545 E. Saint John St.
San Jose, CA 95112
USA

Tel: 408.998.0508

Fax: 408.993.0527


Email:

saigonusanews
@yahoo.com

 

 

 

T I N  C Ộ N G   Đ Ồ N G

Phỏng Vấn GS. Nguyễn Văn Canh
THÀNH QUẢ NGHỊ QUYẾT CỜ VÀNG
ở San Jose-California

Những Chuyện Đằng Sau Hậu Trường ...

Cuộc phỏng vấn được GS. Trần Công Thiện và LS. Ngô Văn Tiệp thực hiện và phát thanh trên Chương Trình Văn Hoá Giáo Dục của Hội Văn Hoá Việt vào lúc 9 giờ sáng Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2005 trên làn sóng AM1120, San Jose.

GS. Thiện: Kính thưa quí thính giả. Tối ngày 17 tháng 5, 2005 vừa qua, Hội Đồng thành phố San Jose CA (HĐ) đã tổ chức buổi điều trần về Nghị Quyết Cờ Việt Nam Cộng Hoà. Thị Trưởng và tất cả 8 Nghị Viên đều có mặt, ngoại trừ bà Cindy Chavez bị bận đi công tác tại Hoa Thịnh Đốn. Tuy nhiên Bà này có gửi một văn thư đến xác nhận rằng Bà ủng hộ Nghị Quyết ấy. Khoảng 600 đồng hương của chúng ta tay cầm cờ VNCH, chiếm hết chỗ ngồi trong hội trường chứa được khoảng 300 chỗ. Khoảng 300 người khác phải đứng ở hành lang hoặc ngồi ở Cafeteria theo dõi sinh hoạt trong phòng Hội Đồng. Có độ hai chục người Việt ghi danh phát biểu. Tất cả những nguời này đều kêu gọi Hội Đồng bỏ phiếu thuận. Cuộc họp bắt đầu từ 7 giờ tối và chấm dứt vào khoảng 9 giờ 15. Thị trưởng và tất cả 8 Nghị Viên lần lượt bỏ phiếu thuận.
  photo: PN911 & Cuong Le
Không một VC hay tay sai VC nào xuất hiện, kể cả người Mỹ được VC thuê để phát biểu chống lại Nghị Quyết như đã xảy ra tại một vài nơi khác. Tuy nhiên vào ngày 16 và 17-5, có nhiều tin đồn loan truyền rằng HĐ thành phố đã hõan phiên họp đến 14 tháng 6. Người ta cho rằng đây là mưu của VC để ngăn cản đồng bào, không đến dự. Ngày hôm sau, là 18 tháng 5, VC lại tung tin rằng vì sợ “hành hung”, nên VC không dám đến. Nay công tác Nghị quyết Cờ Vàng đã hoàn tất. Để cho quí thính gỉa hiểu rõ công tác vận động như thế nào, chúng tôi mời GS. Nguyễn Văn Canh, LS. Ngô Văn Tiệp và chúng tôi, Trần Công Thịên tham dự diễn đàn này ngày hôm nay, trình bày một số chi tiết cho quí đồng hương rõ. GS. Canh là người đứng ra chỉ đạo công tác này ít nhất là từ tháng 4 năm 2004 và LS. Ngô Văn Tiệp, Chủ tịch Hội Đồng Cử Tri Người Mỹ Gốc Việt thuộc Bắc California (HĐCT) và chúng tôi Trần Công Thiện, Phát ngôn Viên (HĐCT) đã tham dự một cách tích cực vào các công việc này. Ngoài ra, còn rất nhiều qúi anh chị tham dự, ở Santa Clara County và cả ở ngoài County này, vào nhiều hoạt động khác nhau trong một khoảng thời gian rất dài nhắm vào mục tiêu này.
Trong phòng ghi âm hôm nay, có LS. Tiệp và xin mời LS. Tiệp lên tiếng chào qúi vị thính giả; và trên đường dây viễn liên, có GS. Nguyễn Văn Canh. Xin GS. Canh lên tiếng.

Kính thưa GS. Canh: Xin Giáo sư cho qúi thính giả biết sơ lược diễn tiến công tác để có được Nghị Quyết Cờ Vàng tại San Jose. Giáo sư bắt đầu từ đâu và thời điểm nào?
- Thưa Giáo Sư, tôi nghe nói Giáo Sư viết một thư cho Thị Xã rất mạnh. Giáo Sư có thể nào rút thư ấy được không?
- Anh đã đọc thư chưa mà dám nói tôi rút lại.
- Thưa chưa.
- Anh đi tìm và đọc thư đó và đọc cho kỹ, và cố hiểu xem tôi nói gì và tại sao tôi nói như thế. Và tại sao anh lại yêu cầu tôi làm việc này?
- Thưa, vì bất lợi.
- Bất lợi cái gì ?
- Để mình đi vận động, hơn là phản đối.
- Anh đã làm Chủ Tịch nhiều lần, nhiều năm. Anh đã biết tình trạng Thị Xã như thế nào. Nay anh lại nói đi vận động. Trước kia không vận động sao? Anh có biết rằng Thị Xã, chúng đã hạ giá trị Cờ VNCH xuống một mức thấp nhất, và chúng đã từ bỏ CHỐNG ĐỘC TÀI ĐỘC ĐOÁN rồi, nghĩa là nay chúng chấp nhận rằng VC là tốt rồi. Nay anh bảo tôi rút lại thư phản đối thì nghĩa là gì ? Anh đã ở quân đội, đáng lẽ anh phải bảo vệ Cờ ấy hơn tôi chứ, chống lại áp bức của VC hơn tôi chứ. Đây là bước đầu. Nay mai chúng rước VC vào cho mà xem. Sao lại có việc kỳ quái như thế. Nếu anh không đồng ý với tôi, anh có thể viết thư cho Thị Xã nói rằng TÔI PHẢN ĐỐI THƯ CỦA ÔNG CANH, và đòi thị xã duy trì tình trạng "Giấy Ban Khen", nghĩa là Thị Xã chấp nhận VC Độc Tài Độc Đoán và Cờ VNCH không có một giá trị nào nữa. Nên gửi thư đi.
- Thưa Giáo sư, tôi đâu dám như vậy.

