiếp-tục đặt dàn khoan trên thềm lục-địa, trong hải-phận của Việt-Nam (2004); mới đây lại dã-man bắn chết ngư-dân Việt-Nam trong vịnh Bắc-Việt vân vân và vân vân. Ðó là thái-độ đạp trên đầu Việt-Nam của con quái-vật. Phản-ứng không ngạc-nhiên của lãnh-đạo Việt-Nam là nuốt nhục và chịu-đựng sự tung-hoành của nó.

Dựa vào Trung-Hoa, lãnh-đạo Việt-Nam giữ được quyền-bính đã dành của quốc-dân nhưng sẽ không giữ được nước. Một khi mà lãnh-đạo Việt-Nam còn xem quyền-bính phe đảng quan-trọng hơn là đất nước, khi mà nỗ-lực quốc-gia về chính-trị, kinh-tế, công-an, quân-đội… chỉ nhằm giữ quyền-bính cho đảng lãnh-đạo thì đất nước lâm-nguy. Việc hải-quân Trung-Hoa bắn chết ngư dân VN và thái-độ tuyên-bố sự việc của nhà cầm-quyền Trung-Hoa vào trung tuần tháng 1 năm 2005 là một khiêu-khích xấc-xược đến với dân-tộc Việt-Nam. Danh-dự dân-tộc Việt-Nam bị thương-tổn nặng. Trước việc nghiêm-trọng như vậy, lãnh-đạo Việt-Nam chỉ có phản-ứng qua loa. Việt-Nam không có một khả-năng nào để có thể bày-tỏ một hành-động nhằm trả đũa. Ta thấy hải-quân Việt-Nam không có mặt trong vùng biển của mình để can-thiệp và bảo-vệ ngư dân bị nạn.

Việt-Nam có quá nhiều bài học lịch-sử đau-thương cần phải nhìn lại để rút kinh-nghiệm mà nhanh-chóng phát-triển đất nước. Phát-triển đất nước, làm cho "dân giàu nước mạnh" là phương-pháp duy-nhất để giữ nước hiện nay.

Xin ghi lại đây vài ý-kiến lấy từ quyển "Việt-Nam 1945-1995 Chiến-Tranh, Tị-Nạn, Bài Học Lịch-Sử ; tập I", nxb Tiên Rồng 2004, của GS Lê Xuân Khoa, quyển sách có giá-trị qui-chiếu, référence, xem đây là những kinh-nghiệm rút từ những bài học trong quá-khứ để tất cả có cái nhìn đúng trong tương-lai: "Thứ nhứt, trong quan-hệ quốc-tế, chỉ có lợi-ích của quốc-gia là quan-trọng hơn cả. Thứ hai, không có một chủ-nghĩa chính-trị nào là chân-lý tuyệt-đối. Thứ ba, cần phải hiểu rõ ta, bạn và thù." [18]

"Giai-đoạn hơn nửa thế-kỷ nầy có rất nhiều bài học chính-trị, quân-sự và ngoại-giao cần phải được tìm-hiểu và rút ra những kinh-nghiệm khôn-ngoan để cho dân-tộc có thể tồn-tại và phát-triển, tránh khỏi trở thành nạn-nhân của những chính-sách cai-trị sai-lầm hoặc lại trở thành công-cụ của những thế-lực quốc-tế trong những hình-thức tranh-chấp nóng hay lạnh trong tương-lai." [19]

Nếu không rút kinh-nghiệm từ những bài học lịch-sử thì sẽ đi lại vết xe cũ đã ngã. Năm 1885 Nhật-Bản đã hoàn-tất giai-đoạn đầu của việc công-kỷ-nghệ hóa đất nước. Hạm đội của Nhật đánh bại Trung-Hoa 1894. Việt-Nam năm 2005 vẫn chưa qua giai-đoạn đầu của việc công-kỹ-nghệ hóa. Một sai-lầm lần nữa trong tương-lai có cùng ý-nghĩa với diệt-vong.

TRƯƠNG NHÂN TUẤN
(Tài-liệu tham-khảo: "Modernisation et Politique Navale en Chine à la fin XIXe Siècle" của Christine Cornet).

