545 E. Saint John St.
San Jose, CA 95112
USA
Tel: 408.998.0508
Fax: 408.993.0527

Email:

saigonusanews
@yahoo.com

 

 

T I N  C Ộ N G   Đ Ồ N G

Trong buổi mạn đàm với nhà báo Huỳnh Lương Thiện
ÔNG HOÀNG MINH CHÍNH TUYÊN BỐ:
“PHẢI THAY THẾ CÁI CHÍNH QUYỀN (CS) NÀY”

LTS:- Sau đây là phần tóm lược buổi mạn đàm giữa ông Huỳnh Lương Thiện, chủ nhiệm tuần báo Mõ SF/Oakland và nhà tranh đấu Hoàng Minh Chính tại tư gia bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi ngày 9 tháng 10 năm 2005 vừa qua. Ông Hoàng Minh Chính nguyên là Viện trưởng Viện nghiên cứu Triết Học Mác Lênin, cựu Thứ trưởng Bộ Giáo Dục, phó chủ tịch trường đảng của CSVN nhưng sau đó đã lên án sự sai lầm của chủ nghĩa và đảng CSVN. Ông đã bị CSVN giam cầm nhiều năm. Hiện ông được xem như là con chim đầu đàn của Phong trào tranh đấu cho dân chủ Việt Nam tại quốc nội. Năm nay ông 85 tuổi vừa sang Hoa Kỳ ngày 30/8/2005 để chữa bệnh.


Ông Hoàng Minh Chính và nhà báo Huỳnh Lương Thiện

Huỳnh Lương Thiện (HLT): Chào mừng bác Hoàng Minh Chính đã đến Hoa Kỳ. Xin bác cho biết cảm tưởng của bác trước khi cũng như khi vừa đến Hoa Kỳ. Ngoài vấn đề đi chữa bệnh, bác còn có mục đích nào trong chuyến đi này không?

Hoàng Minh Chính (HMC): Trước khi sang bên này tôi cũng có cái ý nguyện là làm sao để có thể đóng góp một phần nhỏ mọn nào vào việc liên kết phong trào dân chủ. Trước hết là liên kết phòng trào dân chủ trong nước, thứ đến là để liên kết phong trào dân chủ ở hải ngoại.

Trước khi đi tôi cũng nghe ông đại tá công an nói ở bên ngoài này có đến 345 cái hội đoàn, thành ra ông Hoàng Minh Chính có ra thì cũng chỉ bơi ở trong đấy mà thôi (cười), không thể làm cách nào mà liên kết được tất cả, người ta đánh nhau loạn xạ cả lên. Tôi nghĩ là công an nói thì không thể nào mình tin được, thế nhưng có một vị nói mà tôi cảm thấy đáng lưu ý, đó là nhà văn nữ Dương Thu Hương, cô vừa đi Ý lãnh giải thưởng về, đến thăm tôi, cô nói rằng "Em nghe nói rằng anh sắp đi Hoa Kỳ và lại muốn đóng góp vào việc liên kết ở bên ấy, em nói thật với anh là em không tin bởi vì dư luận ở bên đó theo em thấy thì lộn xộn lắm, không ai chịu ai cả?"

Tôi bảo: "Thôi được rồi, nhưng ý kiến của anh là như thế này: Anh mang đi một tấm lòng của đồng bào, của phong trào dân chủ Việt Nam và của riêng anh là kêu gọi cho sự tự do và dân chủ cho đất nước Việt Nam thì anh nghĩ là không lẽ ai lại đi chống lại cái tự do dân chủ hóa đất nước. Với cái nhiệt tình của anh thì anh hy vọng và anh tin là anh làm được cái công việc ấy, không nhiều thì ít". Và tôi đã đi với cái quyết tâm như thế.

