545 E. Saint John St.
San Jose, CA 95112
USA

Tel: 408.998.0508

Fax: 408.993.0527


Email:

saigonusanews
@yahoo.com

 

 

V Ă N   H Ó A   &   G I Á O   D Ụ C

TRUNG CỘNG VI PHẠM
Công Pháp Quốc Tế trong vụ
Bắn Chết 9 Ngư Dân Việt Nam

PHỎNG VẤN GS. Nguyễn Văn Canh về tính cách pháp lý trong vụ Trung Cộng giết 9 ngư phủ Việt tại Vịnh Bắc Việt. Bài phỏng vấn được phát thanh trên Chương trình Văn Hoá Giáo Dục của Hội Văn Hóa Việt vào sáng Chủ Nhật 6 tháng 3, 2005 trên làn sóng AM1120 của Đài Quê Hương tại San Jose, California do GS. Trần công Thiện và LS. Đỗ doãn Quế thực hiện.

GS. Thiện: Kính thưa quí thính giả.Vào hôm 8 tháng 1, 2005 - 9 ngư phủ Việt bị hải quân Trung Cộng bắn chết, một số bị trọng thương và 8 người khác bị bắt đi khi họ đang hành nghề trong Vịnh Bắc Việt. Hãng thông tấn AFP vào ngày 13 tháng 1 năm 2005 xác định là họ là ngư dân các xã Hoà Lộc, và Hoàng Trường tỉnh Thanh Hoá và tàu tuần tra biển của Trung cộng đã tấn công các ngư dân này. Còn theo hãng Reuters, thì ngoài sự kiện nói trên, trong tháng 12, 2004, Trung Cộng đã bắt 80 ngư phủ Việt Nam cùng với thuyền bè của họ và giam giữ tại đảo Hải Nam, vì lý do những người này xâm phạm lãnh hải của Trung cộng trái phép.
Hôm nay chúng tôi muốn cứu xét vấn đề này trên bình diện pháp lý. Vì Gíao sư Canh đã xuống Nam California, và hiện đang ở Khu Đại Học Cal-Tech, nên chúng tôi phải sử dụng đường dân viễn liên để thực hiện cuộc phỏng vấn này. Trước hết, xin Giáo sư cho biết sự việc xảy ra như thế nào?

SỰ KIỆN LIÊN QUAN ĐẾN NỘI VỤ

GS. Canh: Theo thư kêu cứu của góa phụ Nguyễn thị Hoa, đề ngày 16 tháng 1, 2005 gửi các chính quyền, nhân dân thế giới, và các cơ quan truyển thông trên thế giới, thì "vào ngày 5 tháng 1, 2005, ngư dân thuộc hợp tác xã Hùng Cường ra khơi trên các thuyền đánh cá có treo cờ Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) và đánh cá trong vùng vịnh Bắc Việt. Đột nhiên [ngày 8 tháng 1, 02] nhiều tàu đánh cá mang cờ Trung Cộng đến bao vây. Một chiến hạm cảnh sát biên phòng trang bị đại liên và đại pháo đến gần tbuyển của ngư phủ Việt Nam, họ hạ cờ xuống, chĩa thẳng súng ống vào thuyền ván của ngư dân Việt Nam nhả đạn xối xả. Mỗi chiếc lãnh cả ngàn mũi đạn. Tổng cộng có 9 người chết ngay tại chỗ, một số bị thương nặng. Họ còn bắt giữ một ngư thuyền trên đó có 8 ngư phủ Việt Nam.….. Tàu Trung cộng còn đuổi theo một thuyền đánh cá khác của ngư dân Việtnam 3 tiếng đồng hồ đến khi tàu này chạy về tới đất liền, chúng mới chịu quay trở lui", nghĩa là "thọc sâu vào lãnh thổ Việt Nam". Bà Hoa nói thêm rằng nhóm của hợp tác xã này gồm những "người đánh cá chuyên nghiệp, biết hải hành, rành hải dồ, không xâm phạm ranh giới Trung Cộng. Thân nhân của nạn nhân có báo cáo cho chính quyền nhưng chính quyền sợ Trung Cộng nên không dám can thiệp."

Một tin khác cho biết "Đầu tiên thì tàu hải quân Trung Cộng đã bao vây chiếc tàu đánh cá thứ nhất của mình, làm chết ngay một người và 5 người bị thương. Chiếc tàu này vì thế liền phát tín hiệu cấp cứu SOS, một tàu khác của mình đến cứu nạn, thì lập tức 9 tàu hải quân Trung Cộng bao vây và xả súng tiếp tục bắn giết. Trong khi các tàu của mình thì luôn treo cờ VN mà nó vẫn cứ cố tình lờ đi và cứ cố đuổi theo suốt hơn 3 giờ đồng hồ để bắn giết" (RFI phỏng vấn Lê Phương ngày 21 tháng 1,2005).

Ông Nguyễn phi Phường, một ngư dân thoát nạn bắn giết xác nhận với báo Thanh Niên rằng nhóm của ông đánh cá tại một toạ độ là "vĩ tuyến 19 độ 16' Bắc và kinh tuyến 107 độ 06' Đông", như vậy là ở về phía Tây đường ranh giới, gần điểm 15 trên đường phân ranh mới do Hiệp Định Phân Định Lãnh Thổ qui định (Thanh Niên, 13 tháng 1, 2005).

