|
545
E. Saint John St.
San Jose, CA 95112
USA
Tel: 408.998.0508
Fax: 408.993.0527
Email:
saigonusanews
@yahoo.com
|
|
|
Dũng
“Đen”
Lên Tiếng
LTS của SaigonUSA –
Sau khi đăng tải bài viết của cây bút thép Nguyên Thanh về vấn đề
sôi bỏng của phong trào ca sĩ từ Việt Nam sang Mỹ lưu diễn, đặc biệt
là trường hợp của Đàm
Vĩnh Hưng, bổn báo đã nhận được rất nhiều hồi âm và phản ứng của
độc giả cùng đồng bào xa gần.
Đồng thời, chúng tôi cũng nhận được một Email vào ngày 13-01-2005
của một người có tên là Clarence Taylor, tên Việt là Dũng Taylor,
tự Dũng Đen. Trong điện thư, ông Dũng Taylor yêu
cầu cho đăng bài của ông trả lời phỏng vấn của báo Việt Weekly tại
Nam Cali hồi đầu tháng 12, 2004. Ông cũng kèm theo một tấm hình của
ông, hình như được chụp lúc đang trả lời phỏng vấn, và phóng ảnh tấm
“Approval Notice” từ cơ quan Di Trú Hoa Kỳ chấp thuận đơn xin bảo
lãnh 7 nghệ sĩ từ VN qua làm việc tại Mỹ với trung tâm D&D Entertainment.
Ông Dũng yêu cầu cho đăng bài phỏng vấn của ông để đáp lại bài viết,
theo lời ông Dũng, “một chiều” của nhà báo Nguyên Thanh. Chúng tôi
đã chuyển toàn bộ bài của ông Dũng tới cho nhà báo Nguyên Thanh để
đọc và yêu cầu ông trả lời về sự lên tiếng của ông Dũng Taylor.
Một mặt, chúng tôi hoan nghênh sự lên tiếng của ông Dũng, trong việc
gởi bài phản bác tới cho bổn báo. Đó chính là thể hiện quyền phát
biểu một cách nghiêm túc và trân trọng đối với độc giả, và chúng tôi
hoan nghênh tinh thần dân chủ đó của ông Dũng Taylor.
Mặt khác, chúng tôi không khỏi hoang mang khi nhận thấy bài viết ông
Dũng gởi tới, gọi là bài phỏng vấn của Việt Weekly, nhưng lại có nhiều
điểm rất khác với bài báo đã đăng trên tuần báo ấy tại Nam Cali. Để
rộng đường dư luận, chúng tôi xin mạn phép đăng tải cùng lúc hai bài:
bài phỏng vấn mà ông Dũng Taylor gởi tới, và bài
của nhà báo Nguyên Thanh viết tiếp trong loạt bài “Hit & Run.”
Đồng thời chúng tôi rất mong được ông Dũng Taylor lên tiếng giải thích
về việc tại sao có sự khác biệt trong bài ông gởi, so với bài đã đăng
trên tuần báo Việt Weekly cách đây 3 tuần lễ. Nếu có thêm thông tin
mới gì về việc nầy, bổn báo sẵn sàng đăng tải, hoặc đính chánh trong
số báo tới.
Trân trọng,
SaigonUSA
Nói
Chuyện với
DŨNG “ĐEN”
Ông Bầu Show D & D Entertainment:
Tôi
chỉ là người cung cấp
“Món hàng lạ” cho khách văn nghệ
Nguyễn
Quang Minh thực hiện
LTS của Việt Weekly:
Kể từ năm 1997, đã có một vài trường hợp các ca sĩ từ trong nước ra hải
ngoại theo diện "du lịch" rồi xé rào trình diễn... lai rai.
Làn sóng nghệ sĩ từ "hát chui" tới hát công khai tại các sòng
bài, tụ điểm ca nhạc, các khách sạn ngày càng lên cao, và cao điểm là
trong vòng năm nay, 2004. Số ca sĩ trong nước sang Hoa Kỳ trình diễn,
riêng tại quận Cam có đến vài chục show. Hiện tượng này dẫn đến việc ảnh
hưởng khá nặng nề đối với các ca sĩ hải ngoại không những mặt "nồi
cơm", mà còn về mặt tâm lý trên sàn diễn. Yếu tố khá quan trọng là
khán giả. Sự chọn lựa món ăn tinh thần từ phía người mộ điệu gần như là
yếu tố quyết định cho cán cân giữa "hàng nội" và "hàng
ngoại"!