(Đối thoại giữa GS. Nguyễn Văn Canh và ông Chủ Tịch Nguyễn Tái Đàm )

GS. Canh: Tại Santa Clara County, theo thống kê năm 2000, có 999,730 người Việt. Milpitas có chừng 10,000. Một số thị xã khác như Mountain View, Cupertino, Sunnyvale v.v. có chừng 20,000. Còn lại chừng 70,000 ở San Jose. Với con số này, người tị nạn không có được một luật của thị xã công nhận Cờ Vàng VNCH làm biểu tượng chẳng hạn, thì thật là một điều phải suy nghĩ, nhất là ở thị xã này đã có cộng đồng và nhiều tổ chức quần chúng từ cả mấy chục năm nay. Đó là lý do Hội Đồng Cử Tri Người Mỹ Gốc Việt ra đời.

Hội Đồng (HĐCT)này đã được thành lập từ đầu năm 2004 và hoạt động cho kỳ bầu cử sơ bộ vào tháng 3, 2004 để đối phó với những vấn đề như vậy.
Vào tháng 4, 2004, GS. Trần Đình Trị ở Evergreen Valley College đề nghị với tôi, vận động cho bà Nancy Pyle vào chức vụ Nghị Viên đơn vị 10. GS. Trị có nói tới việc bà ta ủng hộ Cờ Vàng, ủng hộ sự thăng tiến xã hội của người Việt v.v.., có nói tới cả việc bà này thất cử trong vòng đầu khi bà ta chỉ được 34% số phiếu trong khi đối thủ đã được 49 %, súyt nữa thắng cử ở vòng đó… Tôi đồng ý. Trước khi để cho bà Nancy Pyle gặp mặt, tôi gọi cho một chuyên viên của tôi phụ trách tài liệu, cung cấp cho tôi danh sách cử tri người Việt (gồm tên, địa chĩ , số điện thoạI) thuộc 4 Zip Codes của đơn vị 10 này. Danh sách đó gồm gần 50 trang in ta từ computer và gồm 1549 cử tri đã đi bầu hồi tháng 3 vừa qua. Khi tiếp xúc với bà ta, tôi được bà ấy cung cấp cho một résumé, một chương trình hành động. Nhìn qua chương trình của bà, tôi lưu ý ngay về 2 nhu cầu ưu tiên của người Việt ở San Jose khi đắc cử bà ấy phải thực hiện.

1) Cờ Vàng 3 Sọc Đỏ Việt Nam Tự Do;

2) Đe Dọa của VC qua Toà Tổng Lãnh Sự ở San Francisco, và có thể từ nơi khác. Dĩ nhiên ngoài các vấn đề phúc lợi như thăng tiến đời sống của người Việt ở đây v.v. Tôi yêu cầu ghi các điều này trong Chương trình hành động. Về sau, tôi hướng dẫn kỹ lưỡng và cung cấp các tài liệu kể cả viết văn thư để cho bà ta hiểu rõ. Về phần tôi, tôi cho biết điểm yếu là đơn vị 10, nơi bà ta tranh cử, số người Việt đi bàu kỳ sơ bộ là 1,549 người. Như vậy, tôi sẽ chỉ “đánh bại đối thủ của bà bằng swing vote” trong trường hợp này, và “chúng tôi sẽ góp sức giúp bà đắc cử, dù bà thuộc Đảng Dân Chủ.” Tôi e ngại bà ta có thể hiếu lầm hay không có khả năng hiểu khái niệm swing vote, nên tôi nhấn mạnh rằng nếu bà không có phiếu hay có ít phiếu, thì chúng tôi không giúp gì được.
Tôi có lấy thí dụ trường hợp Barbara Boxer ứng cử Thượng viện Liên Bang, tôi có vận động đánh bại bà này bằng swing vote. Vậy nếu đối thủ của bà Boxer không có phiếu thì gần 200,000 cử tri Mỹ gốc Việt - nếu có tất cả mọi người cử trí Việt ủng hộ, sẽ không thể đánh bại được bà Boxer. Tôi biết rằng ở California, Đảng Dân Chủ có hơn 6 triệu đảng viên và Cộng Hoà chỉ có 5,4 triệu. Tôi thường luôn nói rõ trước để bà ta sẽ không có thể giải thích rằng tôi đánh lừa họ. Về tiền bạc, tôi có nói rằng chúng tôi sẽ gây quĩ , nhưng không nhiều lắm. Nghĩa là tôi cam kết có phiếu và có tiền. Tôi đã làm tròn nghĩa vụ đối với lời cam kết.

LS. Tiệp được giao phó công việc vận động, với sự hợp tác của rất nhiều anh chị em, như của lực lương Cựu Sinh Viên sỹ quan Học Viện Cánh Sát , Lương Tâm Công Giáo, quí vị Hội Cao Niên, Hội Luật Gia, sinh viên một số trường đại học trong khu vực và rất nhiều cá nhân. GS. Thiện, LS. Quế lo phần bên ngoài. Kết quả bà ấy thắng một đối thủ rất có thế lực với số phiếu là 366. Sau khi bà ấy đắc cử, GS. Thiện được giao phó công việc cộng tác với bà ấy chuẩn bị một Nghị Quyết.