LUẬN CỨ CỦA TRUNG CỘNG

LS. Quế: Sau khi vụ bắn giết và bắt bớ xảy ra, Trung Cộng biện luận cho hành động của họ như thế nào?

GS. Canh: Khổng Tuyển phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung cộng tuyên bố "vào buổi sáng ngày 8 tháng 1, 2005, một số thuyền đánh cá của ngừơi Trung Quốc thuộc tỉnh Hải Nam đang hành nghề trong Vịnh Bắc Bộ bên phía Trung Quốc và có 3 tàu võ trang không biết danh tánh tiến đến đánh cướp và bắn vào tàu đánh cá người Trung Quốc. Cảnh sát hàng hải chạy vội tới địa điểm trên để cứu nguy ngay tức khắc sau khi nhận được báo cáo của các ngư phủ Trung Quốc. Ba tàu võ trang đó khai hỏa vào thuyền của cảnh sát và làm bị thương nhân viên thi hành công lực Trung Quốc. Cảnh sát hàng hải Trung Quốc bị buộc phải áp dụng các biện pháp cần thiết. Họ bắn chết một số hải tặc có võ trang, tịch thu một trong các tàu đó và bắt 8 quân cướp biển cùng với võ khí, đạn dược và dụng cụ." Khổng Tuyền gọi "đây là một trường hợp cướp biển có võ trang nghiêm trọng" và" các quân cướp biển đã thú tội rằng họ là người Việt và trước đó đã phạm 4 lần đánh cướp các thuyền đánh cá của người Trung Cộng trong vịnh Bắc Bộ." Khổng cũng nói rằng "người Tàu có nhiều nhân chứng và vật chứng không thể bác bỏ được và sẽ xét xử vụ này theo luật của Trung Cộng." (Nhân Dân Nhật Báo Điện tử, 15 tháng 1, năm 202005)

Đơn vị bắn giết ngư dân là Trung Phương Hải Cảnh Bộ Đội thuộc Công An Biên Phòng. Họ tuyên bố "Nhân viên vũ trang Việt Nam đã đánh cướp ngư thuyền nước ta bị hải cảnh bắn gục." Bài báo có kèm theo hình ảnh của đoàn tàu chiến 12 chiếc gọi là 'sưu thuyền đĩnh' với đầy đủ súng ống đạn dược, có hình quân nhân Trung Cộng đang làm nhiệm vụ tuần tra trong vịnh. Đoàn tàu này này đã đồn trú và tuần tra kể từ 19 tháng 6, 04 là lúc mà Hiệp ước phân định lãnh thổ có hiệu lực (Nhân Dân Nhật Báo ngày 14 tháng 1, 2005)

LUẬN CỨ CỦA CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

GS. Thiện: Lời tuyên bố của Trung cộng tỏ ra rất gay gắt, qui trách cho ngư phủ Việt là quân cướp biển, vá chúng có đầy đủ bằng chứng như vật chứng, nhân chứng về nội vụ cốt chứng minh ngư phủ Việt là quân ăn cướp, giết người, như bắn nhân viên công lực Trung cộng đang làm phận sự trên lãnh thổ Trung cộng, và sẽ xét xừ vụ này theo luật của Trung cộng. Bản tuyên bố này cho thấy với lời lẽ đe doạ, Trung cộng sẽ trừng phạt "nghiêm khắc các kẻ phạm pháp", để bảo vệ công dân của chúng. Ngoài ra, Trung cộng còn công khai nói rằng kẻ phạm pháp là NHÂN VIÊN của chính phủ Cộng Hoà Xã Hội chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) nữa. Vậy Luận cứ của CHXHCNVN như thế nào?

GS. Canh: Lê Dũng, phát ngôn viên Bộ Ngoai Giao VC nói: "vụ giết ngư phủ vô tội Việt Nam mới đây bởi Tuần duyên hạm Trung Cộng là một vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế…. Hành động đó đã cũng vi phạm Hiệp định Phân Định Ranh Giới Vùng Vịnh và Hiệp Định Hợp Tác Nghề Cá và các hiệp định khác giữa các lãnh đạo Trung Cộng và Việt Nam. Ngư dân Việt hành nghề hợp pháp ở một nơi về phía Tây của đường phân ranh trong vùng đánh cá chung". Dũng cũng kêu gọi điều tra, trừng phạt kẻ phạm pháp…., và kêu gọi triệu tập buổi họp của Ủy Ban Liên Hợp về Hợp Tác Nghề Cá trong vùng Vịnh để "tìm biện pháp ổn cố tình hình,. hai bên cam kết không được có hành động quá khích hoặc sử dụng võ lực về các vấn đề liên quan đến đánh cá" (VNA, 20 tháng 1, 2005, RFI trích báo Pháp Luật, tp Hồ chí Minh, 25 tháng 1, 2005 và Deutsche Presse Agentur Jan 14, 2005)

YẾU TỐ PHÁP LÝ TRONG QUỐC TẾ CÔNG PHÁP

LS. Quế: Biện minh của CHXHCNVN tỏ ra rất mềm mỏng, sợ hãi so với tính chất hung hăng của Trung cộng. CHXHCNVN cố gắng biện hộ một cách tổng quát cho ngư phủ Việt Nam và không có gì là tích cực bảo vệ công dân của họ khị bị ngoại bang dùng võ lực giết hạI họ. Để cho thính giả của chương trình hiểu rõ vấn đề, xin Giáo sư vui lòng giải thích các yếu tố pháp lý của nội vụ.