Vào thời điểm này, giới quan sát văn nghệ đã tiên đoán đang có một làn
sóng chống đối rất mạnh từ phía các ca sĩ hải ngoại, dẫn đến việc "tẩy
chay" các show diễn có các ca sĩ từ Việt Nam. Một số ca sĩ có thái
độ cứng rắn có thể kể đến như ca sĩ Như Quỳnh, Lâm Nhật Tiến, Nguyễn Hưng
v.v.
Trong bối cảnh đó, các ông/bà bầu show đóng một vai trò rất quan trọng.
Theo giới văn nghệ cho biết, hiện nay, có hai người "trùm" về
lãnh vực tổ chức các đêm văn nghệ tại Mỹ là: Bà bầu Liên (Miền Đông) và
Dũng "Đen" (Miền Tây). Họ là những nhà tổ chức chuyên nghiệp,
luôn luôn thành công trong các show diễn, đạt những kỷ lục về số khách
tham dự cũng như số vé bán ra. Việt Weekly đã phỏng vấn anh Dũng "Đen"
để tìm hiểu về vụ việc.
Việt
Weekly (VW): Anh có thể cho biết hiện trạng làn sóng
ca sĩ trong nước ra hải ngoại trình diễn như thế nào?
Dũng
"Đen" (DĐ): Các
ca sĩ ra ngoài hát rỉ rả từ những năm 1997. Ca sĩ Thanh Lam đã bắt đầu
từ hồi đó. Tôi bước vào nghề bầu show từ 7 năm nay. Tôi dựa vào nhu cầu
của người thưởng ngoạn để tổ chức. Khởi đầu tôi thực hiện các show ở các
sòng bài, mời một vài ca sĩ từ trong nước ra hát. Khán giả hưởng ứng rất
nồng nhiệt. Ngay lúc đó, tôi đã tính chuyện phải làm sao tạo được một
hệ thống làm việc qui củ, để các ca sĩ tham gia chương trình của D&D
tập trung vào công việc của họ. Tôi đã lo tất cả giấy tờ, giấy phép, đóng
thuế cho các ca sĩ khi mời họ hát ở hải ngoại.
VW:
Điều khó khăn khi mời ca sĩ từ trong nước ra ngoài này hát là gì?
DĐ:
Ở Việt Nam, có từ làm "visa ngược", tức là được cấp từ Mỹ. Ở
Việt Nam, nếu ca sĩ muốn đi "du lịch", họ phải xin visa, chờ
phỏng vấn,... hồ sơ qua nhiều đợt cứu xét rất phức tạp, bị bác đơn là
chuyện thường. Trung bình mất từ 4 tới 6 tuần để có giấy phép đi du lịch.
Với giấy phép của D&D Entertainment, visa được cấp từ bên Mỹ, người
ca sĩ chỉ việc... lên đường theo hợp đồng làm việc cho D&D Entertainment
mà thôi. Chúng tôi có hợp đồng với công ty tổ chức về nghệ thuật. Công
ty này không thuộc Cục Biểu Diễn, của chính quyền CSVN. Chính phủ Việt
Nam không bao giờ chịu ký hợp đồng với bất kỳ một cá nhân làm ăn nào bên
này, các hoạt động văn nghệ cũng vậy. Tôi chỉ ký với một công ty có giấy
phép hoạt động gởi người Việt Nam đi biểu diễn, trình diễn ở khắp nơi
trên thế giới mà thôi. Do đó, nói là CSVN gởi người đi là không đúng.
Bằng chứng là khi chính quyền Việt Nam có ý định gởi các phái đoàn văn
nghệ đi biểu diễn, giao lưu ở nước ngoài, họ phải tổ chức ngoại giao,
có phái đoàn tùy tùng linh tinh... không như các tổ chức văn nghệ làm
ăn như chúng tôi phải lo nơi ăn chốn ở, giấy phép và lương bổng cho các
ca sĩ khi ra ngoài này. Chúng tôi hoàn toàn là những người làm thương
mại. Ca diễn cũng là một loại hình thương mại mà thôi.
VW:
Về phía Mỹ, chắc họ cũng phải có chính sách sát hạch việc các ca sĩ
du nhập từ nước ngoài vào Mỹ hát, anh cho biết rõ thêm chi tiết này?