GHI CHÚ:
[1] Cũng do việc Nhật-Bản lăm-le ở phía Ðông cho nên Trung-Hoa mới ký hòa-ước Thiên-Tân 1885 với Pháp, trong đó điều quan-trọng là từ bỏ quyền thượng-quốc của Trung-Hoa tại Việt-Nam. Xem thêm ghi-chú 10.
[2] Ông Gicquel là người xây-dựng công-xưởng Phúc-Châu. Công-xưởng nầy hải-quân Pháp phá-hủy lúc chiến-tranh 1883-1885
[3] Nhật-Bản cũng có phương-châm tương-tự là "fukoku kyohei".
[4] "Géopolitique de l’Extrême-Orient", tome I, "Espaces et Politiques", tác-giả François Yoyaux, edition Complexe, 1993, trang 154.
[5] Ở thời-điểm nầy hải-quân có tầm quan-trọng rất lớn, Pháp-Quốc có bộ Hải-Quân, ngang hàng với bộ Chiến-Tranh. Những Ðề-Ðốc có ảnh-hưởng chính-trị rộng lớn trong chính-phủ. Việt-Nam vào thời đầu Pháp-thuộc được cai-trị dưới quyền của những viên-tướng thuộc hải-quân.
[6] Khuynh-hướng nầy sau năm 1949 vẫn còn tồn-tại, biểu-hiện qua chiến-lược "dùng thôn quê bao vây thành-thị" của Mao Trạch Ðông. Thôn-quê là các nước nhỏ gồm có Trung-Hoa, thành-thị là các cường-quốc. Dưới thời Mao Trạch Ðông, lực-lượng hải quân Trung-Hoa rất khiêm-nhường, chỉ đủ để phòng duyên (cận bờ). Khuynh-hướng chiến-tranh của ông nầy là dụ địch sâu trong lục-địa Trung-Hoa, sau đó bao vây và diệt địch.
[7] Ðó là ông Robert Hart, giám-đốc sở Quan-Thuế Hoàng-Gia. Sau chiến-tranh nha-phiến thì quan-thuế của Trung-Hoa phải làm việc chung với quan-thuế của hoàng-gia Anh. Robert Hart là quản-đốc quan-thuế. Ðiều đáng ghi-nhận giữa Anh và Trung-Hoa, là sau hai cuộc chiến tranh nha-phiến, quan-hệ giữa Anh và Trung-Hoa lại thân-thiện hơn hơn là giữa Trung-Hoa đối với các cường-quốc khác. Có lẽ do óc thực-tiễn mà sau nầy nhiều người Anh được triều-đình nhà Thanh sử-dụng. Trong vấn-đề thảo-luận để phân-định biên-giới Việt-Trung năm 1886-1887, phe Trung-Hoa có ông Hart là em (hay anh) của ông Robert Hart làm cố-vấn.
[8] Tả Tông Ðường là một viên quan Mãn-Châu, được Pháp đánh giá cao do tinh-thần sáng-suốt. Trong quyển "Journal d’un Mandarin, thư viết ngày 15 octobre 1885, trang 4-6" có đề-cập đến một chương-trình hiện-đại-hóa quân-đội qua một bức thư di-chúc trước khi chết của viên quan nầy gởi lên vua và thái-hậu. Chương-trình rất cụ-thể nhưng không thực-hiện được do sự tham-nhũng của các viên quan, nhất là sự xa-xỉ quá độ của thái-hậuTừ-Hi.
[9] Năm 1874, một sĩ-quan hải-quân Pháp có tên là Fournier, rất giỏi về thuyền bè, nhân-dịp gặp Lý Hồng Chương đã chỉ rõ cho ông nầy những điểm dở của các chiến hạm đã mua của Anh-Quốc. Qua việc nầy Lý Hồng Chương mến mộ Fournier và có đề-nghị ông chỉ-huy hạm-đội Trung-Hoa. Cũng nhờ ở sự quen biết nầy mà ngày 11 tháng 5 năm 1884 ông Fournier lãnh trách-nhiệm ký với Lý Hồng Chương công-ước mang tên Công-Ước Fournier.
[10] "VietNam, Domination Coloniale et Résistance Nationale 1858, 1914" của Charles Fourniau, nxb Les Indes Savantes, 2002, quyển 2, trang 338
[11] Vào thời phân-liệt Trung-Hoa, những đại-cường luôn luôn cạnh-tranh với nhau để dành ảnh-hưởng và quyền-lợi. Sau trận hải-chiến Phúc-Châu, người Hoa thâm-thù người Pháp và nhiều cường-quốc khác lợi-dụng việc nầy để "dành" ảnh-hưởng của Pháp trước kia. Sự thù-hận người Pháp càng tăng lên khi Pháp đòi hỏi Trung-Hoa phải từ bỏ quyền "suzeraineté - thượng-quốc chư-hầu" với Việt-Nam. Thanh-triều xem đây là một sự xúc-phạm thô-lỗ đến danh-dự đế-quốc. Việc nầy đã ảnh-hưởng rất nhiều đến việc phân-định biên-giới giữa Việt-Nam và các tỉnh Hoa-Nam 1885-1897.