Khi sang bên này thì thực sự mà nói, ngồi ở trên máy bay đến 20 tiếng đồng hồ thì tôi mệt lắm rồi, ở trong nước thì mỗi sáng tôi phải có người dìu để tập đi nửa tiếng, chiều nửa tiếng, do đó, tôi nghĩ là không biết mình có sức để đi không? Thế sang đến bên này thì khi vừa xuống sân bay San Francisco thì tự nhiên thấy mình khỏe ra khi thấy có đến mấy chục nhà báo vui vẻ đón tiếp rồi có cả bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi ra đón rất chân thành làm tôi thấy như có một sức sống mạnh mẽ, thì tôi đã trả lời ngay với các nhà báo cái cảm tưởng từ trong lòng của mình rằng là "đồng bào hải ngoại đã phải từ bỏ đất nước ra đi tìm tự do cho mình để mang tự do trở về có thể nói là đồng bào đã hy sinh rất lớn, đã bỏ hết tất cả tài sản, cơ ngơi chỉ đi với hai bàn tay trắng, thậm chí là những người ruột thịt của mình cũng đã phải bỏ mình trên biển khơi".

Thế rồi tôi nghĩ sự thật là mình đang ở trong một đất nước mà chẳng khác gì cái nhà tù lớn, rồi trong nhà tù lớn lại có nhà tù nhỏ, bây giờ mình đi ra ngoài cũng là đi tìm tự do, thế thì hai bên đều tìm thấy tự do. Bây giờ đồng bào hải ngoại đã tìm thấy tự do, đã thành đạt rồi, thành tài rồi, đã xây dựng được cái cơ ngơi của mình, thế thì bây giờ đồng bào chỉ chờ có về nước thôi, để đóng góp cái trí tuệ, tài năng của mình để chấn hưng đất nước phải không? Vừa sang bên này tôi đã có cơ hội được gặp vài chục vị thì tôi thấy cái tấm lòng của các vị rất chân thành, tha thiết với Tổ quốc, chỉ mong có cơ hội để đóng góp với Tổ quốc.

Vừa rồi người bạn của tôi là anh Trần Khuê, đại diện cho Phong trào dân chủ Việt Nam, sau khi gặp 5 vị lãnh đạo các tôn giáo trong nước thì anh ấy trả lời với đài Á Châu Tự Do: "Chúng tôi nghĩ rằng đến năm 2007 sẽ có một cuộc bầu cử Quốc Hội có sự giám sát của quốc tế". Nếu điều đó có thể thực hiện được thì nó sẽ giúp cho đất nước ta có thể hội nhập vào với phong trào tự do dân chủ trên thế giới này, để cùng sánh vai cùng các nước dân chủ tự do trên thế giới, thì điều đó có thể nói rằng đây là một bước đi tuyệt vời." Thì tôi nghĩ rằng nếu như đồng bào hải ngoại đi đến chỗ liên kết được thành một Phong trào dân chủ Việt Nam hải ngoại thì đấy là một sự đóng góp rất lớn cho đất nước, cho phong trào dân chủ trong nước. Và tôi tin là quý vị có thể làm được điều đó và quý vị đang quyết tâm làm, đó là điều rất phấn khởi và tôi xin chúc mừng quý vị.

HLT: Những điều bác nói thì cũng đúng, nhưng những điều nhà văn Dương Thu Hương nói cũng không hẳn là sai lắm. Nhưng đó chỉ là mặt tiêu cực của vấn đề, có thể là khi ra đây, bà ta đã chỉ gặp những hiện tượng chia rẽ. Thực ra thì cũng phải công nhận là cộng đồng ngoài này cũng phức tạp, cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Ví dụ ngay cả như vấn đề bác sang đây, có người ủng hộ, nhưng cũng có những ý kiến nói rằng bác là người đã phê phán, lên án cộng sản dữ dội như thế thì làm sao mà cộng sản có thể cho bác đi? Do đó ắt là phải có cái gì bí ẩn bên trong hay là cò mồi gì đây? Họ không tin.