GS. Canh: Qua các sự kiện trên, vụ giết người là do tranh chấp đánh cá, và kiểm soát vùng lãnh hải bắt nguồn từ hai Hiệp Định nêu trên mà Quốc Hội Việt Cộng thông qua hồi tháng 12 năm 2000 và tháng 6, năm 2004.

Một khó khăn là VC đã giấu nhiều chi tiết trong hai Hiệp Định ấy. Vì thế, ta phải tìm kiếm một số chi tiết liên hệ từ một số nguồn gốc khác nhau gồm cả tuyên bố chính thức của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao.

Các yếu tố sau đây cần được phân tích dưới ánh sáng hai Hiệp Định: Nơi xảy ra vụ giết người, hải tặc, quyền sử dụng bạo lực và truy nã của công lực Trung cộng vào sát bờ biển VN, lạm dụng quyền hạn kể cả việc tư nhân Trung cộng "bắt phạt" ngư dân Việt.

NƠI XẢY RA VỤ GIẾT NGƯỜI

GS. Thiện: Trung cộng nói rằng tàu tuần tra của Trung cộng bị hải tặc tấn công trong phần lãnh hải của chúng. Việt cộng nói rằng sự việc xảy ra về phía Tây của đường ranh phân dịnh hải giới, nghĩa là trong hải phận Việt Nam. Vậy, nơi xảy ra sự kiện ở phía Đông hay phía Tây đường phân ranh? Làm sao ta có thể biết rõ được?

GS. Canh: Ta có thể tìm bằng cớ qua các nhân chứng. và căn cứ vào các yếu tố liên quan đến sự việc để rút ra kết luận chính xác.

Thực vậy, ngư dân cho biết rằng họ có hải đồ, biết rõ vị trí đánh cá, biết rõ hiệp định dâng hiến vùng vịnh và cho TC khai thác hải sản trong khu vực. Họ biết chính quyền của họ không bảo đảm quyền lợi của họ: như bị gới hạn đánh cá trong một khu vực nhỏ sau khi hiệp định có hiệu lực vào tháng 6- 2004, nơi có rất nhiều cá đáy cách đảo Bạch Long Vĩ độ 20 hay 30 km Nam, một nguồn lợi vô cùng to lớn là cá đáy, bi cấm. Vùng này trở thành cấm địa vì đã được dâng hiến cho TC. Vả lại, ngư dân Việt không có khả năng đánh cá đáy vì cần tàu có 200 mã lực mới đưa được lưới xuống đủ sâu để đánh loại cá này. Họ chỉ đánh cá nục, loại cá không mang lại nhiều lợi. Họ thường xuyên bị tàu đánh cá của ngư dân TC bao vây lại cướp cá mà họ đã đánh và bắt được. Họ cũng biết rằng nếu đánh cá sang bên kia đường phân ranh họ sẽ bị Trung cộng phạt rất nặng. Một ngư dân cho biết rằng họ phải trả một món tiền phạt cho TC lên tới 80 triệu đồng vì đánh cá ở bên kia làn ranh. Họ cũng biết rằng hạm đội tuần duyên TC gồn 12 chiếc tàu có trang bị đại pháo, súng liên thanh luôn luôn ở bên cạnh để bảo vệ ngư dân của họ.

Mặt khác, Báo Pháp Luật, tp Hồ chí Minh tường thuật "Cảnh sát Trung Cộng tấn công ngư dân Việt ở phía Tây cách ranh giới 12 hải lý, thuộc lãnh thổ Việt Nam. Nơi xảy ra biến cố thuộc đặc quyền kinh tế Việt Nam. VN có toàn quyền bảo tồn, khai thác, kể cả tài phán đối với với các vi phạm của tàu ngoại quốc." (RFI, 25 tháng 1, 2005 trích thuật Báo Pháp Luật, tp Hồ chí Minh).

Cũng như trên, ông Nguyễn phi Phường đã cho biết rằng các ngư phủ VN hoạt động ở Vĩ tuyến 19.16' và Kinh tuyến 107.06'. Địa điểm này nằm trong hải phận Việt Nam.
Tất cả các chi tiết trình bày ở trên có mục đích chứng minh rằng trong bối cảnh đó ngư dân Việt đâu dám (có ý định hay ý chí) vượt quá làn ranh phân định lãnh hải.

NGƯ DÂN VIỆT LÀ 'HẢI TẶC'

LS. Quế: Trung cộng gọi ngư dân Việt là hải tặc để biện minh cho hành động phạm pháp của chúng. Vậy làm sao, ta có thể cho thế giới biết được các nạn nhân ấy chỉ là công dân bình thường, hoạt động trên phần lãnh hải của mình ở nơi đó ông cha của họ từ bao đời nay vẫn kiếm sống bằng nghề nghiệp của mình một cách lương thiện và họ chỉ là nạn nhân của chính quyền của họ đã dùng bạo lực dâng hiến đất đai lãnh hải của tổ tiên cho kẻ thù của dân tộc, tiếp tay và cho phép kẻ thù ấy đàn áp họ?