Về vấn đề Nghị Quyết, tôi nhờ Giáo sư Thiện trả lời hai câu hỏi:
1) Giáo sư ở San Jose đến gần 30 năm qua, biết rõ cộng đồng của chúng ta và tại sao cho đến ngày gần đây không vận dộng được một Nghị Quyết;
2) Những gì đã xảy ra kể từ khi Bà Nancy Pyle mời tôi và GS. Thiện đến văn phòng bà ta ở City Hall vào tháng 2, 2005 chuẩn bị nộp Nghị Quyết Cờ Vàng.

GS. Thiện: Về câu 1). Tôi biết có nhiều nhóm đã vận động, đến gặp vài nghị viên xin ủng hộ và cuối cùng vào tháng 4 năm 2003, chúng ta chỉ đạt được một Bản Tuyên Bố. Tôi nhấn mạnh lại rằng đây chỉ là "Bản Tuyên Bố" mà thôi. Lập trường của hầu hết các Thị trưởng và các nghị viên khác nhau hầu như theo tả khuynh. Họ coi Cờ Vàng là di sản của chế độ VNCH và chế độ đó đã qua rồi và nay có chế độ mới là Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt nam (VC). Mỹ đã bang giao với VC, nên họ không muốn nhìn nhận cờ VNCH. Đó là một trong nhiều lý do về phía HĐ viện dẫn, để không chấp nhận một Nghị Quyết như vậy.
Chưa kể đến những tay hoạt đầu, nằm vùng, tiếp cận với họ đề nghị quyền lợi vật chất để phá đám. Nhóm này rất lợi hại trong việc ảnh hưởng đế nghị viên thành phố. Còn cộng đồng đã hiện diện từ lâu nhưng không đạt được điều gì ngoại trừ mỗi khi có dịp lễ hay hội họp, thì mời vài nghị viên đến phát biểu, xong rồi thôi. Nếu họ làm được, thì vấn đề đã giải quyết từ lâu rồi. Vì thế một nhóm đã chỉ thành công vận động được Bản Tuyên Bố và Bản Tuyên Bố (tháng 4-2003) đó chỉ có chữ ký của Thị Trưởng Gonzales và 2 Nghị Viên là Chuck Reed và Terry Gregory mà thôi. Còn 8 nghị viên khác coi như không biết gì đến "Bản Tuyên Bố" đó. Tôi còn được tin là khi LS. Quế và một số anh em gây qũi cho Andy Quách vào năm rồi, thì báo VC ở trong nước đã phản ứng, kết tội ‘LS. Quế có nợ máu’. Nhân dịp đó, báo VC còn nói rằng Thị trưởng Gonzales của thành phố San Jose cam kết sẽ không cho phép một Nghị Quyết treo cờ VNCH.

Về câu 2), trả lời câu hỏi này cũng là chứng tỏ khó khăn của người tị nạn ở San Jose lấy được Nghị quyết. Thực vậy, khi gặp bà Pyle tại văn phòng của bà ấy, GS. Canh nói lại rất chi tiết về tính cách quan trọng của Cờ Vàng, về đe doạ của ngoại bang, mà tôi biết GS. Canh đã nói nhiều lần và các tài liệu của GS. Canh viết về vấn đề Nghị quyết, tôi là người chuyển đến cho bà ấy. Trước khi ra về, GS. Canh có nói một câu trước mặt tôi và Cary Chien, phụ tá của bà Pyle được vào họp để hiểu vấn đề, rằng nếu bà không lo vấn đề này (Nghị Quyết) “You Will Get A Trouble”. Bà ấy trả lời rằng: “Không, Không, tôi lo được”. Sang tháng 3, tôi vẫn liên lạc với Cary Chien. Rồi Cary e-mail cho tôi nói rằng “San Jose có truyền thống lâu đời là không liên hệ gì đến vấn đề đối ngoại của liên bang (national foreign issue)". Rồi sau đó, anh ta còn gửi một e-mail nói rằng Chief of Staff đã quyết định là sẽ có một RESOLUTION, nhưng chỉ đề cập đến Cờ vàng mà thôi.

Tôi hỏi ý kiến GS. Canh và GS. Canh yêu câu tôi liên lạc với Cary hay Mary (Chief of Staff) nói rõ cho biết là Nghị Quyết nói gì về Cờ, để GS. Canh quyết định. Họ không trả lời. Đầu tháng 4, Cary cho biết rằng Resolution sẽ đưa đưa ra vào 26 tháng 4-2005. Căn cứ vào đó, GS. Canh cho tôi biết rằng có lẽ đã muộn để thay đổi, và hãy cứ tạm chập nhận Resolution về Cờ đã, rồi sẽ tính sau. Ít nhất Resolution là luật của thị xã, nó ràng buộc mọi cư dân. Tôi chờ mãi không được xác nhận, và văn phòng cũng không trả lời điện thoại của tôi. Đến 18 tháng 4, tôi gọi điện thoại hỏi chi tiết để chuẩn bị, thì cô Mary (Chief of Staff) trả lời: “Đã quyết định rồi. Tối mai (ngày 19-4-2005), ở phòng họp Hội Đồng Thành Phố San Jose.” Tôi rất ngạc nhiên và GS. khuyên tôi nên đến đó với tư cách một người Việt để xem gì sẽ xảy ra. Khi đến đó thì đó thì thấy là buổi họp trong đó Hội Đồng thành phố San Jose cấp Bằng Khen cho có lẽ, độ một chục nhóm khác nhau, trong đó có "Bằng Ban Khen" cho người Việt.