HMC: Tôi thì lại không phiền lòng gì với cái sự nghi ngờ ấy. Tôi cho rằng đồng bào cảnh giác là đúng, tôi hoan nghênh thái độ cảnh giác của đồng bào bởi vì Việt cộng nó thâm độc lắm, nhưng mà tôi đề nghị là đồng bào hãy kiểm tra hành động của chúng tôi thử xem xét các lời nói và hành động của chúng tôi có ăn nhập với nhau hay không. Hơn nữa, sau khi độ 10 hay 15 ngày thì tôi lại về nước để tiếp tục tranh đấu một cách quyết liệt thì đồng bào cứ việc theo dõi thì khi ấy đồng bào sẽ thấy rằng à.à.. cái tôi nói và việc làm của chúng tôi nó ăn khớp với nhau và đồng bào sẽ có thể trở lại tin chúng tôi. Chính cái lòng tin ấy là còn quý giá hơn. Tôi hứa với đồng bào, ngay cả những đồng bào đang còn nghi ngờ tôi nữa, là tôi sẽ về tiếp tục đấu tranh và Phong trào dân chủ Việt Nam trong nước sẽ đấu tranh một cách triệt để để đi đến chỗ tham gia đóng góp và kết hợp với Phong trào dân chủ Việt Nam tại hải ngoại thành một Phong trào rộng lớn hơn là Phong trào dân chủ Việt Nam Thống Nhất để đẩy tới chỗ thay cái chính quyền này, sự thực nó là như the, vì cái chính quyền này họ không có chịu tự rút lui đâu. Nhưng mà chúng ta thay không phải bằng cuộc lật đổ bằng bạo lực mà chúng ta thay bằng một cuộc cách mạng nhung như các nước ở Đông Âu, như thế là đất nước đi đến chỗ được đồng bào hải ngoại tài năng có, của cải có, lúc bấy giờ sẽ về xây dựng đất nước, giúp đất nước chúng ta không thua kém một nước nào cả. Khi ấy ở trong nước, chúng tôi sẽ đón tiếp đồng bào một cách linh đình nhất. Đấy là niềm hy vọng của chúng tôi.


(từ trái sang phải) Ông Nguyễn Sĩ Bình, ông Hoàng Minh Chính, nhà báo Huỳnh Lương Thiện, Bs. Nguyễn Xuân Ngãi

HLT: Ở hải ngoại trong mấy ngày qua dư luận có thắc mắc về cái đề nghị Hội nghị Tiểu Diên Hồng bàn tròn 3 bên của bác. Họ thắc mắc là trước hết, phía Việt cộng làm sao mà họ chấp nhận các điều đó, rồi trí thức trong nước là ai? Hầu hết là đảng CS đang nắm hết, lỡ đáng CS họ gài vào thì sao? Rồi ở hải ngoại trí thức là gồm những người nào? Thành ra họ cho là cái đề nghị đó trước hết là nó không thực tế và hơn nữa nó còn có lợi cho phía bên cầm quyền Việt cộng bây giờ.

HMC: Vấn đề đó tôi đã đưa ra cách đây 10 năm, lúc đó tôi bị giam và trước khi bị đưa ra tòa. Tôi nhớ đó là ngày 14-7-1995, lúc tôi nghĩ và tôi viết ra cái đề nghị đó là bởi vì tôi đã nghiên cứu cái bàn tròn 3 bên ở Ba Lan và tôi mới nghĩ à mình thử đưa cái bàn tròn 3 bên này để xem cái phản ứng của cái chính quyền cộng sản này như thế nào, nó sẽ trả lời mình như thế nào? Thế nhưng từ 10 năm nay rồi họ cứ lờ tịt đi. Điều đó biểu thị rằng cái bàn tròn 3 bên không có khả năng thực thi bởi vì sự ngoan cố của chính quyền cộng sản. Ngoài ra tôi đã đưa ra để đồng bào cùng suy nghĩ với tôi là suốt 10 năm nó còn ngoan cố đến thế mà bây giờ dù có đưa ra thì nó càng ngoan cố hơn nữa. Vì thế cho nên con đường của chúng ta bây giờ là phải liên kết nhau lại thành lập Phong trào dân chủ trong nước và liên kết với phong trào dân chủ hải ngoại thành một lực lượng thật mạnh để giải quyết vấn để của đất nước chứ cái chính quyền này họ không có chịu tự nguyện để rút lui. Do đó, phải có những cuộc cách mạng nhung, không phải là cuộc cách mạng đổ máu vì đổ máu thì sẽ thiệt hại cho nhân dân và nhân dân sẽ không tán thành cuộc đổ máu nào cả. Nhưng cách mạng nhung thì hay. Khi mà chúng ta đã liên kết được các giai tầng trong xã hội thành một lực lượng mạnh rồi thì cái chính quyền này nó không thể ỳ ra đấy được. Nhân dân sẽ đứng dậy và quyết định lấy số phận của mình. Đó là cái hướng mà chúng tôi chủ trương và đang tiến hành.