DĐ: Tất nhiên chính quyền
Mỹ đã xem xét rất kỹ record của công ty D&D Entertainment, hồ sơ thuế,
thu nhập hàng năm, uy tín, cách làm việc,... trong vòng 5 năm trở lại.
Đồng thời họ check thường xuyên các thân chủ của D&D. Đây là bằng
chứng chúng tôi có giấy phép mời chính thức các ca sĩ từ trong nước ra
ngoài hát (xem minh họa). Tóm lại, chúng tôi làm ăn có giấy tờ đàng hoàng,
có đóng thuế với Mỹ và sòng phẳng với các ca sĩ. Đồng thời, chúng tôi
làm việc trực tiếp với một công ty biểu diễn (tư nhân) ở trong nước, chứ
không làm việc với Cục Biểu Diễn (của chính quyền Việt Nam).
VW:
Gần đây, có một làn sóng chống đối các ca sĩ từ trong nước ra hát.
Là bầu show "chuyên trị" mời các ca sĩ trong nước, anh cảm thấy
áp lực đó như thế nào? Có ảnh hưởng đến dịch vụ làm ăn của anh không?
DĐ: Như
đã nói, tôi làm việc vì khán giả, cho khán giả. Tôi là một người cung
cấp "món hàng lạ" cho khách thưởng ngoạn văn nghệ. Do đó, tôi
không có trách nhiệm hay phải thiên vị cho bên "trong" hay bên
"ngoài". Khán giả là người quyết định tất cả. Là người bầu show,
nếu tôi tổ chức, mà vé bán không được, bất luận mời ca sĩ bên này hay
bên kia, cũng đều thất bại! Tôi phải theo thị hiếu của khán giả. Khách
hàng nói, "nếu show của anh có ca sĩ này, tôi sẽ đi coi..., nếu không
có ca sĩ đó, tôi không coi!" Tôi muốn tồn tại và thành công, tôi
phải chìu khách hàng, bán món hàng mà họ willing to pay!
VW:
Hiện tại họ "willing to pay" đến mức độ nào?
DĐ: Nếu có ca sĩ Việt Nam,
như các show vừa qua tôi tổ chức, rất thành công. Khán giả sẵn sàng lái
xe 2, 3 tiếng đến các sòng bài, chỗ hẻo lánh, để nghe ca sĩ họ ái mộ hát,
đồng thời trả tiền vé khá mắc, trung bình từ $35 (vé thường), $60 (VIP).
Trong khi đó, một số show trình diễn ngay tại Little Saigon, vẫn vắng,
không mấy show ăn khách.
VW:
Điều khác biệt giữa ca sĩ "nội" và "ngoại", về
mặt trình diễn? Có phải vì là hàng "lạ" nên khán giả thích?
DĐ: Lạ chỉ là một phần,
nhưng điều chính yếu là họ hát hay. Nói như vậy không có nghĩa là ca sĩ
"nội" nào cũng hay. Bằng chứng là trong số khoảng 20 ca sĩ từ
trong nước ra, chỉ còn khoảng 8 ca sĩ được tiếp tục mời vì ăn khách. Số
còn lại, chỉ sau 1, 2 lần, các bầu show không mời nữa, vì không ăn khách.
Như anh thấy đó, các ca sĩ ăn khách là Đàm Vĩnh Hưng, Quang Dũng, Mỹ Tâm,
Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh v.v.
VW:
D&D Entertainment trả tiền cho ca sĩ như thế nào? Trung
bình cát xê là bao nhiêu cho một người?
DĐ: Cũng khó để nói ra một
con số cụ thể. Vì số tiền D&D phải chi bao gồm tiền cho công ty ở
Việt Nam, tiền đóng thuế (Thuế cho chính phủ Mỹ bên này tính theo đầu
người cho mỗi Working Visa. Mỗi năm D&D chỉ xin chính phủ Mỹ 7 Working
Visa mà thôi), tiền di chuyển, ăn ở, vé máy bay, và dĩ nhiên là tiền lương
cho ca sĩ v.v. Một kỳ đi như vậy, D&D mời vài ca sĩ hạng bậc khác
nhau, tiền bạc cũng khác nhau... Cho tới giờ phút này, tôi cũng chưa có
con số chính xác về cát xê cho một ca sĩ là bao nhiêu, tất nhiên là khá
cao! Do đó, khi họ qua, tôi phải thu xếp cho họ trình diễn nhiều show
khác nhau, ở nhiều địa điểm khác nhau để có đủ chi phí cho họ, và phần
lời là cho D&D Entertainment.