Điều mà tôi muốn nói ở đây là dù bà Nghị Viên Nancy Pyle cam kết lo Nghị Quyết, và bà ấy biết rõ là cộng đồng Việt đã giúp bà đắc cử, nhưng vì cả Hội Đồng tp. San Jose nghiêng về phía tả rồi, và bà ta không thực hiện được lời hứa nên lánh mặt, dù tôi đòi gặp nhiều lần. Tôi còn nhớ là trong buổi họp, GS. Canh có nói với bà ấy rằng: “Bà hãy kiểm kê xem ai là người ủng hộ Nghị Quyết.” Bà ấy nói rằng có ông Chuck Reed, bà Cindy Chavez. GS. Canh thêm rằng còn những người khác thì sao ?, nếu bà không vận động được, GS. Canh sẽ đưa một toán đến nói chuyện thẳng với từng người. Bà ấy hứa sẽ làm theo, nhưng không bao giờ xảy ra. Tóm lại, chúng ta đưa người ra với cam kết rõ ràng, và theo tôi nghĩ, họ không làm được có lẽ vì tinh thần và lập trường của cả tập thể đó và có thể có lý do khác nữa. Về sau, tôi nghe GS. Canh cho biết rằng sau khi có thư phản kháng, GS. Canh được cho biết một cách gián tiếp rằng bà Pyle đã đuổi việc Cary, vì không được phép nói về vấn đề National Foreign Issue. Có vẻ như là đổ lỗi cho Cary. Tôi không biết rõ sự việc ấy như thế nào, có đúng không và không cần tiết phải tìm hiểu.
Vì thế tôi đề nghị với GS. Canh là phải có một phiên họp khẩn cấp để duyệt xét lại vấn đề, tìm ra một chiến lược đối phó.

LS. Tiệp: Tôi được Giáo Sư Canh yêu cầu triệu tập một buổi họp khẩn với một số đoàn thể và nhân sĩ chọn lọc. Tôi rất cẩn thận trong việc lựa chọn các tham dự viên để giảm thiểu sự xâm nhập để gây rối hay phản bội có thể có như VC đã từng làm bấy lâu nay hay đâm vào sau lưng anh em. Và phiên họp được diễn ra vào chiều ngày 24 tháng 5-2005, tại San Jose.

Trước đó, cách đây cả năm trời để cho Thành phố San Jose công nhận Cờ Vàng 3 Sọc Đỏ bằng một luật của thị xã mà ta muốn, chúng tôi đã lập ra một tổ chức, có mục tiêu rõ rệt, bỏ tiền bạc, công sức vận động cho ứng viên mà chúng tôi hy vọng họ làm cho chúng ta, nhưng ngược lại, chúng tôi đã thất bại. Trong phiên họp, Giáo sư Canh đề nghị giải pháp là tấn công cả HĐ thành phố. Lời lẽ trong văn thư phản đối về việc cập "giấy Ban Khen" mà một vài anh em đứng ngoài từ trước đến giờ và không có hiểu biết cho là quá mạnh (?!).
Riêng tôi, tôi thấy phản ứng như vậy là đúng. Chúng tôi không khiếu nại, xin xỏ. Nội dung thư nói rõ việc này mà. Chúng tôi qui trách nhiệm cho HĐ thành phố San Jose về hành vi sai lầm của họ. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa nắm vững được ý niệm nền tảng, làm căn bản để tấn công HĐ. Thường thì, một thư phản đối một việc gì đó, giới chức có thẩm quyền liên hệ chấp nhận thư một cách lặng lẽ, tìm cách dần dần sửa sai, nếu họ muốn. Còn không thì họ im luôn. Giáo sư có thể cho biết tư tưởng chủ đạo trong thư là gì và Giáo sư ước tính hậu quả của thư ấy.

GS. Canh: Trước hết, tôi cần phải nói mục tiêu tấn công của thư là Hội Đồng Thành Phố San Jose (HĐ), nghĩa là viết thư cho người Mỹ trong HĐ. Tôi không viết thư cho người Việt đọc. Đó là điều căn bản. Vì vậy, nếu không nhớ rõ là viết thư cho người Mỹ trong HĐ, thì những điều nhận định có thể hiểu lệch lạc đi và tôi nhắc lại là thành viên của HĐ là Mỹ. Mỹ có suy nghĩ của họ (gọi là American thinking) tất nhiên không phải là suy nghĩ Việt Nam. Họ có tâm tưởng của họ. Họ có nhược điểm của họ vì nó là sản phẩm do suy tư của họ, do đời sống xã hội của họ mà ra và ta phải biết rồi đánh trúng vào đó…. Ở “tần số” đó, họ thay đổi lập trường. Vì thế nếu đứng vào vị trí người Việt với văn hoá Việt, có thể có người Việt không hiểu và thắc mắc về nội dung hay cách phản kháng. (xin nhấn vào đây để đọc Thư gửi HĐ thành phố San Jose và những Lá Thư Xin Lỗi từ các Nghị Viên về "giấy ban khen")

Ngoài ra, cần phải nêu ra những điểm gì mà họ chấp nhận, hay dồn vào vị trí họ phải chấp nhận. Đây là yếu tố rất quan trọng. Ở trường hợp này, họ sẽ phản ứng tích cực là trả lời để giải thích vì bi qui trách về hành động của mình hay là họ sẽ “thụt lui”, nghĩa là sẽ không tiến thêm một bước nữa để có thể chống lại chúng ta trong tương lai. Thí dụ như mang VC vào thị xã chẳng hạn. Có 3 điều tôi phải đề cập trong thư:

1) Cờ Vàng là biểu tượng đấu tranh giành Độc Lập, Tự Do. Thực vậy, cờ này có từ đời Hai Bà Trưng vào năm 40 sau Tây Lịch khi hai Bà ‘phất ngọn Cờ Vàng’ để đánh đuổi quân Tầu. Bao xương máu đã đổ dưới Cờ Vàng từ đó tới nay .. Đến thới 1945, Chính Phủ Trần trọng Kim dùng cờ ấy và thêm 3 gạch, tượng trưng cho 3 Miền đất nước thống nhất sau khi giặc Pháp chia Việt nam thành 3 ‘quốc gia’ (Tôi không nói gì tới tinh thần trong Kinh Dịch nằm trong 3 vạch này, vì họ không hiểu được). Thời VNCH dùng cờ đó chỉ là sự tiếp nối về sau. Do đó, độc lập, tự do là giá trị vì đó mà người Việt chiến đấu, đã có từ lâu, cà hàng ngàn năm để bảo vệ. Những chiến thắng như trận Bạch Đằng của Nhà Trần, như trận Đống Đa của vua Quang Trung, những tủi nhục khi ngoại bang hay thừa sai ngoại bang dày xéo trên quê hương tích lũy ở đó . Tất cả những vinh, những nhục đó quện lại nhau thành hồn thiêng sông núi hay có thể gọi là hồn dân tộc. Hồn ấy tụ lại trong lá cờ này. Vì thế cờ đó là di sản quí báu của người Việt Tự Do, không cộng sản. Nó cũng là loại giá trị mà dân chúng Mỹ tôn thờ. Đặc biệt là giá trị đó rất cao ở nơi người Việt tị nạn, tới mức mà người Việt tị nạn coi nó là những gì THIÊNG LIÊNG. Đây là tĩnh từ tôi dùng trong Văn Thư phản kháng.

yếu tố thiêng liêng đó, khi ông Cortese viết thư trả lời Ủy Ban Cờ Vàng đã nhắc đến điểm này. Ông Chuck Reed người đã ký trong giấy Ban Khen cũng đã xin lỗi, và Thị trưởng Gonzales lên tiếng ... Người Mỹ rất kị khi tấn công vào nó, nhất là những người ở trong chính quyền. Tôi lấy thí dụ vừa trong tuần qua, Tuần Báo Newsweek tiết lộ lính Mỹ đã làm nhục một cuốn kinh Koran của nguời Hồi Giáo. Và Bộ Quốc phòng Mỹ đã phải tức tốc điều tra. Vì sự việc không có, nên báo Newsweek đã rút lại bản tin liên quan.
Vì vậy, không ai ngạc nhiên ngay sau khi HĐ thành phố San Jose thông qua Nghị Quyết nhiều người Việt ngồi trong Cafeteria của Tòa Thị Chính-City Hall hay ở hành lang đã xúc động chảy nước mắt. Cũng không ngạc nhiên được biết nhiều anh chị em bị VC cầm tù lâu ngày trong các trại cải tạo, sau khi sang Mỹ và đi dự buổi họp cộng đồng đầu tiên trong đó có chào cờ VNCH, đã nói với tôi rằng các anh em xúc động, không cầm được nước mắt, khi làm lễ chào Cờ Vàng.

2) Cờ đó tượng trưng cho căn cước của người Việt tị nạn Cộng Sản. Về phương diện hội nhập vào xã hội Mỹ, vào dòng sinh hoạt chính tại quốc gia tạm dung, không một nhóm thiểu số nào muốn mất "căn cước" của mình hay là bị đồng hóa. Nếu có một âm mưu đồng hóa của người địa phương, nhất là của chính quyền địa phương, nghĩa là có nguời da trắng nào, hay một nhóm thiểu số khác đến trước làm mất "căn cước" của một thiểu số nào đó, sẽ bị phản ứng dữ dội. Truyền thống của quốc gia đa sắc tộc này không cho phép ai làm như vậy. Căn cước người tị nạn Việt ở đây phải được minh định rõ là họ là con người Tự Do, không Cộng Sản. Cờ ấy là biểu tượng cho họ trong tinh thần đó. Xoá biểu tượng ấy là phương cách làm cho họ mất gốc rễ, mất căn cước. Và như vậy người Việt tự do còn gì? Lúc đó, họ bị buộc trở thành công dân của chế độ mới mà biểu tượng là cờ mới, cờ Việt cộng. Với chế độ này, thì giá trị xã hội chủ nghĩa mà người Cộng sản theo đuổi, bảo vệ lại là giết chóc, cướp bóc tài sản của dân, là mưu mẹo xảo quyệt kể cả làm thừa sai cho ngoại bang, bán đất dâng biển cho quan thày, buôn bán tự do (bán tị nạn vào cuối thập niên 1970 và 1980), buôn gái vị thành niên… được áp đặt cho người Việt tị nạn hay sao ?

Treo cờ Việt Cộng ở đây sẽ là áp đặt giá trị ấy lên đầu họ; và vì thế gây ra một phản ứng lớn nếu có kẻ muốn người tị nạn mang căn cuớc VC.
VC không còn cách biện luận nào khác ngoài việc nói rằng cờ đó là cờ VNCH, của chế độ cũ, một chế độ đã chết rồi cần phải dẹp cờ đó.Luận điệu của chúng là nếu cho treo cờ đó là gây ra hận thù, nhắc lại quá khứ mà mọi người muốn quên, cần hướng về tương lai. Tay sai VC còn tìm cách đánh phá, tìm cách xuyên tạc kể cả những gì liên hệ đến công tác của những người không chấp nhận giá trị xã hội chủ nghĩa của VC. Tóm lại, xoá bỏ căn cước tị nạn không phải là truyền thống ở xứ này. Tất cả mọi người đều là di dân tụ họp lại, và không một ai chấp nhận suy nghĩ và hành động như vậy.

3) An Toàn của nguời Mỹ Gốc Việt. Tôi qui trách cho chính quyền địa phương phải có trách nhiệm bảo vệ an toàn của cư dân mình, vì họ là người thi hành luật pháp (law enforcement officers) ở địa phương. Không thi hành nhiệm vụ này, họ phải chịu trách nhiệm to lớn. Liệu có ai là chính quyền dám công khai từ chối nghĩa vụ bảo vệ dân của mình khi bị xâm phạm?