HLT: Vâng, bác nói như thế thì nó đúng trên mặt lý luận tổng quát, nhưng trong một bài phân tích mới đây, ông Nguyễn Chính Kết là một nhà tranh đấu trong nước dã nêu ra vấn đề là tại sao với một chế độ độc tài, tham nhũng, thối nát gây ra biết bao nhiêu tội ác, làm cho nhân dân trong và ngoài nước bất mãn, phẫn nộ như thế mà tại sao số người đứng dậy tranh đấu cho dân chủ hãy còn ít quá, chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Rồi ông giải thích rằng chính vì cái bộ máy công an đã xử dụng các đòn phép, thủ đoạn gì, khi thì hăm dọa, khi bắt bớ, cắt hộ khẩu hay làm khó dễ người thân của người tranh đấu, có thể nói rất là bẩn thỉu và tiểu nhân, có nghĩa là không những nó hãm hại người tranh đấu mà còn hãm hại lây đến thân nhân của người tranh đấu cho nên làm người tranh đấu sợ vạ lây đến người thân mà họ không dám hành động. Vậy thì theo bác làm sao để đối phó với vấn đề này?

HMC: Vâng, chính chúng tôi là người ở trong cuộc, chúng tôi đã bị chúng nó đàn áp cực kỳ. Thế thì phải giải quyết vấn đề này như thế nào? Chúng tôi cũng đã đưa ra biện pháp. Thí dụ trong những dịp chúng nó đưa các anh em dân chủ ra xử thì chúng cho công an tới nhà các người dân chủ để ngăn chận không cho người ta đi ra tòa ủng hộ các người dân chủ như là trường hợp của một người bạn của tôi. Gần đây công an đến nhà nó bảo là ông không được đi đến đấy, nếu đi thì chúng tôi có xe vòi rồng, có lựu đạn cay đây này, xong rồi nó lại còn đe dọa vợ ông ấy là bà phải làm sao để ông ấy đừng có đi, nếu ông đi là bị bắt đấy, làm bà ấy khiếp sợ khóc lóc rồi ngất đi, nhưng ông ấy vẫn cứ việc đi, như thế có nghĩa là ổng phải vượt lên trên sự sợ hãi đó và sẵn sàng vượt lên trên tất cả cái riêng tư của gia đình, ông ấy đi tới thì thấy có các lực lượng của những người dân chủ ở ngoài cổng và cả gia đình đông tới cả trăm thì ông mới thấy rằng à thì có tôi, Hoàng Minh Chính và nhiều anh em nữa đứng đầy cổng thì chính cái đó làm cho ổng vững lòng. Mặc dầu ổng đã có quyết tâm rồi. Thế thì nào là xe vòi rồng, rồi lựu đạn cay để hăm he, họ lại không dám xử dụng. Chính cái đó nó cũng cố lòng của người ta. Rồi thì một số anh em khác tới nhà tôi thấy các tờ rơi (truyền đơn) tôi để sẵn trên bàn, anh em tùy ý muốn lấy bao nhiêu thì lấy để về phân phát thì khi ra đến cổng họ (công an) không dám chận lại. Riêng đối với gia đình tôi là như thế, công an nó không dám ngăn chận những người kia lại, thành ra họ cứ mang về phân phát cho anh em bạn hữu bất chấp nguy hiểm. Như vậy nghĩa là những con người đấu tranh cho tự do dân chủ anh phải sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm, thậm chí là bị bắt vào tù.