[12] Từ thập-niên 1960, người Nhật nào đi nước ngoài cũng đeo cái máy chụp hình. Mục-đích là cọp-dê kiểu của các nước khác như xe cộ, máy móc.
[13] Vào thập-niên 90, các chuyên-gia kinh-tế tiên-đoán phải ít nhất 50 năm phát-triển Trung-Hoa mới có thể sánh vai Hoa-Kỳ. Con số dự-tính 50 năm nay đã rút lại còn 20 năm.
[14] "La Chine, Une puisance encerclée ?" của Jean-Vincent Brisset, nxb IRIS, Paris, 2002. Annexe 2, 3,4 trang 129-138.
[15] Ngân-sách quốc-phòng của Trung-Hoa năm 2001 công-bố là 17 tỉ đô-la. Nhưng theo dự-đoán của "US Armament Control and Forces Reduction Agency" thì ngân-sách quốc-phòng của Trung-Hoa phải nhân lên 8,5 lần, tức 144 tỉ rưởi đô-la.
[16] Xem "Ðặng Tiểu Bình, từ lý-luận đến thực-tiễn" của Trần Tiên Khuê, nxb Khoa-Học Xã-Hội, Hà-Nội, 2004.
[17] Sự thay-đổi chiến-lược của Hoa-Kỳ tại Ðông-Dương bắt đầu từ năm 1969 qua chủ-trương "Việt-Nam-hóa" chiến-tranh, được gọi sau nầy là "doctrine Nixon". Nhưng bề trong "chủ-thuyết Nixon", vấn-đề rút quân ra khỏi Việt-Nam là một yếu-tố trong những chuẩn-bị cho cuộc thương-nghị với Liên-Xô về việc tài-giãm vũ-khí chiến-lược "Strategic Arms Limitation Talks", viết tắt là SALT, sẽ bắt đầu tại Helsinki vào tháng 12 năm 1969. Ðể có được thế mạnh trong thương-thuyết, Hoa-Kỳ cần phải có đồng-minh và Trung-Cộng là đối-tượng (xem "La Tentation Impériale, Politique extérieure de la Chine depuis 1949", trang 48-53, của François Joyaux, nxb Imprimerie Nationale, Paris 1994). Cùng lúc, tháng ba năm 1969, biến-cố Oussouri, Liên-Xô đe-dọa dội bom nguyên-tử tại các cơ-sở nguyên-tử của Trung-Hoa. Việc nầy làm cho Trung-Hoa và Hoa-Kỳ có chung mẫu-số và hai bên tiến gần lại nhau dễ-dàng. Ðiều-kiện Trung-Hoa đặt ra để bình-thường hóa bang-giao có nhiều. Một yếu-tố tiêu-biểu là năm 1971, Hoa-Kỳ bỏ rơi đồng-minh Ðài-Loan tại Liên-Hiệp Quốc. Cộng-Hòa Nhân-Dân Trung-Hoa của MaoTrạch Ðông thay chỗ của Trung-Hoa Dân-Quốc (Ðài-Loan) bằng con số biểu-quyết 76 phiếu trên 35 (17 phiếu trắng) tại Ðại-Hội-Ðồng Liên-Hiệp Quốc ngày 25 tháng 10 năm 1971. Nixon được Mao Trạch Ðông tiếp-đón niềm-nở tại Bắc-Kinh tháng giêng năm 1972, mở ra kỷ-nguyên mới trong quan-hệ hai nước Mỹ-Trung. Hiệu-quả của các cuộc thương-lượng tài-giãm vũ-khí chiến-lược là hai nước Hoa-Kỳ và Liên-Xô đã ký-kết nhiều hiệp-ước cụ-thể START I, START II… dưới thời Tổng-Thống Reagan để hủy-bỏ bớt vũ-khí hạt-nhân chiến-lược, tức các loại hoả-tiển liên-lục-địa có tầm xa hơn 5.000km. Trung-Hoa từ sau khi bang-giao, nhờ vào Hoa-Kỳ, sau đó Nhật-Bản và Tây-Phương, vốn-liếng và khoa-học kỹ-thuật để hiện-đại hóa thành-công như ngày hôm nay.
[18] Ba điểm trên chỉ là đầu-đề của ba tiểu-luận ở phần « lời kết ». Xin quí độc-giả tìm đọc để thẩm-định lại.
[19] sđd, trang 22.

Bài liên hệ:
Chúng tôi cần một sự công bằng
Nhà cầm quyền Việt Nam đối ngoại hèn nhát-đối nội gian manh xuẩn động

Công hàm bán nước (thừa nhận chủ quyền Trung Cộng trên vịnh Bắc Bộ)
Đừng bao giờ đùa với những nỗi đau như thế


SaigonUSA hoan nghênh ý kiến đóng góp của qúy vị độc giả. Xin type vào Comment Box ở dưới đây và nhấn vào nút "Submit" để gởi đi:

TÊN, HỌ / NAME:  
 E M A I L:  

Ý KIẾN /  COMMENT:  

 

 
RETURN TO FRONT PAGE 



 
Click to Enlarge Poster





Copyright © 1997-2005  SaigonUSA News. All rights reserved.