VW:
Có dư luận cho rằng D&D Entertainment mời các ca sĩ hải ngoại
như một hình thức "lót đường" cho các ca sĩ trong nước trong
các show do anh tổ chức?
DĐ: Điều này hoàn toàn không
đúng. Trong một chương trình, nếu có 6 người ca sĩ, trong đó có hai thành
phần ca sĩ trong và ngoài nước trình diễn, khán giả thường chờ đợi phần
trình diễn của các ca sĩ "nội" hơn. Nếu tôi không sắp cho các
ca sĩ "ngoại" hát trước, mà để cho "nội" hát trước,
nguy cơ là sau khi các ca sĩ "nội" hát xong, khán giả bỏ về,
không buồn nghe các ca sĩ "ngoại" hát nữa. Mà sự việc này đã
xảy ra. Chính vì thế, các ca sĩ "ngoại" đã yêu cầu các bầu show
phải để họ hát trước, tránh đi tình trạng này. Sau này, cũng chính là
họ rêu rao rằng các bầu show mời họ để "lót đường"! Tôi đâu
có dại mà bỏ ra mấy ngàn để mời các ca sĩ hạng A hải ngoại "lót đường".
Tôi cho rằng chính sự hưởng ứng của khán giả đối với ca sĩ "nội"
làm họ cảm thấy họ là... lót đường. Những trường hợp như Nguyễn Hưng,
Lưu Bích, Như Quỳnh là những ca sĩ hạng A cũng không được hưởng ứng nồng
nhiệt khi hát chung sân khấu với các ca sĩ "nội".
VW:
Anh cho biết thêm những áp lực khác đối với các ca sĩ "ngoại"
khi diễn chung sân khấu với "nội"?
DĐ: Hai bên bị "đụng"
trên sân khấu. Sau đó, là khi bán CD bên ngoài. Các ca sĩ "nội' bán
CD cũng được hơn. Trong khi đó, các ca sĩ hải ngoại ngồi cùng một bàn,
nhưng CD không bán được, hay bán không nhiều.
VW:
Như vậy "nồi cơm" của các ca sĩ hải ngoại đang bị... đe
dọa? Là bầu show làm việc với hai phía, anh có nhận định nào hay cách
gì để giúp cân bằng sự việc?
DĐ: Hồi trước đây, khi chưa
có làn sóng du nhập ca sĩ trong nước, các ca sĩ ở đây chủ yếu dựa vào
các trung tâm để thổi tên tuổi của mình lên. Xuất hiện trên sân khấu của
các trung tâm, các ca sĩ được sự phụ họa của vũ công, ánh sáng, âm thanh,
make up, v.v. Còn hiện nay, khi trình diễn liveshow, người ca sĩ chỉ có
thể dựa vào khả năng trình diễn, tiếng hát của chính mình. Do đó, những
điểm mạnh và yếu đều trần trụi phơi bày trước mắt khán giả. Đem hình ảnh
người ca sĩ trong nước mà so sánh với các ca sĩ ngoài này, phải thành
thật mà nói, ca sĩ hải ngoại bị "lép". Lý do rất dễ hiểu. Với
dân số 80 triệu dân trong nước, sự sàng lọc rất dữ dội để có được một
số ca sĩ tên tuổi. Họ phải vượt qua nhiều thử thách để xây dựng tên tuổi
của mình. Trong khi đó, tại hải ngoại, với hơn 2 triệu người Việt sống
rải rác khắp các tiểu bang, thử hỏi làm sao chúng ta có được một tiêu
chuẩn ca sĩ đầy đủ chất lượng bằng? Ca sĩ Việt Nam (có tên tuổi), thường
trải qua những lớp đào tạo chuyên nghiệp về giọng, cách trình diễn và
cả cách "giao lưu", tiếp xúc với khán giả. Còn ca sĩ hải ngoại
hầu hết được giới thiệu qua các trung tâm, do thể hình đẹp, hay quen biết.
Với những tiêu chuẩn kém chất lượng như vậy, bây giờ không còn thích hợp
nữa...
VW:
Gần đây giới thưởng ngoạn cảm thấy hài lòng những show chỉ có 1, 2
ca sĩ không nhất thiết phải là show quảng cáo hàng chục ca sĩ nữa. Hiện
tượng này có phải do sự du nhập các ca sĩ từ Việt Nam qua làm thay đổi
cục diện không?