Tôi nói thêm một thí dụ nữa là vợ của nhà báo Vũ Bình, vợ của Phạm Hồng Sơn, hai cô đó dám đưa các con nhỏ khoảng lên 3, lên 5 hay 6 tuổi vào bệnh viện thăm tôi. Tôi ôm 4 cháu đó vào lòng, xong tôi hứa với 2 cô kia là "Bác sang Hoa Kỳ, bác sẽ đấu tranh đòi trả tự do cho bố các cháu". Tôi tuyên bố ở đấy mà công an không dám ngăn cản, như vậy có nghĩa là cái sự dũng cảm của các cô ấy đã chận được các cái đe dọa từ trước tới nay đến với các gia đình của người ta, và chính cái đó cũng là tấm gương cho các người khác. Thế thì cái vấn đề ở đây nó đòi hỏi cái sự dũng cảm của từng người.

Sự thật là cái nhóm dân chủ đầu tiên chúng tôi thành lập thì chỉ có vài ba người chứ không có nhiều. Tôi còn nhớ cái ngày hôm đó là 19-5-2000 thì chỉ có 2 người tới nhà tôi là Đại tá Phạm Quế Dương và nhà văn Hoàng Tiến, tới báo cho tôi biết là Tiến sĩ Hà Sĩ Phu bị chính quyền này nó vu, nó bảo đây là kẻ phản bội tổ quốc và cái án cao nhất là án tử hình. Tôi mới bảo đấy, bây giờ nó chủ trương đàn áp trí thức và nó vu cáo thế thì bây giờ nếu chúng ta cứ đấu tranh lẻ tẻ như từ trước tới nay thì không ăn thua gì, chúng ta phải đấu tranh tập thể, mà đấu tranh tập thể là mình phải trả lời với họ là "chúng tôi không sợ". Mà đấu tranh tập thể thì phải ra một bản tuyên bố đòi trả tự do cho ông Hà Sĩ Phu lên án điều 31CP (cho phép nhà nước tùy tiện bắt giam người đến 2 năm không cần xét xử) của Võ Văn Kiệt ký. Chúng tôi nhất trí với nhau như thế, làm một văn bản và tất cả cùng ký. Đầu tiên chỉ có 5 người thôi, sau đó có thêm 2 người nữa nghe được tin và xin cùng tham gia ký vào, trong khi đó có nhiều anh em khác lại nói là nếu bây giờ ký cả vào đây thì nó sẽ bắt , sẽ hốt tất cả đi thì mình mất hết. Tôi bảo rằng: "Không! nếu mình dũng cảm đấu tranh, mình có chính nghĩa thì nó phải lùi, còn nếu như cái việc ấy xảy ra thì mình phải chấp nhận cái bắt bớ, không sợ!"

Thế cuối cùng thì sao? Cuối cùng thì chúng tôi thắng. Chúng tôi gửi hẳn cái bản đó cho Quốc hội, gửi hẳn cho các cơ quan cao nhất của nhà nước, của cái đảng này và đưa cái bản đó lên internet. Và chúng tôi cứ tiếp tục gửi lên án như thế, rồi sau đó vào khoảng gần 1 năm trời thì từ cái án tử hình nó hạ xuống còn 31CP, quản chế tại gia, chúng tôi lại tiếp tục đấu tranh đòi bỏ cái 31CP đi, thế là từ lúc đầu chỉ có 3 người, sau đến 5 người, sau dó 10 người rồi 20 người, sau đến 25 người, rồi chúng tôi còn đi đến đạt được một kết quả là tranh thủ được ngay ông phó bí thư xứ ủy miền Nam. Một ông đại tá, 1 ông thiếu tướng, 6 người cùng tham gia với chúng tôi ký tên vào cái bản này để lên án cộng sản là bán nước, bán tài sản đất nước cho Bắc triều, buộc họ phải giữ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Chúng tôi lên án một cách quyết liệt với 25 người ký và chính quyền này chịu. Bản ấy lên internet thì người ta mới nói rằng: Nhỏ nhưng mà dũng cảm và quyết tâm thì cái số đó có thể đi đến liên kết được.
Như thế thì từ năm 2000 đến nay, chúng tôi trở thành một phong trào rồi, mà phong trào này công khai tuyên bố rằng đây là Phong Trào Dân chủ Việt Nam với người đại diện là ông Trần Khuê. Công khai tuyên bố như thế và từ đó đến nay họ không dám sờ đến ông Trần Khuê.Vì phong trào liên kết được các lực lượng trí thức, tôn giáo khác. Vừa rồi ông Trần Khuê tuyên bố là đến năm 2007 sẽ có bầu cử Quốc hội có Quốc tế giám sát, họ có phản ứng gì đâu.