GS. Canh: Những người bị giết, bị thương và bị bắt từ bản chất của sự việc này (như thấy trong danh sách đính kèm) đã nói lên sự vu cáo đó:

1) Họ là ngư dân thuộc Hợp Tác Xã Hùng Cường, thuộc hai huyện Hoàng Hoá và Hậu Lộc, Thanh Hoá. Ngoài ra, họ có treo cờ của CHXHCNVN khi hành nghề theo qui định của luật hải hành trên biển. Họ chẳng hề giấu danh tánh như Trung cộng tuyên bố.

2) Qua thư ngỏ của đại diện là goá phụ Nguyễn thị Hoa, qua các cuộc phỏng vấn của RFI, báo Thanh Niên, báo Pháp Luật, họ biết thân phận của họ bị Đảng Cộng Sản Viêt nam ngược đãi, áp bức. Sau khi thoát được cuộc săn đuổi của hải cảnh Trung cộng, các nạn nhân bị Công an Việt Nam bao vậy 24/24 giờ và được lệnh không được tiết lộ các chi tiết giết người cho người ngoài biết, vì Đảng CSVN "sợ sứt mẻ tình cảm hữu nghị với Trung Quốc." Sống trong tình trạng đó, họ biết rằng nếu có hành vi hải tặc họ sẽ bị mất mạng và không được ai che chở.

3) Các nạn nhân báo cáo rằng lúc đầu tàu đánh cá Trung Cộng vây xung quanh một ngư thuyền Việt. Trước khi hành động, họ hạ cờ Trung Cộng xuống. Rồi chiến thuyền của hải cảnh xuất hiện dùng đại liên nhả đạn vào thuyền đánh cá Việt Nam. Thuyền nạn nhân này kêu cứu, một ngư thuyền Việt đến cứu. Thuyền này bị 9 sưu thuyền đĩnh của Công An Trung cộng vây và tấn công. Chiếc thuyền thứ 3 của ông Nguyễn phi Phường đến tiếp cứu, thì bị bắn xối xả , nên phải bỏ chạy và bị đuổi theo đến tận Thanh Hoá. Việc tàu Trung Cộng hạ cờ của quốc gia mình xuống, giấu đi, chính là hành vi của hải tặc. Hơn nữa tàu ấy là tàu tuần tra của chính phủ Trung Quốc.

4) Trong các bản tin từ phía Trung Cộng phát ra, nhà chức trách Trung Cộng dùng chữ 'tàu sắt' (ships, có khi dùng vessels) để chỉ thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam với ý nghĩ rắng tàu của hải tặc là tàu sắt, trong khi đó ngư dân Trung Hoa đánh cá bằng thuyền gỗ (boats). Thực tế cho thấy chiếc thuyền của ông Nguyễn phi Phường trốn thoát cuộc bắn giết là thuyền bằng gỗ, có hơn 400 vết đạn. Đó là một gian ý của kẻ cường quyền.

Ngoài ra, việc chính quyền Trung cộng dàn dựng ra sự kiện không thuận lẽ phải khi nói rằng thuyền đánh cá của ngư dân Trung Cộng bị 3 tàu đánh cá không danh tánh tấn công, thì "tàu của hải cảnh vội đến địa điểm để cứu nguy tức khắc…" Nếu không có sắp xếp từ trước thì không thể đến tức khắc trong trường hợp này. Vả lại, 3 ngư thuyền Việt hành nghề tại 3 nơi. Họ chỉ tập trung lại khi một chiến bị nạn, không phải cả 3 chiếc tập trung tại một chỗ để tấn công ngư thuyền Tàu. Nếu họ ở cùng một chỗ để đánh cướp, như Trung Cộng loan báo, thì 9 sưu thuyền đĩnh của Công An Tàu Cộng tiêu diệt hết, không kẻ nào có thể trốn thoát được.

Thêm vào đó, có bản tin của Bắc Kinh còn nói "hải cảnh bắn gục nhân viên võ trang Việt Nam" với ám chỉ là nhân viên công quyền VN là quân cướp biển (Nhân Dân Nhật Báo 14 tháng 1, 2005). Như đã đề cập bên trên, họ là ngư dân thuộc hai huyện Hậu Lộc và Hoàng Hoá, Thanh Hoá. Họ không phải là nhân viên chính quyền Việt Nam. Việc tố cáo nhân viên của Việt Nam là hải tặc có mục đích dằn mặt Đảng CSVN.

Đó là các lời lẽ lúng túng để biện minh cho việc làm bất hợp pháp của Trung cộng.

Cuối cùng, TC không thể biện minh việc truy đuổi 'hải tặc' dù là hải tặc thật, khi dùng sưu thuyền đĩnh truy đuổi thuyền của ngư dân Việt Nam, vuợt qua làn ranh do Hiệp Định Phân Định Lãnh Hải qui định và tiến vào sát bờ biển Thanh Hoá mới rút lui. Hiệp Định chỉ cho phép ngư thuyền sang hoạt động ở bên kia lãnh hải, còn tàu của quân đội, không được phép vượt quá làn ranh.
Việc tàu chiến của Trung Phương Hài Cảnh Bộ Đội vuợt qua đường phân định chủ quyền, xâm nhập hải phận Việt Nam, đuổi theo thuyền ông Nguyễn phi Phường đến tận bờ biển Thanh Hoá là hành vi phi pháp, dù viện dẫn lý do truy nã hải tặc để tiến vào bờ biển Việt Nam. Như vậy ngoài việc vi phạm Hiệp Định còn xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.