DĐ: Ví dụ như đi ăn buffet,
all you can eat... Với ăn một món cusine thật ngon do một đầu bếp trứ
danh nấu, chưa chắc ai cũng ham buffet. Trước đây, một ca sĩ ra mắt CD,
phải lôi kéo hàng chục ca sĩ bạn đến giúp vui. Thậm chí vừa qua, show
trình diễn ra mắt CD của một ca sĩ nổi tiếng ở đây, cô ta lại hát lipsync!
Đó là ca sĩ Phương Hồng Quế. Tôi cho đó là coi thường khán giả! Chủ trương
của tôi là không cho ca sĩ mời của mình hát lipsync. Vì khi hát theo đĩa,
lỡ đĩa hư, băng nhảy, không chỉ người ca sĩ đó mất mặt mà bầu show, băng
nhạc đều bị xem thường. Một so sánh khác. Khi người ca sĩ Việt Nam nói
chuyện với khán giả, tôi yên tâm, vì họ đã được tôi luyện kỹ càng. Các
lời nói nhằm giới thiệu vào bài hát họ muốn trình bày. Trong khi đó, các
ca sĩ hải ngoại nói là tôi "đứng tim" vì họ nói rất vô duyên.
Tốt nhất là ca sĩ hải ngoại chỉ nên hát sau khi MC giới thiệu. Đối với
các giọng ca đã thành danh từ lâu như Khánh Ly, Khánh Hà, Tuấn Ngọc, Lệ
Thu v.v. không thể nói là dở. Rất hay. Các ca sĩ trong nước rất thần tượng
những ca sĩ này. Tuy nhiên, hay thì hay, nhưng khán giả bị nhàm. Khán
giả cần một điều gì đó mới mẻ hơn, không thể bắt họ ăn hoài những món
cũ, dù có hay mấy đi chăng nữa.
VW:
Vậy theo anh, sự "khập khiễng" của hai "trường phái"
trong và ngoài sẽ... vô phương cứu chữa?
DĐ: Tôi nghĩ rất khó. Các
trung tâm lớn như Thúy Nga cũng đã nhìn ra được khía cạnh khán giả yêu
thích tiếng hát, giọng hát, nên họ đã "rón rén" bước từng bước
để đưa vào những giọng hát hay từ Việt Nam đã chính thức sống tại Mỹ như
Bằng Kiều, Trần Thu Hà, Lam Trường,... Riêng Thu Phương vì hoàn cảnh hơi
đặc biệt, căng quá họ chưa dám thôi. Do đó, các ca sĩ bên này đang cố
gắng tụm lại như một bó đũa để các trung tâm không bẻ được, hầu nói lên
một tiếng nói chung cho quyền lợi của người nghệ sĩ. Như vừa qua, Thúy
Nga thâu hình ở Toronto, nội bộ cũng có trục trặc, nhưng ban giám đốc
của Thúy Nga đã dàn xếp được, lý do là các ca sĩ hải ngoại nhất định không
chịu đứng chung với ca sĩ trong nước (dù họ đã được chính thức ở Mỹ).
VW:
Giới nghệ sĩ thường yêu sự tự do, độc lập... Do đó, họ không hay gò
mình trong tổ chức này nọ, vậy làm sao họ có tiếng nói chung, thông qua
một tổ chức?
DĐ: Cách đây 6 tháng, anh
chị em văn nghệ sĩ trình diễn đã có một buổi họp, khoảng chừng 30 ca sĩ
tụ họp nhằm mục đích tương thân tương trợ. Nhưng vào thực tế của buổi
họp, chủ yếu những quyết định đưa ra chỉ nhằm phản đối "không chịu
hát chung với các ca sĩ trong nước"... cho nên nhiều người không
chịu ký vào biên bản chung để lập hội. Mục đích lập hội vẫn chưa thành.
Cho tới bây giơ, chưa ca sĩ nào chịu stand up để nói thẳng hay chống đối
hẳn trên báo chí hay truyền thông. Họ chỉ phản đối cá nhân, khi được hỏi
về show trình diễn v.v. Ví dụ, các trung tâm mời họ, yêu cầu ủng hộ, họ
trả lời không. Hay bầu show mời họ hát, họ từ chối. Cứ 10 người, 8 người
từ chối, đó là tiếng nói chung rồi. Hồi xưa thì khác, nhiều người nói
mà không ai dám làm, còn bây giờ họ vừa nói, vừa tỏ thái độ, và nhiều
người đồng tình theo.