Như vậy có nghĩa là mình đã liên kết thành một lực lượng quyết liệt quyết tử lại được sự ủng hộ của các giai tầng trong xã hội, nhất là giới trí thức và các giới tôn giáo thì trước cái lực lượng mạnh mẽ như thế thì nó phải lùi và thực sự thì họ đã lùi. Đấy là kinh nghiệm của chúng tôi là như thế.
Dĩ nhiên cuộc đấu tranh này của chúng tôi hãy còn cam go. Sau khi giải phẫu lần thứ 3 xong thì chúng tôi sẽ về và sẽ tiếp tục đấu tranh còn quyết liệt hơn trước nữa.

Chúng tôi sẽ đấu tranh để bãi bỏ điều 4 hiến pháp, đòi bầu cử tự do có quốc tế giám sát và kêu gọi mọi đảng phái, thành phần giai tầng xã hội tham gia tranh cử. Và chúng tôi đã dám nói điều đó giữa thanh thiên bạch nhật điều đó chứng tỏ là chúng tôi có lực lượng lại được đồng bào ủng hộ từc thì phía bên kia phải lùi.

Rồi nếu như đồng bào ở hải ngoại đi đến chỗ liên kết nhau lại thành một lực lượng mạnh mẽ rồi liên kết với trong nước thì chúng tôi nghĩ là tình hình sẽ đi đến cái triển vọng rất là tốt đẹp. Bởi vì chúng tôi không sợ cơ mà! huống gì đồng bào hải ngoại có một cái điều kiện tốt đẹp hơn và sẽ chuẩn bị để tham gia bầu cử vào năm 2007. Chúng ta cứ đặt cái mục tiêu đó đi, ở trong nước chúng tôi dám đặt cái mục tiêu đó.

HLT: Những điều bác vừa trình bày thì nghe rất là hấp dẫn, nhưng điều quan trọng mọi người đều thấy là cái vũ khí quan trọng nhất là lãnh vực truyền thông thì phía bên phong trào dân chủ chỉ xử dụng internet mà thôi…

HMC: Chúng tôi sẽ ra một tờ báo điện tử.

HLT: Vâng ra báo điện tử nữa thì cũng tốt đấy. Trước đây ông Trần Độ xin ra báo rồi ông Trần Khuê xin ra hội chống tham nhũng nhưng họ đã không cho. Vậy vấn đề chính là cái phương tiện truyền thông báo chí, cộng sản họ nắm trong tay và họ sẽ dùng để bôi nhọ, đánh phá lực lượng đấu tranh của mình mà về phía mình thì không có cái phương tiện gì để đỡ hết, giải quyết như thế nào?
Ngoài ra, mình cũng muốn nhiều thứ lắm, nào là đòi phải bỏ điều 4 hiến pháp, bỏ điều 31CP, ra báo, được hội họp… trong một lực lượng giới hạn. Vậy mình có đặt cái thứ tự ưu tiên nào thật cụ thể để từng bước một, mình sẽ đạt được những cái thành quả mà mình muốn là dân chủ hóa Việt Nam không?