Trung Cộng tự coi vùng lãnh hải sát bờ biển của VN là đất của họ và coi CHXHCNVN như không có mặt trên dải đất này.

Đây là trường hợp giết người có dự mưu, một tội phạm có tổ chức có sự liên hệ của Công an biên phòng của Trung cộng.

VẤN ĐỀ BẮT GIỮ NGƯ DÂN

GS. Thiện: Việc bắt giữ và đem 8 ngư dân Việt về giam tại đảo Hải Nam trong trường hợp này có hợp Quốc Tế Công Pháp không hay đó chỉ là hành vi của kẻ cường quyền? Trung cộng có thể biện minh được việc này trước pháp luật không?

GS. Canh: Hiệp Định Nghề Cá qui định rằng, nếu có vi phạm, chỉ có cảnh cáo, và áp dụng biện pháp buộc tàu vi phạm rời khỏi khu vực, không được bắt bớ, giam cầm hoặc dùng võ lực.

Ngày 27 tháng 12, 2004, Hải Nam Nhật Báo tường thuật rằng Trung Quốc đã bắt và cầm giữ tại tỉnh Hải Nam của Nam Trung Hoa 80 ngư phủ Việt và 9 tàu đánh cá (bị bắt ngày 18 và 19 tháng 12) bị nghi là xâm nhập bất hợp pháp vào hải phận Trung Hoa, và vi phạm các Thoả Hiệp mà hai bên đã ký. 9 tàu đó không có chứng từ có giá trị ( giấy phép hành nghề) để hoạt động trên biển mà các thoả hiệp liên hệ đòi hỏi (Qin Chuan, Nhân Dân Nhật Báo, 27 tháng 12, 2004).

Như vậy việc bắt giữ 80 ngư dân Việt này đã vi phạm Hiệp Định chỉ vì họ bị nghi là xâm phạm biên giới bất hợp pháp, và không có giấy phép hành nghề mà thôi, cũng đã vượt quá giới hạn quyền hành của một bên kết ước, thay vì cảnh cáo và buộc họ phải rời khu vực nếu có xâm phạm lãnh thổ thực sự. Ngay cả đến trường hợp họ xâm nhập thực sự lãnh hải Trung cộng, cũng không được phép bắt giam họ. Hơn nữa, Hiệp Định cho phép ngư thuyền mỗi bên được phép sang bên kia biên giới đánh cá.

Trong thực tế khi áp dụng điều khoản này, chỉ có tàu đánh cá Trung Hoa được vào phía Tây đường ranh một các hợp pháp, vì có giấy phép. Còn ngư dân Việt vì không được CHXHCNVN cấp giấy phép, nên bị bắt vì xâm phạm lãnh thổ bất hợp pháp.

CƯỚP CÁ VÀ 'PHẠT' NGƯ DÂN VIỆT

LS. Quế: Có lời khai của nhân chứng cho biết ngư dân Việt bị ngư dân Trung cộng khám xét trong việc hành nghề, vì không có giấy phép hành nghề theo qui định dân hiến lãnh hải cho Trung cộng, nên họ bị phạt hay bi tịch thu cá đã bắt được. Tại sao ngư dân Trung cộng lại có đặc quyền đó? Ngay cả đến chính quyền Trung cộng cũng không có quyền làm như vậy?
GS. Canh: Việc để cho Ngư dân ngay cả đến chính quyền Trung cộng có hành vi ức hiếp ngư dân Việt là do lỗi của Đảng Cộng Sản VN. Họ đã nhượng lãnh hải, và họ còn nhượng luôn cả quyền hành động này cho đối phương trên lãnh hải của Việt Nam nữa.

Bà Hoa viết trong thư "từ khi Đảng Cộng sản ký kết nhượng lãnh thổ biên giới và hải phận cho Trung Cộng, các ngư thuyền Việt Nam ở Vịnh Bắc bộ vẫn thường xuyên bị các tàu đánh cá Trung Cộng tấn công, bắt giữ. Nội trong năm 2004, có đến hơn 1,100 vụ Trung Cộng vi phạm và tầu của ngư phủ Trung Cộng cướp cá."

Một lão ngư cũng ở Thanh Hóa khai "...trước đây ta đánh ngoài xa, nhưng bây giờ theo quy định thì không ra được nữa. Khai thác ở vịnh Bắc Bộ nằm ở Bạch Long Vĩ thì ra cách đó là 20 (cây) số, bây giờ ra chỉ 14 cây số là hết rồi, mất đi 6 cây số. Ảnh hưởng lắm, sau cái hiệp định nhất là vùng vịnh phía dưới, cách Bạch Long Vì khoảng 30, 40 số về phía Nam- Việt Nam ta hình chữ S ăn sâu mãi vào Thanh Hóa- vùng ấy lắm cá lắm, nhưng chia về [cho] Trung Cộng mất rồi. Đời sống ảnh hưởng lắm... Theo hiệp định thì tuy đã mất lãnh hải rồi, còn lại vùng đệm mà Việt Nam và Trung Cộng đồng ý cho khai thác chung, thì cần phải có giấy phép hợp lệ. Tàu Trung Cộng có giấy, tàu thuyền Việt Nam thì không. Do đó mỗi lần bị bắt gặp là tàu ta phải đóng tiền cho tàu đánh cá Trung Cộng gọi là "phạt…" (RFI, 21 tháng 1,2005).