VW:
Tình trạng như vậy, nếu kéo dài, khi các ca sĩ hải ngoại "tẩy
chay" các show của anh tổ chức, anh có bị kẹt không?
DĐ: Không đến nỗi ghê gớm
như vậy. Nếu họ không hát cho tôi, nhiều nơi khác sẽ mời họ. Đó là kiểu
"thừa nước đục thả câu". Như thị trường San Diego, tôi là bầu
show chuyên tổ chức các các show lớn, qui mô và thường thành công. Ở những
chương trình nhỏ hơn, vẫn có các bầu show khác tổ chức, họ sẽ mời các
ca sĩ từ chối tôi. Chỉ có điểm khác, mà các ca sĩ không lường định được,
là dần dà, tên tuổi của họ sẽ bị kéo xuống theo những buổi trình diễn
không chu đáo hay không có tiếng vang. Vì hiện nay, khán giả đã có sự
so sánh khi tham dự những buổi trình diễn. Giữa hay và dở đều dựa trên
uy tín và sự qui mô, ai cũng chọn những show uy tín với âm thanh, ánh
sáng, chỗ ngồi, sự an toàn và quan trọng nhất là tiếng hát. Các ca sĩ
tự thân đã không xuất sắc lắm, phải nhờ đến ánh đèn, vũ công, ban nhạc,
âm thanh, nay lại hát cho những show không chu đáo, những lỗi sẽ dễ lộ
ra. Tên tuổi, do đó, cũng sẽ không được bảo đảm. Về phía của D&D,
kể ra cũng không thiệt hại gì. Như trước đây tôi làm chương trình có 8
ca sĩ: 2 ca sĩ Việt Nam, 6 ca sĩ hải ngoại. Bây giờ tôi chỉ cần 4 ca sĩ:
2 Việt Nam, 2 ca sĩ hải ngoại. Vấn đề là, khán giả có khi họ còn thích
hơn, vì như vậy họ sẽ được nghe các ca sĩ Việt Nam mà họ thích nhiều hơn.
Họ không phàn nàn. Chưa kể, họ cho rằng, thà ít ca sĩ nhưng hay còn hơn
là nhiều mà dở!
VW:
Một show trình diễn lý tưởng để thành công (vừa lòng khán
giả), bỏ qua vấn đề tế nhị bên này bên kia, cách anh chọn lựa ra sao?
DĐ:Lý tưởng nhất là... 2
ca sĩ Việt Nam, và chỉ một ca sĩ bên này. Không nhất thiết là ca sĩ (bên
này) là hạng A hay B, miễn là họ mở đầu, balance chương trình, và các
ca sĩ trong nước sẽ thu phục khán giả bằng chủ đề, chương trình của họ.
Mặt khác, khi để ca sĩ hai phía hát chung với nhau còn có yếu tố để họ...
cạnh tranh với nhau, đẩy chương trình thêm chất lượng. Nếu chỉ có bên
này hoặc bên kia, càng tạo thêm hố sâu ngăn cách họ.
VW:
Hiện nay theo anh đánh giá, có khoảng bao nhiêu (phần trăm) ca sĩ
đang có thái độ chống đối anh?
DD: Tôi nghĩ không nhiều. Phần lớn, tập trung vào số
ca sĩ thuộc hàng "anh chị" đã thành danh. Họ có cảm tưởng bị
mất mặt khi hát chung sân khấu với các ca sĩ trong nước. Còn các ca sĩ
hạng B, C vẫn bình thường. Hát ở đâu, tôi cũng là hạng B, C thôi. Miễn
có show là tôi hát. Còn các ca sĩ hạng A, thực sự cảm thấy bị "đe
dọa" khi đứng chung sân khấu với ca sĩ trong nước. Các ca sĩ hạng
A hải ngoại đòi giá cũng rất cao, và không phải ai mời họ cũng hát. Nếu
họ từ chối D&D, họ cũng bị mất đi một số show.
VW:
Một câu hỏi cuối. Trong tình trạng hiện nay, nếu cần phải nói với
khán giả, với nghệ sĩ và những người quan tâm đến vụ việc, anh nói gì?