HMC: Về cái thứ tự ưu tiên thì chúng tôi đã đặt rồi, đó là phải xây dựng Phong trào dân chủ Việt Nam, chúng tôi đang tiến hành trong nước, cái phong trào đó đang tồn tại và mở rộng, nó cũng đưa ra cái mục tiêu rõ ràng là năm 2007 sẽ có bầu cử có quốc tế giám sát. Chúng tôi đang xây dưng cái lực lượng đó trong nước mà họ biết rất rõ. Trước khi sang Hoa Kỳ này, công an nó đã bảo: "Đấy, ông Hoàng Minh Chính, ổng chủ trương là ra tờ báo điện tử đấy" Họ báo trước khi tôi sang bên này, và như thế là họ quảng cáo dùm mình đấy. Đúng ra là cái phong trào dân chủ sẽ chủ trương ra một tờ báo điện tử và chúng tôi tuyên bố công khai: tờ báo điện tử sẽ ra vào tháng 12 cuối năm nay. Và chính cái tờ báo này sẽ là nơi tập hợp cái lực lượng dân chủ trong nước và các tiếng nói chính nghĩa vào trong tờ báo đấy.

Thế thì cái việc xây dựng cái lực lượng này ở trong nước nó cần một sự hổ trợ cực kỳ quan trọng, cái sự hổ trợ đó phải chính là đồng bào ở hải ngoại. Đồng bào sẽ đi đến thành lập một cái gọi là Phong trào dân chủ Việt Nam ở hải ngoại thế thì bây giờ các vị tiến hành cái việc đó đi. Nếu quý vị tiến hành thì đó là một sự hổ trợ rất lớn, còn nếu quý vị không làm cái công việc đó tức là quý vị đã từ bỏ trách nhiệm của mình trước quốc dân, đồng bào. Đấy là trách niệm quý vị phải gánh vác và gánh vác càng sớm chừng nào là sự đóng góp cho cuộc tranh đấu ở trong nước sớm chừng đó.
Tại sao chúng tôi dám tuyên bố công khai ở trong nước, chúng tôi tiến hành như thế, tập hợp như thế, mà công an nó không bắt đi? Bởi vì họ biết rằng nếu họ đụng tới người này hay người khác thì họ sẽ bị mất nhiều, bởi vì đây toàn là những người chính nghĩa cả, toàn là những người đại diện cho các tôn giáo. Như vậy, trước hết nó đòi hỏi chúng ta phải có trí tuệ, chúng tôi cho đó là tự do dân chủ cho đất nước, cái đó là cái chính nghĩa được toàn dân nhất trí. Ngay cả những người không biết chữ nữa cũng nhất trí vì đấy là cái sống còn của họ. Điều thứ hai nữa là chúng tôi không sợ tù đày, không sợ chết và chính cái đó làm cho phía đối phương phải chùn bước và phải kính phục chúng tôi.

Bây giờ chúng tôi sang bên này chữa bệnh, may mà chúng tôi thoát chết vì ông Bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi cho biết là sang bên này mới phát hiện là chúng tôi bị ung thư đại tràng mà nếu không phát hiện sớm là chỉ vài ba tháng nữa là tôi chết, may thế,. Thành ra chính Bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi đã cứu sống chúng tôi đây. Thế thì tôi đáp ơn ông ấy, đáp ơn đồng bào bằng cái gì? Tôi sẽ trở về nước tiếp tục đấu tranh đáp ơn đồng bào hải ngoại đang xây dựng phong trào dân chủ. Thế thì đồng bào bây giờ cũng làm sao để đáp ứng cái mong mỏi của đồng bào ở trong nước là được sự hổ trợ của quý vị. Đấy là cái điều mà tôi rất mong mỏi.

Sau cùng, xin đồng bào hải ngoại hãy kiểm tra chúng tôi, xem chúng tôi có xứng đáng với lòng tin của đồng bào hải ngoại không? Đây là chúng tôi đề nghị với đồng bào và chúng tôi mong đồng bào làm sao để đi đến chỗ là xứng đáng với lòng tin của đồng bào ở trong nước.

HLT: Xin cám ơn và chúc bác thành công trong chuyến đi này.

SaigonUSA hoan nghênh ý kiến đóng góp của qúy vị độc giả. Xin type vào Comment Box ở dưới đây và nhấn vào nút "Submit" để gởi đi:

TÊN, HỌ / NAME:  
 E M A I L:  

Ý KIẾN /  COMMENT:  

 





Copyright © 1997-2005  SaigonUSA News. All rights reserved.