Không biết đây có phải là cách chia lời chung như Việt cộng tuyền bố (theo Hiệp định) dù ngư dân bên phía Việt Nam hành nghề bằng phương tiên thô sơ của mình vì nếu không bị chia cá (bị cướp), thì phải nộp tiền?

Một cụ bà ở xã Hoàng Trường, tỉnh Thanh Hóa nói về thực trạng nộp phạt cho Trung Cộng như sau: "Thực tế là vừa rồi có một thuyền ở Ngư Lộc đánh vào lãnh thổ của Trung Cộng và bị bắt. Họ phạt tiền 70 triệu đồng tiền Việt Nam. Ở nhà họ phải khóc, phải than vãn, nhưng cũng phải chạy, vay…" (RFI, 21 tháng 1, 2005)

Theo Hiệp Định Nghề Cá, các ngư thuyền mỗi bên có thể vuợt qua ranh giới đánh cá, miễn là có giấy phép hợp lệ. Không biết Hiệp định qui định việc đánh bắt cá chung và chia lời như thế nào (như đã tuyên bố trước đây)? Ngư dân Việt nói rằng ngư dân Trung Cộng có giấy phép hành nghề [có lẽ do chính quyền của họ cấp, vì không biết làm sao mà họ có giấy phép hay do Ủy Ban Liên Hợp Nghê Cá cấp]. Bên Việt Nam, các ngư dân xin giấy phép để hành nghề thì bị chính quyền CHXHCNVN đòi phải đóng một lệ phí có khi lên tới "7, 8, 9 triệu" (RFI 21 tháng 1, 2005). Vì không có tiền đóng nên không có giấy phép, họ bị phía Trung Cộng coi là hành nghề bất hợp pháp, và vì thường xuyên bị các ngư thuyền Trung Cộng (không phải chính quyền) bắt phạt. Không ai chắc có một điều khoản nào trong Hiệp Định cho phép tư nhân một bên như trường hợp ngư dân Turng cộng phạt tiền theo kiều này.

Không ai có thể hiểu việc thoả hiệp đánh cá chung trong vùng rộng 35,000km2 Nam Vĩ tuyến 20 được trù liệu như thế nào? Nếu chỉ cấp giấy phép cho mỗi ngư thuyền hành nghề như ngư dân Việt khai thì chỉ cốt để phía bên kia công nhận là hợp pháp? Đây hoàn toàn không phải là đánh cá chung. Việc dùng hình thức này là để đánh lạc hướng dân chúng mà thôi. Mặt khác, 'vấn đề chia cá' theo Hiệp định Nghề Cá bằng cách ngư dân Trung cộng hành sử quyền "cướp cá và phạt ngư dân Việt" như vậy là bằng cớ rõ ràng nhất trong việc dâng hiến tài nguyên cho Trung cộng.

PHƯƠNG THỨC GIẢI QUYẾT: ỦY BAN LIÊN HỢP NGHỀ CÁ

GS. Thiện: Lê Dũng có kêu gọi họp Ủy Ban Liên Hợp Nghề Cá đứng ra giãi quyết các mâu thuẫn, dù tàu của hải cảnh trung cộng giết và bắt giữ ngư dân Việt. Giáo sư nghĩ như thế nào về sự việc này?

GS. Canh: Hiệp Định có trù liệu biện pháp gỉai quyết các mâu thuẫn bằng cách triệu tập Ủy Ban Liên Hợp Nghể Cá để giải quyết các tranh chấp.

Trung cộng không bao giờ để ý tới việc này, mà tự giải quyết bằng bạo lực. VC hình như không dám dùng phương thức này dù ngư dân Việt từ tháng 6-2004 đến nay thường xuyên bị "phạt tiền", bị bắt giam và bị giết như hiện nay. Chỉ sau khi có phản ứng như biểu tình ở hải ngoại về vụ giết người, VC mới kêu gọi họp Ủy Ban Liên Hợp giải quyết vấn đề.

TC không tôn trọng Hiệp Định Nghề Cá dù Hiệp Định trù liệu "Cơ quan mỗi bên không được lạm dụng quyền hành và mọi vi phạm sẽ được Ủy Ban Liên Hợp Nghể Cá giải quyết" (RFI ngày 25 tháng 1, 2005).TC không coi trọng Ủy Ban Liên Hợp và VC không dám kêu gọi Ủy Ban can thiệp.

Như vậy Hiệp Định chỉ là cái bình phong để cho phép Trung Cộng được tiến sâu thêm một cách hợp pháp vào phía lãnh hải Việt Nam để đánh cá. Phần này gồm thêm một phạm vi 30.5 hải lý về phía Tây, kể từ đường ranh. Đây là một điều không thể chối cãi được rằng ngoài việc Trung cộng được 11,000 km2, còn được khai thác thêm về tài nguyên phần phía Tây cùa đường ranh qua hiệp ứơc đánh cá chung. Ngư dân VN chì còn được hành nghề hợp pháp trong một phạm vi 13.5 hải lý tính từ bờ biển ra tới đường phân ranh qui định vùng đánh cá chung mà thôi. Cái gọi là 'đánh cá chung' qua Hiệp Định Hợp Tác Nghề Cá như vậy rõ ràng chỉ là một cách dâng hiến tài nguyên cho Trung cộng vào sát bờ biển Việt Nam trong vùng Vịnh.