DĐ: Tôi bước vào nghề từ
7 năm qua. Tôi không muốn bỏ ai, bênh ai. Tôi không cho phép mình được
quyền thiên vị, vì làm như vậy, tôi tự hủy diệt mình! Nhưng xin hiểu là,
tôi cũng như người bán hàng. Tôi phải bán món hàng khách muốn mua. Nhu
cầu mua hàng của khách thưởng ngoạn có thể kéo dài một năm, vài tháng
rồi... hết. Do đó, các ca sĩ hải ngọai cần nhận ra, và lợi dụng cơ hội
này có thể bằng cách... bớt xuất hiện, thay đổi, làm mới mình hơn bằng
sự vắng mặt của mình, để khán giả nhớ và chờ đợi mình. Tiếc rằng các ca
sĩ không nhìn ra được vấn đề, ngược lại, họ đổ thừa lên bầu show... Nhưng
khán giả là người quyết định tất cả! Họ đi theo phong trào, thích lạ,
mới. Do đó, nếu phải lên tiếng, người ca sĩ nên đặt thẳng vấn đề với khán
giả, đòi hỏi sự trung thành của họ, chứ không phải bầu show. Tôi e rằng
khi khán giả trả lời "Bên kia hát hay hơn!" Lúc đó, tình trạng
sẽ không có gì sáng sủa hơn. Còn bầu show chỉ là nhịp cầu bắc qua giữa
nghệ sĩ và khán giả mà thôi. Là bầu show, dù tôi không thích ca sĩ A,
B, C... nhưng khán giả thích, đòi hỏi được nghe, tôi phải chìu họ. Bằng
không, tôi không tồn tại. Đó là luật cung cầu. Các ca sĩ nên đặt vấn đề
với khán giả trước, họ sẽ tìm ra câu trả lời chính xác. Muốn hỏi câu đó,
tôi nghĩ phải có nghị lực và can đảm, để đối diện với sự thực, mà sự thực,
không phải lúc nào cũng dễ chấp nhận, đúng không?
Bài
liên hệ:
Ca Sĩ "đông
ke"... Vô Liêm Sĩ
Ca sĩ ...."Hít
En Rân"
Trên từng cây số - theo
chân Ca sĩ ...."Hít En Rân"
SaigonUSA
hoan nghênh ý kiến đóng góp của qúy vị độc giả. Xin type vào Comment Box
ở dưới đây và nhấn vào nút "Submit" để gởi đi.
Ý
KIẾN ĐỘC GIẢ:
- CDNVQG VancouverBC: (Sun, 16 Jan 2005 06:29:56 -0800)
Tên "Dũng
Đen" trước đây hắn ở Vancouver, bây giờ không biết hắn có di cư
qua Mỹ chưa vì lý do tại Vancouver đã có những hồ sơ "quá tốt đẹp"
đối với luật pháp tại địa phương này. Hắn không ăn welfare, không đi
làm, không ăn tiền thất nghiệp nhưng hắn có rất nhiều tiền. Vì vậy "bạn
bè thân hữu" hắn tương đối là đông. Hắn đi đi về về VN như đi chợ.
Hắn thường làm những chuyện như về VN và sau đó hợp đồng
với những đoàn văn công VC qua đây hát nhưng hắn để 1 người khác làm
"bà bầu". Nếu
cần thiết hay có bất cứ 1 chuyện gì xãy ra xin qúy vị tại Mỹ đề nghị
cảnh sát liên hệ với cảnh sát tại Vancouver thì sẽ rõ hơn. Kính.
- CHAU DINH NGUYEN: (Saturday, January 15, 2005 at 15:38:19)
Báo chí VN tại hải ngoại nên có những bài viết kêu gọi các ca sĩ khác
tỏ thái độ bất hợp tác với những tên "bầu show" đón gió, những
tên ca sĩ hạ cấp, để giữ uy tín.
- Tran Ngoc Van: (Friday, January 14, 2005 at 06:22:28)
Không biết
ông Dũng Đen này làm bộ hay ngây thơ thiệt, để không biết những "công
ty tư nhân" này của Việt Nam chính là của các đảng viên Cộng Sản
được quyền công khai làm công ty tư nhân với tất cả các đặc quyền đặc
lợi để bòn rút cướp giựt tài sản quốc gia. Đó là thực tế "tư nhân
hóa" của CSVN, một hình thức công khai cướp giựt tài sản quốc gia.
RETURN
TO FRONT PAGE
|
|
|