Tôi nghĩ rằng chỉ có VC mới dám làm việc đó khi Trung Cộng giết ngư dân trong lãnh thổ của mình hồi tháng 1, 2005 vừa qua và tay sai của VC lặng yên và mặc nhiên nhìn nhận việc này?
Trong thư đó, khi tôi nêu ba điểm này, là tôi dồn các viên chức HĐ thành phố San Jose vào vị thế không thể từ chối trách nhiệm của họ được. Và vì thế họ phải phản ứng bằng cách nào đó, hay nếu không phản ứng tích cực, thì họ sẽ trở thành thụ động.
Hậu quả là ông Chuck Reed nhận ra điều đó, nên đã viết thư xin lỗi ngay tức khắc, nói rằng ‘không tỏ ý bất kính.’ Ông Dave Cortese nhấn mạnh tới tính cách thiêng liêng của lá Cờ. Ngay cả đến Thị trưởng Gonzales cũng vậy. Dĩ nhiên là có ảnh hưởng đến kết quả khi họ bỏ phiếu vào ngày 17-5-2005 vừa qua.

Cuối cùng, và rất quan trọng, mọi hội viên của HĐ thành phố biết được rằng chúng tôi có tổ chức vận động được phiếu, làm việc có phương pháp, có qui củ trong việc tổ chức, có hoạt động thực sự. Đó là Hội Đồng Cử Tri Người Mỹ Gốc Việt (VietnameseAmerican Council of Voters). Trong văn thư, tôi có nói rõ bà Pyle là người được gíup đỡ, được đắc cử là do chúng tôi, và được mô tả như là một người đã phản bội. Trong vòng đầu vào tháng 3, 2004, bà chỉ được 34% phiếu, trong khi đó đối thủ của Bà được hơn 49%, suýt nữa thì thắng ở vòng này. Nhóm Cờ Vàng không phải là tổ chức ô hợp, nhưng có sách lược, có góp tiền, có hoạt động thực sự, để có phiếu. Do đó có sức mạnh cụ thể trong cuộc bầu cử. Sức mạnh đó đã được chứng minh. Chính vì yếu tố này mà nhiều nhóm hay cá nhân khác chỉ đi xin được Tuyên Cáo hay Giấy Ban Khen như đã xảy ra. Và giấy đó chỉ có 3 hay 4 người ký chiếu lệ, họ cấp để khỏi mất lòng cử tri. Ngay trong kỳ Cờ Vàng vừa qua, một Nghị Viên cho biết rằng “có người chạy theo tôi, xin với tôi rằng sau khi Nghị Quyết được thông qua cho anh ta làm đại diện trong việc này. Tôi đã từ chối.”

Tóm lại, một mặt, chúng tôi ở trong vị thế có thế tấn công mạnh - phản kháng chứ không phải khiếu nại, nhưng tấn công đúng và hoạt động một cách vô vị lợi, không nhằm lợi ích cho cá nhân chúng tôi và mặt khác chúng tôi thực sự có đóng góp sức lực, tiền bạc để có phiếu.

GS. Thiện: Ông Cortese trong buổi điều trần vào tối 17 tháng 5 trong lời giới thiệu mở đầu có tuyên bố rằng lý do ông ấy là tác giả, là người soạn thảo và bảo trợ Nghị Quyết Cờ Vàng là căn cứ vào lời yêu cầu của một số tổ chức và một số cá nhân. Ông ấy nói đến văn thư mà Giáo sư viết vào ngày 2 tháng 5 yêu cầu ông ấy bảo trợ Nghị Quyết đó. Đến ngày 5 tháng 5, khi đến họp tại Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị, ông ấy có mang theo bản thảo và Giáo Sư duyệt lại. Giáo Sư khai triển vấn đề này.

GS. Canh: Tr. Tá Võ Đại, chủ tịch Liên Hội Cựu Sỹ Quan Trừ Bị, QLVNCH, được giao phó nhiệm vụ tiếp xúc với ông Cortese. Tr. Tá Đại đề nghị với tôi viết văn thư chính thức yêu cầu việc này. Do đó, tôi thảo ngay văn thư, đề ngày 2 tháng 5 và tôi giao cho Tr. Tá Đại mang tay đi ngay vào ngày hôm đó. Khi đến họp, ông Cortese soạn sẵn một nghi quyết theo chiều hướng mà tôi muốn. Tôi nhờ LS. Tiệp dịch và đọc văn thư ấy.

LS. Tiệp: Đây là thư gửi ông Cortese yêu cầu bảo trợ Nghị Quyết Cờ Vàng.

Ngày 2 tháng 5, 2004
Kính gửi ông Dave Cortese, Nghị Viên
Hội Đồng thị xã San Jose, California
801 North First # 600
San Jose, CA 95110

Đề Mục: Yầu cầu Bảo trợ Nghị Quyết Cờ Vàng

Thưa ông Cortese:
Sự kiện là ông không ký vào giấy Ban Khen ban hành ngày 19 tháng 4, và ông viết thư cho Nghị Sĩ Perata, chủ tịch Ủy Ban Nội Qui Thượng Viện Tiểu Bang California kêu gọi ủng hộ SCR-17, và ông đã đáp ứng mau lẹ những ưu tư của người Mỹ gốc Việt đang phải đối phó tại Hoa Kỳ, có nghĩa là ông đã thực sự chăm lo cho cư dân có nguồn gốc từ Việtnam đang sinh sống ở San Jose.

Ông đã hiểu được ưu tư to lớn của chúng tôi về ý nghĩa của lá Cờ Tự Do và Di Sản và về các mối đe dọa mối an toàn cho người Mỹ gốc Việt do ngoại bang gây ra dù họ đang sống trên đất Mỹ.

Tiếng nói của ông được chúng tôi đề cao.

Để có thể đối phó với các đe dọa ấy, chúng tôi muốn ông bảo trợ một Nghị Quyết và nộp nó vào HĐ thành phố San Jose, tuyên bố rằng Thị xã San Jose quyết tâm bảo vệ cư dân của mình và công nhận Cờ Tự Do và Di Sản.

Thành thật cám ơn ông.