LS. Quế: Theo Giáo sư tại sao Trung cộng lại có hành vi giết người ngang nhiên như vậy. Theo thường tình, thì Trung cộng nên che dấu việc ô nhục của Việt cộng để bảo vệ uy tín cho kẻ tay sai vì đã dâng vịnh cho họ. Làm như vậy, Trung cộng nhận chìm Việt cộng xuống vùng bùn nhơ, thay vì cần bảo vệ tay sai để tiếp tục lợi dụng, và nhất là làm lãnh đạo Việt cộng trong vụ này lại 'ngậm bồ hòn' làm ngọt?

GS. Canh: Bình thường, người ta hiểu vấn đề như vậy. Thực tế, thì khác hẳn. Tôi thấy có nhiều lý do giải thích việc này:

1. Tham vọng của Trung cộng lớn quá, nên cần phải hy sinh đám tay sai, nhất là những gì Trung cộng muốn trước mặt tại khu vực vinh Bắc Việt thì tay sai đã làm xong rồi. Vắt chanh rồi, thì để vỏ làm gì, thêm dơ bẩn nhà cửa mà thôi. Không những không cám ơn mà còn hạ nhục nữa.

2. Cần phải có bạo lực để mọi người xa lánh khu vực này và như thế không còn ai biết được Trung cộng sẽ làm gì tại đó. Dùng quân sự để đánh thường dân là ngư dân, thì không còn bất cứ người Việt nàm dám bén mảng đến đó nữa. Và toàn ' khu vực đánh cá chung', nghĩa là sát tới bờ biển Việt Nam khoảng 13.5 hải lý thuộc về Trung cộng một cách thực tế. Do vậy, tài nguyên trong khu vự này sẽ thuộc về Trung Cộng. Đây là cách 'hành xử chủ quyền' của Trung cộng ngay sát bờ biển Việt Nam.

3. Dùng quân sự để giết ngư dân Việt trong trường hợp này, và còn nói rằng "nhân viên Việt Nam" nữa là quân cướp biển, là một hành động biểu dương lực lượng, báo cho Đảng Cộng sản Việt Nam phải im lặng, và là một đe doạ tiến xa hơn nữa trong việc buộc Đảng CSVN hiến dâng nốt Biển Đông.

4. Trung cộng làm như vậy là nhục và hạ uy tín Việt cộng đối với dân Việt. Theo sách lược của Cộng sản nói chung, thì khi một kẻ nào không còn uy tín gì, người ta không tin nữa, và về sau Việt cộng có phản lại quan thầy của họ là Trung cộng, thì huy động lực lượng quần chúng sẽ khó khăn. Đây là một mưu đồ thâm độc, chỉ có người Tàu mới nghĩ ra mưu kế này.

GS. Thiện: Nay Trung cộng thả 8 ngư phủ. Tại sao họ làm việc đó một cách bất thường, trái với lời tuyên bố hung hăng lúc ban đầu của Khổng Tuyền? và VC thấy lặng im và coi như là đã thành công giải quyết vụ này?

GS. Canh: Đảng Cộng Sản Việt Nam, ngoài lời than vãn và tuyên bố lấy lệ để vớt vát sĩ diện của Lê Dũng và nói rằng cử một phái đòan đi Trung Cộng để thương thuyết, không có một hành động gì để rửa mối nhục đó? Sinh viên trong nước biểu tình trước tòa Đại sứ và lãnh sự Trung cộng tại Hà nội và Sàigòn bị cấm, ngư dân là nạn nhân bị bao vây 24/24 giờ, không được phép nói gì, ngoài việc Đảng ủy địa phương đến nhà ra lệnh cho họ gửi đơn khiếu nại đến Tỉnh và Trung Ương về nỗi oan ức do Trung cộng gây ra, để Trung ương cứu xét và có căn cứ, tài liệu thương thảo với Trung cộng. Như vậy, không thể giải thích rằng vì than vãn đó hay đi thương thuyết mà Trung Cộng thả 8 ngư dân Việt qua một phiên toà lặng lẽ kéo dài 3 giờ.

Chính vì phản ứng của người Việt hải ngoại, có các hành động tích cực khắp nơi trên thế giới mới có kết quả đó. Đó là sức mạnh của người hải ngoại làm thay đổi tình thế.

Tóm lại, Trung cộng đã có chủ ý vi phạm trầm trọng các Hiệp Định mà họ ký. Họ còn xâm phạm đến chủ quyền của Quốc Gia Việt Nam. Tuần cảnh Trung Cộng đã phạm tội giết người Việt trên lãnh hải Việt Nam. Đảng CSVN có nghĩa vụ hành sử quyền tài phán đối với các kẻ phạm tội giết người ấy dù là Công An Trung cộng.. Quốc dân Việt đòi Đảng CSVN buộc Trung cộng dẫn độ các can phạm đến Việt Nam để Tòa án Việt Nam xét xử theo luật Việt Nam. Không thể vì lẽ gì như hèn nhát chẳng hạn mà im lặng về vụ giết công dân Việt một cách ngang nhiên như thế. Quốc dân Việt đòi hỏi Đảng CSVN tức khắc hành xử chủ quyền của Việt Nam như một quốc gia độc lập. Không được trì hoãn.

Mặt khác, với các bằng chứng trên, Đảng Cộng sản Việt Nam phải ra lệnh cho chính phủ CHXHCNVN tuyên bố hủy bỏ tất cả các hiệp ước đã ký với Trung Cộng kể cả Hiệp Định trên đất liền. Đây là bằng chứng Trung Cộng không tuân hành các Hiệp định mà chúng ký mà còn vi phạm trắng trợn và trầm trọng nữa. Lê Dũng thú nhận đây là vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế và các Hiệp Định. Các Hiệp Định ấy biểu lộ rõ tính cách Bất Bình Đẳng. Chưa kể đến việc Đảng CSVN bị lừa và bị áp đặt để dẫn tới phương thức phân chia vịnh trong đó TC chiếm được 11,000 km2 và "hợp tác đánh cá chung", như đã nói ở trên, vì không có gì là đánh cá chung cả.

Công Pháp Quốc Tế có trù liệu các biện pháp như vậy để tránh các thiệt hại quá mức cho dân tộc của một bên kết ứơc.

Trong lịch sử bang giao của các quốc gia trên thế giới, đây là trường hợp độc nhất vô nhị chính phủ một bên kết ước bị công khai sỉ nhục trước quốc dân của mình và trên thế giới. Ngay cả trong thời kỳ người Pháp đô hộ Việt Nam, chưa bao giờ dân tộc Việt bị khinh bỉ tới mức này. Họ bảo vệ lãnh thổ Việt Nam và Trung Hoa thời đó "chỉ van nài người Pháp, xin thêm tí đất để đền bù cho thiệt hại"?. Dù lãnh đạo Đảng CSVN cố tìm mọi cách thần phục Bắc phương như những tên thừa sai đắc lực, ngoan ngoãn và trung thành, thay mặt quan thày đàn áp nhân dân Việt, Đảng CS Trung Cộng không màng ban cấp cho họ một chút danh dự tối thiểu. Đây là bài học đắt gía cho những kẻ làm tay sai cho ngoại bang.

Danh sách các người bị bắn chết ngày 8 tháng 1, 2005:
1) Nguyễn văn Tùng, xã Hoàng Trường, Huyện Hoàng Hoá, Thanh Hoá.
2) Lê văn Xuyên, thuyền trưởng, Hoàng trường, Hoàng Hoá, Thanh Hóa.
3) Nguyễn xuân Trọng, Hoàng Trường, Hoàng Hoá, Thanh Hoá.
4) Nguyễn hữu Biên, Hoàng Trường, Hoàng Hoá, Thanh Hoá.
5) Đinh văn Đông, xã Hoà Lộc, Huyện Hậu Lọc, Thanh Hoá.
6) (…) Trung, Hoà Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hoá.
7) (…) Hồng, Hoà Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hoá.
8) (…) Dũng, Thanh Hoá.
9) Nguyễn văn Tâm, Hoà Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hoá.

Danh sách người bị bắt và còn bị giam giữ ngày 8 tháng 1, 2005
1) Nguyễn văn Đào, (1962) Hoàng Trường, Hoàng Hoá, Thanh Hoá.
2) Đồng văn Chinh ( 1961) Hoà Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hoá.
3) Phạm ăn Cản ( 1985) Hoà Lộc, Thanh Hoá.
4) Nguyễn văn Cường ( 1985), Làng Nam Đồng, Xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô, Quảng Ninh.
5) Nguyễn văn Dũng (1978) Hoàng Trường, Thanh Hoá.
6) Nguyễn văn Bình (1986) Hoà Lộc, Thanh Hoá.
7) Nguyễn mạnh Hồng (1979), Hoà Lộc, Thanh Hoá.
8) Trương đình Thái (1987) Hoàng Trường, Thanh Hoá.

Bài liên hệ:
Hòa Lộc, một vụ khiêu khích đầy chủ đích
Tình hình Biển Đông
Chúng tôi cần một sự công bằng
Nhân Biến Cố Vịnh Bắc Việt ngày 8 tháng 1 năm 2005, thử tìm hiểu sự thất bại của Hải Quân Trung Hoa qua trận thủy chiến với Nhật Bản vào hậu bán thế kỷ 19

Nhà cầm quyền Việt Nam đối ngoại hèn nhát-đối nội gian manh xuẩn động

Công hàm bán nước (thừa nhận chủ quyền Trung Cộng trên vịnh Bắc Bộ)
Đừng bao giờ đùa với những nỗi đau như thế

SaigonUSA hoan nghênh ý kiến đóng góp của qúy vị độc giả. Xin type vào Comment Box ở dưới đây và nhấn vào nút "Submit" để gởi đi:

TÊN, HỌ / NAME:  
 E M A I L:  

Ý KIẾN /  COMMENT:  

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ:
- Nguyễn Xuân Phong:
(Tuesday, May 10, 2005 at 22:00:21)
Là con em của tỉnh Thanh Hóa, tôi xin hoan nghênh những lời lẽ nói rõ về những hành vi của Trung Quốc và trách nhiệm của ĐCSVN trong vụ việc này.

RETURN TO FRONT PAGE 

 
Click to Enlarge Poster




Copyright © 1997-2005  SaigonUSA News. All rights reserved.