Kính thư,

Ký tên

- GS. Trần Công Thiện, Chủ tịch
Hội Văn Hoá Việt

- Ông Ngô Văn Tiệp, Chủ tịch
Hội Đồng Cử Tri Người Mỹ Gốc Việt
(Ghi chú: Riêng trong thư này, GS. Canh yêu cầu tôi ký tên cùng với GS. Thiện, để cho mọi người hiểu tới vai trò của HĐCT, kể cả các công tác trong tương lai. Trước đó, chỉ nhờ một mình GS. Thiện làm Đại Diện nhóm Cờ Vàng ký mà thôi).

Khi đến họp với Ủy Ban Cờ Vàng tại trụ sở hội Cựu Tù Nhân Chính Trị ở San Jose vào sáng ngày 5 tháng 5, ông Nghị Viên Cortese mang đến Dự Thảo Nghị Quyết. Ông đưa cho Giáo sư Canh yêu cầu duyệt lại. Vì ngồi sách cạnh Gíao sư Canh, tôi thấy Giáo sư Canh nói là phải sửa một ít điều, ông ấy lấy bút ra, rồi biên vào Bản Thảo Nghị Quyết. Ngoài ra, tôi còn thấy GS. Canh nói thêm rằng Nghị quyết viết thế nào cũng được, hay thay đổi thế nào cũng được, tuy nhiên phải có hai điểm căn bản là 1) Công nhận Cờ Vàng một cách chính thức bằng một Luật (Nghị Quyết) của Thị Xã, không phải là Tuyên Cáo hay Ban Khen và 2) Cực lực chống lại âm mưu của ngoại bang liên quan đến An Toàn của người Việt ở đây. Đó là trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Ông ấy ghi nhận điểm chỉ hướng này.

Tôi xin được thêm một số chi tiết bên lề là Nghị Quyết mà ông Cortse là tác giả đã được ông nộp vào Ủy Ban Nội Qui ngay chiều ngày 5 tháng 5-2005, sau khi ông họp với Ủy Ban Cờ Vàng.

Tiếp theo đó, tôi nhận được thư của ông Thị Trưởng Gonzales và các Nghị Viên Cindy Chavez, Chuck Reed, Dave Cortese, Nancy Pyle đồng ký gửi cho tôi với tư cách là Chủ Tịch Hội Đồng Cử tri Người Mỹ Gốc Việt và GS. Thiện, Chủ tịch Hội Văn Hoá Việt, xác nhận ủng hộ Nghị Quyết này. Rồi sau đó, các Nghị viện Forrest Williams và Linda LeZotte cũng gửi thư riêng cho tôi cũng với lời lẽ tương tự.

Như thế trước ngày bầu phiếu cho Nghị Quyết Cờ Vàng, chúng tôi đã có 7 phiếu chính thức ủng hộ. Để có thể đặc biệt thuyết phục 3 Nghị viên còn lại, GS. Canh viết một thư khác vào phút chót gửi cho từng Nghị Viên kêu gọi mỗi người ủng hộ Nghị quyết ấy. GS. Thiện mang tay đến cho từng người.

GS. Thiện: Thưa Giáo sư Canh, trong một buổi họp của Ủy Ban Cờ Vàng, Giáo sư cho biết rằng ông Nguyễn Tái Đàm có điện thoại cho Giáo Sư yêu cầu Gíao Sư rút lại thư gửi cho HĐ thành phố phản đối hành động vì họ hạ giá trị Cờ VNCH và vì họ thay đổi lập trường đối với VC. Xin Giáo sư kể lại cho thính gỉa biết sự việc ấy xảy ra như thế nào?

GS. Canh: Sau khi thư phản đối gửi đi chừng được 2 ngày, Ông Đàm gọi điện thoại cho tôi. Ông ấy nói như thế này: (Sau đây là đối thoại giữa tôi và ông Đàm)

- “Thưa Giáo Sư, tôi nghe nói Giáo Sư viết một thư cho Thị Xã rất mạnh. Giáo Sư có thể nào rút thư ấy được không?
- Anh đã đọc thư chưa mà dám nói tôi rút lại.
- Thưa chưa.
- Anh đi tìm và đọc thư đó và đọc cho kỹ, và cố hiểu xem tôi nói gì và tại sao tôi nói như thế. Và tại sao anh lại yêu cầu tôi làm việc này?
- Thưa, vì bất lợi.
- Bất lợi cái gì ?
- Để mình đi vận động, hơn là phản đối.
- Anh đã làm Chủ Tịch nhiều lần, nhiều năm. Anh đã biết tình trạng Thị Xã như thế nào. Nay anh lại nói đi vận động. Trước kia không vận động sao? Anh có biết rằng Thị Xã, chúng đã hạ giá trị Cờ VNCH xuống một mức thấp nhất, và chúng đã từ bỏ CHỐNG ĐỘC TÀI ĐỘC ĐOÁN rồi, nghĩa là nay chúng chấp nhận rằng VC là tốt rồi. Nay anh bảo tôi rút lại thư phản đối thì nghĩa là gì ? Anh đã ở quân đội, đáng lẽ anh phải bảo vệ Cờ ấy hơn tôi chứ, chống lại áp bức của VC hơn tôi chứ. Đây là bước đầu. Nay mai chúng rước VC vào cho mà xem. Sao lại có việc kỳ quái như thế. Nếu anh không đồng ý với tôi, anh có thể viết thư cho Thị Xã nói rằng TÔI PHẢN ĐỐI THƯ CỦA ÔNG CANH, và đòi thị xã duy trì tình trạng "Giấy Ban Khen", nghĩa là Thị Xã chấp nhận VC Độc Tài Độc Đoán và Cờ VNCH không có một giá trị nào nữa. Nên gửi thư đi.
- Thưa Giáo sư, tôi đâu dám như vậy”.

Đó là nội dung câu chuyện. Tôi thấy lạ lùng!

LS. Tiệp: Tôi xin thêm một điểm quan trọng là trong thư phản kháng, chúng tôi không nói tới bất cứ một tên người Việt nào vì bất cứ lý do gì đã vận động để được cấp "Giấy Ban Khen". Như nội dung trong thư phản kháng người ta thấy rõ; mục tiêu của chúng tôi chỉ nhắm vào HĐ thành phố vì hành động của họ.
Và vì VC bám đuôi ngừơi tị nạn đến đây để thúc đẩy một cuộc chiến tại nơi đây, mượn tay người Mỹ đế đánh chúng tôi, chúng tôi đánh những người Mỹ bị chúng mua chuộc. Vì thế, lập trường của chúng tôi rất rõ rệt: hoặc đứng về phía bên này hay ngược lại, đồng thời tránh việc gây ra hiểu lầm là làm tổn hại sự đoàn kết của những nguời Quốc Gia chống lại VC. Tôi chắc rằng VC không hài lòng về việc này.
Ngoài ra, khi nói về chiến lược đối phó nói trong thư, Giáo sư Canh ngụ ý qui trách nhiệm nghiêm trọng cho HĐ thành phố San Jose và cũng là một điều cảnh giác HĐ về hậu quả việc làm của họ và họ sẽ gánh chịu các hậu quả liên hệ nếu có việc gì xảy ra cho người Mỹ gốc Việt ờ San Jose. Liệu có ai trong chính quyền địa phương muốn nhận trách nhiệm đó không ?
Chúng tôi làm một việc có suy nghĩ, trong sáng, có tính toán dựa trên quyền lợi của tập thể người Việt tự do.

GS. Thiện: Chúng tôi cám ơn Báo SaigonUSA đã có nhiều bài tường thuật rất đứng đắn, đầy đủ, vô tư về vấn đề Cờ Vàng trong suốt thời gian qua, giúp cho độc giả hiểu rõ sự thật của vấn đề. Các tài liệu này được ghi trên Website của báo ấy. Qúi thính giả có thể đọc tài liệu này hiện còn lưu trữ trên Mạng lưới của Báo này.
Thưa Giáo sư Canh, Giáo sư còn có điều gì cần phát biểu nữa không ?

GS. Nguyễn Văn Canh: Nhân dịp này, một lần nũa tôi phải ca ngợi ông Cortese và Chuck Reed đã đáp ứng mau lẹ và đáp ứng đúng những đòi hỏi của chúng tôi. Các ông này đã đến họp với chúng tôi để giải quyết vấn đề một cách dứt khoát và thoả mãn. Vì thế chỉ trong vòng 12 ngày, sau khi họp, chúng tôi đã có một nghị quyết theo đúng tinh thần mà chúng tôi muốn. Tôi rất cám ơn hai ông.
Tôi cũng không quên cám ơn ông Thị Trưởng Gonzalez đã bỏ nhiều thì giờ, viết một thư dài, có ý nghĩa để giải thích vị trí của ông với tư cách thị trưởng, đối với thư đề ngày 24 tháng 4 của chúng tôi; sau đó còn viết thư ủng hộ Nghị Quyết nữa.
Tôi cũng cám ơn các Nghị Viên còn lại đã hiểu được các điều mà cư dân Việt ở San Jose quan tâm và biểu quyết thuận cho nghị Quyết.
Như trong thư cám ơn đề ngày 18 tháng 5 vừa qua, tôi cho quí vị ấy biết rằng toàn thể người Việt Tự Do ở khắp năm châu khi nghe đựoc tin về Nghị Quyết này được thông qua đều hân hoan, vui mừng và ca tụng quí vị.
Truyền thống của người Việt Tự Do là khi có ai làm ơn, họ không bao giờ quên đâu; ai là, oán, thì họ sẽ nhớ qua nhiều đời. Và tôi tin cộng đồng người Việt chúng tôi còn cộng tác nhiều với quí vị về nhiều việc khác trong tương lai để San Jose trở thành thị xã tốt đẹp cho mọi cư dân.
Ngoài ra tôi cần nói về Nghị Quyết SCR-17, tới lúc này có thể có 3 phiếu thuận của Ủy Ban Nội Qui.
VC vận động dữ lắm!.
Trong mấy ngày nay hộp thư bằng tiếng nói của 2 Nghị Sĩ chống lại Nghị quyết ấy là Bowen và Cedillo bị tràn ngập, đòi họ thay đổi lập trường bằng cách ủng hộ SCR-17. Chúng ta đang chuẩn bị một kế hoạch để thực hiện các công tác cần thiết vào thứ Tư 25 tháng 5-2005 này.


Bài liên hệ:
Nghị Quyết Cờ Vàng-VN Tự Do ở San Jose thông qua tuyệt đối!
Đoàn Lữ Hành vẫn tới đích
Chuyện bên lề ... Ai xin hoãn Nghị Quyết ? Vì sao ?


SaigonUSA hoan nghênh ý kiến đóng góp của qúy vị độc giả. Xin type vào Comment Box ở dưới đây và nhấn vào nút "Submit" để gởi đi:

TÊN, HỌ / NAME:  
 E M A I L:  

Ý KIẾN /  COMMENT:  

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ:
- Huong Nguyen:
(Saturday, May 28, 2005 at 20:27:15)
O. Nguyen Tai Dam la nguoi ben chien tuyen chong Cong. Co the cach nhin va lam viec cua moi nguoi khac nhau. Viec khac biet do, chung ta chi thao luan trong noi bo, cong khai hoa van de khac biet do la lam ton thuong den su Doan Ket can thiet! Xin SaigonUSA News hay xet lai, vi co Hai hon la co Loi! va uy tin cua SaigonUSA News cung tuy thuoc vao su Doan Ket do nua

RETURN TO FRONT PAGE

 






Copyright © 1997-2005  SaigonUSA News. All rights reserved.